Lời Sống

Tháng Hai 2022

“Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”

(Gioan 6,37)

 

Lời khẳng định này của Chúa Giêsu nằm trong bài đối thoại với đám đông dân chúng, sau dấu lạ bánh hóa nhiều dư dật, họ đi tìm Người và đòi một dấu chỉ nữa để họ tin Người.

Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết chính Người là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa; hơn thế, Người là Con đã được Chúa Cha trao sứ mạng đón nhận và đưa về nhà Cha mọi thụ tạo, đặc biệt mọi người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Thực vậy, bởi vì chính Chúa Cha đã khởi sự và lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu (Ga 6,44), đã đặt trong lòng mỗi người ước muốn một cuộc sống hoàn hảo, hiệp thông với Thiên Chúa và với đồng loại.

Như vậy Chúa Giêsu không từ chối một ai, mặc cho họ có thể cảm thấy mình xa rời Thiên Chúa, vì đây là ý muốn của Chúa Cha: không để mất người nào.

“Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”

Đây thực sự là một tin mừng: Thiên Chúa yêu thương mọi người vô ngần, sự âu yếm của Người và lòng xót thương của Người hướng đến tất cả mọi người. Người là Cha nhẫn nại và nhân từ, chờ đợi bất cứ ai khởi sự bước đi theo tiếng nói nội tâm.

Chúng ta thường mắc chứng nghi ngờ: tại sao Chúa Giêsu lại phải đón nhận tôi? Người muốn gì nơi tôi? Thực tế Chúa Giêsu chỉ đòi ta để cho Người lôi kéo, bằng cách giải tỏa cõi lòng khỏi tất cả mọi sự ngăn cản Người, để tin tưởng nhận lấy tình yêu nhưng không của Người.

Nhưng đó cũng là lời mời gọi đòi tinh thần trách nhiệm của ta. Thực vậy, nếu chúng ta cảm nghiệm sự âu yếm tràn ngập từ Chúa Giêsu, thì ta cảm thấy bị thúc đẩy đón nhận Người nơi mỗi người thân cận (Mt 25,45): người nam người nữ, người già người trẻ, người khỏe mạnh người bệnh tật, người cùng văn hóa hay không… Và chúng ta không loại trừ ai.

“Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”

Tại thành phố Québec (nước Canada), một cộng đoàn sống Lời Chúa dấn thân đón tiếp nhiều gia đình di dân đến nước này: từ Pháp, Ai-cập, Si-ri, Li-băng, Congo… Tất cả mọi người đều được đón tiếp và giúp đỡ, để có thể hội nhập. Điều này có nghĩa là trả lời cho rất nhiều câu hỏi của họ, điền vào những giầy tờ liên quan đền tình trạng di cư hoặc thường trú, điều phối trường học của con cái họ, cùng đi với họ để khám phá ra khu vực họ sống. Rồi cũng quan trọng ghi tên vào những khóa học tiếng Pháp và tìm việc làm.

Anh Guy và chị Micheline viết như sau: “Một gia đình người Si-ri bỏ chạy chiến tranh đến Canada, họ gặp một gia đình khác vừa tới nơi và còn lạ lẫm. Qua mạng lưới xã hội, gia đình này đã kích hoạt mạng liên đới và nhiều bạn hữu đã tìm được những thứ cần thiết: giường ngủ, ghế sô-pha, bàn ghế, muỗm nĩa, quần áo, sách và những đồ chơi cho trẻ em, tất cả đã được các trẻ em của các gia đình chúng tôi tự động hiến tặng vì được các cha mẹ động viên. Họ đã nhận được nhiều hơn là họ cần và đến lượt mình chính họ đã giúp đỡ những gia đình nghèo khác trong chung cư. Lời sống tháng đó đã đến đúng lúc: “Hãy thương yêu người bên cạnh như chính mình”.”

“Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”

Đây, chúng ta có thể sống Lời Sống tháng này: bằng cách, như từng người riêng rẽ và như cộng đoàn, làm chứng cho sự gần gũi của Chúa Cha đối với mỗi người bên cạnh,.

Bài suy niệm của Chị Chiara Lubich về tình yêu thương sẽ giúp chúng ta sống điều đó. Chị viết “Tình yêu thương là “… […] tình yêu làm nới rộng cõi lòng và vòng tay đến những người bần cùng. […] đến những người bị cuộc sống xé nát, đến những người tội lỗi hối cải. Một tình thương biết đón nhận người bên cạnh lầm đường, người bạn, người anh em hay người xa lạ, và tha thứ cho họ vô vàn lần. […] Một tình yêu không tính toán và sẽ không bị đo lường. Đó là lòng bác ái mở ra phong phú hơn cả, phổ quát hơn cả, cụ thể hơn là lòng bác ái tâm hồn có trước đó. Thực vậy, tâm hồn cảm thấy nẩy sinh nơi mình những tình cảm giống như của Chúa Giêsu, nhận thấy nở ra trên môi mình những lời thần thiêng với tất cả những người mình gặp: “Tôi chạnh lòng thương đám đông” (Xem Mt 15,32). […] Lòng xót thương là diễn tả cuối cùng của lòng bác ái, là cái thực hiện lòng bác ái. Và lòng bác ái vượt trên đau khổ, bởi vì đau khổ chỉ thuộc đời này, đang khi tình yêu kéo dài cả đến đời sau. Thiên Chúa chuộng lòng xót thương hơn hy lễ”[1]

Letizia Magri



[1] C. Lubich, Quando si è conosciuto l’amore, in La dottina spirituale, Città Nuova, Roma 2006, pp. 140-141.


LỜI SỐNG 2022