Lời Sống

Tháng Mười Một 2021

"Phúc thay người xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9)

Tin mừng Mat-thêu được viết bởi một tín hữu Ki-tô xuất thân từ môi trường Do-thái giáo thời đó; vì thế bản văn chứa đựng nhiều kiểu nói điển hình của truyền thống văn hóa và tôn giáo này.

Trong chương 5, Chúa Giêsu được trình bày như một Mô-sê mới, Người lên núi để loan báo bản chất của Luật Thiên Chúa: đó là điều răn thương yêu. Để nói lên tính cách long trọng của giáo huấn này, Tin mừng nói với chúng ta là Người ngồi xuống, như một vị thầy.

Không chỉ có thế, Chúa Giêsu còn là chứng nhân đầu tiên cho điều Người loan báo. Điều này nổi bật rõ ràng khi Người tuyên dương những mối Phúc, chương trình của toàn thể cuộc sống Người. Trong những lời này nổi bật tính triệt để của tình yêu thương Ki-tô, với những hoa quả là phúc lành và niềm vui tràn đầy. Đó chính là Chân Phúc.

"Phúc thay người xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa"

Trong Kinh thánh, hòa bình, Sha-lôm trong tiếng Do-thái, chỉ trạng thái hài hòa của con người với chính mình, với Thiên Chúa và với những gì chung quanh; ngày nay, đó cũng còn là lời người ta chào nhau, như lời cầu chúc một cuộc sống trọn vẹn. Trước hết hòa bình là ơn Chúa ban, nhưng cũng được phó thác cho sự tuân thủ của chúng ta.

Trong tất cả các mối phúc, mối phúc này nói lên như điều tích cực nhất, mời gọi chúng ta ra khỏi tính dửng dưng để trở nên những người xây dựng sự hòa hợp bắt đầu từ chính chúng ta và chung quanh chúng ta, bằng cách dùng trí thông minh, tấm lòng và cánh tay. Điều này đòi sự dấn thân lo cho người khác, chữa lành những vết thương và những chấn thương cá nhân cũng như xã hội do tính ích kỷ gây ra đưa đến chia rẽ, thúc đẩy mọi nỗ lực theo đường hướng này.

Như Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, Đấng chu toàn sứ mạng của Người khi hiến mạng sống để kết hợp con người lại với Chúa Cha và đưa trở lại trần gian tình huynh đệ. Vì vậy, bất kỳ ai xây dựng hòa bình thì người đó đều giống Chúa Giêsu và được nhìn nhận như Người, là con Thiên Chúa.

"Phúc thay người xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa"

Theo Chúa Giêsu chúng ta cũng có thể biến đổi mỗi ngày sống nên “một ngày hòa bình”, bằng cách chấm dứt những cuộc chiến lớn hay nhỏ diễn ra chung quanh ta. Để thực hiện giấc mơ này thì cần phải xây đắp những mạng lưới huynh đệ cùng liên đới, đưa tay giúp đỡ, nhưng cũng để đón nhận sự trợ giúp.

Cũng như chị Denise và anh Alessandro kể lại: “Khi biết nhau, chúng tôi rất hợp nhau. Rồi chúng tôi kết hôn và thời gian đầu rất đẹp, cũng vì con cái sinh ra. Với thời gian bắt đầu nổi lên những sóng gió, không còn một hình thức đối thoại nào giữa chúng tôi nữa, mà mọi sự đều là dịp để liên tục cãi cọ. Chúng tôi đã quyết định ở lại với nhau, nhưng chúng tôi tiếp tục rơi vào những sai lầm cũ. Một hôm, một cặp vợ chồng bạn hữu đã đề nghị chúng tôi tham dự một tiến trình nhằm giúp đỡ những cặp vợ chồng gặp khó khăn. Chúng tôi đã không chỉ gặp những người có khả năng và được chuẩn bị, mà gặp “một gia đình của các gia đình”, với họ chúng tôi đã chia sẻ những vấn đề của chúng tôi: chúng tôi không còn cô đơn nữa! Một ánh sáng đã lại được thắp lên, nhưng đó chỉ là bước đầu: khi về nhà không dễ dàng gì và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn còn vấp ngã. Điều giúp cho chúng tôi là chăm sóc cho nhau, với quyết tâm bắt đầu lại và tiếp tục giữ liên lạc với những người bạn mới này, để cùng nhau tiến bước”.

 

An bình, niềm an bình của Chúa Giêsu, như Chị Chiara Lubich nói, “đòi chúng ta một tấm lòng và những con mắt mới để yêu thương và nhìn nơi tất cả mọi người những ứng cử viên của tình huynh đệ đại đồng”.

Và Chị nói tiếp: “Chúng ta có thể tự hỏi: “Cả tại những chung cư hay cãi cọ nhau sao? Cả nơi những người bạn đồng nghiệp ngăn cản sự nghiệp của tôi sao? Cả những người hoạt động trong một đảng phái khác hay trong một đội banh đối thủ sao? Cả nơi những người thuộc tôn giáo hay quốc tịch khác với tôi sao?” Phải, mỗi người đều là anh chị em của tôi. An bình khởi sự chính ở đó, từ mối liên hệ tôi biết thiết lập với mỗi người bên cạnh. “Sự dữ nảy sinh từ cõi lòng con người”, ông Igino Giordani đã viết, và “để cất bỏ nguy hiểm chiến tranh thì cần phải cất bỏ tinh thần hiếu chiến, tính lợi dụng và lòng ích kỷ, gây niên chiến tranh: cần phải lập lại lương tâm” (L’inutilità della guerra, Roma 2003, p. 111). Thế giới biến đổi nếu ta biến đổi, […] nhất là bằng cách nêu bật điều hợp nhất chúng ta, thì ta sẽ có thể góp phần tạo nên một tâm thức hòa bình và cùng nhau làm việc cho lợi ích của nhân loại. [..] Chính lòng yêu thương, cuối cùng, sẽ thắng, bởi vì nó mạnh hơn mọi sự. Chúng ta hãy thử sống như vậy trong tháng này, để nên men cho một nền văn hóa mới của hòa bình và công lý. Chúng ta sẽ thấy lại nẩy sinh nơi chúng ta và chung quanh một nhân loại mới” (Lời sống tháng hai 2004).

 

Letizia Magri

 

 


LỜI SỐNG 2021