Đón nhận bệnh tật nơi gia đình

focolare.org 6/12/2012

 

Đứng trước bệnh tật hoặc là ta quyết định đối chất bằng cách đón nhận những dấu hiệu của một chặng đường ta được mời gọi bước đi, hoặc ta tránh né và không muốn biết đến. Chị Marisa và anh Francesco đã chọn con đường thứ nhất.

 

Chị Marisa: “Lúc đó tôi có ý định trở lại làm việc vừa khi con cái (một đứa lên một và một đứa lên ba) cho phép, thì mẹ tôi, một phụ nữ thùy mị, rất linh họat, ở tuổi sáu mươi, bị bệnh Alzheimer. Và rất nhanh chóng mẹ tôi không còn tự lo cho mình được nữa. Cùng với ba chúng tôi quyết định chữa trị cho mẹ ở nhà, mà không biết sẽ gặp phải những gì. Cả chồng tôi, anh Francesco, cũng không lùi bước. Nhưng ngay lập tức những biến chuyển của cơn bệnh đưa mối liên hệ của chúng tôi và sự quân bình của gia đình vào một cơn thử thách nặng nề.”

 

Anh Francesco: “Từ khi còn trẻ tôi đã phải chia sẻ tình thương của mẹ giữa việc làm của mẹ và các ông bà nội chung sông với chúng tôi. Như thế khi lập gia đình với Marisa, thì xem ra cô dành tất cả cho tôi và mọi chú ý cho tôi. Nhưng trên thực tế tôi phải đối phó với rất nhiều vấn đề. Sau đó khi Marisa bắt đầu lo cả cho gia đình ba má, thì cuộc hôn nhân của chúng tôi đi vào một cơn  khủng hoảng sâu xa. Lúc đó tôi muốn bỏ đi, vì do việc làm tôi phải đi gặp những khách hàng ở xa, thường ngủ xa nhà, để cho Marisa gánh nặng của cả hai gia đình”.

 

Marisa: “Không dễ dàng chấp nhận phải nhìn người là điểm tựa cho mình thay đổi nhanh chóng đến như vậy; trong một vài lúc người đó không còn nhận ra mình nữa và mình cũng khó mà nhận ra người đó nữa. Khi ba tôi qụy xuống về tâm lý và thể lý, thì cả mối liên hệ với Francesco xem ra cũng lung lay. Tôi đã tìm được sự trợ giúp nơi Tin mừng: “Những ai đón nhận Người thì Người cho quyền nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Nhưng tôi phải liên tục vượt lên. Chính trong thời gian đó một cặp vợ chồng bạn mời chúng tôi tham dự một cuộc họp. Chúng tôi bị chinh phục bởi tình thương mọi người sống và khởi sự một cuộc hành trình cùng với những gia đình khác dấn thân sống linh đạo hiệp nhất.”

 

Francesco: “Bất ngờ tôi phải vào bệnh viện vì một cơn bệnh trầm trọng. Tôi oán giận tất cả mọi người! Sau đó những lời của chị Chiara Lubich trở lại trong trí tôi: “Sức khỏe của chúng ta là “nên một gia đình duy nhất”...Trong anh chị em có những người đau khổ về thể xác ư? Hãy chia sẻ khổ đau với họ”. Tôi thử đem thực hành những lời đó với người nằm giường bên cạnh, với một bà cụ không ai để ý đến... Dần dần tôi hiểu được cách yêu thương của Marisa, mặc cho những đứa con và bà mẹ phải chăm sóc, vợ tôi vẫn tìm ra giờ để đến thăm tôi mỗi ngày hai lần. Tôi làm hoà với vợ và với cuộc sống của mình. Từ đó tôi chia sẻ với vợ mọi chọn lựa, nhất là những điều phải trả giá cao. Bây giờ bệnh tật không còn làm cho tôi lo sợ nữa, và  được bình thàn. Sau sáu tháng cơn bệnh tan biến.”

 

Marisa: “Chúng tôi thấy rằng mỗi cơn bệnh là một dịp đến với chúng tôi để nên người, bằng cách trưởng thành trong yêu thương. Tôi yêu mẹ tôi, nhưng bây giờ cần phải yêu mẹ một cách mới mẻ: đó là biết đem lại ý nghĩa và phẩm giá cho mỗi hành động, mỗi lời nói. Làm cho mẹ cảm thấy mình được Chúa yêu thương. Và tình thương chữa lành. Cả khi đối với mọi người mẹ xem ra như cây cỏ, không có khả năng tương tác, thì một cử chỉ thương yêu nồng nàn làm nẩy sinh nơi mẹ cái nhìn hiện diện, những lời cám ơn, những giọt lệ giải thoát, chúng cũng trở thành của tôi. Điều đó mang lại cho tôi một sức mạnh và niềm vui lớn mà không gì và không ai có thể xóa nhòa. Cứ như vậy trong mười năm trời”.

 

Francesco: “Nỗ lực này không ngăn cản chúng tôi mở rộng cho người khác, chẳng hạn, như tiếp đón một người bà con của một người bệnh, bằng cách chia sẻ với họ những nỗi lo âu và đau khổ. Cả việc mớ cửa nhà cho những nhóm gia đình và những cặp đính hôn cho những lớp huấn luyện. Từ ba năm nay chúng tôi đón tiếp vào gia đình cha của Marisa, năm nay ông 93 tuổi. Có khi chúng tôi nảy ra ý nghĩ tìm ra những giải quyết khác để dược độc lập hơn, nhưng chúng tôi biết là ông sẽ khổ hơn, và chúng tôi xác tín là cuộc đời cùng phẩm giá của ông thì quan trọng hơn nhiều”.


Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa