KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

Ngày 29-9

 

Bài Tin mừng hôm nay (Ga 1,47-51), chúng ta đã nghe đọc trong ngày lễ kính thánh Bartôlômêô. Nếu khai triển những gì liên hệ đến vị Tông đồ này, chúng ta có câu truyện về cuộc hội kiến đầu tiên giữa ông với Chúa Giêsu. Và có lắm điều để nói. Nhưng để khai triển về các thiên thần, cách riêng về 3 Tổng lãnh thiên thần mà Giáo Hội hôm nay mừng kính, thì ít quá. Chỉ có một câu cuối, khi Chúa trả lời cho Natanaen là: Ông sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa sẽ lên xuống trên Con Người.

 

Tuy nhiên, câu vắn này cũng đủ gợi lại cho chúng ta một hình ảnh trong sách Sáng thế, hình ảnh chiếc thang mà Giacóp thấy trong một giấc chiêm bao. Chân thang dựng trên đất, nhưng đầu thang bắc tới trời. Và có những thiên thần lên xuống trên đó. Thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người, như đã lên xuống trên chiếc thang nối liền trời đất. Điều này muốn nói gì với chúng ta?

 

Trước hết, chúng ta có thể thấy hình ảnh thiên thần lên xuống trên thang nói lên sứ mạng của các ngài là làm trung gian giữa trời và đất. Theo Kinh Thánh, sứ mạng này rất đa dạng. Các thiên thần được sai đến thế gian để thi hành một ý định của TC, hoặc để chuyển lên TC những lời kinh và ước vọng của con người.

 

Riêng về 3 vị Tổng lãnh thiên thần được kính nhớ hôm nay, chúng ta không ai không biết chuyện Raphaen được sai đi giúp đỡ cha con Tôbia, Micaen được sai đi gìn giữ và bảo vệ các tín hữu chống lại Satan, Gabrien được sai đi truyền tin cho Đức Maria. Chúng ta chỉ nhắc lại vài sự kiện điển hình thôi. Dĩ nhiên, còn bao nhiêu việc khác mà Kinh Thánh nói rõ hay ám chỉ, vì lên xuống trên thang không phải chỉ có một thiên thần, nhưng là có nhiều, và lên xuống liên tục, như Giacóp thấy trong thị kiến.

 

Nhưng đến thời Chúa Giêsu, thì các thiên thần không còn lên xuống trên chiếc thang vật chất, nhưng là lên xuống trên Con Người là chính Chúa Giêsu. Bởi vì, thay cho chiếc thang nối liền trời đất, giờ đây là chính Chúa Giêsu nối liền trời đất, kết hợp Thiên Chúa với nhân loại. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, đưa thiên giới xuống giữa lòng nhân loại. Và nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Ngài đã làm cho nhân loại được tham dự vào sự sống của thiên giới. Thay cho chiếc thang và hoạt động của các thiên thần làm trung gian, giờ đây chính Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian, và là Đấng Trung Gian duy nhất, đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cho chúng ta, và cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa, cùng với chúng ta dâng những lời kinh khẩn nguyện phụng thờ Thiên Chúa.

 

Sứ mệnh cao cả này, chỉ mình Con Thiên Chúa mới có thể thực hiện. Thế nên giờ đây, các thiên thần chỉ còn là những phụ tá của Chúa Giêsu, tháp tùng Ngài, đặc biệt tháp tùng trong một biến cố mà Chúa báo trước cho các đệ. Đó là ngày Chúa trở lại trong vinh quang sau này.

 

Các thiên thần đã mở đường trung gian. Chúa Giêsu đã thực hiện vai trò trung gian cách tuyệt hảo. Nhưng con đường này vẫn còn tiếp tục cho Giáo Hội, cho chúng ta hôm nay, cho đến khi mọi sự được nên trọn trong Chúa.

 

Trên nguyên tắc thì, do công nghiệp của Chúa, ơn cứu độ đã chan hoà khắp thế giới, và mọi người đều có cơ may đón nhận và hưởng nhờ. Nhưng trên thực tế, ơn ấy mới chỉ như hạt mầm gieo xuống đất. Cần phải có những nhân tố khác làm cho nó nẩy nở, sinh hoa kết trái. Giáo Hội là một trong những nhân tố này, và là nhân tố chính.

 

Là chứng nhân của Chúa Kitô, Giáo Hội được sai đến với các dân tộc, đến tận cùng trái đất, để thực hiện vai trò trung gian, tuỳ thuộc vào vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô. Giáo Hội là bí tích cứu độ, đưa Chúa Kitô đến cho mọi người, để họ được cứu, và để ý định của Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn. Là cộng đồng tín hữu, là dân mới được tuyển chọn, Giáo Hội sẽ tiếp tục kết nạp mọi người vào cộng đồng này, đưa họ đến với Chúa Kitô, để qua Ngài mà nhận biết và phụng thờ một Thiên Chúa. Một thực thể tương đối nhỏ là Giáo Hội lại làm trung gian cho hai thực thể vô cùng to lớn. Một bên là Chúa Kitô, một bên là thế giới. Nhờ Giáo Hội làm dụng cụ, làm nhịp cầu, làm chiếc thang, mà hai thực thể đó được gặp nhau.

 

Những gì áp dụng cho Giáo Hội, thì ở một mức nào đó cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta. Là tín hữu sống trong Giáo Hội, chúng ta đồng thời cũng là dấu chỉ của ơn cứu rỗi, của Chúa Kitô hiện diện và hoạt động nơi ta. Nói như Phaolô, mỗi người chúng ta chỉ là bình sành dễ vỡ, nhưng lại mang trong mình một mầu nhiệm cao cả. Để làm gì ? Không phải để riêng cho chúng ta hưởng, nhưng chủ yếu là để phục vụ người khác, giúp đưa họ về với Chúa. Từng người phải là một chiếc thang Giacóp.

 

Để có thể làm được như vậy, Giáo Hội cũng như mỗi người chúng ta phải thể hiện nếp sống của một người đã có một mối tương giao tốt với Chúa và với anh chị em đồng loại. Tương giao tốt với Chúa là trung thành với Tin Mừng và ơn cứu độ mà mình đã lãnh nhận. Tương giao tốt với anh chị em là phải biết đến họ, yêu thương họ. Không chỉ đứng bên hay đồng hành với họ mà thôi, nhưng thực sự phải có thái độ và hành động như người Samari nhân hậu, đã được Chúa nói đến trong một dụ ngôn.

 

Để là chiếc thang nối đất trời, phải hướng tới cả Thiên Chúa lẫn các anh chị em. Và trước khi đem Chúa Kitô đến cho người khác, cũng như đưa người khác đến với Chúa, mỗi người đã phải sống đúng chân tính của mình là một người kitô hữu.

 

Về điểm này, các thiên thần có thể nêu gương cho chúng ta. Các ngài chuyên tâm phục vụ Chúa, luôn trung thành đứng về phía Thiên Chúa. Các ngài cũng quan tâm đến đời sống của con người, hướng dẫn bảo vệ họ trung thành với Thiên Chúa. Chúng ta, trong điều kiện của mình, cũng phải tỏ ra như thế.

 

Giờ đây trong Thánh lễ, chúng ta cùng nhau ca ngợi Chúa, đồng thời cũng nài xin các thiên thần luôn phù giúp chúng ta. Và xin cho chúng ta biết theo gương các ngài, nhất là có một cuộc sống thực sự hướng về Chúa và anh chị em đồng loại, để trở thành dụng cụ liên kết Thiên Chúa và thế giới, dự phần vào sứ mạng của chính Chúa Kitô.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

Ngày 21-9-2004


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà