ĐÓA HỒNG CHO NGƯỜI CÒN SỐNG

 

          Kể từ khi sự kiện Đức Mẹ Tapao xuất hiện, không phải hiếu kỳ hay thấy người đi tôi cũng đến, mà hầu như xuân nào tôi cũng cùng anh hai hoặc anh ba hành hương đến Mẹ. Anh hai tôi có bệnh. Anh muốn tìm đến Mẹ để xin Mẹ ơn chữa lành, ơn làm ăn phát đạt, ơn an bình cho gia đình, ơn lành mạnh cho em gái và rất nhiều ơn khác cần xin.

Tôi ư? Tôi đến trước hết là vì muốn thăm Mẹ. Tôi muốn hành hương đến bên Mẹ, đơn giản chỉ có thế. Tự dưng tôi thấy giữa rừng thiêng nước độc, xa xôi, hẻo lánh và cô quạnh, mà lại sừng sững có tượng Mẹ đứng hiên ngang giữa trời. Nguyên sự hiện hữu ấy cũng đủ cấu nên cái linh thiêng vốn dĩ rồi. Huống hồ  còn kể chi đến bao nhiêu là “phép lạ” mà người người nhận được nơi Mẹ nữa. Tuy những phép lạ ấy chỉ là những kinh nghiệm tư, ai tin thì được, ai không tin thì cũng chả mất linh hồn. Thế nên, tôi đã đến…

          Con đường lên đỉnh đồi với Mẹ, thiệc phải nói cao ngất, đầy những khó khăn. Cảm giác leo đồi vượt núi nhắc nhớ cho tôi ký ức của một thời thơ dại. Khi xưa, lúc chỉ mới học phổ thông cơ sở, tôi mê chơi một cái phải nói, hết biết. Tôi hay cùng bạn bè lên đồi xuống suối. Có lần mải miết với tham vọng chinh phục thiên nhiên, tôi leo đến gần lút đỉnh đồi. Ắt nhiên, tôi mệt lử là chắc. Nhưng tương lai phía trước bao giờ cũng hé mở, cũng hứa hẹn, cũng thấp thoáng bầu trời ắp đầy ước vọng. Có thế mới thúc đẩy được lòng người vượt khó mà vươn tới hừng đông. Mặc dầu mệt mã, mồ hôi mồ kê dầm dìa, sũng ướt, chân tay nhức mỏi rụng rời, nhưng vì viễn ảnh tương lai vẫy gọi, tôi hăng hái bước đi. Cứ miên mơn cảm giác làm chủ đỉnh đồi rộng lớn và phả hồn vào khoảng không phẳng lặng là tôi thích ngất rùi, còn nghĩ gì đến nhọc mệt mà chi. Làm người chiến thắng bao giờ cũng thú.

Bởi thế, tôi đi như cố tình bỏ lại đằng sau tất cả. Hậu kết tất nhiên là tôi kiệt sức, chỉ được 2/3 đoạn đường. Thế là thôi, đành như kẻ “có chồng mà bỏ cuộc chơi”. Tôi lầm lũi xuống núi, tâm trạng vấn vương núi tiếc thể như bước chân các tông đồ ấp úng sau biến cố hiển dung (x. Mt 17, 1-23). Vậy mà, đừng bẩu thối lui ấy dễ dàng đâu nhé, có leo đồi rùi mới biết. Trời ơi, xuống núi còn mệt hơn là trèo núi nữa đa, léng phéng chết như chơi. Ui thui, phải khéo léo lắm kìa, vì dốc lắm, phải tì chân xuống hông thui là nhào lộn liền hà.

Tôi đâu có biết, tuổi trẻ non dại mà, thích đẫy bi giờ mới hối hận. Có lẽ cũng tại bởi đã chùng chân. Thế nên, thằng bạn tui đi trước, bám vào cành cây víu xuống, tôi bước sau do hẫng, lộn cho mà bằng trên mấy chục. Hỏi xem, tôi lăn cho đến lưng chừng  thì bất tỉnh nhân sự ngay trong bụi tre đang tua tủa mọc mà không chết hả. Bạn tôi đứa nào đứa nấy tái xanh cả mặt trân trân đứng, nắm chắc phen này tiễn tôi lên xe hoa theo ông sáu tấm về chầu chời. Đúng vậy, mặt mày tôi tan nát, dầm dìa máu giỏ. Ấn tượng kinh hoàng ấy vẫn còn sống rõ môn một trong ký ức tôi, mỗi khi xuân về tôi leo đồi viếng Mẹ…

Tuy thế mà chưa hề có nghe ai lần nào mất mạng vì Mẹ cả. Hoàn toàn ngược lại, giữa núi rừng linh thiêng, từng bó hoa, từng làn khói hương quyện hòa tiếng kinh cầu không ngớt ngân vang. Hình ảnh những trẻ thơ làm theo người lớn, vuốt tà áo Mẹ, vuốt chân Mẹ rồi xoa lên trán, lên đầu, lên cổ mình… Cái cử chỉ thân quen gần gũi chả mấy khác hình ảnh người đàn bà loạn huyết tìm sờ gấu áo Chúa khi xưa  (x. Lc 8, 44) làm tôi xôn xang xúc động. Đúng thật, cứ tin là sẽ được!

Ở đâu có người giàu, ở đó vẫn còn người nghèo tồn tại. Ở đâu có người mạnh khỏe, ở đó vẫn còn nhan nhản kẻ yếu đau. Ở đâu có người thánh thiện thì quanh quất đó đây vẫn còn dẫy đầy người lỗi tội. Thế nên, không ai trên đời này sống chỉ cho riêng mình và không ai có thể sống ên mình cả. Chúng ta luôn luôn được tạo dựng lên cho nhau và vì nhau. Ađam cũng chả có thể tồn tại nếu như Chúa không tặng ban cho ông Evà sánh bạn đấy thy (x. St 2, 18). Chính vậy, con người chỉ sống trọn vẹn ơn gọi làm người khi biết sống cho, sống cùng và vì người khác.

Rải khắp từ chân đồi đến đỉnh núi, suốt chặng đường mòn, những dẫy là đầy các bệnh nhân với đủ hình đủ dạng. Họ nằm xẹp dí dưới triền đồi than khóc xin phúc bố thí của kẻ lại người qua. Thì đã nói, cuộc sống bao giờ cũng bề bộn và muôn mặt, đến một lúc nào đó, sẽ không còn một lý thuyết, một tri thức trần gian nào dầu cao siêu đến đâu, dầu thâm thúy đến độ nào có thể lý giải hết những tình huống éo le của cuộc đời được. Nhà văn hào Goethe, người Đức, đã có câu nổi tiếng: “Lý thuyết toàn màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Thật vậy, tốt hơn, khi làm phúc thì đừng để cho sự tò mò bản năng chận ngang lòng hào hiệp, mà hãy tự hỏi mình tôi có muốn cho đi, có muốn ban tặng hay không? Chả nhất thiết khi cho ai điều gì thì phải tìm hiểu xem họ có xứng đáng?! Chỉ cần ý thức khi mình cho ai một chén nước lã là làm cho chính Chúa vậy (x. Mt 25,40). Ấy đủ!

 Con người thời đại hôm nay, thời đại của thiên niên kỷ 21, là con người mang đậm nét “tự do”. Mặc cho sự tự do có bị “biến dạng” với bản chất tinh nguyên của nó, thì trong khía cạnh nào đó cũng là biểu hiện phẩm tính tự do tuyệt đối của Thiên Chúa. Vì yêu thương con người, Ngài đã ân ban cho họ tự do trọn vẹn. Làm người cần phải có tự do, như vậy mới là người đích thực. Còn việc sử dụng tự do thể nào, là việc của riêng từng cá vị. Chính thế, tôi phải hoàn toàn trả trách nhiệm trên tự do của tôi là vậy!

Tôi có tự do, làm hay không làm việc thiện. Và không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc của người biết làm cho người hạnh phúc. Một chén nước lã, với tôi, có thể chỉ là cám bã, nhưng với người chết khát trong sa mạc thì như là cả một kho tàng. Thiên Chúa giàu có vô song nhưng cũng sẽ trở nên vô vị nếu như không “trắc ẩn” trước lời thỉnh xin cầu khẩn của phường gian ác! Như thể một đại dương mênh mông bao la cũng chả có giá trị bằng một dòng suối nhỏ trước mặt người khát nước mà thôi.

Hãy làm việc thiện, khi có thể, đừng để thời gian qua đi, đừng đợi cơ hội tan biến. Dân gian thường hay đùa nhưng thật: “Chó chết hết chuyện”. Ừ nhỉ, nghĩ kỹ ra, sống mới là quan trọng, còn chết rồi thì thiên đàng hay hỏa ngục có khác gì mấy đâu?!?!?! Sao tôi không tìm hạnh phúc Nước trời ngay tại thế. Thiên đàng là gì, thiên đàng ở đâu, nếu như tôi không tìm được niềm vui nội tâm ngay giây hiện tại. Hãy tìm hạnh phúc khi còn sống, chờ đến ngày sau làm gì. Trên trời ai cũng như ai, cũng đều là con một Cha thôi mà. Hỏa ngục ai mà chả vậy, cũng đều là kẻ phạm tội cả thôi. Sống trên đời, hãy biết làm nghĩa cử đẹp như hồ giành tặng một đóa hồng cho người còn sống để họ được hạnh phúc, sẽ có trị giá gấp trăm vạn lần bó hồng cho người đã ra đi, phải hun?!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa