YÊU SAO ĐỂ YÊU

 

          Yêu thương, bài ca muôn thuở muôn đời. Con người không thể sống nếu không có yêu thương. Thế nhưng, vấn đề không hệ tại việc có hay không có yêu thương mà là yêu như thế nào cho phải lẽ, yêu sao cho hợp đạo làm người. Thiết thực, có nhiều cách yêu thương, loại trừ trong yêu thương còn có mầm bất chính, khi ta không biết yêu thương cách trọn vẹn.

          Yêu thương không trọn vẹn là yêu thương vị kỉ, yêu thương tư riêng. Yêu thương đích thực là yêu thương cho đi tất cả, cho không điều kiện, không đòi trả lại, không toan tính, không so đo hơn thiệt...

          Tin mừng hôm nay Chúa mời gọi tôi sống yêu thương. Bởi yêu thương là cách thế trọn hảo nhất để đắc thủ cuộc sống mai hậu. Nơi ấy không còn dựng vợ gả chồng, không còn tranh chấp, không còn khổ đau, không còn thù oán. Vương quốc ấy chỉ có yêu thương và những con người biết sống yêu thương.

          Nói “yêu”, nhân loại bao đời vẫn nói, người người vẫn nói. Ca từ “yêu” ngày ngày vẫn được ca, ngôn từ “yêu” ngày ngày vẫn được phát ngôn. Thế nhưng, ai thực hành yêu thương, ai sống yêu thương mới quan trọng. Chúa Giêsu dẫn chứng cho tôi ba hạng người “nghe” yêu thương, “biết” yêu thương, “hiểu” yêu thương nhưng chỉ có một người thực hành yêu thương.

          Tôi không thực hành yêu thương phải chăng vì con tim tôi không có khả năng yêu thương. Con tim không có khả năng yêu thương là con tim chỉ biết sống riêng mình, chỉ biết chu chu chăm chắm cho những lợi lích tư riêng, chỉ biết miệt mài lo toan bản thân mà lãng quên nhu cầu anh em đồng loại. Con tim không có khả năng yêu thương là con tim bị danh vọng lợi lộc thế trần phủ xóa. Con tim đánh mất khả năng yêu thương ngàn đời Thiên Chúa đã phú bẩm. Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự đều tốt lành, ngay cả mặc cho con người chính hình ảnh tột hảo của Ngài (x. St 1). Những điều không tốt, chưa tốt sở dĩ tồn tại là kết quả con người lạm dụng tự do sống đối nghịch Thiên Chúa.

          Nhân loại ngày nay vẫn còn đó những lời chê bai đạo Chúa, khi cho rằng công giáo ràng buộc con người, các luật tục giam hãm con người. Ắt điều đó sai quấy. Đạo Chúa chỉ dạy con người sống yêu thương. Yêu thương là điều kiện tiên quyết để vào Nước trời: “Ngươi hãy yêu Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người lân cận như chính mình.” (Lc 10 27)

          Thực ra, đòi hỏi của Tin mừng không phải không thể thực hiện. Bởi chưng, khách quan mà nói, nhìn vũ trụ mênh mông bao la với biết bao công trình kỳ diệu, khoa học, triết học dù cao sâu đến mực nào, cũng đều cần được soi sáng dưới ánh sáng thần học mới cơ mong khám phá mặc khải muôn đời của Thiên Chúa, mà thiết tưởng chỉ dựa vào trí khôn nhân loại thì không thể nào thủ đắc cho hết. Do thế, khi nhìn ngắm kỳ quan vũ trụ với muôn điều kỳ diệu diễn ra hàng giờ trong cuộc sống, con người chân nhận có một Đấng siêu hình nào đó ngự trị cai quản thế giới.

          Đấng siêu hình ấy chính là Thiên Chúa, ai tin vào Ngài và tôn kính Ngài thì được ơn cứu độ. Ngài là Thiên Chúa của yêu thương. Nếu như ta đã tin Ngài, tất nhiên, cách thuần thục logích nhất, ta có yêu thương. Bởi thế, việc yêu mến tha nhân như chính bản thân  thật ra chỉ là hệ luỵ của việc yêu kính Thiên Chúa hết lòng không hơn không kém. Do thế, ai nói yêu kính Thiên Chúa mà không yêu thương anh em mình, đó chính là kẻ nói dối (x. 1 Ga 4, 20).

          Thiên Chúa đề cao con người và tôn trọng con người. Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho con người và vì con người. Ngài quý trọng con người đến nỗi ân ban chính Con Một của Ngài hiến tế trên thập tự cứu chuộc con người (x. 1 Ga 4, 10). Do vậy, mọi lề luật Ngài đặt để cho nhân loại, chỉ nhằm mục đích phương tiện giúp con người chu toàn luật Chúa toàn bích. Lề luật không phải là ách gông kìm hãm con người trong tội, nhưng chính là cửa ngõ giúp con người thoát mầm của tội và vươn lên trong thánh thiện của Thiên Chúa.

          Luật mến Chúa yêu người mà hôm nay Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi tôi, tiếng gọi có thể nói như hồ muôn thuở. Từng phút, từng giờ, từng ngày Ngài vẫn luôn luôn cất lời mời gọi tôi biết sống tôn kính Ngài và yêu thương nhau. Lời mời gọi ấy không là tiếng thanh mảnh như tiếng gọi bao đời của nhân loại, mà thiết thực hơn  còn là tiếng kêu thống thiết tự thập giá, khi Ngài biết hy sinh cả tính mạng, đi bước trước trong hành động yêu thương. Nhìn lại cuộc đời Ngài, tôi chân nhận bản thân mình bấy lâu nay sống thật bất xứng, thật thiếu những hành động yêu thương. Đôi khi tôi còn đáng trách hơn cả trợ tế và tư tế hôm nay, khi tôi thờ ơ lãnh đạm trước người nghèo khó ăn xin trên các vệ đường. Khi tôi khiếp lòng trước những bàn tay xòe xin của các em nhỏ mồ côi bất hạnh, các cụ già, những người tàn tật lê la khắp phố phường. Tôi đã khép lòng trước họ chả mấy khác hai người lữ hành khép lòng trước người nạn dọc đường. Lạy Chúa, không có bài học yêu thương nào đẹp hơn bài học yêu thương từ chính cuộc sống. Quả thật, bất kể thời khắc nào Chúa cũng gởi cơ hội cho con biết mở lòng trước những người cần con yêu thương, nhưng con bao lần đã đang tâm khước từ không chút mảy may ray rứt. Đặc biệt là những người đang sống quanh con, những người con gặp gỡ tiếp xúc mỗi ngày. Con xin Chúa tha thứ cho con và giúp con biết suy niệm thập giá Chúa mỗi ngày, xin Chúa giúp con biết chiêm ngắm Thánh Thể Chúa từng giây, vì chỉ nơi ấy mới là biểu chứng trọn vẹn nhất của tình yêu thương. Một tình yêu hiến tặng nhưng không, một tình yêu cho đi chính mình. Vâng, yêu sao để yêu, như thế mới là yêu!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 


Mục Lục Sống Lời Chúa