Lời Sống

Tháng Chín 2022

“Cho dầu là một người tự do, không lệ thuộc vào ai,

 tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.”

(1Co rin tô 9, 19)

 

Lời Sống tháng này trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi các Ki-tô hữu tại Cô-rin-tô. Lúc đó thánh nhân đang ở Ê-phê-sô và qua những lời này thánh nhân tìm cách đưa ra một loạt những câu trả lời cho các vấn đề nảy sinh trong cộng đoàn Hi-lạp ở Cô-rin-tô, một thành phố quốc tế và trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng vì đền thờ thần A-phơ-rô-đi-ta, nhưng cũng vì nạn tham nhũng đã thành châm ngôn.

Những người tiếp nhận lá thư là những người đã trở lại đức tin Ki-tô từ ngoại giáo mấy năm trước nhờ lời rao giảng của thánh tông đồ. Một trong những tranh luận chia rẽ cộng đoàn là  về sự kiện có thể ăn thịt đã được cúng thần trong nghi lễ ngoại giáo hay không. Nhấn mạnh đến sự tự do chúng ta có trong Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đưa ra một phân tích rộng rãi về việc phải xử sự thế nào trước những chọn lựa và đặc biệt dừng lại ý niệm tự do.

“Cho dầu là một người tự do, không lệ thuộc vào ai,

tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.”

Bởi vì các Ki-tô hữu biết rằng “ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất” (8, 4), nên ăn hay không ăn thịt cúng thần trở thành vô tư. Nhưng có vấn đề, khi một Ki-tô hữu đang đứng trước người chưa có được ý thức này, chưa có sự hiểu biết này về lòng tin và với thái độ của mình người ấy có thể xúc phạm đến một lương tâm còn yếu đuối.

Khi sự hiểu biết và lòng mến yêu bị đe dọa, thì đối với thánh Phao-lô không còn nghi ngờ: người môn đệ phải chọn lòng mến yêu, cả khi phải từ bỏ sự tự do của mình, cũng như Đức Ki-tô đã làm, Người đã tự do nên đầy tớ vì lòng mến yêu.

Thái độ chú ý đến người anh em yếu đuối, đối với người có một lương tâm mong manh và không hiểu biết nhiều là điều cơ bản. Mục đích là “chinh phục thêm”, theo nghĩa đem đến cho nhiều người sự sống tốt đẹp của Tin mừng.

“Cho dầu là một người tự do, không lệ thuộc vào ai,

tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.”

Như chị Chiara Lubich đã viết: “Nếu ta được tháp nhập vào Đức Ki-tô, nếu ta trở nên Người, thì việc có những chia rẽ, những tư tưởng trái nghịch nhau, là chia rẽ Đức Ki-tô. […] Nếu, […] giữa những Ki-tô hữu thời ban đầu có nguy cơ phá đổ sự đồng tâm, thì họ được khuyên nên bỏ qua những ý tưởng của mình, miễn là giữ được tình bác ái. […] Ngày nay cũng vậy: đôi khi cho dầu xác tín là một cách tư duy nào đó tốt hơn cả, nhưng Chúa khuyên chúng ta, để giữ được tình bác ái với mọi người, thì đôi khi từ bỏ những ý tưởng của mình thì tốt hơn, tuy kém hoàn hảo mà đồng ý với người khác thì hơn là hoàn hảo mà bất đồng.

Và việc uốn mình thì hơn là bẻ gẫy này, một trong những đặc tính, có thể đau đớn, nhưng cũng có hiệu quả hơn và được Chúa chúc phúc, là điều giữ được sự hiệp nhất theo tư tưởng đích thực nhất của Đức Ki-tô, và như vậy cũng biết coi trọng giá trị của sự hiệp nhất” (Arte di amare, Città Nuova, Roma 2005, p. 120-121).

“Cho dầu là một người tự do, không lệ thuộc vào ai,

tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.”

Kinh nghiệm của Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn-văn-Thuận, người trải qua mười ba năm tù, trong đó chin năm hoàn toàn biệt giam, làm chứng rằng khi lòng mến yêu là đích thực và vô vị lợi, thì nó làm nẩy sinh tình yêu đáp lại. Trong lúc bị giam cầm ngài được trao cho năm người lính canh, nhưng những thủ trưởng quyết định cứ hai tuần thay đổi một nhóm khác, kẻo họ bị ông giám mục đầu độc. Cuối cùng họ quyết định giữ nguyên một nhóm, bằng không tất cả lính canh tù đều bị đầu độc. Chính ngài đã kể lại như sau: “Lúc đầu lính canh không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời có, không. […] Một đêm tôi nảy ra ý nghĩ: “Phan-xi-cô, anh còn giầu qúa, anh có tình yêu của Chúa Giêsu trong lòng; hãy mến yêu như Chúa Giêsu đã thương yêu anh”. Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu mến họ hơn nữa, yêu mến Chúa Giêsu nơi họ, bằng cách mỉm cười, trao đổi với họ những lời từ tốn. […] Dần dần chúng tôi thành bạn hữu” (Testimoni della Speranza, Città Nuova, Roma 2000, p. 98). Trong tù, với sự giúp đỡ của những người cai tù, ngài đã làm một thánh giá nhỏ mà ngài đeo cho đến lúc qua đời, biểu tượng của tình bằng hữu nảy sinh với những người cai tù: thánh giá làm bằng những mảnh gỗ nhỏ và một dây đeo bằng dây thép.

Letizia Magri

 

Youtube: https://youtu.be/OcB9l6WqS0M


LỜI SỐNG 2022