LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Lu-ca 1: 39-56)

 

        Bài Tin Mừng Lu-ca 1:39-56 cho ta một hình ảnh sống động về hiệu quả ơn cứu chuộc, tiếp nối biến cố Truyền Tin vừa được thánh sử kể lại trước đó.  Mỗi người trong câu truyện biểu lộ tâm tình của mình đối với công việc của Thiên Chúa theo cách của mình.  Thai nhi Gio-an chưa nói được thì “nhảy lên vui sướng.”  Bà mẹ Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần thì cảm nhận ân phúc của Thiên Chúa ban cho mình qua người thân:  “Bởi đâu tôi được phúc này là Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như vậy?”  Nhưng quan trọng nhất vẫn là tâm tình tạ ơn và ngợi khen của Mẹ Ma-ri-a, Đấng “có phúc” và “đã tin”.  Lời lẽ trong bài ca Ngợi khen (Magnificat) phản ảnh một tâm hồn luôn mở rộng đón nhận ân sủng Thiên Chúa cũng như sự thánh thiện và khiêm nhường của Mẹ.  Những yếu tố như phản ứng của mẹ con bà Ê-li-sa-bét, ân sủng của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Mẹ Ma-ri-a, tất cả đều được nêu cao để giúp ta hiểu tột đỉnh của ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ, đó là sự kiện Hồn Xác Lên Trời.

 

a)  Mẹ Ma-ri-a đầy ân phúc và đức tin

 

        Ân phúc là quà tặng Chúa ban và đức tin là đáp lại ân sủng của Thiên Chúa.  Hiểu như thế, ta sẽ nhận ra tất cả cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a là một mối quan hệ sống động giữa Mẹ và Đấng Tạo Dựng, từ khởi đầu với đặc ân không hề mắc tội tổ tông truyền cho tới khi được đưa về trời cả xác lẫn linh hồn.

        Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần Gáp-ri-en đã kính chào Mẹ là “Đấng đầy ân sủng.”  Có nghĩa là Mẹ được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt và trang điểm cho Mẹ với tất cả những gì quý giá nhất.  Không có đặc ân nào cao trọng hơn ơn Vô nhiễm nguyên tội.  Ngoài Chúa Giê-su ra, không ai trong loài người đã được gìn giữ cách đặc biệt để ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ đã không bị một chút ảnh hưởng nào do hậu quả tội A-đam.  Có lẽ chỉ có Gio-an Tiền hô là được khỏi tội nguyên tổ khi Chúa Cứu Thế trong lòng Mẹ Ma-ri-a đến thăm, nhưng ít ra ông cũng đã sống trong ảnh hưởng của tội ấy sáu tháng trời.

        Đầy ân phúc cũng có nghĩa là được đẹp lòng Thiên Chúa, theo như sứ thần đã khẳng định.  Thêm vào đó, lời giải thích của sứ thần cho ta thấy một chiều kích khác của tình trạng đầy ân phúc:  Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà.  Khi ta có Thiên Chúa đầy tràn trong tâm hồn tức là ta được đầy tràn ân phúc.  Cho nên Mẹ Ma-ri-a quả thực là đầy ân phúc, trước hết vì Mẹ được đầy tràn Thánh Thần, hoặc nếu diễn tả theo hình ảnh của Chúa Giê-su, Đức Mẹ cũng được “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu” (Lc 3:22), hoặc “được đầy Thánh Thần” (Lc 4:1) hay “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy” (Lc 4:14).  Mẹ cũng đầy ân phúc vì quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Mẹ.  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã ở lại với dân Người dưới hình thức một đám mây che phủ Nhà Tạm và Lều Chứng Ước, dẫn dắt họ ban ngày và che chở họ ban đêm (Ds 9:18-22; 10:24).  Giờ đây, sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa cũng ở nơi Mẹ Ma-ri-a qua thân xác con người của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su, ân sủng được nhập thể của Thiên Chúa.

        Đó là những gì Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Ma-ri-a.  Đáp lại, Đức Mẹ đã tiếp nhận Ân Sủng với tất cả lòng tin.  Đức tin của Mẹ là nền tảng để Mẹ nhận ra Thiên Chúa là Đấng nào và Người đã làm gì cho ta.  Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đích thực, là Đấng Toàn Năng.  Danh của Người thật cao cả và Người luôn hành động để bênh vực kẻ nghèo hèn.  Người độ trì Ít-ra-en và Người trung thành giữ lời hứa.  Đức tin của Mẹ đã tóm tắt lại tất cả những gì Kinh Thánh nói cho ta biết về Thiên Chúa và Mẹ đã dệt thành một bài ca Ngợi khen.  Phải đi từ nền tảng đức tin sâu xa ấy của Mẹ, ta mới có thể hiểu được bài ca đã được sống qua từng biến cố cuộc đời Mẹ.  Không là bài ca hời hợt với mỹ từ, nhưng là bài ca sống động mới chỉ diễn tả được một phần thực tại cuộc sống của Mẹ.

 

b)  Linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời là hoa trái của tình trạng đầy ân phúc và đức tin

 

        Để nắm bắt được chân lý này, ta cần nhờ thánh Phao-lô soi sáng cho ta hiểu.  Ngài trình bày sự sống lại của Chúa Ki-tô như nền tảng cho sự sống lại của mọi người.  Sự Phục sinh của Chúa Ki-tô và sự kiện Linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời không phải là hai sự kiện tách biệt nơi hai vị, nhưng được đan kết với nhau vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Mẹ tham dự vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa một cách đặc biệt và cũng lãnh nhận hiệu quả ơn cứu rỗi một cách đặc biệt qua và trong Đấng Mẹ đã cưu mang.  Do đó, ta chỉ có thể thấy ý nghĩa của việc Linh hồn và xác lên trời của Mẹ nếu ta nắm vững được ý nghĩa của sự Phục sinh của Chúa Ki-tô.  Trong thư 1 Cô-rin-tô, thánh Phao-lô khẳng định:  được chỗi dậy từ cõi chết, Chúa Giê-su là “hoa quả đầu mùa.”  Tiếp đến, thánh Phao-lô trình bày:  “Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.  Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình:  mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15:22-23).  Thử hỏi có ai “liên đới với Đức Ki-tô” khắng khít hơn là chính Thân mẫu Người?  Có ai “theo thứ tự của mình” sát với Đức Ki-tô cho bằng chính Mẹ Ma-ri-a?  Như vậy, đặc ân Hồn Xác lên trời Thiên Chúa dành cho Mẹ Đấng Cứu Thế trước ngày quang lâm của Chúa Giê-su hẳn không có gì là quá đáng, nhưng rất xứng hợp với vai trò của Mẹ trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Cũng như Mẹ Ma-ri-a, tôi có là người mang những ân phúc của Thiên Chúa không?  Những ân phúc đó là gì?  Tôi đã đáp lại tình thương của Người như thế nào?

        Để chuẩn bị cho ngày được sống lại, được lên trời với Chúa Giê-su, tôi có liên đới với Chúa Ki-tô như Mẹ Ma-ri-a đã liên đới với Con Mẹ không?  Tôi phải diễn tả sự liên đới ấy như thế nào?

        Tôi có mang ân sủng của Thiên Chúa đến cho anh chị em chung quanh không?

        Ý tưởng nào trong bài ca Ngợi khen của Đức Mẹ hợp với hoàn cảnh của tôi nhất?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Mẹ Ma-ri-a,

        khi đọc Phúc Âm,

        lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

        Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giê-su,

        Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

        Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

        Mẹ đi thăm Đức Giê-su khi Ngài đang rao giảng.

        Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

        Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

        âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

        từ con người hay từ Thiên Chúa.

        Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giê-su

        trong mọi bước đường của cuộc sống.

        Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

        Có những con đường đầy máu và nước mắt.

        Xin Mẹ dạy chúng con

        đừng sợ lên đường mỗi ngày,

        đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

        dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

        Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

        để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

        đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.”

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 51) 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà