Lời Sống

Tháng Bảy 2020

 

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

(Mat-thêu 12, 50)

Tin mừng Mat-thêu kể lại một chuyện xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu xem ra không mấy quan trọng: đó là mẹ và các anh em Người đến Ca-phác-na-um nơi Người đang sống với các môn đệ để loan báo cho mọi người tình yêu của Chúa Cha. Có lẽ họ đã phải đi bộ xa để gặp Người, và muốn nói chuyện với Người. Họ không vào chỗ Chúa Giêsu đang ở lúc đó, mà nhờ người nhắn tin: “Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn nói chuyện với Thầy.”

Chắc chắn gia đình là chiều kích rất quan trọng cho dân It-ra-el: chính dân tộc này được coi là “con” Thiên Chúa, kẻ thừa kế những lời hứa của Chúa và những nguời thuộc về dân này được coi là “anh em” với nhau.

Nhưng Chúa Giêsu mở ra một viễn tượng bất ngờ: với một cử chỉ trang trọng bằng tay Người chỉ các môn đệ và nói:

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

Chúa Giêsu mạc khải cho thấy một chiều kích mới: bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận mình thuộc về gia đình này, nếu người đó nỗ lực hiểu biết ý muốn của Cha duy nhất và chu toàn ý ấy.

Bất kỳ ai: lớn hoặc bé, đàn ông hay phụ nữ, khỏe mạnh hay bệnh tật, thuộc mọi văn hóa và vị trí xã hội. Bất kỳ ai: mọi người đều mang trong mình hình ảnh Thiên Chúa Tình yêu. Hơn nữa, mọi người đều là đối diện với Thiên Chúa, có thể nối kết với Người một mối quan hệ hiểu biết và thân thiện.

Như vậy bất kỳ ai đều có thể thực thi ý muốn của Thiên Chúa là mến yêu Chúa và mến yêu người anh chị em. Và, nếu chúng ta mến yêu thì Chúa Giêsu nhìn nhận chúng ta là người nhà: anh chị em của Người. Đó là dịp tốt nhất cho chúng ta, làm ta kinh ngạc: nó giải thoát ta khỏi quá khứ, khỏi những sợ hãi, khỏi những kế hoạch của mình. Trong viễn tượng này cả những giới hạn và những yếu đuối của ta đều có thể là bàn đạp thúc đẩy ta đến chỗ thể hiện chính mình. Tất cả đều đưa đến một bước tiến về phẩm chất.

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

Một cách nào đó chúng ta còn có thể là mẹ Chúa Giêsu. Như Đức Mẹ, người đặt mình phục vụ Thiên Chúa từ giây phút truyền tin cho đến Can-va-ri-ô và sau đó cho cuộc nảy sinh của Giáo hội, như thế mỗi người chúng ta cũng có thể  làm cho Chúa Giêsu sinh ra và tái sinh nơi minh bằng cách sống Tin mừng và, qua lòng bác ái với nhau, góp phần vào việc làm cho Chúa Giêsu sinh ra trong cộng đồng.

Cũng như Chị Chiara Lubich đã mời gọi, khi ngỏ lời với những người muốn sống Lời Chúa: ‘Anh chị em hãy nên một gia đình’. Có người nào trong anh chị em đang đau khổ vì những thử thách tinh thần hoặc luân lý sao? Hãy thông cảm với họ, như người mẹ và còn hơn nữa. Hãy dọi sáng cho họ bằng lời nói của mình và qua gương sáng của anh chị em. Đừng để cho họ thiếu sư đầm ấm của một gia đình, mà còn tăng thêm nữa. Có người nào trong anh chị em phải đau đớn nơi thể xác sao? Ước mong họ nên những người anh chị em chúng ta yêu chuộng hơn cả.[…] Đừng bao giờ đặt bất kỳ sinh hoạt nào […] trước tinh thần nên một gia đình với những người anh chị em đang cùng chung sống. Bất kỳ anh chị em đi đâu để mang lý tưởng của Đức Kitô, […] anh chị em sẽ không làm gì tốt hơn là tìm cách tạo nên tinh thần gia đình, một cách thận trọng và khôn ngoan, nhưng với xác tín vững vàng. Đó là một tinh thần khiêm tốn: nó ước muốn điều tốt nhất cho mỗi người; nó không tự phụ […] đó là đức ái đích thực[1],

“Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá ra trong cuộc sống hàng ngày nhiệm vụ mà Chúa Cha trao phó cho mình để xây dựng gia đình nhân loại.

Tại một khu phố ở thành phố Homs thuộc nước Si-ri-a, trên một trăm năm mươi trẻ em, đa số theo Hồi giáo, tham dự lớp sau giờ học tại một trường của giáo hội hy-lạp chính-thống. Chị Sandra người điều khiển kể như sau: “Chúng tôi đón tiếp và giúp đỡ các trẻ em, qua một nhóm giáo viên và chuyên gia, trong một bầu khí gia đình dựa trên đối thoại và khuyến khích những giá trị. Rất nhiều trẻ em bị đánh dấu bởi chấn thương và đau khổ. Một số em lãnh đạm, những em khác hung hãn. Chúng tôi mong muốn gây lại thái độ tin tưởng nơi chính các em và nơi người khác. Đang khi phần lớn các gia đình bị phân tán vì chiến tranh, ở đây các em tìm được ước muốn và hi vọng bắt đầu lại”.

 

Letizia Magri



[1] Chiara Lubich, in Gen’s, 30 (2000}, p. 42


LỜI SỐNG 2020