MẦU NHIỆM SỰ CHẾT CỦA ĐỨC KITÔ

John J O’Donnell SJ

Người dịch: Luy Nguyễn Anh Tuấn (ubmvgiadinh.org)

 

Làm thế nào để suy tư mầu nhiệm Sự Chết của Đức Kitô dưới ánh sáng của hiện tượng sự chết của con người?

Trong kiệt tác Hữu thể và Thời gian của M. Heidegger, một phần lớn tác phẩm được dành để nói về hiện tượng sự chết. Hiện tượng đó rất quan trọng đối với Heidegger đến nỗi ông mạnh dạn gọi con người là “hiện hữu để chết”. Heidegger quan tâm trước hết đến sự chết xét như hiện tượng nhân, chứ không phải như một hiện tượng sinh học. Xét như hiện tượng nhân văn, chúng ta là những con người luôn đang đi trên con đường hướng về cái chết. Ngay khi vừa mới sinh ra, một con người đã đủ già để có thể chết. Sự chết là chân trời bọc lấy không gian ta đang sống. Về mặt nào đó, chúng ta luôn tính đến cái khả năng chết của mình cho dẫu ta làm thế như để tránh thoát hay đẩy lùi nó. Heidegger như muốn nói rằng cái chết là tương lai cuối cùng đối với mỗi một người chúng ta.

Trong bối cảnh đó, Heidegger, và theo sau ông là K. Rahner nói về cái chết như một biến cố của sự tự do. Dĩ nhiên tôi không thể chọn lựa mình không chết. Nhưng tôi có thể chọn cách thức mình sẽ chết như thế nào và chọn mình sẽ tạo hình cuộc sống mình như thế nào khi đối mặt với cái chết. Thật vậy, chính vì tất yếu phải chọn lựa đứng trước cái chết mà cuộc sống trở thành một điều gì đó nghiêm chỉnh. Nếu như sự sống của tôi kéo dài được vô hạn, có lẽ điều tôi làm trong cuộc sống của mình trở thành không mấy quan trọng. Thế nhưng tôi biết tôi chỉ có thể sống trong một thời gian hữu hạn và chỉ có ít thời gian để thực hiện điều gì đó cho chính tôi. Như thế cái chết buộc tôi phải đảm lấy tự do của mình cách nghiêm túc. Ngay cả lúc cái chết thể lý đã đến gần, trong lúc tôi bị bệnh nặng chẳng hạn, tôi cũng phải đương đầu với tự do của tôi. Tôi có thể đối diện với cái chết với một thái độ cam chịu hay giận dữ. Tôi cũng có thể đối diện với cái chết trong sự thanh thản và bình an, hay trong nỗi bận tâm về người khác, ví dụ như những người thân yêu mà tôi sắp từ biệt. Tôi không bao giờ ngưng làm người cả khi trực diện với cái chết. Chúng ta thấy điều này cách đặc biệt trên gương mặt của những vị tử đạo nhưng ta cũng có những chứng từ như thế về thái độ tự do trước cái chết, ví dụ như trong các trại tập trung. Chính sự kiện bị đe dọa liên tục bởi cái chết đã dẫn Victor Frankl đi tìm ý nghĩa cuộc sống, điều đó giúp khai sinh về sau một phương pháp tâm lý học gọi là logotherapy. Dù sao đi nữa, một cái chết nhân văn (human death) bao hàm sự tự do.

Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Có một ý nghĩa khác mà theo hướng đó tôi kinh nghiệm cái chết như là định mệnh. Đó là một điều không thể tránh thoát được, hơn nữa nó còn là một cái gì đó mà tôi không thể kiểm soát được. Trước cái chết, xét cho cùng, tôi thụ động, bất lực. Sự chết chế ngự tôi, chết là định mệnh của tôi.

Tất cả những gì vừa nói có thể được lượm lặt từ một suy tư triết học về sự chết. Như là một hiện tượng nhân văn cái chết vừa là một tự do cao cả nhất vừa là một định mệnh tối thượng, là sự tự do đồng thời là sự bất lực.

Là kitô hữu, theo Rahner, dẫu sao chúng ta cũng cần suy tư sâu xa hơn nữa. Trước hết, như chúng ta biết, chết là chết bởi tội lỗi. Đối với Rahner, điều này có nghĩa là sự chết đã đi vào thế gian bởi tội lỗi của Ađam. Theo nghĩa này, sự chết không có trong ý định ban đầu của Thiên Chúa. Chết là điều gì đó lẽ ra không nên có. Rahner gợi ý ta có thể kiểm chứng sự thật này một cách hiện sinh nơi sự kinh hãi mà ta cảm thấy trước cái chết. Tất cả chúng ta trong chừng mực nào đó đều cảm thấy hết sức đau buồn trước cái chết, trước thực tế ta phải bị tiêu vong, trước sự kiện mọi kế hoạch dự định của ta đều phải trở nên vô nghĩa bởi cái chết. Và dường như ngay cả tình yêu cũng không thể còn tồn tại sau cái chết. Tình yêu trung thành cao quí của một người chồng dành cho vợ hay của một người mẹ dành cho con mình cũng không thể khiến cho người thân yêu kia được bất tử. Hơn nữa, trong mọi cái chết đều có bóng dáng của nỗi sợ lớn nhất, ấy là bị cắt lìa khỏi nguồn mạch cuối cùng khả dĩ làm cho tôi được tròn đầy, và bị ném vào hư vô tuyệt đối, nói tóm lại là bị mất mát chính Thiên Chúa. Cái chết bởi tội có ý nghĩa như một đe dọa bị Thiên Chúa từ bỏ.

Giờ đây quay trở lại với Đức Kitô, điều quan trọng nhất mà Rahner muốn nói đó là, Đức Kitô đã ôm trọn sự sống con người của chúng ta, và do đó cũng ôm trọn lấy cả sự chết con người của chúng ta. Người đã sống kinh nghiệm sự sống một cách tràn đầy bao trọn cả sự chết. Hơn nữa, Tân ước khẳng định rằng, mặc dầu Đức Kitô vô tội, Người cũng đã chết cái chết của một tội nhân. Người cũng kinh nghiệm nỗi đau buồn đứng trước cái chết, như ta thấy trong vườn Gethsemani. Và trên thập tự Người phải thét lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa sao Chúa bỏ con?” (Mc 15,34). Đối với cái chết của kitô hữu, khẳng định chính yếu của Rahner là, nhờ cái chết của Đức Kitô, cái chết đối với chúng ta giờ đây có thể trở thành là một cái chết ân sủng, nghĩa là, chúng ta có thể gắn kết cái chết của mình với cái chết của Đức Kitô như là một cái chết mang lại cứu độ. Dĩ nhiên, vẫn còn có khả năng từ chối làm như thế. Chúng ta có thể loại bỏ cái chết của Đức Kitô, trong trường hợp đó cái chết của ta trở thành chỉ còn là cái chết của tội lỗi, không hy vọng. Cái chết của tội lỗi là cái chết của tuyệt vọng.

Những gì chúng ta vừa nói có ý nghĩa về mặt thần học nhập thể. Nhưng Rahner suy nghĩ thế nào về ý tưởng truyền thống về hy tế của Đức Kitô? Ở đây ta nên ghi nhận có cả hai chiều kích lịch sử và thần học đối với câu hỏi của chúng ta.

Trước hết, Rahner tìm kiếm giải đáp cho câu hỏi lịch sử: Đức Giêsu đã bước đến cái chết như thế nào. Có bằng chứng lịch sử có giá trị hay không về việc Đức Giêsu đã nghĩ cái chết gần kề của Người như là một hiến lễ đền tội thay? Rahner lưu ý rằng các học giả kinh thánh có ý kiến khác biệt nhau về vấn đề này. Hẳn là trong Tân ước có những bản văn xem cái chết của Đức Giêsu như là một hiến tế. Người ta nghĩ đến việc thiết lập Bí tích Thánh thể và những lời Đức Kitô nói về chén là chén của Giao ước mới trong máu Người (Mc 14,24). Và cũng có những bản văn trong đó Đức Giêsu tự nói mình như là Người Tôi tớ đau khổ. Ví dụ như Mc 10,45: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”. Đang khi chúng ta thấy ở đây Tân ước diễn giải cái chết của Chúa Giêsu như là hiến lễ, nhưng chúng ta không biết rõ những bản văn này có lên đến tận nguồn là Đức Giêsu lịch sử trong thời gian tác vụ công khai của Người hay chúng là những suy tư hậu phục sinh của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi?

Trong trường hợp nào đi nữa, Rahner cho là việc Đức Giêsu trong thời gian sứ vụ của Người có hiểu cái chết của mình như một hiến lễ hay không không phải là điều cốt yếu. Điều cốt yếu trước hết là Đức Giêsu đã xem mình là người đại diện cuối cùng của Thiên Chúa trước mặt nhân loại, và đặc biệt Người đã tự cho rằng mình biết Chúa Cha và mình có thẩm quyền thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Và Người vẫn trung thành với sứ vụ cho dù người do thái loại trừ và dù có phải chết và thấy cái chết thực sự đang đến gần. Điều cốt yếu là Đức Giêsu vẫn tiếp tục đặt trông cậy vào Thiên Chúa Cha của Người và mong đợi mình được minh chứng dù có chết. Tất cả những điều đó, Rahner tin rằng, có những bảo đảm lịch sử và kinh thánh có giá trị.

Như thế, đối với Rahner, cái chết của Đức Giêsu có tính cứu độ là bởi Người đã đảm lấy cái chết ấy trong sự tự nguyện và vẫn tiếp tục trông cậy vào Thiên Chúa cho đến cùng. Và quả thật, Thiên Chúa đã minh xác cho Người bằng cách cho Người sống lại từ trong cõi chết. Như thế Thiên Chúa đã xác nhận sứ vụ của Người. Đức Giêsu đã và vẫn đang là ơn cứu độ cuối cùng Ngài trao ban cho nhân loại. Sự chết không có quyền lực trên Người, và sự chết không tiêu diệt được sứ vụ của Người. Đức Giêsu vẫn sống và như thế Người vẫn mãi là ân ban của Lòng Thương xót Chúa cho nhân loại.

Chúng ta nên lưu ý rằng ở đây Rahner rõ ràng nối kết chặt chẽ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu lại với nhau. Nếu Đức Giêsu đã không sống lại, Người không là Đấng Cứu Độ chúng ta. Nhưng thật ra Người đã sống lại và được minh chứng. Thiên Chúa, theo lời Thánh kinh, đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô. Như thế điều đầu tiên ta nhận thấy đó là cái chết của Người là cái chết cứu độ vì nó liên kết với sự phục sinh của Người. Chính trong ánh sáng của sự phục sinh của Người mà chúng ta có thể nói cái chết của Người có tính cứu độ.

Như thế chúng ta có thể gọi cái chết ấy là một hiến lễ không? Vâng, đúng như thế. Nhưng ta cũng cần cẩn thận phân biệt một số điểm sau đây. Trước hết, trong lịch sử các tôn giáo, hiến lễ nói chung được nhìn như là một nỗ lực của con người để đạt tới được hiệp thông với Thần linh. Tuy nhiên, trong trường hợp của Đức Kitô, đây là một hành động tiến hành từ phía Thiên Chúa đi đến với con người. Đức Giêsu trước hết được Thiên Chúa sai đến. Đức Giêsu đáp ứng sứ vụ mình thậm chí cho đến chết. Nhưng quyền tối thượng của hành động liên hệ đến Chúa Cha. Thứ đến, ngược lại với Cựu ước hay các tôn giáo của các chư dân Đức Giêsu không dâng tiến một vật (con vật, lúa mì. V.v…) nhưng dâng chính mình. Hiến lễ ở đây là sự vâng phục của Người, dâng hiến chính mình cho Chúa Cha và cho anh chị em mình. Thứ ba, không hề có vấn đề làm thay đổi suy nghĩ của Thiên Chúa hay thắng được một cơn giận của Ngài. Khái niệm sau cùng này đã đi vào thần học kitô giáo đặc biệt với thánh Anselm thành Canterbury và trở thành quan trọng đối với một số nhà thần học Cải Cách nhất là với John Calvin. Ông đã khẳng định rằng cơn giận dữ của Chúa ụp xuống Đức Giêsu, Người đã tự nguyện hứng lấy nó, để chúng ta có thể được cứu thoát. Nhưng quan niệm như thế không có cơ sở nào trong Thánh kinh cà và Rahner đã mạnh mẽ bác bỏ nó.

Chúng ta đã nói rằng Rahner chấp nhận cái chết của Đức Kitô là một hy tế. Chúng ta cũng có thể nói tiếp rằng cái chết của Người đem lại cho ta ơn cứu độ. Nhưng theo nghĩa nào? Ở đây Rahner đưa ra một cách tiếp cận có tính chất rất nguyên thủy. Cái chết của Đức Kitô trên thập giá không là nguyên nhân tạo ra một sự thay đổi nào trong Thiên Chúa. Thiên Chúa không có thái độ mới mẻ nào đối với chúng ta bởi cái chết của Đức Kitô. Thái độ của Ngài vẫn luôn luôn là từ bi nhân hậu và xót thương chúng ta. Nhưng cái chết của Đức Kitô đã tạo nên một hoàn cảnh mới cho loài người. Rahner giải thích điều đó như thế này. Bằng cách sai Đấng cứu độ đến trần gian, nghĩa là bằng cách nhập thể, Thiên Chúa đã đặt lời cuối cùng của Ngài vào lịch sử. Kể từ lúc nhập thể Ngôi Lời hiện hữu trong xác phàm với một lịch sử con người. Nhưng bởi chấp nhận cuộc sống con người trọn vẹn bao gồm cả sự chết, Thiên Chúa đã đưa cái chết vào trong cuộc sống riêng của Ngài và chế ngự nó.

Ngang qua lịch sử nhân loại Thiên Chúa đã tìm kiếm một đối tác cho giao ước, tìm một tiếng xin vâng từ phía loài người. Nhờ tiếng xin vâng của Đức Kitô hướng về Chúa Cha xuyên qua cuộc sống và cái chết của Người, Thiên Chúa có được một lời đáp trả hoàn hảo. Theo hướng đó, lối ra của lịch sử con người đã được giải đáp. Nơi một con người, Đức Giêsu Kitô, có sự hợp nhất dứt khoát giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà kể cả tội lỗi và sự chết cũng không thể bẻ gãy được. Như thế lịch sử nhân loại được hoàn thành. Và Đức Kitô sống và lôi kéo chúng ta vào công cuộc hoàn thành đó của Người. Nhờ cái chết Đức Kitô đã đi vào vinh quang phục sinh và giờ đây Người lôi kéo chúng ta vào chia sẻ vinh quang ấy. Bởi thế, cái chết và phục sinh của Người là chiến thắng dứt khoát của ân sủng Chúa trong thế giới. Chiến thắng này không bao giờ bị đe dọa. Điều duy nhất nguy cơ là chúng ta có quyết định với tự do tham dự vào chiến thắng ấy của Đức Kitô hay không. Lịch sử đã đạt đến mục đích của nó (nơi Đấng hoàn toàn vừa là Chúa vừa là người). Giờ đây chúng ta phải quyết định mình có muốn đạt đến mục đích ấy của mình trong Người hay không.

Còn một điểm cuối cùng cần lưu ý và hết sức quan trọng. Mọi sự đều phụ thuộc vào việc Đức Kitô chấp nhận chết trong sự tự do của Người đang mang phận người. Rahner nghĩ rằng việc Đức Kitô phó thác cho Thiên Chúa trong tự do mở ra cho ta thấy Người là một con người của đức tin và đức cậy. Đối với Rahner, Đức Kitô không được miễn trừ phải sống đức tin, đúng hơn Người là mẫu mực hoàn hảo trong việc ấy. Nhưng đức tin ở đây được hiểu không chủ yếu theo nghĩa tin vào một điều gì đó, nhưng đúng hơn là tín thác cho Thiên Chúa. Và Đức Kitô, cũng như chúng ta, tin là tin trong phó thác, quả thật Người đã tin ngay cả trong tình cảnh cay đắng tối tăm của kẻ như bị bỏ rơi trên thập giá. Rahner viết: “Theo Thánh kinh chúng ta có thể nói chắc chắn rằng Đức Giêsu trong cuộc sống của Người là một tín hữu một kẻ đã tin… và là một người đã luôn sống niềm hy vọng cách tuyệt đối, và rõ ràng là một người đã yêu mến tuyệt đối Thiên Chúa và con người. Trong niềm tin, cậy, mến hợp nhất ấy, Đức Giêsu đã phó dâng thân mình, khi đi tới cái chết, cách vô điều kiện cho mầu nhiệm tuyệt đối mà Người gọi là Chúa Cha, phó thác hoàn toàn cuộc sống mình trong tay Ngài. Đó cũng chính là lúc mà Người, trong giờ chết và cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi, bị tước đi hết mọi sự thuộc về cuộc đời của một con người: sự sống, danh dự, nghĩa đồng bào, tình đồng đạo và vân vân. Càng lúc càng thấy hiển nhiên rành rành khi cái chết đến mọi sự đều rời bỏ Người, ngay cả sự bảo đảm gần gũi yêu thương của Thiên Chúa cũng không còn cảm thấy nữa. Và trong cảnh bế tắc tăm tối ấy chỉ lặng thinh ngự trị một mầu nhiệm tự thân là không tên và tự do, nhưng Người lại phó mình âm thầm lặng lẽ cho mầu nhiệm ấy như tình yêu vĩnh cửu, chứ không phải cho cái hư vô quái quỉ nào”[1].

