Tương Quan Đức Tin và Nhân Cách

 

Chưa ai có kinh nghiệm chết là thế nào, nhưng ai ai cũng đã nhiều lần chứng kiến cảnh chết, hoặc chính mình cũng đã đương đầu với cái chết. Chưa chết tức là còn sống. Sống thì còn hoạt động, còn suy tư, còn yêu thương, còn vương vấn. Người cận kề cái chết nhất cũng còn nhịp tim thoi thóp. Chết là ngừng hẳn mọi hoạt động thể lý. Có còn yêu thương nữa không, chẳng ai biết. Có còn thăng tiến nữa không, chẳng ai hay. Chỉ chắc chắn là thân xác xinh đẹp kia sẽ bốc mùi, thối rữa và người ta sẽ phải nhanh chóng chôn vùi đi…

Nhân cách mà chết cũng vậy.

Là con người, xuất hiện và sinh hoạt trên hành tinh này, ai trong chúng ta cũng muốn phát triển nhân cách hướng tới Chân Thiện Mỹ. Tận đáy tâm hồn, ai cũng có nhu cầu thúc bách cần có một đời sống tinh thần. Trừ những người cố tình bóp chết linh tính, chối bỏ nhân cách, còn lại thì ai cũng muốn trang bị cho mình một Niềm Tin Tôn Giáo. Đó là điều kiện cần thiết để thể hiện nhân cách đến thành toàn. Sở dĩ con người không thể chối bỏ nhân tính của mình, vì con người được Thượng Đế tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Đàng khác con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn cần những gì cao thượng hơn cơm bánh. Đó là đời sống Tinh Thần của Niềm Tin Tôn Giáo.

Nhân cách biểu hiện qua hành động hướng thiện, vươn tới chân thiện mỹ từ trong tư tưởng, ra ngôn ngữ, tới hành động. Khởi đầu là từ niềm tin – Tin vào một Nguyên Nhân Tối Thượng, siệu việt và toàn hảo.

Mục đích tối thượng của các tôn giáo là hướng thượng con người đến Chân Thiện Mỹ. Qua không gian và thời gian, trải qua bể dâu lịch sử, với những thao thức băn khoăn của kiếp người, con người luôn tìm đến Niềm Tin Tôn Giáo. Dù bao người và bao chế độ vô thần luôn tìm mọi cách bách hại tôn giáo, nhưng tự thâm tâm con người vẫn tìm kiếm Thượng Đế là nguyên nhân và cứu cánh của cuộc sống. Đó là lý do giải thích tại sao, sau những bách hại đẫm máu của giới cầm quyền, sau biết bao nhục nhằn khổ ải trong lao tù hay bắt bớ xâm phạm quyền lợi con người, niềm Tin Tôn Giáo vẫn không bị mai một mà trái lại, phát triển mạnh mẽ hơn trước. Vả lại, ngay cả những kẻ bi bô rằng mình không tin vào Thượng Đế, thì một lúc nào đó trong cuộc đời, hắn đã nhận ra mình sai lầm.

Ngày nay, người ta nói nhiều đến ‘sức mạnh của niềm tin’. Cả những người vô thần cũng thích nói đến ngôn ngữ linh thánh này như trong các bài bình luận về trận đá bóng của Việt Nam hôm rồi. Thế nhưng cái ý nghĩa của mệnh đề đó thì khác xa nhau lắm.

Niềm tin chiến thắng của các cầu thủ và của các cổ động viên là bốc đồng, nồng nhiệt lắm. Nếu kết quả như ý muốn thì hân hoan la hét rồi khao nhau nhậu nhoẹt. Giá như thất bại thì u sầu buồn bã, thậm chí tự vẫn vì thua cá độ. Còn niềm tin của nhân cách và tôn giáo thì dù thành công hay thất bại, đều mang dấu tích của tình yêu, vì đó là sự tự nguyện, là hy sinh, là vô vị lợi.

Trong ngôn ngữ Việt Nam có ba động từ kép rất đẹp và ý nghĩa : Tin Tưởng, Tín Thác, Tin Cậy.

TIN TƯỞNG có nghĩa là TIN - NGHĨ về. Tôi ghi nhớ lời khuyên của thánh Phao-lô : hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới (Cl 3,2). Khi NGHĨ về Thiên Quốc một cách thường xuyên như vậy có lợi vô cùng bởi vì tất cả mọi hành động và suy nghĩ của ta đều quy hướng về Chân Thiện Mỹ. Và như thế, niềm tin của bạn và của tôi sẽ càng ngày càng thêm vững mạnh và son sắt.

TÍN THÁC có nghĩa là tôi và bạn TIN - PHÓ THÁC mọi thứ vui buồn, sướng khổ, thành công thất bại, may mắn, rủi ro … của ta vào trong bàn tay quan phòng của Chúa. Đừng đi coi bói, tin dị đoan hay thờ cúng ngẫu tượng, tà thần … chỉ khi nào bạn và tôi trông cậy vào một mình Thiên Chúa là cứu cánh duy nhất, thì khi ấy đức tin của ta mới triển nở và phong phú dồi dào.

TIN CẬY có nghĩa là TIN - CẬY NHỜ vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng toàn năng có quyền trên mọi sự. “Không điều gì mà Thiên Chúa không làm được”. Khi bạn và tôi vui vẻ chấp nhận mọi gian khổ, thử thách và những khổ cực và đắng cay trong cuộc đời này là giá cứu độ rồi, thì niềm tin của ta vào Chúa Kitô sẽ sâu đậm và phát triển không ngừng. Khi niềm tin đã có được chỗ đứng trong cuộc sống, mọi sinh hoạt nhân linh sẽ được soi sáng bằng chính đức tin ấy, và những phẩm cách công bình, yêu thương, kiên nhẫn, khiêm tốn, vị tha, chân thực…là hiệu quả tất nhiên.

Trong xã hội hôm nay, sự chân thành, trung thực đã trở thành ‘hàng hiếm’! Nếu dùng từ nặng hơn tí nữa thì ‘nhân cách đang là thứ ngớ ngẩn, thọc gậy bánh xe’. Cũng phải thôi, bài học nhân cách, bài học của lương tâm tôn giáo luôn cản trở khuynh hướng thụ lợi, tham quyền cố vị, lừa lọc, tham nhũng gian xảo…Tôi không dám ‘vơ đũa cả nắm’, nhưng chỉ có ý nói đến một thực trạng trong xã hội. Người có chức quyền thì tìm cách hợp thức hoá của công thành tư lợi. Người công nhân khai man công việc để được tăng lương. Kẻ kinh doanh thì ‘hàng gian, hàng giả’ là chỉ tiêu cho doanh thu. Học sinh thì mua điểm, thầy giáo gạ tình hay chỉ đóng vai nhà mô phạm mà không biết nhân cách. Sách giáo khoa thì sửa đi sửa lại vẫn cứ sai. Sách ‘học làm người’ thì ít mà sách ‘học làm bậy’ thì nhan nhản. Ngay cả bằng cấp, học vị cũng không có nguồn gốc thật thì lấy đâu ra những cống hiến thật cho ích quốc lợi dân. Các tụ điểm vui chơi, quán nhạc tấp nập hơn nhà trường hay nhà thờ. Bữa nào guẩng chút, đạp xe dạo phố xem hoa, hoa dại mọc chen chúc dọc đường. Chú công an đứng dẫn đường cũng ra dáng ‘anh chị’ lắm, không có cái tư thế nhà binh mà ngày nào mình được học. Kìa nữa, dăm ba bông hoa biết nói không sợ cảm nắng nên bày ngay ra phố nhiều loại thịt hiếm thấy ghê! Coi chừng đấy, mấy chàng choai choai cũng khoác áo trắng trinh nguyên nhưng đang lạng lách như hung thần giữa phố thị, miệng xổ ra những thứ tiếng mà …từ điển không có!

Ái chà, kể sao hết được những phi giáo dục, phi luân lý, phi đạo đức…khi nhân cách không còn được là ‘mối quan tâm hàng đầu’ để giáo dục nhân bản, khi niềm tin tôn giáo bị coi là đối thủ để loại trừ hay đàn áp.

Tôi đã từng được chứng kiến những nghĩa cử của chữ tín thật sống động và sâu sa. Anh xích lô oằn lưng đạp cuốc xe thấm mồ hôi để kiếm miếng ăn hằng ngày. Vậy mà khi nhặt được cái bóp để quên, trong đó có số tiền đủ cho anh sống sung túc, anh đã cất công tìm tới địa chỉ của người mất mà trao tận tay, không ‘si xiển’ một đồng. Anh đã dám sống lành cho sạch, rách cho thơm. Anh có thể bị thiệt thòi, nhưng anh đã chiến thắng vẻ vang trong nhân cách làm người. Anh chẳng cần ai ca tụng. Chẳng tờ báo nào đăng tên anh để khen ngợi. Chỉ tâm hồn anh trải rộng một niềm hạnh phúc. Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Đối với anh chỉ nghĩ có một điều: Mỗi lần các ngươi làm bất cứ việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Tôi ghi nhận lòng hy sinh tận tuỵ của các giáo viên Giáo lý, của các ca viên ca đoàn, các bà dòng Ba quét rác sân nhà thờ…Tôi thán phục thái độ dám ‘châu chấu đá xe’ của những anh giáo viên nọ trước những bất công của trường học. Họ có thể dành những thời gian ‘làm công khống’ ấy để vui chơi giải trí, để đi làm kiếm thêm, nhưng họ đã làm khác. Cái khác của nhân cách, của niềm tin.

Thánh Gia-cô-bê khẳng định rằng: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết!” (2,26). Nếu bạn muốn đức tin của bạn được mạnh mẽ và sống động thì bạn phải cho đức tin của bạn hoạt động … nhiều một chút, ít là qua việc huấn luyện nhân cách, qua cách sống làm người ‘có giáo dục’ . Nếu không chịu động thì còn lâu đức tin của bạn mới mạnh mẽ, phát triển và trưởng thành được, còn lâu nhân phẩm mới được tôn trọng và tôn vinh! Đức tin đó sẽ chết dần chết mòn mà thôi!

Đức tin có sống thì nhân cách cũng sống. Nhân cách hoạt động thì sự trung thực được dãi bày. Nhân cách dãi bày thì tính hiếu thuận tô son, lòng nhân hậu tươi sắc, công bình nở hoa.

Bình an chỉ thực sự hiện hữu trong lòng người thiện tâm.

 

Bs. Trần Minh Trinh


Mục Lục Sống Lời Chúa