Lời Sống

Tháng Giêng 2020

“Dân địa phương đối sử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (TDCV 28, 2)

 

Hai trăm bẩy mươi sáu người bị đắm tầu đến được bờ biển một hải đảo trên biển Địa-trung-hải, sau hai tuần lể trôi dạt. Họ ướt đẫm, mệt lả, sợ hãi; họ đã trải nghiệm sự bất lực trước sức mạnh thiên nhiên và đã nhìn thấy tận mắt cái chết. Trong số những người đó có một tù nhân trên đường đến Roma để được hoàng- đế xét xử.

Đúng vậy, bởi vì ghi chép lịch sử này không đến từ bản tin trong những ngày này, mà là bản tường thuật về một kinh nghiệm của tông đồ Phao-lô bị dẫn đến Roma để kết thúc sứ mạng của ông là người rao giảng Tin mừng qua chứng tá tử đạo.

Được lòng tin không lay chuyển vào sự quan phòng của Thiên Chúa hỗ trợ, mặc cho tình cảnh một tù nhân, thánh nhân đã có thể nâng đỡ tất cả những đồng bạn bị rủi ro cho đến lúc lên được bãi biển Man-ta.

Ở đó dân địa phương đến gặp họ, tụ họp chung quanh một đống lửa lớn để lấy lại sức và sau đó giúp đỡ họ. Vào cuối mùa đông, sau chừng ba tháng trời, dân chúng cho họ những gì cần thiết để được bảo đảm lên đường.

“Dân địa phương đối sử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có”

Thánh Phao-lô và những người bị đắm tầu cảm nghiệm lòng nhân đạo nồng ấm và cụ thể của một dân chưa được biết ánh sáng Tin mừng. Đó là một cuộc đón tiếp không vội vã và tầm thường, mà họ biết đặt mình phục vụ người khách, không có định kiến văn hóa, tôn giáo hoặc xã hội. Để thực hiện điều đó cần phải có sự đóng góp của mỗi người và toàn thể cộng đoàn.

Khả năng đón nhận người khác thuộc về DNA của mỗi người, như thụ tạo họ có nơi mình hình ảnh của Chúa Cha nhân từ, cả khi đức tin Kitô  chưa được thắp sáng hoặc bị tàn lụi. Đó là một luật được viết trong tâm khảm con người, mà Lời Chúa làm nổi bật và đánh giá cao, từ ông Ap-ra-ham[1] cho đến mạc khải làm kinh ngạc của Chúa Giêsu: “Xưa ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp”[2]

Chính Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của ân sủng Người, để ý chí mong manh của chúng ta đạt đến được tình yêu Kitô trọn hảo.

Với kinh nghiệm này, thánh Phao-lô cũng dạy chúng ta đặt tin tưởng vào sự can thiệp quan phòng của Thiên Chúa, nhìn nhân và coi trọng cái tốt nhận được qua lòng yêu thương cụ thể của nhiều người chúng ta gặp trong cuộc sống của ta.

“Dân địa phương đối sử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có”

Câu này trong sách Công vụ Tông đồ được đề ra cho các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo hội trên đảo Man-ta, như khẩu hiệu cho Tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất người Kitô năm 2020.

Những cộng đoàn này cùng nhau nâng đỡ nhiều sáng kiến ủng hộ người nghèo và người nhập cư: phân phát đồ ăn, quần áo và đồ chơi cho các trẻ em, dạy học tiếng Anh giúp cho việc hội nhập xã hội. Mong ước của họ là tăng cường khả năng đón tiếp này, nhưng cũng bồi dưỡng sự hiệp thông giữa các Kitô hữu thuộc nhiều giáo hội khác nhau, để làm chứng cho một đức tin duy nhất.

Và chúng ta, làm sao ta làm chứng cho những người  anh em tình yêu của Thiên Chúa? Làm thế nào góp phần vào việc xây dựng những gia đình hiệp nhất, những thành phố liên kết, những cộng đoàn xã hội thực sự nhân bản? Chị Chiara Lubich đã đề ra cho chúng ta như sau:

“Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho chúng ta là mến yêu có nghĩa là đón nhận người khác như chính con người họ, theo cách thế Chúa đã đón nhận mỗi người chúng ta. Đón nhận người khác, với những thị hiếu của họ, những ý tưởng của họ, những khuyết điểm của họ, sự khác biệt của họ. […] Hãy dành chỗ cho họ trong lòng ta, bằng cách cất đi khỏi tâm hồn ta mọi thái độ đề phòng, xét đoán và bản năng từ chối. […] Chúng ta không đem lại cho Thiên Chúa một vinh quang lớn lao nào như khi ta nỗ lực tiếp nhận người bên cạnh ta, bởi vì lúc đó chúng ta đặt nền tảng cho sự hiệp thông huynh đệ và không gì đem lại niềm vui cho Thiên Chúa bằng sự hiệp nhất đích thực giữa con người. Hiệp nhất lôi kéo sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta và sự hiện diện của Người biến đổi mọi sự. Vậy chúng ta hãy đến gần người bên cạnh với mong ước tiếp nhận họ với hết tâm hồn và sớm muộn xây dựng với họ lòng yêu thương nhau”[3].

 

Letizia Magri

 



[1] Xem Sáng thế 18, 1-16.

[2] Mt 25, 35.

[3] C. Lubich, Parola di Vita dicembre 1986, in eadem, Parole di Vita, a cura di Fabio Ciardi (Opere di Chhiara Lubich 5; Città Nuova, Roma 2017) pp. 375-376.