Sau khi đã nhìn Rahner triển khai thần học về cái chết cứu độ của Đức Kitô, bây giờ ta có thể tự hỏi rằng cái chết đó có thể trở thành thực tại cứu độ cho ta như thế nào. Ta sống như thế nào mầu nhiệm về cái chết của ta trong đức tin? Làm sao biến cái chết của ta thành một cái chết “trong Thần khí”, cái chết trong ân sủng? Đối với Rahner trung tâm của đức tin kitô giáo vẫn ở nơi thập giá Chúa Kitô. Tất cả phụ thuộc ở chỗ thập giá của Người xét cho cùng là một thất bại nhục nhã hay là một chiến thắng của tình yêu tự hiến dẫn tới sự phục sinh. Kitô hữu thì tin vào điều thứ hai. Như thế về cơ bản đức tin kitô giáo đặt cọc tất cả nơi thập giá Đức Kitô. Tôi có phó thác cho Mầu Nhiệm Thiên Chúa trong niềm tin hay không hệ tại ở chỗ tôi đặt cọc mọi sự nơi thập giá của Đức Kitô. Bởi lẽ, chính nơi đây trong lịch sử con người mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ như là tình yêu tự hiến. Ai cũng vậy, dù nam hay nữ, trong cuộc sống mình đều kinh nghiệm ở mức độ nào đó về những tháng ngày tăm tối, đau khổ, bệnh tật, thất bại, và cô đơn và tất cả những điều ấy là những dấu dự báo cái chết. Như thế mỗi người chúng bị đặt trước thách thức này, đó là: đứng trước những bóng tối đó trong cuộc đời liệu tôi có thất vọng hay không hay tôi quay về với Đức Kitô và thập giá của Người và đặt cược tất cả đời tôi vào cái chết của Người? Một lần nữa Rahner lại nhấn mạnh: hoặc cái chết của Người là chiến thắng của dự phóng của Thiên Chúa trong lịch sử hoặc là nhân loại bị kết án phải mang một nỗi khát khao không bao giờ được lấp đầy.

Đối với Rahner, tin vào Thiên Chúa có nghĩa là đi theo Đấng Bị Đóng Đinh. Đức Kitô đã đến với vinh quang ngang qua tình cảnh bị bỏ rơi trên đồi Calvariô. Con đường dẫn tới Nước Trời đi qua cánh cửa hẹp. Và đối với chúng ta cũng phải như thế. Điều đó có nghĩa là không có con đường nào khác dẫn đến Thiên Chúa ngoài con đường thánh giá. Vậy cách nào đó chúng ta phải chia sẻ với hoàn cảnh tối tăm của Người. Cuộc sống chúng ta chắc chắn sẽ có những lúc tối tăm như thế như khi bệnh tật ốm đau, thất bại, cô đơn. Trong những lúc ấy Thiên Chúa mời gọi tôi nối kết những đau khổ ấy với những đau khổ của Đức Kitô. Nhưng còn có gì hơn thế nữa. Các kitô hữu có thể tự ý khước từ một số những thiện ích trần gian của loài người để thông dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô. Cuộc sống sẽ trao ban nhiều hy sinh từ bỏ. Những sự hy sinh khác có thể được chọn để chuẩn bị cho chúng ta đi tới một sự hy sinh không ai có thể tránh thoát, đó là từ bỏ chính cuộc sống trần gian này khi giờ chết đến. Chúng ta làm thế bởi vì trong niềm tin chúng ta biết rằng Đức Kitô đã đi con đường này và thánh giá của Người, có vẻ cuối cùng như là một thất bại, thật ra là cửa ngỏ đi vào sự sống viên mãn. Như thế sự từ bỏ là một thành phần của đời sống kitô giáo, nhưng không phải theo nghĩa tiêu cực là chối từ sự sống, mà là một thái độ duy thực yêu mến sự sống và cũng nhìn nhận rằng có một sự sống viên mãn hơn và siêu việt trên cuộc đời mà chúng ta biết đến ở đây và lúc này.

Rahner nói rằng nếu ta đảm nhận thập gía Đức Kitô ta sẽ có một sự sống không ảo tưởng. Nền văn hóa kỹ thuật hiện nay của chúng ta cố thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có thể ấn định mọi sự. Mọi đau khổ của chúng ta có thể được chế ngự. Nền văn hóa chúng ta là một nền văn hóa tuổi trẻ và ngày nay chúng ta thậm chí có khoa giải phẩu thẩm mỹ để làm biến mất những nếp nhăn và cắt bớt các mô mỡ thừa. Chúng ta giải phóng tình dục và như thế lạc thú nhục dục dễ dàng được thỏa mà xem ra không phải có trách nhiệm gì. Thế nhưng suy nghĩ sâu hơn chúng ta thấy mình chắc chắn rồi sẽ trở nên già cỗi hơn, xế tàn và chết. Lạc thú nhục dục, vốn được mua rẻ mạt như thế, sẽ mang lại hiệu ứng nghịch với sự mang thai ngược với ý muốn và những căn bệnh nhiễm truyền qua đường sinh dục. Trớ trêu thay, những người tài giỏi về công nghệ thông tin lại đang khó tìm được việc làm trong một thị trường thừa thãi. Nói tóm lại, cái chết trong mọi dạng của nó và trong mọi bóng dáng của nó vẫn còn là một ẩn số cuối cùng của sự sống. Kitô hữu, như Rahner khẳng định, có thể nhìn thẳng vào cái chết, tham dự vào đó, nhưng đừng để mình bị cái chết nuốt chửng, bởi lẽ niềm hy vọng của họ đặt vào Đức Kitô chết và phục sinh.

Cuối cùng, kitô hữu dấn thân yêu thương như Đức Kitô yêu thương. Cuộc sống của người kitô hữu đặt nền tảng trên cuộc sống của Đức Kitô, “Đấng đã yêu thương những kẻ thuộc về Người cho đến cùng” (Ga 13,1). Đây không phải là tình yêu lãng mạn cũng không phải là tình yêu dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Nhưng là một tình yêu có sức trao ban ngay cả khi không thấy có đền đáp. Khi yêu thương người ta mang lấy thập giá của mình. Trước hết, yêu có vẻ rất hấp dẫn. Tình yêu trần tục của con người xem ra là một lý tưởng lãng mạn. Thế nhưng, như Rahner nói, ta cần phải "được thức tỉnh"[2] khỏi ảo tưởng này. Tôi phải học yêu thương khi tình yêu bắt đầu gây đau khổ, khi thiếu vắng tương trợ, hoặc ngay cả khi tha nhân phản bội tôi. Và tôi phải làm như thế không phải theo kiểu cách của một kẻ anh hùng, nhưng đơn giản chỉ vì đó là phương thế làm môn đệ Đức Kitô. Chặng đường cuối cùng của nghĩa môn đệ là vẫn yêu thương ngay cả khi ta thấy tình yêu không hoặc không còn được đáp trả nữa.

Kết luận của suy tư thần học của Rahner là thập giá ở ngay trung tâm của ba nhân đức lớn: tin, cậy, mến. Bởi lẽ tin vào Thiên Chúa, đối với một người kitô hữu, có nghĩa là ôm lấy thập giá Đức Kitô như dấu chỉ của sự chiến thắng của Thiên chúa trong lịch sử. Thập giá là hy vọng, vì thập giá cùng mang theo lời hứa về sự sống bên kia nấm mồ. Thập giá là yêu mến, vì vác thập giá xét cho cùng không là gì cả ngoại trừ đó là tình yêu đối với người anh em thân cận, đón nhận mẫu gương Đức Kitô rửa chân cho anh em, sống giới răn mới của Người, yêu thương cả khi Người đã yêu thương chúng ta trước.


[1] K. Rahner, “Following the Crucified”, in Theological Investigations 13, Darton, Longman, Todd, London 1975, 165.

[2] Trên thập giá như là sự sống không ảo tưởng và tình yêu ‘giác ngộ’, xem K. Rahner, “Self-Realisation and Taking Up Ones’s Cross,” Theological Investigations 13, 256.

 

 


Mục Lục