Mẹ

Mẹ ơi! Đọc lên chỉ thế thôi, nhưng lại gợi cả một trời thơ lai láng, biển tình cảm dịu êm, dòng hơi ấm nồng nàn.

Một danh hào nào đó đã thốt lên rằng : Một trong những kiệt tác trong vũ trụ cuả Thượng Đế là người mẹ. Từ thân thể xem ra yếu đuối mảnh mai đó đã tạo ra được một mầm sống và được nuôi dưỡng bằng máu. Máu cuả người mẹ. Sự sống của mẹ đã chuyển vào những tế bào nhỏ nhoi để nó thành một con người mới, một linh hồn bất tử, một biến đổi cuả cả vũ trụ theo chiều ngang, cũng như một ‘đối tác’ yêu thương theo chiều dọc.

Tôi không bàn đến những cơ chế sinh học, những tác động thể lý ảnh hưởng trên một con người. Tôi chỉ chiêm ngắm những nét đẹp tuyệt vời của chiều sâu tâm linh, cuả tương quan thần thánh tình mẹ-con thâm thuý huyết nhục, tình mẫu tử nồng ấm dạt dào, và nhất là sự hy sinh quên mình.

1.        Tình Mẹ Huyết Nhục : Không thế thì sao gọi là mẹ được. Tình Mẹ-Con thắm thiết trước hết là vì con là bản ‘bản sao’, có ‘nguồn’ là mẹ. Ngay từ những cấu trúc cơ thể, những yếu tố di truyền, huyết học, màu da, giọng nói, tính tình cuả con, ít nhiều có gắn kết với mẹ. Những kiểu nói “tiếng mẹ đẻ”, “nó giống mẹ, giống cha…” đều có căn nguyên từ yếu tố này. Một bào thai lớn lên và phát triển là nhờ nó rút được sinh khí, dưỡng chất từ mẹ. Những giọt máu mẹ đưa tới dần thành tim thành óc, thành mắt thành môi, thành xương thành thịt, thành tay thành chân cho một mớ tế bào vô định hình. Bào thai phải ‘ký sinh’ trong thân thể người mẹ thời gian dài để chuẩn bị bước vào thế giới với tư cách một con người. Tiếng khóc chào đời cuả con là tiếng cười cuả mẹ, dù rằng chính mẹ vưà trải qua một cuộc vật lộn xé ruột đau đớn cho sự ra đời hoàn hảo cuả con. Giòng sữa ngọt lại tiếp tục nuôi sống thơ nhi yếu đuối kia được lớn lên, khỏe mạnh, bụ bẫm hồng hào. Tiếng cười trẻ thơ với những tiếng nói ê a đầu đời lại tưới vào lòng mẹ bao trìu mến, quên nhọc nhằn cuả những đêm thức trắng canh chừng con đang lên cơn sốt, quên hiểm hoạ cuả sự suy nhược bản thân vì mọi hơi sức đã dành hết cho con. Bồng thơ nhi trên tay, biết bao mộng đẹp được thêu dệt tươi xinh cho tương lai của bé yêu khi bước vào tuổi cài hoa vào đời…

2.        Tình Mẫu Tử : Mối tình gợi lên những tình cảm thân thiết mà cao sâu. Nó nhằm nghiã bảo vệ và chăm sóc. Nơi loài vật không không tri cũng thoang thoảng tình mẫu tử diụ êm ấm áp. Con hổ cái cũng liếm láp nâng niu đám con mà tương lai chúng cũng chỉ biết săn mồi, liếm máu tươi. Con chim bồ nông xé từng miếng thịt từ vùng ức mình để mớm cho con trong lúc đói khát, để rồi cũng phải chết vì kiệt sức. Con gà mẹ xoả rộng cánh túc con để bảo vệ chúng khỏi lũ diều hâu đang bay lượn tìm mồi ngon. Đôi lúc nó còn dám xù lông chống lại bầy chồn cáo mạnh mẽ hơn nó nhiều, để che chở đám gà con bé nhỏ chỉ biết liếp chiếp kêu cứu. Có lần nào đó, Giavê Thiên Chúa đã ví mình yêu thương con người như hình ảnh gà mẹ yêu thương ấp ủ con dưới cánh, như phượng hoàng cõng con trên lưng để đưa con lên cao với những huyền diệu cuả khung trời bình an…

Trong thiên nhiên, nơi những loài động vật vô tri mà ‘nghiã mẹ con’ còn đầy dẫy hình ảnh đẹp cuả ‘tình mẹ’, huống chi nơi con người linh ư vạn vật, thứ tình cảm thiêng liêng đó còn nồng nàn và cao vời hơn nhiều. Nó không chỉ rõ nét trong tình máu mủ ruột rà mà còn thật đậm nét cả nơi những lãnh vực siêu hình hơn với tương quan tình người. Có những người mẹ phải tần tảo sớm chiều mới có được miếng cơm cho lũ ‘tàu há mồm’ có món ngon thưởng thức. Có những người mẹ không nếm mùi mang nặng đẻ đau, nhưng lại đã hy sinh cả cuộc đời thanh xuân để sinh lại những đưá con tật nguyền, bệnh hoạn, cút côi vắng tình thương. Cả một kho những câu chuyện lý thú nhưng ngập nước mắt cuả những tình mẹ suốt đời hy sinh cho sự tiến thành cuả con. Ai muốn tìm đọc thì lại thấy chính mình đang ngụp lặn trong biển yêu thương mẫu tử, mà hình như trước đây mình chưa bao giờ nghĩ tới. Tuy vậy, cũng không thiếu những mẫu tử chưa xõa tang chồng đã mon men duyên mới, mặc cho sự cút côi của đám trẻ với tương lai mịt mờ. Cũng nhan nhản những bà mẹ từ chối thiên chức mẫu tử khi đành đoạn trút bỏ mầm sống còn chưa được tượng hình…và còn nhiều lắm, những đoạn trường bi thảm, khi vai trò tình cảm chỉ là thứ đồ chơi rẻ tiền, khi những bài học giáo dục nhân bản còn ê a mãi bài nhập môn mà chẳng chịu thuộc bài!

3.        Tình Mẹ Gắn Kết Với Hy Sinh :

Có ông thi sĩ đã viết rằng “nếu chữ hy sinh có ở đời, tôi sẽ nạm vàng muôn đau khổ”.

Hy sinh là quên mình, là gạt sang một bên những thoải mái dễ chịu, những hạnh phúc cá nhân đáng được hưởng, để lao vào những khó khăn, chấp nhận những bất ổn, mà hiệu quả cuả nó là đem lại hạnh phúc, bình an cho người khác.

Ai cũng có thể hy sinh. Người lính hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc và dân lành. Người cha, người mẹ hy sinh những cuộc vui chơi xa xỉ để chú tâm gầy dựng tương lai sán lạn cho bầy con đang lớn. Chàng sinh viên hy sinh những thú vui chóng qua cuả tuổi trẻ để miệt mài với những trang sách xây đường vào tương lai..v.v… Hy sinh là có thiệt thòi, nhưng hy sinh phải có ý nghiã.

Có lẽ tình mẹ mang nhiều dấu ấn cuả sự hy sinh. Ấy là tôi nghĩ theo chiều tích cực. Chính vì sự hy sinh đó nó ‘thường tình’ quá nên người ta lại chẳng quan tâm để đưa vào những trang báo giật gân. Mà thôi, hãy để cho những người đã là con gẫm suy và cảm nhận. Chắc cũng chẳng dễ dàng lắm để có cảm nghiệm sự hy sinh cuả cha mẹ. Hãy chờ tới ngày chính họ cũng thể hiện sự hy sinh đó với hậu duệ, có lẽ những bài học ngày xưa sẽ thấm thía hơn, sâu đậm hơn. Tiếc rằng khi con hiểu lòng cha mẹ thì muộn mất rồi. Mâm trái cây và vài que nhang cay mắt chẳng sống lại tình mẹ cha đâu!

4.        Đức Maria cũng là người mẹ.

Mấy em bé nhảy nhót hát vui ‘trên trời cao có muôn ngàn ánh sao, ruộng đồng cũng bạt ngàn bông lúa,…nhưng mẹ thì chỉ có một trên đời’.

Giêsu cũng đã có một người mẹ, một người mẹ thể lý hẳn hòi. Dĩ nhiên, ta không thể bỏ qua những lý chứng thần học liên kết cách đặc hiệu nơi khoa Kitô học và Thánh mẫu học (chủ đề này tôi đã viết trong “Đức Maria Trong Tân Ước”), nhưng để gần gũi hơn, tôi chỉ muốn nghe đi nghe lại lời trăn trối từ đỉnh cao thập tự “ Này Là Mẹ Con”.

Có người nói rằng ‘mẹ là nguồn sức sống’. Điều này đúng ở góc này mà không hợp ở góc kia. Đúng vì mẹ ban cho đưá con sự sống, rút từ sự sống cuả mình. Một sự chia sẻ cao vời và thấm đậm tình người. Nhưng không đúng vì mẹ cũng đã từng rút sự sống ở một nơi khác, và truy cho đến tận cùng, nguồn sự sống chỉ có ở Tuyệt Đối. Vậy nên sự sống mẹ ban cho con cũng không phải của mẹ. Này là mẹ con, trước hết là câu trăn trối cuả tình người. Là người mẹ với tình mẫu tử, mẹ có những suy tư, nhưng trăn trở để mưu tìm hạnh phúc, kiến tạo bình an cho những đứa con. Con vui thì mẹ phỉ lòng, con buồn mẹ héo hắt tâm can. Và chính ở điểm này mà biết bao niềm tin đã đổ dồn về người mẹ ‘có gốc thần thế’ để suy tôn khẩn cầu. Những tình cảm cứ dâng lên về phía tình mẹ đến độ nặng nề hình thức mà giáo hội gọi là những tình cảm phù phiếm chóng qua. Hành động tôn vinh Mẹ thật xứng đáng và thoả lòng cuả người con hiếu thảo làm vui lòng mẹ mình, nhưng rồi khi cái gọi là hiếu thảo ấy không xuất phát từ lòng yêu mến chân thành, nó đã biến những buổi rước kiệu tôn vinh mẹ thành một buổi trình diễn áo quần, khoe khoang sự giàu có, những cuộc ‘đấu giá’ công phúc vì vài đồng tiền mình góp mua hoa, mua nến, …và cả những gì là thánh thiêng như lễ riêng, đặc quyền… Khổ ghê, nếu phải nói gì, chắc mẹ sẽ bảo đoàn con đang rầm rộ tôn vinh mẹ rằng ‘tấm lòng vẫn trọng hơn cuả lễ’.

Này là mẹ con, nhưng ‘mẹ con’ vẫn là ‘con Chuá’, nghiã là cũng là đối tượng được Chuá yêu thương trong tư cách là ‘tạo vật hoàn hảo’. Vậy nên theo nghiã thần học thì mẹ không ban sự sống mà chỉ là chuyển thông sự sống. Những tước hiệu cao vời và những đặc sủng Thiên Chuá dành cho Đức Maria là để tuyên dương một tạo vật đã tham gia cách trọn vẹn vào công cuộc cứu độ thế trần, khiến mẹ trở thành con người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ từ người con thể lý cuả mình, nhưng lại là Đấng Cứu Độ, là Ngôi Vị Thiên Chuá.

Suy tôn người mẹ trần thế, tôi cũng tôn vinh người mẹ cuả nhân loại với tư cách mẹ Đấng Cứu Thế.

Đức Maria là tặng phẩm cao qúy Thiên Chuá đã tặng ban cho nhân loại. Từ những đặc ân cuả thiên chức làm mẹ, Thiên Chuá đã trang điểm cho mẹ những phẩm cách hoàn hảo để thân xác mẹ cũng trở nên linh thánh cho sự cưu mang Đấng Cứu Độ gian trần. Ở điều này thì những lý luận khoa học xếp bút lại mà nhường chỗ cho những lý lẽ cuả niềm tin. Đấng có thể làm từ không ra có cả vũ trụ bao la, trang trí cho bầu trời những tinh tú bạt ngàn, vẽ trên đất bao cảnh núi sông  suối nguồn thơ mộng…thì việc bảo vệ nguyên vẹn thân xác cuả một người mẹ tiền định nào có khó gì. Nhưng rồi chính Mẹ, chính từ tâm hồn thanh khiết, phó thác và đầy tin tưởng cuả cô thôn nữ ấy càng làm cho công trình cứu độ cuả Giavê thuận lợi hơn. Chưa hết, thân xác mẹ, tâm hồn mẹ cũng đã hoà chung vào con đường thập tự cuả người con chí thánh mà đi lên đỉnh Canvê với cuộc sát tế không đổ máu. Mẹ lại đấng Đồng Công Cứu Chuộc.

Trong tư cách là mẹ cuả “Trưởng Tử Nhân Loại”, mẹ cũng minh nhiên trở thành mẹ cuả tất cả những ai được tái sinh trong máu cuả người con ấy. Ơn cứu độ được lan toả đến đâu thì tình thương ấp ủ cuả người mẹ cũng chan hoà tới đó. Cũng với sự nhạy cảm cuả tiệc cưới Cana, mẹ vẫn âm thầm nhắn nhủ “hễ người bảo gì thì hãy làm theo”. Cũng với trái tim tình người, mẹ khuyên răn “…con có biết mẹ cha đã nhọc nhằn tìm con”. Lịch sử giáo hội đã lưu truyền biết bao kỳ tích, bao thành quả thánh thiện cho những người đã nhận được lời trăn trối ‘này là Mẹ con’. Và còn mãi với chiều dài thời gian hay không gian bốn chiều, tình mẹ vẫn theo sát từng đưá con, kể cả những đưá ngỗ nghịch, để ‘ánh trăng lúc đêm khuya’, ‘cơn gió mát bên hè’; ‘sóng biển thái bình dập dồn’, ‘tiếng ru bên nôi’…làm ấm lòng người con lữ thứ, chỗ dựa cho người lạc bước, niềm an ủi cho những mảnh đời cô quạnh, niềm hạnh phúc cho người tin..

Mẹ ơi. Tiếng nói đầu môi cuả đưá con yếu đuối. Con hướng về mẹ với tấm lòng cuả người con. Những khó khăn trong cuộc sống đã dằn vặt cuộc đời con bầm dập, những lo toan đã nghiền nát bao ước mơ hạnh phúc, những đắng cay trong tình trường hay những thất vọng trên thương trường đã dẫn con tới gần mồ chôn cuộc đời. May mà con còn có mẹ, dù không gần gũi, nhưng có ân sủng và lời cầu khẩn cuả mẹ tới trời cao. Tình thương mẫu tử vẫn phủ bóng mát trên đường đời. Chắc là không để cứu nguy bằng cách chỉ bồng ẵm trên tay, mà là trợ lực, là đồng hành, là soi dẫn theo kiểu “hễ Người bảo gì, hãy làm theo”.

Mẹ ơi, con luôn cần có mẹ, như bé thơ nương bóng mẹ trên đường quê hay cần được che chở khi trời gầm gió lạnh. Mẹ là người hiểu con mình hơn ai hết, nên mẹ cũng sáng suốt cảm thông cùng con hơn bất kỳ sự an ủi nào. Con không xin mẹ phá bỏ mọi gai góc chắn lối đường đời, nhưng xin mẹ chỉ cho con đường nào ít khó khăn hơn và giúp con vượt lên trong chiến thắng. Con không cầu xin cho cuộc đời mình cứ mãi hạnh phúc bình an, vì như thế con sẽ trở nên bạc nhược và không biết chia sẻ nỗi khổ cuả anh em đồng loại. Con không kỳ vọng vào những tiền cuả mà sức lực tài khéo con kiếm được, vì nó như hương hoa nay còn mai thuộc về nơi khác, mà chỉ xin cho con biết sống yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, mà biết đâu, cách nào đó do sự thờ ơ cuả con đã đẩy họ vào nỗi đoạn trường.

Cánh hoa tâm hồn đời con không héo úa vì được nuôi dưỡng trong tình mẫu tử dạt dào. Dù chưa tươi tốt như nụ hồng ban sớm, dù chưa khoe sắc như cành phong lan kiều diễm…nhưng là sản phẩm cuả lòng con. Nó là kết tinh cuả một cuộc đời vui buồn lẫn lộn, của thăng trầm ngày tháng. Con gửi về tặng mẹ với lòng thành thảo hiếu. Mẹ sẽ làm cho nó xinh tươi hơn để xứng đáng kính dâng Chuá Trời.

Hôm nay giáo xứ chúng con quay quần bên bàn thờ mẹ để bày tò lòng mến yêu thảo kính. Xin mẹ thương chấp nhận và chúc lành cho chúng con.

Bs. Trần Minh Trinh

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa