Chọn lựa của một y tá: săn sóc những bệnh nhân nhỏ bé nhất

Một anh y tá trẻ khám phá ra trong “nghệ thuật yêu thương” (art of love) một giá trị phụ trội . Để đến gần mầu nhiệm đau khổ của người vô tội.

“Từ trên ba tháng nay tôi thực tập tại khoa ung thư trẻ em, một khu vực trong bệnh viện nơi bạn không bao giờ biết được các trẻ em mà hôm nay bạn đang săn sóc , ngày mai bạn còn gặp lại nữa không. Thực sự không dễ dàng gì sống mỗi ngày trong mối liên hệ này với đau khổ vô tội, đến độ bạn liên tục bị thử thách về chọn lựa học ngành y tá trẻ em.

Ngày đầu tiên tôi cảm thấy sẵn sàng cho mọi sự. Nhưng khi vừa đặt chân đến nơi này, người ta giới thiệu cho tôi một bé gái tuyệt diệu. Em bị một ung bướu ác tính ở giai đoạn cuối. Tôi không có mảy may ý tưởng phải đối phó thế nào với tình trạng này. Chưa bao giờ như giây phút này tôi cảm thấy mình vô dụng, xác tín là không thể làm được điều gì cho em cả. Cũng có rất nhiều trẻ em khác trong khu bệnh xá này và ngày sống xem ra qua nhanh, nhưng mỗi lẫn vào phòng em bé đó tôi đều ý thức về sự bất lực và không tương xứng chút nào. Bây giờ là hai giờ chiều, giờ thay ca. Tôi không thể ra đi mà không làm gì cho em. Nhưng làm cái gì?

Đang khi tìm cách thực hành nghệ thuật yêu thương,  tôi đã nghiệm được rằng khi yêu thương thì điều quan trọng là mến yêu. Không cần phải làm những cử chỉ cho người ta chú ý, chỉ cần bắt đầu từ một việc nhỏ, mà không đòi hỏi gì. Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm cho em bé đó thì tôi đã làm. Tại sao tôi cảm thấy là phải làm hơn nữa?

Buổi sáng, khi vào bệnh viện, tôi nhìn thấy một nhà nguyện nhỏ. Tôi trực cảm là có lẽ mến yêu  em bé đó có nghĩa là cầu nguyện cho em. Tôi ngồi xuống một trong những hàng ghế cuối cùng, nhưng không biết phải xin điều gì và xin thế nào. Tôi ở lại đó, im lặng, trong tâm hồn  chỉ có một niềm đau đớn đè nặng. Và dần dần tôi cảm nhận là Chúa Giêsu nhận lấy cho Người tất cả nỗi đau khổ của tôi. Với tâm hồn thanh thản, bây giờ tôi có thể phó thác em bé cho Người và sau đó một lần nữa đến chào em và người mẹ, để hai mẹ con cảm thấy sự gần gũi của tôi, sự chia sẻ của tôi.

Từ hôm đó, nơi nhà nguyện này, tôi thường xuyên trở lại. Chính ở đó tôi tìm được ánh sáng để đối phó, và cả đôi chút hiểu biết, với mầu nhiệm đau khổ vô tội, điều mà ở đây hiển hiện thường xuyên. Và chính nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh thập giá và sống lại mà tôi tìm được sức mạnh và thái độ đúng đắn để đến gần các trẻ em và những người trong gia đình các em. Thường thì tôi không hiểu phải làm gì cho các em, nhưng sau đó câu trả lời đều đến đúng lúc.

Một hôm một bé gái 10 tuổi nhập viện, sau khi chạy hết từ nhà thương này đến nhà thương nọ. Người ta nghi là em bị một chứng bệnh nặng về máu, những nghi ngờ được xác nhận và đùng một lúc giáng xuống trên em và trên người mẹ, như một tảng đá, lời chuẩn bệnh vô vọng. Tôi cảm thấy cần phải ở gần hai mẹ con, để đồng cảm với tình cảnh của cả hai, bằng cách giúp đỡ điều gì có thể làm được, cả với giá là ở lại thêm mấy tiếng đồng hồ nữa ở bệnh viện. Trong ngày tôi không làm gì được nhiều, nhưng khi có mấy phút rảnh rang, tôi đều đến phòng của em, một là để lắng nghe người mẹ và trấn an bà, hai là để làm cho em được vui. Mỗi lần tôi đều thấy nơi mắt hai mẹ con một cái màn bình thản mà trước đó không có, một sự chuyển biến hi vọng trong việc đương đầu với thử thách đang chờ đợi.

Và cũng như vậy trong nhiều tình cảnh khác, bằng cách đón nhận mỗi dịp để sống một chút thời gian với những em nhỏ “của tôi”, không chỉ để cho các em uống thuốc theo toa, mà để nhìn thấy các em mỉm cười và đối phó với con đường khó khăn các em phải vượt qua với thêm một chút thanh thản. (focolare.org September 7, 2015)


Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa