Chọn Lựa Can Đảm Của Cha Tito Banchong

Năm 1975 khi cha Tito vừa học xong triết học tại Roma thì đảng Cộng sản Pathet Lao lên nắm chính quyền. Lúc đó người sinh viên trẻ tuổi đứng trước chọn lựa: trở về quê hương trong cảnh hỗn loạn, khi tất cả các linh mục truyền giáo đều bị trục xuất, hay ở lại học tiếp. Cuối cùng cha chọn lựa trở về nước và trả lời những người hỏi tại sao: “Tôi muốn thế chỗ cho những nhà truyền giáo”.

Khi chị Chiara đề nghị ở lại, cha Tito trả lời: “Tôi cảm thấy là Chúa Giêsu gọi tôi trở về… Tôi có thể thế chỗ cho tất cả các linhmục phải ra đi. Ai sẽ lo cho cộng đoàn giáo dân ở đó và giữ cho lửa đức tin sống động? Vâng, họ có thể giết tôi.. tôi sẽ chết như Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta. Tôi sẽ hiến mình cho dân của tôi.”

Chỉ một năm rưỡi sau khi thụ phong linh mục cha Tito đã bị bắt giam nhiều năm mà không biết lý do tại sao. “Lúc đó tôi không có liên lạc gì với Giám mục, và không thể dâng thánh lễ, nên mỗi buổi sáng tôi đều hướng về Chúa Giêsu trên thập giá… Đối với tôi đó là thánh lễ đẹp nhất”. Những năm bị tù bắt đầu như vậy, cùng với đau khổ nơi thân xác cũng như thử thách nơi tâm hồn, chỉ vì tình yêu vô điều kiện đối với dân của cha.

Cha kể về những bạn tù và lính canh: “Tôi tìm cách mến yêu mọi người, phần lớn họ là Phật tử. Một trong những lính canh rất tàn ác. Khi tù nhân không vâng lệnh, anh ta bắn họ. Nhưng sau hai năm tìm cách mến yêu, người lính đó không còn bắn chết ai nữa. Lúc đó tôi mới 30 tuổi, nhưng mọi người trong tù đều gọi tôi là ‘bác’. Nhiều người khi đến đây rất cứng cỏi nhưng dần dần họ thay đổi hoàn toàn. Bây giờ tôi là bạn thân với hai người lính canh đã giải ngũ. Sau đó nhà cầm quyền đề nghị tôi vào quân đội: vì tôi đối xử tốt với tù nhân, nên không ai bỏ trốn cả. Sau một đêm cầu nguyện, tôi đã nhận lời”.

Như một bộ đội, bổn phận của cha là đi đến những làng xa xôi để kiếm rau cỏ và thịt cho bộ đội và các tù nhân. Việc này đòi cha phải đi bộ hàng giờ, nhưng cũng cho phép cha đi tìm các tín hữu trốn tránh tại những vùng từ năm 1961 không có linh mục nào đặt chân tới.

“Lúc đó tôi có thể phân biệt các tín hữu với những nguời khác, bằng cách mang thuốc lá theo và xin lửa hút. Vì theo thói quen nhà nào cũng giữ lửa ở nhà sau, và nếu người khách phải ra đàng sau nhà để đốt điếu thuốc thì đó là nhà có đạo. Nếu đó không phải là nhà có đạo thì có lửa giữ ở bên ngoài. Vì họ tin vào ma qủy và đốt lửa để đuổi đi”.

“Vì thế mà tôi đã nghiện thuốc lá” cha bào chữa. “Dần dần tôi lập nên những cộng đoàn nhỏ tại những làng hẻo lánh. Nhưng không thể dâng thánh lễ và học Kinh thánh cũng không thể được. Chúng tôi chỉ cùng nhau học những câu Kinh thánh và khuyến khích nhau. Nhà nước cấm mang theo sách Kinh thánh, nhưng tôi cảm thấy là xây dựng lòng thương yêu giữa chúng tôi là sống Tin mừng rồi.

“Một hôm tôi gặp một phụ nữa Việt nam bán hàng rong, trong số hàng bán có ảnh Đức Mẹ. Tôi ngỏ ý muốn mua mẫu ảnh. Khi chị ta hỏi tại sao, tôi trả lời tôi là người có đạo và cho chị ta thấy thánh giá tôi đeo. Chị òa khóc và cho biết chị cũng là người có đạo, và Đức Giám mục bảo chị đi tìm tôi. Sau đó nhờ phụ nữ này tôi đã có thể có bánh lễ và rượu để dâng lễ. Tôi thường đi bộ hơn 20 cây sô để gặp các gia đình giáo dân. Họ đều biết nhau và cùng nhau can đảm sống đức tin”.

Sau ba năm rưỡi cha Tito lại bị bắt giam, vì chính quyền nói họ đã lầm khi để cho cha tự do đi lại. Trong những năm sau cha đã bị bắt giam bốn lần. Nhưng cha không đầu hàng và muốn trả thù, cha bảo: “Ngay cả khi được tự do tôi đã chấp nhận là mình sẽ bị bắt lại, vì giờ của tôi sẽ đến. Tôi cảm nhận là Chúa đã đặt tôi ở đó để làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống của tôi; lúc đó không thể giảng dạy, nhưng tôi có thể là lời nói sống động.

Năm 1986 cha Tito được trả tự do. Cha đi đến thủ đô Vientiane gặp lại Giám mục của cha. Năm 1999 cha được bổ nhiệm làm Giám mục và trở về săn sóc các tín hữu tại vùng nơi cha đã bị giam giữ. Hiện nay Cha vẫn còn đi thăm giáo dân của mình tại các làng hẻo lánh, phải đi bộ hàng giờ hay có khi hàng mấy ngày đường.

Năm 2000 cha Tito đã trở lại Itay và gặp chị Chiara Lubich. Khi chị xin cha kể về kinh nghiệm 25 năm qua, cha trả lời: “Chúa Giêsu, Đấng cảm thấy bị Cha bỏ rơi trên thập giá, nhưng Người vẫn tiếp tục mến yêu,  đã luôn là ánh sáng cho tôi. Tôi đã hiểu là mến yêu Người có nghĩa là mến yêu những người chung quanh tôi, đặc biệt những người đau khổ: tù nhân và lính canh, những người cầm quyền và những người không có quyền”.

 


Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa