VẪN NGUYÊN DẤU HỎI

 

          Hai đứa trẻ ốm nhách, nhem nhuốc, rối bù, lếch thếch giữa đường phố. Cơn mưa tầm tã. Chúng rách rưới trong những chiếc áo nâu bạc màu ẩm mốc. Mưa trút hạt nặng hơn, dần to hơn. Hai thi thể còm cõi đen đủi thoăn thoắt chúi mình dưới gầm cầu che chắn. Chân tay chúng sẹm cháy bởi nóng nắng của đô thành, khô khỏng, khét lẹt. Những đôi mắt tròn xoe, mở lớn, như không hề cảm thức nỗi đau đời chính nó. Hai đứa trẻ cuộn tròn bên nhau, thiếp dần vào giấc ngủ khi bóng đêm liếm gọn không gian phả màu đen kịt.

          Bên kia, tiếng nhạc xập xình với màn điện lung linh sáng. Đây đó cuộc sống luôn tồn tại nhiều tương phản. Ai giàu vẫn giàu, ai nghèo lại vẫn hoàn nghèo. Ai khóc mặc ai, người vui cứ vui, kẻ sầu vẫn sầu vậy… Nhân loại sống bên nhau, sống cùng nhau, nhưng nom kỹ, như dường họ thật xa nhau quá…

          Ai là cha bé? Ai người mẹ bé? Cha mẹ bé hiện nơi nao? Những dấu hỏi nhức nhối không cơ mong tìm gặp câu trả lời từ thực tại. Chính dòng máu tạo sinh ra em còn phủ nhận chính em, hỏi thử khát vọng tìm được sự khẳng nhận từ những thực thể ngoài nó, nổi chăng?!

          Con người được sinh ra, nói theo ngôn từ của các triết gia, “được ném vào trần gian cho nhau và vì nhau”. Những mối liên hệ, những nguyên lý cuộc đời dần được con người khám phá và thủ đắc. Thế nhưng, nguyên lý căn bản nhất Đức Giêsu dạy cho nhân loại là đón nhận đau khổ để gặt hái vinh quang phục sinh. Nói thế, không đồng nghĩa đau khổ như là cùng đích của con người hay định luật tất yếu. Đau khổ chính là phương tiện, để từ nó kết thành hoa hạnh phúc đơm bởi hy sinh.

          Không có hoa trái ngọt ngào nào mà không trổ sinh từ mầm của đắng cay và khổ nhọc. Thảm thay, chả phải ai cũng dễ dàng đón nhận hay chấp nhận đau khổ cách dễ dàng. Con người, ai cũng mong tìm hạnh phúc, thảnh thơi… và rồi xu hướng nuông chiều thân xác theo bản năng ngày mỗi gia tăng. Con người dần đánh mất căn nguyên linh thánh Thiên Chúa đặt để cho mình. Thay vì sản sinh hoa quả trĩu hạt, con người để lại cho hậu thế muôn vàn ố nhơ tội lỗi. Như những tàn dư của xã hội vậy…

          Hai đứa trẻ, nạn nhân vô tội của cha mẹ chúng, mới trong tuổi thơ đã thành bất hạnh. Ai dám tin rằng, cuộc đời bé sẽ ngời rạng. Có côn trùng nào vươn mình đứng vững tự mầm đá của tôi vôi mà không hề thiêu rụi?!

          Hai đứa trẻ, giữ nguyên tư thế. Phạc phờ, rúm rụm bên nhau. Trên trời sao tắt sáng. Một vài tia sáng nhập nhòe hắt lên gương mặt chúng hốc hác xanh xao mờ ảo. Đường phố, dòng xe cộ vẫn nghẹt người qua lại với đủ mọi sắc màu. Từng cặp thanh nam nữ tú dập dìu bên nhau. Những đôi vợ chồng son tay bồng tay ẵm rộn ràng đi vui hội… Cuộc sống phả chiếu tấm gương tả thực đầy sinh động. Tôi bất chợt cảm nghiệm, hình như cuộc đời là vậy, luôn luôn vậy. Ánh sáng và bóng tối bao giờ cũng cạnh tranh nhau, trộn hòa nhau. Hỏi thử không có cảnh chiều tà sao mong mỏi ánh bình minh? Không có người thánh thiện, tìm đâu kẻ tội lỗi để biện phân? Ừ nhỉ, cuộc sống là vậy, luôn luôn vậy. Cần thiết chăng phải đi tìm kỳ được câu trả lời cho cái tại sao, mà thiết tưởng không nên sống với câu đáp trả như thế nào. Đức Giêsu đến trần gian, Ngài cũng không vì mục đích giả nhời cho dương thế, lý giải hết những vấn nạn cuộc đời. Nhưng Ngài mời gọi chúng ta, dạy chúng ta nên sống như thế nào trong cuộc sống. Sống như thế nào để tìm được ý nghĩa của cuộc đời… từ những thực tại!

          Phải, đúng vậy, tôi sống như thế nào mới là việc cần kíp giữa thế giới đương đại hôm nay. Cuộc sống, vì tính phức tạp của nó, đừng nên chăm chắm mong chờ cho khái niệm nào cũng được định nghĩa cách xác thực. Rồi đây, đến một lúc, sẽ chả còn lý lẽ nào có thể giải thích cho hết những tình huống éo le của cuộc đời. Nhiều khi, đứng trước nỗi bất hạnh của người khác, tôi chỉ còn biết câm lặng mà nghe máu chảy ngược về tim, mà nghe lòng mình nghiền nát dưới những sắc nhọn của lương tri ụa máu. Nhân loại, hỏi thử mỗi phút trôi qua, có bao nhiêu con tim phải bóp nát? Hỏi thử có bao nhiêu con người phải ghìm mình dẫm lên sắc nhọn luân lý mà ăn mày hạnh phúc? Tôi thật cảm tạ Chúa, bởi dẫu sao, ít ra vẫn còn Ngài, Đấng cứu độ duy nhất của đời tôi có thể đặc biệt thấu hiểu nỗi đau thầm kín của nhân loại mà giải hòa chúng. Cảnh huống mà với kẻ không cùng tình trạng túng bấn, ném cho họ cái nhìn miệt khinh, xa tránh, loại bỏ. Kẻ đương là thì khao khát trông chờ tia nhìn cảm thông thương xót của đồng loại. Thực ra, khó lắm, chỉ có Đấng tình yêu mới có thể làm được thế, chỉ có Đấng duy nhất mới nghe được lời vọng thảm thiết tự đáy vực tâm hồn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Giờ phút này, tôi mỗi ngày thêm thấm thía tấm tình Toma đã một lần giác ngộ: “Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 21,28). Cảm nhận như hồ sự bừng tỉnh, sự thủ đắc Thiên Chúa đời mình, một sự thủ đắc không thể ai cướp mất!

          Ai sẽ là người can đảm đủ, quảng đại đủ để giơ tay đón nhận những trẻ mồ côi bất hạnh, đầu đường xó chợ, cù bất cù bơ ấy vào cuộc đời mình. Ai sẽ là người dám đến chia sẻ sự sống với nó, chia sẻ thân phận làm người với nó. Công việc Đức Giêsu đã và đương mời gọi nhân loại chúng ta…

          Sống thế nào, sống làm sao để tìm gặp ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Sống như thế nào, sống làm sao để mình hạnh phúc và người hạnh phúc. Phải chăng là những dấu hỏi thống thiết từ đáy tâm hồn tôi đương?! Tiềm ẩn đó đây trong đời sống, tôi hãy còn trông rõ môn một những dấu hỏi hoặm sâu, rấm rức... trải ngàn năm… vẫn nguyên dấu hỏi!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa