Thánh Lễ an táng Đức giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giám mục giáo phận Phan Thiết

Ngày 11-05-2015, tại Nhà thờ chính tòa Phan Thiết, Thánh lễ an táng Đức giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, nguyên Giám mục giáo phận Phan Thiết, đã được cử hành cách trang trọng vào lúc 9g00 do Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội, chủ tế. Đồng tế với Đức hồng y Phêrô có 21 giám mục và gần 300 linh mục. Đông đảo quý tu sĩ nam nữ, linh tông huyết tộc và hàng ngàn tín hữu từ nhiều giáo xứ cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trước Thánh lễ, cộng đoàn đã nghe lại tiểu sử của Đức cha Nicôla và các điện văn phân ưu của Toà Thánh, của Đức hồng y Fernando Filoni - Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, của các giáo phận trong nước, và của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, tỉnh Bình Thuận.

Ngỏ lời với cộng đoàn, Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn bày tỏ lời phân ưu sâu sắc đến Đức giám mục và cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Phan Thiết cũng như tang quyến. Đặc biệt, ngài nhắc lại lễ kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức cố giám mục Nicôla (năm 2003). Khi ấy Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II (nay là Thánh Gioan Phaolô II), đã gửi thư chúc mừng và ca ngợi Đức cha Nicôla là một mục tử siêu bậc trong việc rao giảng lời Chúa, trong việc rao giảng các huấn dụ của Chúa Kitô, cộng với lòng đạo đức, can đảm, nhiệt thành và trung thành tuyệt đối với Đức Thánh Cha và với Toà Thánh.

Trong phần giảng lễ, Đức cha Giuse Võ Đức Minh đã làm nổi bật cuộc đời Đức cố giám mục Nicôla qua châm ngôn giám mục mà ngài đã chọn: Thiên Chúa là Tình yêu. Để chiếu tỏa dung nhan “Thiên Chúa là Tình yêu”, Đức cha Nicôla đã nêu gương là vị Tông đồ nhiệt thành và quảng đại, quan tâm đặc biệt đến hàng giáo sĩ là những cộng sự viên và cố vấn của mình, quan tâm đến việc đào tạo chủng sinh, các tông đồ giáo dân trong Hội thánh, quan tâm đến các tu sĩ là những người sống đời thánh hiến, quan tâm đến mọi thành phần trong Dân Chúa, cách riêng những người nghèo khổ. Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho “Thiên Chúa là Tình yêu”, ngài đi vào con đường của hạnh phúc đích thực trong ăn chay, cầu nguyện, khổ hạnh và chiêm niệm, đúng nghĩa của một bậc chân tu, bậc sống đời thánh hiến theo truyền thống ngàn đời của Hội thánh, cách riêng trong những năm tháng âm thầm cuối đời: “Chúa là phần gia nghiệp của con; hạnh phúc của con, có đâu ngoài Người” (x. Tv 16, 2.5).

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli chia sẻ những tâm tình phân ưu.

Tiếp theo lời cám ơn của cha Phanxicô Xaviê Phạm Quyền, Niên trưởng giáo phận Phan Thiết gửi đến Toà Thánh, các thành phần Dân Chúa và chính quyền…; Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc bày tỏ tâm tình chia sẻ và chủ sự nghi thức tiễn biệt.

Cuối cùng, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống đã chủ sự nghi thức hạ huyệt. Các vị giám mục và linh mục đã lần lượt tiến đến rảy nước thánh lên phần mộ Đức cha Nicôla.

Thân xác của Đức cố giám mục Nicôla đã được an nghỉ trong vòng tay của “Thiên Chúa là Tình yêu”, trong ngôi Nhà thờ chính toà thân yêu của ngài.

Đức cố giám mục Nicôla được Chúa gọi về chiều ngày 06 tháng Năm 2015, sau 62 năm linh mục và 41 năm giám mục. Ngài sinh ngày 01-05-1927 tại Sài Gòn (họ đạo Vĩnh Hội); vào Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 10-08-1939 và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 13-08-1947. Sau khi thụ phong linh mục tại nhà thờ Notre Dame, Paris, ngày 29-06-1953, Đức cố giám mục đã từng giữ các chức vụ: giáo sư và quản lý Tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1953–1961), chánh xứ họ đạo Gò Vấp (1961–1965) và chánh xứ họ đạo Tân Định (1965–1974). Được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 01-07-1974 và tấn phong giám mục ngày 11-08 sau đó tại Vương cung thánh đường Sài Gòn do Đức hồng y Agnelo Rossi, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo. Ngày 19-03-1975 được bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận Phan Thiết và ngày 06-12-1979 được bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Phan Thiết. Từ năm 1993 đến 1998, Đức cha Nicôla còn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà Tổng giáo phận Sài Gòn. Từ ngày 05-04-2015, Đức cha Nicôla nghỉ hưu tại Toà Giám mục Phan Thiết.

Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Nicôla đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng thư ký Giáo tỉnh Sài Gòn nhiệm kỳ IV&V (1989–1995), Phó Chủ tịch I, nhiệm kỳ VI&VII (1995–2001) và Thủ quỹ, nhiệm kỳ VII (1998–2001).

Với sự ra đi của Đức cha Nicôla, hàng giám mục Việt Nam hiện nay còn 42 giám mục, trong đó có 12 giám mục đã nghỉ hưu; không kể 4 giám mục đang phục vụ tại các giáo phận ở ngoài nước, trong đó có Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ thần Toà Thánh tại Sri Lanka. Giám mục cao niên nhất là Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, nguyên giám mục giáo phận Vinh (88 tuổi); niên trưởng là Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, nguyên giám mục giáo phận Nha Trang, được tấn phong giám mục ngày 05-04-1975; và giám mục nhiều tuổi nhất còn đang thi hành sứ vụ mục tử là Đức hồng y Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội (77 tuổi).

(Ảnh: gpphanthiet.com)

Cuộc đời

Khi một trẻ thơ lọt lòng mẹ, người ta nói: em bé “chào đời”. Khi một người trút hơi thở cuối cùng, người ta bảo: người này “tạ thế”. “Chào” là tâm tình của người mới đến. “Tạ” là cử chỉ của người sắp đi xa. Khi chào đời, em bé nào cũng có bàn tay nắm chặt; khi tạ thế, người nào cũng để bàn tay buông xuôi. Bàn tay nắm chặt là bàn tay tự tin, muốn khẳng định mình; bàn tay buông xuôi là bàn tay mệt mỏi, thấy mọi sự đều vô nghĩa. Khoảng thời gian từ lúc chào đời đến khi tạ thế, người ta gọi là cuộc đời. Cuộc đời có khi ngắn, có khi dài. Có những người trường thọ cao niên, sống đến trên một thế kỷ, nhưng cũng có người đoản mệnh duyên đơn, chỉ sống một thời gian rất ngắn. Dù đời ngắn hay dài, đã sống trên đời, con người cần phải biết đối nhân xử thế. Dù trường hay đoản thọ, con người sống phải nhân có nghĩa với người xung quanh. Không chịu học hỏi, khi vào đời sẽ gặp những thất bại cay đắng. Thiếu kinh nghiệm, khi lập nghiệp sẽ phải trả giá khôn lường.

Cuộc đời này cũng được gọi là thế gian. Nơi đó con người, dù muốn hay không, đều bị thảy vào “chợ đời” đầy bon chen tính toán. Cái “chợ đời” này rất mênh mông và oan nghiệt. Vì là “chợ đời”, nên người ta lấy lời lãi, vật chất làm tiêu chuẩn cho mọi mối tương quan. Anh em, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp bỗng trở nên những đối tác, những bạn hàng trong vòng xoay của cơm áo gạo tiền. Vì tiền bạc, tình vợ chồng trở nên phai nhạt đến mức không thể chung sống. Vì đất đai, anh em huynh đệ trở thành kẻ thù đến độ chẳng muốn thấy mặt nhau. Vì cuộc đời nghiệt ngã như vậy, nên càng có tuổi, người ta càng còng lưng xuống. Còng lưng là biểu hiện của đau xương cốt, nhưng cũng là hậu quả của gánh nặng cuộc đời.

Lúc chào đời cũng như lúc tạ thế, người ta đều khóc. Khởi đầu cuộc sống, đứa trẻ khóc trong tiếng cười của cha mẹ và người thân. Kết thúc cuộc đời, người ra đi trong tiếng khóc của gia đình, làng xóm. Khóc là biểu hiện của nỗi buồn, nhưng cũng là dấu hiệu của niềm vui. Có thể tiếng khóc chào đời là vì nhận ra cuộc sống đầy đau khổ. Có thể giọt lệ khi hấp hối là giọt lệ của niềm vui vì đã có một cuộc đời mãn nguyện. Thế rồi, suốt thời gian gọi là cuộc đời ấy, nước mắt với nụ cười đan xen với nhau, xem ra nước mắt nhiều hơn nụ cười. Người có chí khí biết cười trong mọi hoàn cảnh. Sau mỗi lần gục ngã, họ chỗi dậy, tiếp tục bước đi, lấy những thất bại làm bài học kinh nghiệm, lấy những khó khăn luyện rèn ý chí. Lửa thử vàng, gian nan thử đức, qua những thất bại đau khổ, con người như thép đã tôi, trở nên cứng cáp vững vàng. Đã sinh vào cuộc đời, cần phải chấp nhận lao vào gian khó, như miếng thép phải chấp nhận vào lò lửa và rèn giũa để trở nên khí cụ sắc bén, nhờ đó mà trở nên hữu dụng trong đời. Khi tạ thế, có những người mãn nguyện bình an, nhưng cũng có những người trăn trở khó nhắm mắt. Có thể đó là những “món nợ” đời chưa trả, bởi mình đã trót “vay”. Có thể đó là trách nhiệm chưa vuông tròn đối với những gì mình được trao phó. Khi hiện hữu trong cuộc đời này, mỗi người đều có bổn phận phải hoàn thành. Khi nhắm mắt xuôi tay, cũng là lúc được triệu hồi để làm một cuộc thống kê về những điều đã làm hay đã không làm khi sống ở đời.

Đối với người tin Chúa, khoảng giữa từ khi “chào đời” cho đến “tạ thế”, họ còn qua một cuộc “tái sinh”, đó là bí tích Thanh Tẩy. Nhờ nước và Thánh Thần, họ được sinh ra một lần nữa để làm con cái Chúa. Khi được thanh tẩy, họ khởi đầu hành trình Đức Tin. Hành trình này song song với hành trình cuộc đời. Phép Thanh Tẩy cũng cho họ tước vị làm “công dân Nước Trời”, nghĩa là tuy sống dưới trần thế, họ đã thuộc về vương quốc của Chúa Giêsu, trở nên môn đệ của Người. Tuy vậy, nguyên việc được thanh tẩy chưa đủ để họ được bước vào vương quốc vĩnh cửu ấy. Bởi lẽ ai muốn vào Nước Trời phải qua cửa hẹp. Cửa rộng rất thênh thang, dễ vào nhưng lại dẫn tới trầm luân, đau khổ. Cửa hẹp chật chội, khó qua nhưng lại dẫn tới niềm vui, sự sống. Nhờ Đức Tin, người tín hữu sống giữa đời mà không hoàn toàn thuộc về đời, như bông hoa sen từ bùn vươn lên mà thanh thoát chẳng vương mùi bùn. Người tin Chúa sống giữa cõi trần, mà có một trái tim thanh sạch, giữa bon chen mà tâm hồn thanh thản, giữa thung lũng nước mắt mà vẫn có thể nở nụ cười.

Cuộc đời con người, từ khi “chào đời” đến khi “tạ thế” cũng đươc ví như một cuốn sách. Mỗi ngày sống là một trang. Nội dung cuốn sách ghi lại những lời nói việc làm, những tâm tư tình cảm. Ta có thể viết những trang thật đẹp, khi đó là những hành động nghĩa hiệp, cao cả, mang lại niềm vui cho đời, nhưng ta cũng có thể viết những trang rất xấu khi đó là những hành động ích kỷ, gây tai họa cho người xung quanh. Đáng tiếc, trên đời này, người ta học cái xấu thì chăm hơn cái tốt, người ta tiếp thu lối sống láu cá, mưu mô thì dễ hơn tập luyện đạo đức, thân thiện. Giữa chợ đời bon chen, tiếng ồn ào của dối gian luôn mạnh mẽ hơn tiếng nói của công lý, kẻ mạnh luôn chèn ép người yếu thế nghèo nàn. Vì vậy mà cuốn sách cuộc đời còn mang nhiều trang tối tăm nhơ nhuốc.

Con người sinh ra ở đời, có lúc chào đời và có khi tạ thế. Vì vậy, người ta gọi cuộc sống là “chốn khách đày”. Đời chỉ là chốn tạm, người ta đến rồi đi, chẳng phải là nơi vĩnh cửu, cũng không là quê hương mãi mãi. Tuy chỉ là đời tạm, những ai đi qua đều có thể để lại dấu ấn đời mình cho các thế hệ mai sau. Có những người đã để lại cho hậu thế tấm gương tốt đẹp về lòng nhân ái bao dung, hễ nhắc đến tên người ta ngả mũ chào; nhưng lại có những kẻ sống ác đức, các thế hệ sau nhắc đến tên để phỉ nhổ. Có những người suốt đời cống hiến hy sinh, để lại những công trình đem lại ích lợi cho toàn thể nhân loại, nhưng lại có những người để thời gian trôi đi vô ích, không làm được gì ngay cho bản thân và gia đình. Người công giáo tin rằng, lúc tạ thế không phải là chấm dứt, nhưng đó là một cánh cửa mở ra để bước vào cuộc sống mới. Người công giáo cũng tin rằng, những điều tốt đẹp ta làm ở đời này, sẽ đi cùng với ta về đời sau, nơi đó, hạnh phúc sẽ tràn trề, vinh quang sẽ bất diệt và tình yêu tồn tại mãi mãi. “Hổ chết để lại da, người ta chết để lại tiếng”. Điều còn lại khi thân xác đã tiêu tan trong lòng đất, đó là lòng nhân hậu, sự thánh thiện và tình yêu mến ta dành cho mọi người khi còn sống. Những điều này không tiêu tan với thời gian, nhưng muôn đời tồn tại.

Cuộc đời này chỉ là chốn tạm. Nước Trời là quê hương vĩnh cửu, là hạnh phúc Chúa dành cho những ai yêu mến và trung thành với Ngài. Chúa Giêsu cam đoan với chúng ta, Người đi trước để chuẩn bị cho chúng ta chỗ ở trong nhà Cha của Người (x. Ga 14,1-4). Ở nơi quê hương vĩnh cửu này, bàn tay không còn nắm chặt để khẳng định uy quyền, cũng không còn buông xuôi vì ê chề thất vọng, nhưng sẽ giơ cao để ca tụng Chúa, trong tình hiệp thông với các thiên thần và các thánh nam nữ trên trời.

Bàn tay buông xuôi khi lìa đời nhắc bảo ta rằng, con người chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa, nhưng mọi sự ta làm đều do ơn Chúa thương ban. Vì thế, nếu thân phận con người còn nhiều tội lỗi, Chúa lại nói với Chúng ta: “Đức tin của con đã cứu con” (x. Mc 5,34). Lòng nhân hậu bao dung của Chúa giúp chúng ta nghị lực để tiếp tục bước đi trong cõi đời đầy gian nan này.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên