TỪ GIỮA NẤM MỘ…..

 

Chúng tôi viếng mộ vào đúng ngày nghỉ lễ, mọi người trong nước đa phần đi nghỉ hè hay picnic cả rồi. Việt Nam thời này bắt đầu chớm hạ, những cơn mưa đầu mùa có lác đác, lúc dày lúc thưa, rơi đều trên từng kẽ lá. Nhưng cái khí hanh oi bức của nó vẫn còn làm chúng tôi khó chịu, bức rứt.. vào nhà nguyện mà đến ngộp cả ra, ừ thiệt, nóng lắm kìa!

Chiếc bus to đùng đưa chúng tôi lên đường đến nghĩa trang. Những con đường, hàng cây quen thuộc chầm chậm hiện về trong ký ức. Thấy thật cuộc sống mình cần nên có những phút tĩnh lặng để tìm lại thời gian đã khuất. Không cứ vì núi tiếc hay lỳ đứng trong mớ kỉ niệm hỗn độn của tiềm thức. Nhưng có để mà quên còn hơn không gì để nhớ. Thật vậy, kiếp người qua đi như bao vạn vật, thế nhưng người thì tên tuổi vẫn còn lưu mãi, lại có người chả ai buồn quan tâm dù chỉ là… nhắc tên đến!

Tôi cũng biết, cuộc sống muôn mặt, nói gì cũng phải để tâm toàn diện sự kiện hiện tượng. Hỏi thử, chỉ nhìn một phía, sao hiểu hết ý nghĩa đời thường?! Người đi rồi, về với Chúa, ắt hẳn họ chả ham hố gì mà mong mỏi chút nhớ thương của kẻ phàm trần, có chăng thì cần lời cầu nguyện, lời cầu nguyện cho họ mà cũng là cho chính chúng ta. Bởi khi nhớ ai, cầu nguyện cho ai, là khi ta nhận lãnh ơn thông hiệp. Thánh ca cũng có câu: “Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh” mà, đúng không?!

          Kia rồi, con đường nhỏ hẹp dẫn bộ từng bước chân chúng tôi vào nơi phần mộ lộ ra, cơn mưa hạ buồn bã bỗng đâu đổ ùa về. Thoạt đầu chỉ là những li ti hạt, dần sau nặng hơn, hạt nặng 20, hạt nặng 30, có hạt 50, có hạt 100… Và rồi chả còn lất phất nữa, chúng thi nhau đổ khôn ngớt, cảm nhận như những giọt nước mắt của kẻ đang trong tâm trạng thổn thức có điều gì không thể giãi bày vậy.

          Trên đầu tôi, đơn độc chiếc mũ trắng rộng vành cũ kỹ. Nhớ hồi nhỏ, má tôi chuyên mua cho tôi những chiếc nón  vành rộng. Khi ấy, tôi còn quá nhỏ, khôn hiểu đủ để thắc mắc sao lại không là những chiếc nhỏ vành một chút. Nhớ như in hồi mới cấp I, tôi đã thường xuyên đội trên đầu những chiếc nón rơm vành rộng bự xư. Ừ, ngố ác nhỉ, biết gì đâu mà làm le với dáng, khi nhớn một chút, anh giáo lý viên dạy lớp Bao đồng của tôi mới tiết lộ, gương mặt tôi bầu bầu chỉ thích hợp với những chiếc nón vành rộng mà thôi…

          Đứng lặng trong mưa, may nhờ chiếc nón trên đầu che chắn, tự không tôi chả buồn mầm gì cả, từ tâm trạng lâng lâng đến muôn vàn trạng thái xung đột thi nhau ùa ập. Hình ảnh người thân trên nấm mộ gợi trong ký ức tôi kỉ niệm cuồn cuộn chảy, nỗi buồn nỗi vui, lời dạy dỗ, khuyên lơn, động viên, an ủi, lời khen tặng… chúng như những chiếc dĩa CD bung tấu muôn vàn bản nhạc nén dồn đã lâu nay muốn bật thốt ra thành điều toan nói vậy.

