Ơn Gọi Tại Giáo Phận Ðà Lạt

1. Tình trạng Tu Sinh

Sau biến cố 1975, Chủng viện Simon Hòa đã sống một thời gian và sau đó thuyên chuyển về các giáo xứ trong giáo phận. Mỗi cha giáo đem theo một số tu sinh, vừa làm việc, vừa học tập với nhau. Sức sống mãnh liệt của Simon Hòa (Tiểu và Ðại chủng viện) đã cống hiến cho địa phận gần 40 linh mục, và hiện thời còn khoảng 30 tu sinh đang nửa làm nửa học!

Sau khi Ðại Chủng Viện Minh Hòa được giao cho Nhà Nước, chỉ còn lại Tiểu chủng viện cũ nát, thiếu mọi tiện nghi tại Ða Thiện (Ðây là 8 dãy nhà gỗ do Ðức Cố Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền khởi xây từ năm 1964) là nơi vun trồng mầm non của giáo phận. Ðể thích hợp với hoàn cảnh, phần lớn các dãy nhà được biến thành trại nuôi gà, bò, heo và thỏ. Các mảnh đất xung quanh đồi được cuốc làm vườn trồng rau, xu xu, cà-rốt… Nhà nguyện chính bỏ trống, thỉnh thoảng được dùng làm giảng đường cho các sinh viên Công Giáo vào các buổi tĩnh tâm. Chỉ có điều may mắn nhất là Tiểu chủng viện có một thư viện khá đồ sộ thừa hưởng từ Giáo Hoàng Học Viện, An Phong Học Viện. Hiện chủng viện có khoảng 30 chủng sinh. Ðầu tháng 12 năm 1996, chủng viện phải giải tán vì thế các Thầy phải về lại gia đình và giúp đỡ cha xứ nơi mình cư ngụ. Theo Linh Mục Trần Ðình Quảng, đương kim Bề Trên Chủng viện, Ðức Giám Mục Giáo Phận đã nộp đơn xin phép nhưng chưa được chính quyền trả lời.

2. Tình Trạng Giáo phận

Khác với các giáo phận miền Bắc, Dalat chưa đến nỗi ở vào tình trạng không có mục tử. Tuy vậy, những tân linh mục vẫn chưa đủ để điền vào chỗ trống của những người đã phải ra đi, hoặc đã qua đời hay thuyên chuyển đi các giáo phận khác. Ðàng khác, sức sống mãnh liệt của Giáo Hội thầm lặng đòi hỏi nhiều nhiệm vụ mới nơi đồng bào dân tộc, nơi những trại cùi, cũng như nơi các giáo xứ. Trong tương lai, Dalat cần rất nhiều thợ gặt cũng như những sức sống mới để đáp ứng với những nhu cầu của giáo dân và xã hội. Những trại cùi, những dân tộc thiểu số, cũng như những thanh thiếu niên, v.v… rất cần người phục vụ họ. Sự thiếu xót của những người trẻ khiến cha Bề Trên Trần khả kính nay đã trên 80 tuổi và mù lòa, vẫn phải ngồi tòa cả ngày. Cha già Hóa, tuy đã là cây cổ thụ lẽ ra phải được về hưu nghỉ dưỡng cả 10 năm trước, mà vẫn phải chạy đi chạy lại cho anh em dân tộc tân tòng. Cha già Khấn, tuy ở tuổi hưu trí vẫn phải hoạt động vượt sức của mình. Cha Bề Trên Thạch, tuy đau yếu luôn luôn và đã mất hẳn thị giác vẫn phải nai lưng ra gánh vác những công việc nặng nhọc của một cha xứ trẻ. Cha Bề Trên Nhượng, là một bậc khả kính, vẫn khiêm nhượng vừa coi xứ, vừa kiêm chức thư ký văn phòng cho tòa Giám Mục. Nói chung, niềm tin vững chãi nơi giáo dân, tinh thần dấn thân của các mục tử đã đạt đến mức cao độ.

