Năm thánh Lòng thương xót

Như chúng ta đều biết, ĐTC Phan-xi-cô đã công bố Năm thánh ngoại thường Lòng thương xót Chúa, bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 sắp tới và kết thúc ngày 20 tháng 11 năm 2016.

Năm thánh ngoại thường, vì không theo cách tính thường tình vào thời gian gần đây trong Giáo hội là cứ 25 năm. Nhưng tính cách ngoại thường ta nhận ra nơi từ ‘thương xót’ mà ĐTC dùng. Điều này chúng ta đọc thấy ngay từ những giòng đầu tiên của bản trọng sắc: “Chúa Giêsu Kitô là gương mặt thương xót của Chúa Cha. Mầu nhiệm đức tin Kitô xem ra tìm được nơi từ này tổng hợp của nó”. Vì thế Năm thánh này tạo nên dịp thuận tiện, hay hơn thế một hồng ân, cho các tín hữu công giáo và Giáo hội, để trở nên những Kitô hữu đích thực, những môn đệ của Chúa Giêsu, “Người không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương hiến ban nhưng không,… Mọi sự nơi Người đều nói lên lòng thương xót”.

Tại sao lại nhấn mạnh đến long thương xót? ĐTC viết tiếp: “Chúng ta luôn cần phải suy niệm mầu nhiệm lòng thương xót. Đó là nguồn đem lại niềm vui, niềm thanh thản và an bình. Đó là điều kiện cho ơn cứu độ chúng ta. Lòng thương xót là lời mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi cực thánh. Lòng thương xót là tác động tối hậu và tối cao Thiên Chúa dùng để gặp gỡ ta. Lòng thương xót là luật cơ bản ở trong tâm hồn mỗi người, khi, với con mắt thành thực, họ nhìn người anh em họ gặp trên hành trình cuộc đời. Lòng thương xót là con đường kết hợp Thiên Chúa với con người, vì nó mở tâm hồn đến niềm hi vọng mãi mãi mình được yêu thương, mặc cho giới hạn của tội lỗi.”

“Có những giây phút chúng ta được khẩn thiết mời gọi nhìn thẳng vào lòng thương xót để chính mình trở nên dấu chỉ hữu hiệu về cách hành sử  của Chúa Cha. Chính vì thế tôi đã công bố một Năm hồng ân ngoại lệ về lòng Thương xót, như thời gian thuận tiện cho Giáo hội, để làm cho chứng tá của các tín hữu nên mãnh mẽ và hữu hiệu hơn”.

 

Ngày khai mạc năm thánh là ngày 8 tháng 12 lễ kính Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. “Lễ phụng vụ này chỉ cho ta cách thế hành sử của Thiên Chúa ngay từ ban đầu lịch sử chúng ta. Sau tội lỗi của ông A-dong và bà E-và, Thiên Chúa đã không muốn để cho nhân loại một mình và trong quyền lực của sự dữ. Vì thế Người đã nghĩ đến và muốn Đức Mẹ là thánh và vô nhiễm vì tình thương (cf. Ep 1, 4), để Người trở nên Mẹ Đấng cứu độ và Mẹ con người. Đứng trước tội lỗi nặng nề, Thiên Chúa đáp lại với sự tha thứ trọn vẹn.”

Ngày khai mạc năm thánh này cũng là ngày kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công đồng chung Vaticăng II. “Đối với Giáo hội, Vaticăng II là khởi sự một bước đi mới trong lịch sử. Các nghị phụ tụ họp tại Công đồng đã cảm nhận mạnh mẽ, như luồng gió đích thực của Chúa Thánh thần, là phải nói về Thiên Chúa cho con người trong thời đại mình một cách dễ hiểu hơn… Đã đến giờ loan báo Tin mừng một cách mới mẻ… Một dấn thân mới cho tất cả mọi Kitô hữu, để làm chứng cách hăng say hơn và xác tín hơn đức tin của mình. Lúc đó Giáo hội cảm thấy có trách nhiệm phải nên dấu chỉ sống động cho Tình yêu Chúa Cha. Vì thế ĐTC nhắn nhủ:

“Cái xà chống đỡ cuộc sống của Giáo hội là lòng thương xót. Tất cả mọi hoạt động mục vụ của Giáo hội phải được gói trọn trong sự dịu dàng đối với các tín hữu; không một lời loan truyền nào và không một chứng tá nào của Giáo hội cho thế giới có thể thiếu lòng thương xót. Tính khả tin của Giáo hội đi qua con đường tình thương xót và cảm thông.”

 

Vậy phải sống Năm thánh này thế nào?

Trong mỗi giáo phận đều có những chương trình cụ thể. Ở đây chúng tôi chỉ xin nhắc lại một vài điểm trong trọng sắc ĐTC đã đề ra như sau:

1) Sống Năm thánh dưới ánh sáng Lời Chúa: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36) . Điều này có nghĩa là lấy lại giá trị của im lặng, để suy niệm Lời Chúa nói với ta. Theo cách này ta có thể chiêm niệm lòng thương xót của Chúa và nhận lấy đó làm cách sống của mình”.

