Cao nguyên chiều Thứ Bảy

 

“Chuyến xe khách Sài Gòn- Bảo Lộc đã đưa tôi rời xa Sài Gòn vào một buổi sáng đẹp trời. Con đường Quốc lộ 1A thay tôi tạm biệt Thành Phố để đến một vùng đất mới. Một vùng đất tôi chưa một lần biết đến, chưa một lần tưởng tượng tồi một ngày nào đó tôi sẽ dừng chân. Mơ hồ trong hồi hộp không biết tôi sẽ sống ở đó như thế nào? Những con người ở đó ra sao và những tháng ngày thực tập dẫn tôi đi về đâu? Những ưu tư cứ luẩn quẩn trong đầu. Rồi tôi bất chợt nhận ra sao mình lo lắng nhiều chuyện quá khi tất cả còn là phía trước. Chúa Giêsu đã nhắn nhủ người Tông đồ ra đi không được mang theo gì, không có sự chuẩn bị nào cả vì họ không ra đi một mình mà đi trong sứ vụ của Đấng đã tiên liệu mọi sự. Vậy cớ gì tôi cứ phải băn khoăn. Khép hờ đôi mắt, cố hướng về Thiên Chúa và an định tinh thần.”

                                                    ***

Có lẽ cảm xúc của tôi cũng là cảm số chung cho tất cả các bạn tập sinh cùng lớp. Chúng tôi nuôi trong lòng ước vọng được tận hiến, được bước chân đến những vùng đất xa xôi, để rao truyền niềm tin Đức Kitô cho cuộc đời, cho mọi người. Chúng tôi gặp nhau trong lý tưởng và cùng đồng hành với linh đạo của Tu Hội để rồi từ Tu Hội chúng tôi khởi bước thực hiện ước mơ. Chúng tôi ra đi, những dấu chân non còn vụng về, vướng víu, bỡ ngỡ trước chân trời thực tế không giống như trang web mà mình đã thiết kế thật xinh tươi.

Vùng đất tôi và các bạn cùng lớp đặt chân tới đều là những rừng núi hoang sơ: Đoàn Kết, Lê Văn Phụng, Lán Tranh hay Suối Mơ … những cái tên sao mà thơ mộng, sao mà thân thương, sao mà ngọt ngào mời mọc đến lạ. Và đặt chân đến rồi cũng thật lạ biết bao! Tôi không biết những ngày khởi đầu sứ vụ của các bạn thế nào, còn tôi, Lê Văn Phụng- một Giáo họ lẻ của Giáo xứ Tân Hoá thuộc Giáo phận Đà Lạt đồng thời cũng là một cứ điểm truyền giáo của Tu Hội- đã để lại lòng tôi sao xuyến những nỗi niềm, những nỗi niềm đọng lại thành những dấu chấm cảm còn bỏ ngỏ…

Lê Văn Phụng một chiều không gió, cái lạnh vẫn cứ se se, đồi núi tĩnh lặng- yên ắng, trời chiều thật gần. Tôi đứng trên cao nguyên xanh thẳm mà hồn mãi chạy mênh mang, lông nhông với đất trời, cỏ cây và xóm núi. Tôi thích gọi Lê Văn Phụng là xóm núi vì quanh quẩn cũng chỉ là những ngọn đồi ôm lấy cao nguyên tình tứ. Bốn tháng ở Lê Văn Phụng không dài và cũng chẳng ngắn, thời gian vẫn cứ là thời gian, dài hay ngắn hệ tại ở lòng người. Tỉ như có ngày nắng vẫn chang chang, trời xanh mây trắng nên thơ một ngày mà lòng người vẫn cứ  dằng dặc thì ngày ấy cũng lê thê; và lắm lúc mưa dầm dề ướt sũng những lối đi, nằm đắp chăn, mưa buồn héo hắt vậy mà có người bảo “hôm nay trời mau tối thế nhỉ!”... những tháng ngày ở Lê Văn Phụng trong tôi cũng thế, cũng buồn cũng vui, cũng dài cũng ngắn song điều còn lại là tôi cảm thấy Lê Văn Phụng thật đáng yêu từ mảnh đất, vườn cây, đến mái lá, đến con đường và hơn nữa vẫn là thụ tạo xinh đẹp và cao quý. Vâng! Chính là con người, người Lê Văn Phụng thật dễ thương quá bạn ạ!

Sao mà họ chất phát, đơn sơ… có lúc đến quê mùa và ngớ ngẩn. Họ là những người già trẻ lớn bé và hầu như họ có cùng một điểm chung. Nghèo. Nghèo ăn, nghèo uống, nghèo mặc, nghèo một con đường làm phương tiện. Thật! Nếu bạn  đến Lê Văn Phụng bạn sẽ cảm nếm thế nào là “dốc lên khúc khuỷ dốc thăm thẳm”, con đường sao mà gồ ghề đến sợ, nhất là những ngày mưa sình lầy mới kinh khủng làm sao. Lê Văn Phụng là thế đấy bạn ạ, dường như sự thiếu thốn đã cột chặt cuộc đời họ với núi rừng hoang vu rồi. Trẻ em không có một ước mơ để ấp ủ, học được vài ba lớp cho biết cái chữ rồi kéo nhau cầm cuốc lên nương. Thật xót xa làm sao! Cha mẹ chúng chữ A bẻ đôi không biết đến lượt chúng cũng chẳng hơn kém gì. Tôi tự hỏi truyền giáo là như thế nào? Là truyền đạo đấy à?! Ôi! Làm sao có thể nghĩ truyền giáo một cách ấu trĩ như thế! Mà tôi có thể làm gì cho họ! Họ đang đói tôi không thể cho họ bát cơm, họ không có mái lá để che nắng mưa mà tôi thì không thể cho họ căn nhà. Nhìn đôi mắt trẻ thơ long lanh tôi cũng không biết làm sao để cho chúng một ước mơ, gieo cho chúng một mầm xanh hy vọng. Vậy tôi đến với họ để làm gì? Một cái gì đó quặn thắt cõi lòng. Nhưng rồi bạn biết không! Chính nhờ bí tích Thánh Thể mà tôi hiểu được giá trị của mình. Đức Kitô đã yêu thương nhân loại nên trước khi về trời, Ngài hiểu con người cần gì, muốn gì; con người muốn được chia sẻ, cần sự hiện diện, cần được đồng điệu song hành và Ngài đã lập bí tích Thánh Thể để “ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vâng! Tôi  và các chị trong cộng đoàn đã hiện diện với họ và có lẽ như thế cũng đủ lắm rồi. Mọi sự còn lại là của Thiên Chúa.

Xuýt nữa tôi quên! Họ có chung một điểm nghèo thì họ lại đặc biệt có chung một điểm giàu đó là niềm tin và tình yêu. Những chiều thứ bảy cuối tuần, Cha xứ từ ngoài thị xã dong xe vào giáo họ lẻ nghèo nàn để hiệp dâng Thánh lễ nơi căn nhà nguyện vách gỗ cọt kẹt. Người linh mục tận tâm vất vả vật lộn với con dốc dài trơn trợt, khi nhào bên phải khi nghiêng bên trái, khi thì chạy trên sóng lưng của mỏm đất nhô chênh vênh khi thì lọt tõm xuống vũng sâu lầy lội. Người Linh mục lấm láp đất bùn chẳng khác gì giáo dân cũng ống xăn ống rớt, bước thấp bước cao để đến nhà nguyện và “cả Cha và con” trong thân phận lấm láp cùng nhau thắp lên một niềm tin. Chỉ khi đó tôi mới thấy khuôn mặt của họ thôi khắc khổ. Họ tìm thấy một tiếng nói chung trong lời kinh, tiếng hát, tìm thấy một niềm ủi an sâu thẳm. Nụ cười của họ trong trẻo sáng ngời. Tôi thiết nghĩ con người sống nên có một tín ngưỡng để khi mọi hư ảo cuộc đời qua đi, họ có một người bạn chìm khuất chia sẻ những góc riêng của tâm hồn, điều đó cần lắm chứ.

Chiều thứ bảy ở cao nguyên thật đẹp. Không chỉ đẹp ở núi rừng hoang dã mà còn đẹp ở một niềm tin đã được tuyên xưng chói lọi, khuất phục mọi đớn đau, nghiệt ngã, thử thách của số phận. Người Lê Văn Phụng vẫn nghèo lắm một tri thức, vẫn nghèo lắm một khát vọng, vẫn nghèo lắm một thế giới vật chất tiện nghi mà trào lưu thế giới đang phát triển vượt bậc. Thế nhưng họ không nghèo tình yêu nhất là tình yêu Kitô hữu. Họ tha thiết được gặp nhau quanh bàn tiệc Thánh Thể do chính Chúa Giêsu thết đãi. Họ tha thiết tham gia vào những sinh hoạt hằng ngày của đời sống Giáo Hội. Cái đói, cái khổ làm cho họ chẳng còn dám mơ ước đến vinh quang ngày mai được làm ông này bà nọ nhưng chẳng đủ sức hạ gục niềm tin về một trời mới đất mới. Niềm tin của họ mạnh mẽ lạ lùng đến nỗi khiến tôi cũng phải cúi mặt e thẹn cho việc sống đức tin của  mình.

Khi mọi sự xảy ra đã trở thành thói quen bạn sẽ chẳng còn nếm được sự ngọt ngào. Những chiều thứ bảy ở Lê Văn Phụng giúp tôi nhận ra đời sống đức tin mới thiết thực làm sao. Tôi không thể sống như một thói quen (đi lễ cho có đi, đọc kinh cho có đọc,…)  mà là một sự ý thức, một sự khát khao, và là một hiện tại.

Bạn thấy đấy, trên cao nguyên còn hoang sơ nhưng đã có sự hiện diện của Giáo Hội, đã có đời sống chứng tá Phúc âm, như  vậy thì cao nguyên đó đẹp quá phải không bạn!!!!!!

 

Vô Thường, ICM

                              


Mục Lục Sống Lời Chúa