Sinh Nhật Của Ánh Sáng

 

Đang mải mê ghi chép mấy dòng nhật ký, bỗng điện cúp tối mù, tôi sờ soạng mãi mới tìm được cái đèn pin ở góc tủ. Chà, lâu ngày không dùng đến nên ‘năng lượng’ của nó cũng tiêu hao. Tuy nhiên với chút ánh sáng thoi thóp còn lại của nó, tôi đã có thể tìm tới chỗ để những cái đèn charger mà tạo lại ánh sáng cho căn phòng tối đen.

Đời thường nói rằng ‘có đau mắt mới thương người mù’. Chỉ trong ít phút mò mẫm trong bóng tối, mình đã thấy khó chịu, quờ quạng, hồi hộp, bất an…còn người khiếm thị kia chưa một lần thưởng lãm màu sắc của bông hoa, chưa bao giờ nhìn mặt người thân, không biết thế nào là sáng để phân biệt với tối. Mình chỉ ‘mù mở’ có ít phút mà còn thế, thì người anh em kia hẳn là khổ sở biết bao nhiêu. Thế giới của anh là bóng tối mịt mờ. Cuộc đời anh là màn đêm dày đặc. Chẳng thế mà anh chàng mù trong Tin mừng, khi được Chúa hỏi “anh muốn tôi làm gì cho anh”, anh ta thưa ngay, chẳng so đo, chẳng nghĩ ngợi thêm làm gì “xin Ngài cho tôi được thấy”, mà nếu dịch sát nghĩa hơn thì phải là “xin Ngài cho tôi được sáng mắt”.   

Có mù thì khi được sáng mắt mới thấm được cái cao quý, cái hạnh phúc của sự sáng.

Ngay trong những dòng đầu của Tin Mừng theo Gioan, ông đề cập ngay tới một phẩm cách tuyệt vời nhất của Ngôi Lời : Người là Sự Sống, và Sự Sống là Ánh Sáng cho nhân loại. Ánh Sáng chiếu soi trong đêm tối và chiến thắng bóng tối. “Ngôi Lời là Ánh Sáng Thật, đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (cf. Jn.1,3-9)

Thế gian đã chìm trong một bóng đêm dầy đặc của tội lỗi bất trung. Kiếp người ủ rũ trong thân phận tha hoá của sự chết bất hạnh. Cũng đã có những đốm sáng le lói của thời các ngôn sứ. Những đốm sáng soi lối để loài người tìm về nguồn Sáng. Và khi Nguồn Sáng xuất hiện, loài người lại lờ mờ không nhận ra, hoặc vì cái tự tôn, ích kỷ, khuynh hướng đê hèn…nó lớn quá, che khuất tầm nhìn lên cao để hưởng nhận ánh sáng thật. Không gì mù bằng người không muốn thấy!

Đêm Giáng Sinh được gọi là Đêm Ánh Sáng. Giáo lý Giáo hội muốn cho mọi thành phần trong nhân loại nhìn thấy cội nguồn của ánh sáng, thứ ánh sáng nhiệm mầu mà mọi nền văn minh, mọi cái quang minh của luật pháp, của khoa học, của chính trị, của văn hoá phải được soi sáng từ đó.

Chắc hẳn ngày nay chúng ta không ngớ ngẩn mà tin rằng ngày 25 tháng 12 là “Sinh nhật của Chúa”. Đó là ngày được ‘thần thánh hoá’ do Giáo hoàng Liberus sắp định năm 354. Vào thời gian Đông chí, người thời đó ngày mừng lễ thần Mặt Trời (Mithras) dưới hình dạng một trẻ sơ sinh. Để xoá bỏ một tập tục thờ ngẫu thần, ngài đã lấy ngày thờ thần Mithras đổi thành lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh. Theo tôi, có lẽ ngài cũng muốn lấy biểu tượng từ mặt trời, nơi phát ra ánh sáng mà mọi người có thể cảm nhận, để dẫn về một nguồn sáng khác cao quý hơn, tuyệt hảo hơn và đáng tôn thờ hơn.

Ánh sáng của Thiên Chúa là đỉnh điểm và luôn cần thiết để toả ra, thẩm thấu vào mọi hành vi, suy tư của con người mọi thời đại. Ánh sáng đó làm hốt hoảng cho những hành động u mê, những ý tưởng đen tối, những việc làm mờ ám. Ánh sáng phơi bày mọi tội lỗi của ích kỷ, gian tham, bất công, tham nhũng,…nên không ít con người tìm cách để phủ nhận hoặc chống lại ánh sáng. Những người sống theo ánh sáng cũng trở thành thù địch với đồng minh của bóng tối. Từ đó, những bách hại, những vu khống, những miệt thị, những hận thù ghen ghét, những bất công, chia rẽ, chiến tranh,…cứ lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều, càng tinh vi, càng sâu độc. Nói chung là có một cuộc chiến gay gắt triền miên giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái ác. Có cuộc chiến nho nhỏ ngay trong chính bản thân mỗi người, có cuộc chiến ngấm ngầm trong cuộc sống xã hội, trên thương trường, chính trường, giai cấp và cả trong các giáo hội. Có cuộc chiến thảm khốc trên chiến trường, khủng bố thế giới, môi trường, khoa học, bệnh tật. Tuy nhiên, chỉ cần một chút ánh sáng của niềm tin, một hào quang của đức ái, một ngọn nến sáng của đức mến…những hậu hoạ của các cuộc chiến chỉ còn là cơ hội cho những niềm tin vào Chúa sáng hơn, lung linh hơn, thánh thiện hơn.

Ánh Sáng đã đến trần gian. Thế trần có tiếp nhận hay không thì ánh sáng vẫn toả rạng trong lòng người. Ân sủng vẫn tràn trề ngay trong những vũng lầy tăm tối nhất. Những tâm hồn dù mù tối tới cỡ nào đi nữa, thì ánh sáng trong lương tâm vẫn le lói chập chờn cho một chút hy vọng phục thiện. Do vậy mà những kẻ tán tận lương tâm, tàn ác ghê sợ nhất cũng còn một chút…tốt lành.

Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh là mừng Ngày của Sự Sáng. Ánh Sáng thần linh đã đem lại bình an cho con người đang lầm lũi trong bóng tối tử thần. Ánh sáng đã khơi dậy hy vọng cho biết bao tâm hồn đã gục ngã trong vũng tội, để hồi sinh trong ân sủng và cũng toả sáng đức tin. Ánh Sáng đã làm êm ái cho cái ách nặng nề của cuộc sống.

Người Kitô hữu đã và đang mang trong mình ánh sáng của ngày thánh tẩy, sức mạnh của ngày đón nhận đặc biệt Chúa Thánh Thần, nuôi dưỡng trong nguồn sáng Thánh Thể, soi lối bằng Lời Sống của Sự Sáng…Xin hãy mở lòng cho ánh sáng đức tin cậy mến toả rạng ngay trong những góc tối nhất của đời mình, để thế trần bớt đi những cuộc chiến vô nghĩa và hạnh phúc sẽ dọn đường cho cuộc sống mai hậu trong Thiên Đường Ánh Sáng.

Tinh thần của mùa Giáng Sinh sẽ nạp thêm năng lượng cho ngọn đèn dầu của ai muốn là ‘cô phù dâu khôn ngoan’, để sẵn sàng bước vào phòng tiệc cưới của ‘ông vua thái bình’.

 

Xin chiếu ánh sáng tôn nhan nhiệm mầu,

Cho thế nhân hưởng ơn cứu độ.

Để vinh danh Thiên Chúa trên trời

Hoà bình dưới thế, trong lòng người thiện tâm.

 

Bs. Trần Minh Trinh


Mục Lục Sống Lời Chúa