          Mưa to hơn, to hơn, chúng tôi mỗi người một nghĩ suy xoay quanh ký ức về người nằm xuống. Một vài tiếng thút thít nhỏ khẽ vang, một vài ngón tay xinh xắn khẽ chùi khoé mắt. Mưa thình lình ngớt dịu, hai ba em nhỏ xông pha rửa chùi ngôi mộ hãy còn tinh mới, cỏ cây quanh rìa cũng được thu dọn sạch, nén hương được đốt lên, lẵng hoa được đặt xuống với lời nhắn vội: “… làm sao con quên được…”

          Làm sao con quên được, vâng làm sao để mà quên… khi người ra đi có thể nói đã dành cả cuộc đời lo lắng cho chúng tôi, dạy dỗ chúng tôi, chăm sóc chúng tôi… Hôm nay chúng tôi đến đây bên người, chút gọi là tỏ lòng biết ơn. Biết ơn để rồi không quên ơn, biết ơn để rồi sống xứng đáng với ơn, biết ơn để rồi chẳng phụ ơn. Thật phải nói, không ai trong chúng tôi có thể quên được công ơn của người. Người làm cha mà cũng làm mẹ, người làm mẹ mà cả làm cha, để hy sinh tất cả cho chúng tôi, một chỉ mong sao chúng tôi trung thành trong lý tưởng. Chúng tôi đến đây để tạ ơn người và tạ tội với người, cảm nhận thật chưa sống đáp trả đủ với những cho đi bất tận của người… 

Tôi lặng đứng, muốn làm gì đó nhưng khôn thể, giọt nước mắt tôi cứ âm thầm róc rách… tôi có rất nhiều điều muốn sẻ chia với người đã khuất, những điều mà với người còn sống tôi khó có thể tìm thấy tán dựa. Ừ, cuộc đời là vậy, bởi chưng đâu phải tất cả mọi khắc khoải trong lòng đều có thể bật tung thành ngôn từ để diễn. Có những từ ngôn “sống”, nhưng cũng có những từ ngôn “chết”, khi chúng không được phát ra, khi chúng không thể bật lên điều muốn san sẻ… cái mà các nhà tài hoa hay gọi, nguyên lý “tảng băng trôi, 1 nổi 7 chìm, 9 cái lênh đênh….”

Mưa tắt hạt, chúng tôi lần lượt ra về để lại đằng sau tất cả tấm tình thầm gắm gởi… Một mình tôi từ khẽ bước gần phía di ảnh, vuốt nhẹ trên gương mặt phúc hậu, thánh thiện và tài minh ấy, tôi muốn đụng tới người như để tống trào vào người tất cả nỗi khắc khoải của tôi. Tôi tin vào người đã khuất, tôi tin vào thực tại thiêng liêng, tôi tin vào linh hồn bất tử, tôi tin vào cuộc sống khác biệt ở một phương trời, khi thân xác chả còn để lắng nghe lời tôi nói, để mà cảm nghiệm cái tôi vừa đụng chạm, nhưng trong sâu thẳm sắc cạnh tâm linh, người có thể nghe được tất cả những điều không bao giờ tôi có thể thốt ấy, nó chính là 7 phần chìm của cuộc đời tôi! Theo thiển quan của tôi, đi tìm những phần chìm của cuộc sống, là điều lý thú hơn cả. Ừ, tôi chân nhận cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi tôi tìm khám những sắc cạnh tâm linh… Bởi trong thực tế tôi học được từ nó, tiếng gọi vô hình của Đấng ở trên tôi… Đấng ở trong tôi… Đấng là của tôi!

          Để nguyên tâm trạng lặng trầm mà đếm từng bước trở vào xe, tôi không quên thầm nhắc đi nhắc lại một câu hỏi bỗng không ồ ập… Ừ nhể, tại sao từ giữa nấm mộ ấy…… lại mọc lên một đóa hoa Trang?!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 

 

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa