LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ   

Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 16:13-19)

          Chúa Giê-su không muốn một việc tuyên xưng đức tin vay mượn của người khác, nhưng là một đức tin phát xuất tự chính tâm hồn chúng ta.  Hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô được mệnh danh là hai cột trụ đức tin của Giáo Hội.  Vậy các ngài đã sống và rao giảng điều các ngài đã tuyên xưng:  “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” như thế nào?

          Chúa Giê-su muốn xây dựng một Hội Thánh trên trần gian.  Cũng như việc xây nhà cần có một nền móng vững chắc, việc xây Hội Thánh cần nền móng đức tin bằng đá, để dù “mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ” (Mát-thêu 7:25).  Sau khi tuyên xưng đức tin, anh “Si-môn con ông Giô-na” đã được Chúa cải tên thành “Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá” và trở thành nền móng của Hội Thánh. 

          Đức tin là nền móng của Giáo Hội.  Tuy nhiên đức tin không phải tự nhiên sẽ mạnh mẽ, mà cần phải lớn lên và trưởng thành.  Thánh Phê-rô sau khi tuyên xưng đức tin vào Con Thiên Chúa, ngài vẫn tiếp tục học hỏi để tiến triển trong đức tin.  Tin là gắn bó với con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Sau bài giảng về Bí tích Thánh Thể, mọi người muốn bỏ đi.  Phê-rô thưa với Chúa:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai bây giờ, vì chỉ Thầy mới có những lời ban sự sống”.  Khi Chúa Giê-su báo trước các Tông Đồ sẽ bỏ Người mà chạy trốn, thánh Phê-rô đã thề sống thề chết rằng dù mọi người bỏ Thầy, nhưng ngài quyết theo Thầy.  Rồi ngay đêm hôm đó, Phê-rô đã chối bỏ Thầy, đức tin của ngài bị lung lạc, nhưng sự gắn bó với Thầy đã đưa Phê-rô tới ăn năn thống hối và đức tin lại được phục hồi.  Sau khi Chúa sống lại, Người hứa cầu nguyện cho Phê-rô để đức tin của ngài được mạnh mẽ và chính ngài sẽ củng cố đức tin của anh chị em.  Sau những năm tháng can đảm rao giảng Tin Mừng, Phê-rô đã lấy máu đào tuyên xưng lần cuối cùng khi ngài chịu đóng đinh ngược đầu xuống đất tại Rô-ma.

          Còn thánh Phao-lô cũng có đường lối học hỏi và tuyên xưng đức tin riêng, đường lối của một học giả uyên thâm.  Nếu đức tin của thánh Phê-rô biểu lộ đặc biệt qua trái tim thì đức tin của thánh Phao-lô được diễn tả qua những suy tư đạo lý sâu sắc, suy tư từ nguyên lý “Với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Phi-líp-phê 1:21).  Tất cả hệ thống thần học về Đức Ki-tô đã được thánh Phao-lô trình bày trong mười ba bức thư của ngài.  Tuy nhiên trước khi đạt tới đức tin sâu xa và đầy xác tín ấy, Phao-lô cũng phải trải qua thời gian học hỏi trau dồi.  Sau khi được Chúa gọi làm Tông Đồ trên đường đi Đa-mát, Phao-lô đã rút lui vào nơi vắng vẻ, tiếp xúc với các môn đệ Chúa và học biết về Chúa.  Sau đó ngài xuống Giê-ru-sa-lem ở với các Tông Đồ một thời gian, rồi đến ở tại cộng đoàn An-ti-ô-ki-a để học việc tông đồ với Tông Đồ Ba-na-ba.  Trong ba hành trình truyền giáo và hành trình cuối cùng đến Rô-ma, thánh Phao-lô đã giới thiệu Chúa Ki-tô cho không biết bao nhiêu anh chị em.  Các giáo đoàn được thành lập khắp nơi là vì “tình yêu Chúa Ki-tô đã thúc bách” ngài và củng cố ngài chấp nhận mọi hiểm nguy và gian khổ, để ngài giúp cho anh chị em có được “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su” (Phi-líp-phê 3:7).  Cuối cùng đức tin của thánh Phao-lô vào Chúa Ki-tô đã được đóng ấn đời đời bằng cuộc tử đạo của ngài tại Rôma.  Vậy là ngay tại Rô-ma, hai vị anh hùng đã chứng minh cho đức tin của các ngài bằng cái chết và các ngài trở thành cột trụ đức tin của Giáo Hội.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Thánh Phê-rô cho chúng ta câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha.  Thánh Phao-lô trên đường Đa-mát đã hỏi Chúa:  “Thưa Ngài, Ngài là ai?” và được Chúa trả lời:  “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ”.  Những câu hỏi và trả lời ấy cũng chính là đức tin của mỗi người chúng ta?  Đức tin không chỉ là lời tuyên xưng chúng ta đọc đọc như con vẹt trong kinh Tin Kính, nhưng phải là mối tương quan sống động của chúng ta với Chúa, được biểu lộ qua lối sống của người con cái Chúa.  Ý thức sức sống của đức tin, chúng ta cố gắng mỗi ngày trả lời câu hỏi của Chúa một cách xác tín hơn.         

 

Lm Đaminh Trần đình Nhi


Mục Lục