CANH THỨC GIÁNG SINH 2007

ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON NGƯỜI VÀ CON THIÊN CHÚA

 

DẪN VÀO CANH THỨC

Anh chị em rất thân mến,

          Trong đêm Thánh này cũng như các mục đồng ở Be Lem xưa, chúng ta được mời gọi "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết." Sự việc xảy ra là  "một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." Nhưng lại là “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.Mỗi dịp Giáng Sinh về là một dịp chúng ta có thể loan báo như thánh Gioan Tông Đồ về “điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống….Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đờiTrong Thư Chung 2007 của HĐGMVN khẳng định rằng : Muốn nắm bí quyết sự sống đích thật, con người phải đến thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản mà còn là học “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).”

          HÁT BÀI  : Cùng đi Be Lem (của Hoài Đức)

 

HÃY HỌC LÀM NGƯỜI VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ

 

1.    SỐNG LÀ NGƯỜI TỰ DO

 

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata đã viết “13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do.Sự tự do theo nghĩa mà chính Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan đã nói là được sự thật giải phóng, mà vì sự thật ấy Ngài đã sinh ra để làm chứng. Ngài đã trả lời cho Philatô “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Sau này tất cả các môn đệ của Người như thánh Gioan, thánh Phaolô… đều nhấn mạnh sự tự do mà chúng ta được kêu gọi tới, sự thật mà chúng ta phải làm chứng đó là một nếp sống được giải thoát khỏi tội lỗi. Vì thế Thánh Phaolô thường mời gọi tín hữu của mình: “Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt,”.

Nhìn vào máng cỏ Belem, chúng ta thấy Đức Giêsu muốn giải thoát mình ra khỏi những ràng buộc của tiền tài, danh vọng, thú vui, để chỉ nép mình trong tình yêu của cha mẹ và nhất là của Cha trên trời được bày tỏ qua ca đoàn các thiên thần, và ca đoàn các trẻ chăn chiên.

Phẩm giá của con người được sáng tỏ nơi Hài Nhi Giêsu, một phẩm giá khiến cho bất kể là ai gặp gỡ đều khâm phục và tôn kính : không chỉ là các mục đồng, mà ngay cả các bậc vua chúa như ba vị từ phương đông cũng phải bái lạy.

     Trong thư chung 2007, HĐGMVN cũng đã viết về phẩm giá người kitô hữu nhận được từ Đức Kitô :“Khi ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình, Kitô hữu cũng nhận lấy sứ mạng để sẵn sàng lên đường loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô cho người chưa tin và củng cố lòng tin của anh chị em mình. Phẩm giá Kitô hữu luôn là những bài học suốt đời còn tiếp tục, vì tín hữu mãi là khách hành hương. Phẩm giá ấy đang hình thành và sẽ chỉ thành toàn vào ngày cánh chung.”

 

2.    SỐNG THEO THÁNH PHAOLÔ LÀ SỐNG VÌ NGƯỜI KHÁC THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU KITÔ : “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gal. 2,20)

Thánh Phaolô đã gặp được duy chỉ nơi Đức Giêsu tình yêu bền vững: vì Ngài đã yêu mến ông và hiến mạng vì ông. Tình Yêu đã giải thoát ông khỏi kiếp nô lệ cho bản thân và cho tội lỗi, Tình Yêu cho ông sự tự do đích thật, cho ông Phẩm Giá tuyệt vời. Từ đó ông khám phá ra : con đường sống hạnh phúc là “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng đã viết trong thông điệp SPE SALVI “Không phải khoa học giải thoát con người : con người được giải thoát bởi tình yêu. Điều này đúng ngay cả đối với thế giới ngày nay” (26).

Vì vậy HĐGMVN viết Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình.” (Thư chung 2007 số 34)

Mầu Nhiệm Giáng Sinh là “tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.

 

HÁT BÀI : Lời cầu nửa đêm (của Thành Tâm – câu 2 và 4)

 

HÃY HỌC LÀM CON THIÊN CHÚA VỚI ĐỨC GIÊSU

 

3.    SỐNG LÀM NGƯỜI CON VÂNG PHỤC

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (2,22-28)

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa",24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa .

         

          Tường thuật của Tin Mừng trên đây chỉ là một trong tất cả các câu chuyện về Chúa Giêsu : Ngài luôn là người con vâng lời của Thiên Chúa. Sự vâng phục này là điều kiện của Tình Yêu, như chính Ngài đã từng nói “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.

          Thư Do Thái viết : “Chức vụ tư tế Lê-vi là nền tảng của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho Dân.” (7,11) thì Đức Giêsu chính là vị Thượng Tế theo phẩm hàm Melkisêdê với Hy Lễ mới :  “Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” Và việc Ngài sinh ra là khởi điểm cho lễ tế vâng phục của Người.

          Một Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha từ lời nói đến việc làm, thậm chí đến cả cái chết, chính là đối tượng trọng tâm của Đức Tin của Hội Thánh và Thư Chung HĐGMVN nói :  Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gia. 2, 17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, thành muối và ánh sáng cho trần gian.”

          Thế nhưng nền giáo dục hôm nay trong hoàn cảnh xã hội VN hôm nay, dường như đã không có chỗ cho sứ mạng này. Vì thế HĐGMVN khẩn khoản lên tiếng :“Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai”.

KẾT THÚC VỚI BÀI HÁT : CAO CUNG LÊN

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Muc Luc