3. Nhu cầu khẩn thiết

Việc đào tạo những nhân lực mới do đó là một việc vô cùng khẩn thiết. Khi mà xã hội trong đó giới trẻ đang đi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần với những tệ nạn xì ke, ma túy và mãi dâm… Khi mà cuộc sống xô bồ đã mất cả ý nghĩa, thì đến lúc con người chờ đợi nhiều nơi Giáo Hội và giáo phận đã đến lúc cần nhiều nhân lực để rao giảng Tin Mừng và phục vụ dân tộc. Nói cách khác, sự phục sinh của Giáo Hội Công Giáo không chỉ là một niềm hi vọng, song đang tiến hành và cần phải tiến hành tuy một cách chậm chạp nhưng rõ ràng!. Từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh, và Dalat, người giáo hữu đổ xô tham dự những thánh lễ cũng như những buổi cầu nguyện và tĩnh tâm. Ðức Hồng Y Tụng đã từng nói: Giáo Hội Việt Nam không sợ thiếu ơn kêu gọi. Ðiều thiếu thốn là những điều kiện thiết yếu để đào tạo hàng giáo sĩ và tông đồ giáo dân. Như thế, là những Kitô hữu Việt Nam, điều chúng ta có thể làm là giúp Giáo Hội tạo ra những điều kiện cần thiết này vậy!

4. Những điều chúng ta có thể làm.

Những điều kiện thiết yếu để đào tạo hàng giáo sĩ và tông đồ giáo dân, một cách cụ thể giúp Giáo Phận Dalat như sau:

a. Ðóng góp tài chánh để đào tạo nhân lực.
Theo mức sống hiện nay tại Việt Nam, để đào tạo một chủng sinh, giáo phận cần một số tiền tối thiểu khoảng US$300 một năm. Như chúng ta biết, đa số những chủng sinh thuộc những gia đình nghèo. Họ không đủ chu cấp cho các em theo học. Chính vì vậy, điều chúng ta hi vọng là, tùy theo khả năng, chúng ta cố gắng giúp bằng cách tặng học bổng cho các em. Hiện Ðại Chủng Viện có khoảng 30 đại chủng sinh đang theo học (hoặc tại Simon Hòa, hoặc tai Ðại Chủng Viện Thánh Giuse hay tại các đại học). Lý tưởng nhất là mỗi người đỡ đầu một em. Nếu khả năng tài chánh hạn hẹp, chúng ta có thể đóng góp nhiều hay ít tùy theo lực mỗi người. Giáo Phận Dalat và các Ðại chủng Sinh sẽ cám ơn chúng ta rất nhiều.

b. Ðóng góp tái thiết Simon hòa trong tương lai rất gần
Trong tương lai, một khi mà giáo dục chủng viện được tự do, Chủng viện Simon Hòa rất cần phải tu bổ. Lúc đó giáo phận cần một số ngân khoản lớn mới có thể tiến hành công trình này. Tuy nhiên đó mới chỉ là chuyện trong tương lai, chỉ xin quí ân nhân lưu ý là tương lai này sẽ tới rất nhanh. Vậy xin quí vị hãy để tâm tìm đủ cách để giúp đỡ công việc tái thiết Simon Hòa.

5. Phương cách quyên góp:

Số tiền tặng giáo phận với mục đích đào tạo nhân lực, xin gửi trực tiếp vào chương mục của Giáo Phận Dalat. Hiện chương mục này được đăng ký tại California, Hoa Kỳ do anh em hội cựu tu sinh Simon Hòa lập:

Simon Hòa Association of Dalat Diocese, Inc.

A non-profit Organization
20040 Baltar street
Canoga Park, Ca. 91306

Quí vị cũng có thể gửi trực tiếp về:

Tòa Giám Mục Dalat

9, Nguyễn Thái Học
Thành phố Dalat, Tỉnh Lâm Ðồng
Việt Nam


Ngôi Nhà Nguyện và một phần nhà lớp học của Tiểu Chủng Viện Simon Hoà ÐàLạt ngày nay. Cây Thánh Giá trên nóc cao đã bị một trận sét bất ngờ xé nát vào năm 1983. Hình chụp tháng 12/1999

Trở Về Trang Mục Lục Bảo Trợ Ơn Gọi