Lời Sống

Tháng Ba 2022

“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”

(Mat-thêu 6, 12)

Lời Sống tháng này trích từ lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: Kinh Lạy Cha. Đó là lời cầu nguyện bắt nguồn từ truyền thống Do-thái. Những người Do-thái cũng gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con”.

Khi vừa đọc lên, những lời trong câu này khắc sâu nơi chúng ta điều: có phải chúng ta cũng có thể xin Chúa xóa bỏ những món nợ của mình, như bản văn Hi-lạp đề xuất, cùng một cách như chúng ta có thể làm với người mắc nợ chúng ta không? Khả năng tha thứ của chúng ta thì bao giờ cũng giới hạn, hời hợt, có điều kiên.

Nếu Thiên Chúa đối xử với chúng ta theo mức độ của chúng ta thì đó sẽ chính là phải kết án thực sự!

“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con”n

Trái lại đó là những lời quan trọng, trước tiên, nói lên ý thức cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chinh Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ những lời này, và như vậy dạy tất cả những người đã nhận phép rửa, để với những lời này họ có thể dễ dàng thưa với Chúa Cha.

Chỉ sau khi đã đón nhận ơn của Chúa, tình yêu vô biên của Người, chúng ta mới có thể xin Chúa Cha mọi sự, cả việc xin làm cho chúng ta càng ngày càng nên giống như Người, đến chỗ có khả năng tha thứ những người anh chị em với lòng đại lượng mỗi ngày.

Mỗi hành động tha thứ đều là một chọn lựa tự do và ý thức, phải luôn luôn lặp lại cách khiêm tốn. Đó không bao giờ là một thói quen, mà là một tiến trình đòi hỏi, điều Chúa Giêsu dạy ta xin mỗi ngày như của ăn.

“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con”

Biết bao lần những người ta cùng chung sống trong gia đình, nơi hàng xóm, nơi làm việc, có thể sai lỗi với chúng ta và khó lấy lại mối quan hệ tích cực. Phải làm gi đây? Chính ở đây chúng ta có thể xin ơn bắt chước Chúa Cha:

”[…] Chúng ta hãy thức dậy ban sáng với thái độ “ân xá” hoàn toàn trong tâm hồn, với lòng thương yêu che phủ mọi sự, đón nhận người khác theo con người họ, với những giới hạn, khó khăn của họ, giống như một người mẹ đối với đứa con sai lầm: lúc nào bà cũng bao che, tha thứ, hi vọng nơi đứa con… Chúng ta hãy đến với mỗi người, nhìn họ với con mắt mới, như thể chưa hề mắc phải những khuyết điểm đó. Mỗi lần chúng ta hãy bắt đầu lại, biết rằng Thiên Chúa không chỉ thứ tha mà còn quên đi: đó cũng là mức độ đòi nơi chúng ta” (Chiara Lubich, Lời sống tháng mười 2004).

Đó là một đích điểm cao vời, chúng ta có thể tiến đến với sư giúp đỡ của lời cầu nguyện tín thác.

“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con”

Tiếp đến toàn thể kinh Lạy Cha có viễn tượng “chúng ta”, viễn tượng tình huynh đệ: tôi không chỉ xin cho riêng mình, mà còn cho người khác và cùng với người khác. Khả năng tha thứ của tôi được nâng đỡ bởi lòng thương yêu của người khác và mặt khác một cách nào đó lòng thương yêu của tôi có thể cảm nhận chính lầm lỗi của ngưòi anh em: có lẽ điều đó cũng tùy thuộc nơi tôi, có thể tôi đã không làm hết phấn của mình để người đó cảm thấy mình được đón nhận, thông cảm…

Tại thành phố Palermo nước Ý, các cộng đoàn Ki-tô sống một kinh nghiệm đối thoại căng thẳng, đòi phải vượt trên một số khó khăn. Anh Ba-gio và chị Zi-na kể lại: “Một hôm một mục sư quen biết mời chúng tôi đến thăm một số gia đình trong cộng đoàn của ông chưa biết chúng tôi. Chúng tôi mang theo một vài món để chia sẻ với họ trong bữa ăn trưa, nhưng những gia đình này cho chúng tôi hiểu là họ không được hài lòng về cuộc gặp gỡ này. Lúc đó chị Zi-na ân cần mời họ nếm thử một vài đặc sản chị đã nấu và cuối cùng chúng tôi cùng nhau ăn bữa trưa. Sau bữa họ bắt đầu nói rõ những khuyết điểm họ nhận thấy nơi cộng đoàn chúng tôi. Vì không muốn đi vào cuộc khẩu chiến, chúng tôi cho họ biết khuyết điểm nào hoặc khác biệt nào giữa các Giáo hội có thể ngăn cản các tín hữu thương yêu nhau? Vì quen với những cuộc đấu khẩu, họ lấy làm lạ và không còn chống cự trước một câu trả lời như vậy và chúng tôi khởi sự nói về Tin mừng và điều hợp nhất các tín hữu, điều chắc chắn nhiều hơn là những gì chia rẽ họ. Đến lúc chia tay họ không muốn chúng tôi ra đi; lúc đó chúng tôi đề nghị đọc kinh Lạy Cha. Trong khi đọc kinh chúng tôi cảm nhận mạnh mẽ sự hiện diện của Chúa. Những gia đình này bắt chúng tôi hứa là sẽ trở lại, vì họ muốn chúng tôi gặp toàn thể cộng đoàn và điều này đã xảy ra trong suốt những năm này.

 

Letizia Magri

 


LỜI SỐNG 2022