DẤU ẤN ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI RẮK LÂY

 

         Hành trình “Theo chân các nhà truyền giáo” đã khép lại với cuộc viếng thăm Giáo xứ Bà Râu - Giáo phận Nha Trang; thế nhưng, hình ảnh của những người đồng bào chân chất hiền hòa, và đặc biệt là “dấu Thánh Giá” được xâm trên trán đã không cho phép khép lại cuộc hành trình ở trong tôi.

       Băn khoăn suy nghĩ, tìm hiểu, tôi được biết rằng, khi họ đang theo học đạo, chưa được Rửa tội, thì biến cố 1975 đến họ phải kéo nhau vào sinh sống ở sâu trong vùng núi, hầu như không có những tiếp xúc với những người bên ngoài. Việc học Giáo lý vì thế cũng bị dừng lại. Nhưng với ơn Chúa hướng dẫn và tác động, họ vẫn giữ vững niềm tin đơn sơ của mình. Dẫu chưa được Rửa tội nhưng họ vẫn luôn truyền đạt niềm tin và vốn liếng Giáo lý ít ỏi của mình lại cho con cháu. Để ghi nhớ rằng mình là người có Đạo, là người tin vào Chúa Giêsu Kitô, họ đã cùng nhau xâm hình “dấu Thánh Giá” trên trán, như một quyết tâm ghi “dấu ấn Đức Tin” cho mọi người nhận biết.

        Có thể những việc làm của họ chưa được gọi là nhà truyền giáo, nhưng như những người nông dân lành nghề, họ đã chuẩn bị những “hạt giống Lời Chúa” tốt nhất để gieo vào những “thửa đất tâm hồn” mọi người, và mong chờ một mùa bội thu. Những gì mà họ đã làm đang từng ngày từng giờ trở nên nền tảng vững chắc cho một tương lai tươi sáng và tràn đầy Hy Vọng trong Chúa. Họ đã biết phó thác tất cả công việc của mình cho Chúa và trong Chúa, như lời Thánh Phaolô nói: “Tôi trồng, anh Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).

Có thể sánh ví hành trình Đức Tin của họ giống như hành trình đức tin của các nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi, theo dấu ánh sao lạ, tiến về Belem để tìm gặp vị Vua mới giáng trần. Họ là những người thành tâm thiện chí, dám chấp nhận từ bỏ những tiện nghi để lên đường, với một niềm tin mạnh mẽ rằng sẽ gặp được Chúa. Cuộc đời của anh chị em đồng bào Rắk Lây cũng là một hành trình kiếm tìm Chúa. Trên hành trình ấy, anh chị em đồng bào Rắk Lây đã mặc lấy tâm hồn thiện chí như các đạo sĩ: biết dấn thân, biết chấp nhận những gian nan thử thách để có thể tìm gặp Chúa. Họ dù chưa thực sự trở thành những Kitô hữu đúng nghĩa nhưng họ đã sống đích thực là môn đệ Chúa, là chứng nhân của Ánh Sáng Chân Lý và Tình Yêu Thiên Chúa giữa trần thế hôm nay, và Tình Yêu Chúa đã được lớn lên trong họ từng ngày.

Thật là một việc làm dũng cảm của những con người can đảm thể hiện cho niềm tin của mình. Thử hỏi: trong thời đại hôm nay có còn được bao nhiêu người dám can đảm sống và thể hiện niềm tin của mình trong mọi môi trường xã hội như những người Rắk Lây đã dám hành động và sống như thế? “Dấu ấn Đức Tin” ấy không chỉ là những hình xâm trang trí nữa nhưng đã trở thành những hình ảnh cao quý được khắc ghi trong tận tâm hồn và lối suy nghĩ, từ đó hướng dẫn và biến đổi cuộc đời của mỗi người.

Được đến và tận mắt chứng kiến những hình ảnh rất đẹp và rất đáng trân trọng ấy, thiết nghĩ mỗi người chúng ta, những linh mục trẻ của Giáo phận, cũng cần khắc một “dấu Thánh Giá - dấu ấn Đức Tin” vào trong tâm khảm của mình, để mỗi khi mệt mỏi với những công việc mục vụ, mỗi khi nghi nan chán trường, mỗi khi muốn buông xuôi,... “dấu ấn Đức Tin” ấy lại bùng lên, lại nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta dấu ấn linh thánh ngày chúng ta lãnh nhận thiên chức linh mục ; và đồng thời, chúng ta cũng cần phải trở nên “điều thắc mắc” cho mọi người xung quanh, nhất là với những anh chị em chưa tin vào Chúa.

Tạ ơn Chúa đã luôn đồng hành và dẫn dắt chúng con trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Thật đúng như lời Thánh Vịnh 126: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126,3).

 

Bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Minh Hoàng

Hình ảnh: Lm. Giuse Nguyễn Đình Thắng

 


 

 


 


Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa