Lời Sống

Tháng Tám 2020

“Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô”

(Ro-ma 8, 35)

Lá thư Tông đồ Phao-lô viết cho các tín hữu Ki-tô ở Rô-ma là một bản văn đặc sắc có nội dung dồi dào. Thực vậy ở đó thánh nhân diễn tả sức mạnh của Tin mừng trong cuộc sống của người đón nhận, cuộc cách mạng mà lời loan truyền này mang lại: đó là tình yêu của Thiên Chúa giải thoát chúng ta!

Tông đồ Phao-lô đã trải nghiệm và muốn làm chứng về điều đó,với lời nói và gương mẫu. Lòng trung thành của thánh nhân với ơn kêu gọi của Thiên Chúa sẽ đưa ngài đến chính Rô-ma, nơi thánh nhân sẽ hiến mạng sống cho Chúa.

“Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô”

Trước đó không lâu, thánh Phao-lô đã khẳng định: “Thiên Chúa ở với chúng ta!” (Rm 8, 31). Đối với thánh nhân tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là tình yêu của người hôn phu trung thành, không bao giờ bỏ rơi người hôn thê, đã được tự do kết hiệp bằng mối dây không thể tách rời, mối dây đã được trả bằng chính máu quý trọng của Người.

Như vậy Thiên Chúa không phải là vị thẩm phán, mà trái lại là người nhận lấy việc bênh vực chúng ta.

Vì thế không gì có thể tách rời ta ra khỏi Thiên Chúa, qua cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu, Con yêu dấu.

Không có khó khăn nào, lớn hay nhỏ, mà ta có thể gặp nơi mình và bên ngoài là chướng ngại không thể vượt qua nhờ tình yêu Thiên Chúa. Hơn thế, thánh Phao-lô còn nói, chính trong những hoàn cảnh này, người nào tín thác nơi Thiên Chúa và phó mình nơi Người thì người đó là “người toàn thắng”! (Xem Rm 8, 37)

Trong thời đại của những siêu anh hùng và siêu nhân của chúng ta, những người cho là họ thắng được mọi sự với thái độ kiêu căng và quyền hành, thì đề xuất của Tin mừng là lòng nhu mì xây dựng và thái độ mở rộng ra những lý lẽ của người khác.

“Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô”

Gợi ý của Chị Chiara Lubich có thể giúp chúng ta sống tốt Lời này:

Chắc chắn chúng ta tin, hay ít là nói mình muốn tin, vào tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên nhiều lần […] lòng tin của chúng ta không đủ can đảm như cần phải có. […] trong những lúc thử thách, như trong lúc bệnh tật hoặc trong cơn cám dỗ. Lúc đó chúng ta bị sự nghi ngờ tấn công: “Có thật là Thiên Chúa yêu thương tôi không?”.Và trái lại không: chúng ta không được nghi ngờ. Ta phải tin tưởng phó thác hoàn toàn vào tình yêu Chúa Cha. Chúng ta phải vượt trên sự tối tăm và trống rỗng ta có thể cảm nhận, bằng cách chấp nhận thập gía. Và sau đó xả thân mến Chúa bằng cách chu toàn ý muốn của Người và mến yêu người bên cạnh. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ nghiệm được cùng với Chúa Giêsu sức mạnh và niềm vui của cuộc phục sinh. Chúng ta sẽ cảm nhận rằng điều đó là đích thực: đối với người tin và phó thác cho tình yêu của Chúa, thì mọi sự biến đổi: cái tiêu cực trở thành tích cực; sự chết trở nên nguồn sự sống và từ chốn tối tăm chúng ta sẽ thấy hiện lên một ánh sáng tuyệt diệu” (Parola di vita Agosto 1987).

“Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô”

Cả trong thảm kịch mờ mịt của chiến tranh, người tiếp tục tin vào tình yêu Thiên Chúa thì mở lòng ra nhân loại: “Nước chúng tôi rơi vào một cuộc chiến vô lý, tại miền Ban-căng này. Trong đội ngũ của tôi cũng có những bộ đội đến từ tiền tuyến, bị nhiều chấn thương bên trong, vì họ đã nhìn thấy những người thân và bè bạn chết trước mắt. Lúc đó tôi không thể làm gì khác hơn là yêu thương từng người bao nhiêu có thể. Trong rất ít lúc dừng chân, tôi tìm cách nói với họ về nhiều điều mà một người mang trong lòng trong cảnh huống như vậy, nhưng chúng tôi cũng đi đến chỗ nói về Thiên Chúa, vì nhiều người trong số đó không tin gì. Một trong những lúc lắng nghe như vậy, tôi đề nghị mời một linh mục đến dâng thánh lễ. Tất cả mọi người đều chấp nhận và vài người còn đến xưng tội sau hai mươi năm trời. Tôi có thể nói rằng lúc đó Thiên Chúa ở đó với chúng tôi”.

Letizia Magri

 

 


LỜI SỐNG 2020