Bài giảng Lễ Tấn phong Giám mục của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm

 

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Trích đoạn Tin Mừng Gioan 14, 15-17.26, mà chúng ta vừa nghe công bố, ghi lại việc Chúa Giêsu Thầy Chí Thánh, trước khi bước vào cuộc khổ nạn và cái chết thập giá, sống lại và lên trời vinh hiển, đã hứa ban Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật và là Đấng Bảo trợ sẽ đến với các môn đệ. Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ mọi điều và làm cho các ngài nhớ lại và thấu hiểu mọi điều Thầy đã dạy mà trước đây các ngài chưa hiểu rõ. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu, từ khi Người nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria. Thánh Thần hướng dẫn Chúa Giêsu đến bờ sông Giođan lãnh nhận phép rửa của Gioan và dưới hình chim bồ câu. Thánh Thần xức dầu tấn phong Người làm Đấng Mêsia cho dân Israel và cho muôn dân. Thánh Thần đã ban sức mạnh và gìn giữ Chúa Giêsu, vượt qua cơn cám dỗ cơm bánh, quyền lực và tham vọng sau 40 ngày chay tịnh nơi hoang địa. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Chúa Giêsu trong sứ vụ đầy gian nan, khốn khó, với những dị nghị dèm pha chống đối của giới lãnh đạo, các kinh sư và biệt phái Do Thái, đến việc Người bị loại trừ và dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết bi thương trên thập giá. Chính với quyền năng của Thánh Thần mà Chúa Giêsu công bố Lời, làm các phép lạ và chữa lành các bệnh nhân, xua trừ ma quỷ và thứ tha tội lỗi. Chúa Thánh Thần đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết. Toàn thể đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu cho đến cái chết và sự phục sinh đều đã diễn ra dưới sự hướng dẫn và quyền năng của Thánh Thần. Chúa Giêsu luôn vâng nghe Thánh Thần để chu toàn sứ vụ cứu độ loài người mà Chúa Cha đã uỷ thác cho Người.

 Bài trích Sách Công Vụ 2, 1-4, mà chúng ta vừa nghe công bố, mô tả biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống mạnh mẽ như cuồng phong và nóng cháy như lửa: “…xuất hiện những lưỡi như thể bằng lửa phân tán ra và đậu trên từng người …và ai nấy được tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Cv 2, 1-4). Chính Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ, trên đoàn tín hữu đang vây quanh các ngài trong ngày lễ Ngũ Tuần năm ấy. Và hôm nay, qua trích đoạn sách Công Vụ trên, chúng ta chiêm ngắm hoa trái đầu tiên của Thánh Thần, đó là các tông đồ bước ra khỏi nơi ẩn trốn vì sợ người Do Thái, ra khỏi tâm trạng nhác đảm, hoài nghi, hoang mang vì cái chết và sự sống lại từ cõi chết của Thầy chí thánh và mạnh dạn cất cao lời rao giảng cho đám đông với nhiều thứ tiếng khác nhau về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người. Sách Công Vụ cho thấy làm thế nào mà Giáo hội tiên khởi đã chuyển mình từ một cộng đoàn nhỏ đi theo Chúa Giêsu gồm những môn đệ ít học, thiếu thốn của cải và địa vị xã hội, đã trở thành một cộng đoàn Kitô hữu hơn 3000 người hôm ấy cùng làm chứng về tình yêu, bình an, tha thứ và chữa lành của Chúa Giêsu cho thế giới.

Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu được Chúa Giêsu sai đến với các tín hữu và Hội Thánh. Từ giây phút ấy, Chúa Thánh Thần hiện diện, đồng hành, hướng dẫn các tông đồ và Hội Thánh thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Các cụm từ: “Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5, 32), “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” (Cv 15, 28), “Thánh Thần phán bảo” (Cv 13, 2) rải rác trong sách Công vụ nói lên sự can thiệp của Chúa Thánh Thần và Hội Thánh luôn vâng nghe Thánh Thần trải qua dòng lịch sử cứu độ từ thời sơ khai đến thời hiện đại. Bắt đầu từ những con đường tại Giêrusalem trong ngày Lễ Hiện Xuống với việc rao giảng phi thường của các tông đồ, cho đến hôm nay trên mọi nẻo đường thế giới với nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, nhiều thế hệ Kitô hữu khác nhau tiếp tục loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và bảo trợ Hội Thánh và các tín hữu Kitô.

Hiền đệ Emmanuel thân mến, 

Thiên Chúa, qua tác vụ của Giáo hội Mẹ chúng ta, trao ban cho hiền đệ trách vụ mục tử của đoàn chiên giáo phận nầy. Chắc chắn hiền đệ không tránh khỏi những ưu tư trăn trở về bổn phận và trách nhiệm ấy. Thánh Phêrô tông đồ, trong Thư thứ nhất gởi cho các bậc kỳ lão, tức các vị lãnh đạo các giáo đoàn tín hữu, đã nêu ra những phẩm tính của người mục tử, đó là chuyên cần chăm sóc đoàn chiên Chúa giao phó, không vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện, không vì lợi lộc nhưng vì lòng nhiệt thành, không chuyên chế lộng hành nhưng phải nêu gương sáng cho đoàn chiên (x. 1Pr 5, 2-4). Bằng đức ái mục tử, hiền đệ là người lãnh đạo giáo đoàn theo gương Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành, luôn nuôi sống chiên bằng Lời Chúa và Thánh Thể, bảo vệ chiên khỏi sói dữ, chữa lành chiên đau bệnh, tìm kiếm chiên lạc, đi đến với các chiên đang sống ở vùng ngoại biên của Giáo hội và xã hội. ĐTC Phanxicô, trong lễ trao ban tước vị hồng y ngày 15.12.2015 tại Rôma, đã đưa ra cho chúng ta các tiêu chí mới của trách vụ mục tử thời hiện đại. Ngài dạy chúng ta rằng con đường của Giáo Hội luôn luôn là con đường của Chúa Giêsu: đó là con đường của lòng thương xót và hội nhập, tiếp đón người con hoang đàng, chữa lành mọi vết thương của tội lỗi, xắn tay áo lên dấn thân chứ không thụ động nhìn nỗi khổ đau của thế giới, đổ tràn đầy lòng từ bi của Thiên Chúa trên tất cả mọi người, ra khỏi ràn chiên để đi tìm các người ở xa trong các vùng ngoại biên của cuộc sống. Tác vụ mục tử ấy chỉ có thể được chu toàn và sinh hoa kết trái khi chúng ta biết ngoan ngoãn “vâng nghe Thánh Thần”. Chính Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, thúc giục chúng ta đến với các chiên và chúng ta sẽ tìm được niềm vui, bình an, trong sựu tận tâm phục vụ và xây dựng Hội thánh.

Giờ đây, với các lời tuyên hứa và trong sự “vâng nghe Thánh Thần”, hiền đệ hãy phó thác đời sống và tác vụ giám mục của mình dưới sự soi dẫn của Thánh Thần, cùng với sự hiện diện và chúc phúc của Mẹ Giáo hội qua sự hiện diện của Vị Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, các Đức Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và của các linh mục, tu sĩ nam nữ và cộng đồng dân Chúa đang sốt sắng cầu nguyện cho hiền đệ hôm nay tại Nhà thờ Chánh Toà Bà Rịa nầy. Amen.