BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGÔ QUANG
KIỆT
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LẠNG SƠN
(19.02.2003 - nhà thờ
Chánh Tòa Đalạt)
TamLinh lược ghi.
Một trong
những lo âu hàng đầu hiện nay của các bậc cha mẹ, đó là làm sao tìm được ngôi
trường tốt đẹp cho con cái học tập nên người, không những đầy đủ trí thức để
sống trong xã hội, mà còn đủ đạo đức để không bị hư hỏng trong khi các tệ nạn
xã hội đang tràn lan khắp nơi.
Hôm nay,
Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta một ngôi trường lý tưởng, một mô hình đào tạo
thành công, đó chính là Thánh Gia Nagiarét. Nghe câu cuối cùng của bài Tin Mừng
: “Còn hài nhi ngày càng lớn lên, càng thêm vững mạnh, khôn ngoan và hằng được
ân nghĩa cùng Thiên Chúa…”, thì chắc chắn các bậc cha mẹ phải nức lòng mong ước
cho con cái mình cũng được như thế.
Thánh Gia
đã thành công trong việc đào tạo. Thánh Gia đã trở thành ngôi trường kiểu mẫu
trong việc phát triển con người, không phải chỉ thân xác mà còn trí tuệ và nhất
là đạo đức. Qua trình thuật Tin Mừng vừa nghe, có thể thấy những nét sống đạo
trong gia đình Thánh Gia, hay cũng có thể gọi đó là chương trình đào tạo trong
ngôi trường này.
1. Đào
tạo lương tâm : Dâng con trong đền thờ là việc hoàn toàn tự nguyện (luật có
buộc dâng một đôi chim làm của lễ thay cho đứa con). Đức Giêsu nếu xét là Thiên
Chúa thì cũng không buộc phải tuân thủ lề luật của con người (của Môsê) đặt ra.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì cũng không phải giữ các luật đó. Thế nhưng các
Ngài đã giữ với thái độ tự nguyện. Yêu mến lề luật, yêu mến đền thờ nên đã lui
tới và tuân thủ lề luật. Việc dâng con không chỉ biểu lộ thái độ khiêm tốn mà
còn biểu lộ một lương tâm trong sáng. Lương tâm đó khiến người ta giữ luật cả
khi không bó buộc, cả khi không ai kiểm soát. Hoàn toàn giữ vì lương tâm, vì tự
nguyện.
2. Đào
tạo đức tin : Đời sống chúng ta đầy những thử thách, để vượt qua được những
bóng tối thử thách đó cần có một đức tin rất vững mạnh. Thánh Gia chính là
gương mẫu của đời sống gia đình sống đức tin mạnh mẽ. Dù không hiểu chương
trình của Thiên Chúa nhưng Đức Maria vẫn cúi đầu xin vâng. Dù không hiểu những
sự việc xảy ra, Đức Maria vẫn ghi nhận và suy niệm trong lòng. Thánh Giuse cũng
thế, dù không hiểu hết chương trình của Thiên Chúa nhưng ngài vâng phục và mau
mắn thi hành mọi điều Thiên Chúa truyền cho Ngài.
(Cũng như
tổ phụ Abraham, cứ lên đường dù không biết đi đâu. Cứ việc sát tế con dù là đứa
con duy nhất để nối dõi tông đường).
Những mẫu
gương, những chương trình đào tạo người ta đi trong đức tin để vượt qua đêm tối
thử thách.
3. Đào
tạo đức ái. Đức ái hệ tại viêïc mở lòng ra trong thái độ dâng hiến. Đức Maria
dâng Đức Giêsu trong đền thờ ; Abraham sát tế Isaac trên đồi … tất cả biểu lộ
một thái độ dâng hiến, dâng con không khác gì dâng chính mình. Hiến dâng là mở
tâm hồn mình ra tới vô biên, hiến dâng là đi đến kết hiệp với Thiên Chúa, là
nhận thức con cái của mình là của Thiên Chúa, phải đi vào trong chương trình
của Thiên Chúa, phải chu toàn nhiệm vụ của Thiên Chúa muốn nó làm. Hiến dâng
con cũng là đi đến với nhân loại (nhờ sát tế Isaac mà Abraham mới trở thành cha
của các dân tộc ; Việc dâng Đức Giêsu không kết thúc trong đền thờ mà kết thúc
trên Núi Sọ, nhờ đó đem ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người như ông Simêon đã
loan báo trước).
Thưa anh
chị em,
Một đời
sống gia đình như thế, một chương trình đào tạo như thế thật cần thiết cho các
gia đình Công Giáo của chúng ta ngày nay. Khi người ta đã bắt đầu coi trọng
lương thực hơn lương tâm, khi người ta đang bị những đám mây nghi hoặc của xã
hội hiện đại gieo rắc vào đầu thanh thiếu niên, khi chủ nghĩa cá nhân đang
hướng tới những hưởng thụ ích kỷ, không còn nghĩ đến những đau khổ của tha nhân
nữa… nếu mỗi gia đình chúng ta trở thành một Thánh Gia Nagierét, thì chắc chắn
chúng ta sẽ đào tạo được những Đức Giêsu cho thế hệ hôm nay.
Đức Thánh
Cha Gioan Phaolô II đã nói “tương lai của nhân loại sẽ đi ngang qua các gia
đình”. Thật vậy tương lai của chúng ta thuộc về giới trẻ, giới trẻ được đào tạo
torng các gia đình, giới trẻ như hạt giống Chúa gieo vào trong vườn ươm gia
đình, nếu gia đình chúng ta là mảnh đất tốt, được chuẩn bị kỹ lưỡng thì hạt
giống đó nẩy nở, phát triển, chúng ta sẽ gặt được một mùa gặt “gấp trăm”.
Trong đại
hội gia đình tại Manila vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong uớc các gia
đình Kitô hữu hãy trở thành “Tin Mừng cho thiên niên kỷ này”. Thánh gia Nagiarét
đã là Tin Mừng cho thế giới, đã gởi cho thế giới Tin Mừng nguyên thủy đích thực
là Đức Giêsu Kitô. Nếu các gia đình Công giáo chúng ta biết học nơi trường
Thánh Gia Nagiarét, chúng ta cũng sẽ trở thành Tin Mừng cho xã hội hôm nay,
chúng ta có thể gửi tặng cho thế giới hôm nay những phiên bản của Tin Mừng,
hình ảnh Đức Giêsu Kitô, là chính con cái của chúng ta.
Thưa anh
chị em,
Tình gia
đình, đời sống gia đình tốt đẹp tôi đã cảm nghiệm được trong Giáo Hội. Như Đức
Cha Phêrô vừa nói, tôi về Lạng Sơn là một Giám Mục có vẻ cô đơn (chỉ có một
linh mục và một soeur cao tuổi), nhưng tôi không cô đơn vì tôi ở trong gia đình
Giáo Hội. Đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam, tôi như một đại diện cho Giáo Hội tại
đó, một vùng đất địa đầu. Thực sự trong HĐGM tôi là người em út được yêu
thương. Với tình ưu ái, Đức Cha Phêrô như một người anh đã muốn tôi đến đây để
được hưởng sự chăm sóc, tình cảm ưu ái của ngài, của các linh mục, của các tu
sĩ nam nữ và của anh chị em nữa. Hôm nay khi đi thăm từ hạt Bảo Lộc, qua Dilinh
và lên đến đây, tôi cũng cảm nghiệm được tình gia đình trong Giáo Phận Đalạt,
cảm nghiệm thấy những nét của gia đình thánh gia trong Giáo Phận Đalạt. Việc
đào tạo lương tâm tự nguyện chu toàn những lề luật của Thiên Chúa, những lời
khuyên của Chúa dù không bắt buộc (chẳng hạn như Đức Cha Phêrô, mặc dù không bó
buộc phải đi vào những ngôi làng xa xôi nhưng ngài vẫn tự nguyện đi thăm viếng
hỏi han, quan tâm đến từng người… Nhiều linh mục tu sĩ cũng đã tự nguyện đi đến
những nơi nghèo khổ, những làng mạc xa xôi…) và Giáo Phận chúng ta cũng đang
trải qua cuộc đào tạo đức tin, biết bao nhiêu thử thách, biết bao nhiêu khó
khăn trong những năm qua, thế nhưng anh chị em vẫn sẵn sàng, vẫn luôn dấn bước
đi tới, đăïc biệt trong những điểm truyền giáo, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng
tất cả các linh mục tu sĩ, anh chị em giáo dân làm việc truyền giáo vẫn luôn
trung thành với nhiệm vụ của mình bất chấp những thử thách.
Đặc biệt
khi viếng thăm trại phong Dilinh, tôi cảm nghiệm thấy tình yêu thương nơi đó
rất nhiều. Tôi cảm nghiệm thấy một sự dâng hiến ở đó. Những người bệnh tật dâng hiến đau khổ của mình cho Giáo
Hội, cho Thiên Chúa, cho đồng loại. Những trái tim dâng hiến tình yêu thương
cho những người bệnh. Tôi cảm nghiệm thấy từ Đức Cha cho đến quý cha, quý thầy,
quý soeur đều dành tình yêu thương cho những nơi đau khổ như thế. Tôi thấy đó
là trường đào tạo đức bác ái. Như thế chúng ta đang cố gắng phấn đấu để trở
thành Tin Mừng cho xã hội hôm nay, qua tất cả những chương trình đào tạo mà
chúng ta noi theo gương của Thánh Gia Thất. Trong năm nay, Giáo Hội Việt Nam
chọn làm năm thánh hóa gia đình, chúng ta cầu nguyện cho nhau biết sống theo
gương Thánh Gia nhiều hơn. Đặc biệt còn trong tháng Giêng, trong năm mới, tôi
xin cầu chúc Giáo Phận Đalạt (qua môi trường thánh gia của mình), đào tạo được
nhiều Đức Giêsu Kitô cho Giáo Phận cũng như cho Giáo Hội và ngày càng trở nên
Tin Mừng cho nhiều người nghe thấy, cảm nhận thấy để nhận biết Thiên Chúa là
tình yêu.
Lạy thánh
gia Nagiarét, xin dạy chúng con sống theo Ba Đấng. Amen.