2) Hành hương là dấu chỉ đặc biệt trong Năm thánh, vì đó là hình ảnh của hành trình mà mỗi người thực hiện trong cuộc sống mình.

ĐTC đề nghị những chặng đường trong cuộc hành hương này như sau:

a) “Không xét đoán; không lên án; hãy tha thứ; hãy cho đi (xem Lc 6, 37-38)

b) Mở rộng đến những người sống ngoài lề xã hội ngày nay. “Tôi rất mong ước là trong Năm thánh dân Chúa suy nghĩ về những việc thương người về phần xác và phần hồn”.

c) Sống Mùa Chay năm nay như một cao điểm để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót của Chúa.

Sáng kiến “24 tiếng đồng hồ với Chúa” trong đêm thứ sáu sang ngày thứ bảy  trước chủ nhật IV mùa Chay trong mỗi giáo phận. Đây là chương trình kêu gọi cầu nguyện và lãnh nhận bí tích hoà giải.

d) Cuối cùng ĐTC mời gọi những người thuộc những nhóm tội phạm, những người bênh vực và đồng loã với tham nhũng hoán cải. Bởi vì “Vết thương thối rữa của xã hội này là một tội nặng kêu lên đến trời, vì nó hủy hoại ngay từ nền tảng cuộc sống bản thân và xã hội. Chúng ngăn cản ta nhìn về tương lai với niềm hy vọng, với thế mạnh và tham lam nó phá hủy những dự tính của người yếu đuối và chà đạp những người bần cùng nhất.”

Mới đây trong lá thư gửi cho Đức cha Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh thăng tiến Tân Phúc âm hóa, ĐTC nói lên mong ước của ngài là tất cả mọi người đều có thể hưởng ân xá Năm thánh này:

 “Tôi mong là ân xá năm thánh đạt đến mỗi người như một kinh nghiệm đích thực về lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót đến gặp gỡ tất cả mọi người với gương mặt của Chúa Cha, Đấng đón nhận và tha thứ, hoàn toàn quên đi tội lỗi đã phạm. Để sống và hưởng được ân xá, các tín hữu được mời gọi thực hiện một cuộc hành hương ngắn đến Cửa Thánh, mở ra tại mỗi nhà thờ chính toà hoặc tại những nhà thờ do Giám mục giáo phận chỉ định, và tại bốn Vương cung thánh đường Giáo hòang ở Roma, như dấu chỉ về ước muốn sâu xa muốn hóan cải thực sự. Điều quan trọng là giây phút này trước hết phải đi đôi với bí tích Hòa giải và tham dự Thánh lễ cùng việc suy gẫm về lòng thương xót của Chúa.”

ĐTC không quên những người bệnh tật, già cả, và những tù nhân. Ngài viết trong lá thư:

“Đối với họ sẽ là một trợ giúp lớn lao, khi sống bệnh tật và sự đau khổ như kinh nghiệm về sự gần gũi với Chúa, Đấng, trong mầu nhiệm khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người, đã chỉ cho ta con đường vững chắc để đem lại ý nghĩa cho đau khổ và sự cô đơn.  Sống với đức tin và niềm hy vọng vui mừng giây phút thử thách này, bằng cách rước lễ hay tham dự Thánh lễ và lời cầu nguyện của cộng đoàn, qua cả những phương tiện truyền thông khác nhau, thì đối với họ sẽ là cách thế để hưởng ân xá Năm thánh”.

ĐTC viết về những tù nhân: “Tôi cũng nghĩ đến những tù nhân, những người trải nghiệm giới hạn sự tự do của mình... Với tất cả những người này xin cho lòng thương xót của Chúa Cha đến với họ, vì Người muốn gần gũi với ai cần hơn cả đến sự tha thứ của Người. Tại nhà nguyện của nhà tù họ có thể hưởng được ân  xá, và mỗi lần họ đi qua cánh cửa phòng giam, khi nghĩ đến và cầu nguyện với Chúa Cha, ước mong cử chỉ này mang lại cho họ ý nghĩa của việc đi qua Cửa thánh, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa có khả năng biến đổi các cõi lòng, và cũng có thể biến đổi những chấn song nên kinh nghiệm tự do.

Như vậy, theo Đức Thánh Cha,  Năm thánh ngoại thường này không chỉ mời gọi các Kitô hữu thực hành một vài việc đạo để nhận được ơn Chúa, mà trước hết là tìm lại được Tình yêu của Thiên Chúa là cội nguồn cho cuộc sống của mỗi người và của xã hội nhân loại. Khi nhìn đến hiện tượng chiến tranh đang lan tràn trên thế giới, gieo hủy hoại, giết chóc và căm thù giữa con người với nhau, và những hiện tượng phá hủy khác, thì chỉ có việc khám phá ra lòng thương xót, nhân từ, của Thiên Chúa đối với mỗi người mới có thể đem lại ý nghĩa cho mỗi cá nhân và cho việc chấp nhận lẫn nhau, cùng chung sống trong xã hội nhân loại. Như thế Năm thánh Lòng thương xót là một giây phút lịch sử các tín hữu Kitô góp phần xây dựng nền hòa bình và tình huynh đệ cho toàn thể nhân loại.


Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa