CANH THỨC GIÁNG SINH 2011

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH & MẦU NHIỆM HỘI THÁNH

 

DẪN VÀO GIỜ CANH THỨC :

Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục VN Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 trong số 14 viết “Theo khuôn mẫu Ngôi Lời nhập thể, … nơi Giáo Hội, “cái hữu hình là dấu chỉ và dụng cụ của cái vô hình, còn cái vô hình được nhập thể trong cái hữu hình”.[52] Vì thế, Giáo Hội được gọi là bí tích cứu độ.” Và trong số 15 viết “Cũng trong ánh sáng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội ý thức rằng hội nhập văn hóa và tính bản địa là đòi hỏi nội tại của đức tin Kitô giáo.” Như thế Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Hội Thánh có một tương quan hữu cơ, mà người tín hữu chúng ta cần chiêm ngưỡng, khám phá để sống ơn gọi và sứ vụ của mình. Để hướng dẫn chúng ta đi vào những mầu nhiệm trọng đại này theo cách thức của chính Chúa Giêsu, chúng ta phải dựa vào chính Lời Chúa đã được công bố qua các thời đại.

 

Hát : XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE

 

  1. Isaia 7,10-14 :

10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:
11 "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh."
12 Vua A-khát trả lời:
"Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."
13
Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!
Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.

 

Suy nghĩ và cầu nguyện :

Lời tiên tri trên đây mặc dầu trực tiếp nói về biến cố Nhà Giuđa thời vua Achaz, nhưng dân Israel những thế hệ sau đã nhận ra ý nghĩa đích thật của nó là loan báo Đấng Thiên Sai. Và Hội Thánh hôm nay đã đọc đoạn tiên tri này dưới ánh sáng của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô : Đấng đã được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria thực sự là giòng dõi của Đavít qua liên hệ huyết thống của Thánh Giuse.

Chúng ta dừng lại trong khía cạnh đặc thù mà tiên tri đã nói : Người Con của trinh nữ trở thành DẤU CHỈ cho những lời cam kết yêu thương của Chúa dành cho dân Người, mà ý nghĩa của DẤU CHỈ nằm trong tên gọi Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói “Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy.”(Lc 11,29-30).

Nếu Chúa Giêsu đã là DẤU CHỈ, thì Hội Thánh là thân thể của Người cũng phải là DẤU CHỈ. Người tín hữu chúng ta, nhờ Bí tích Rửa Tội đã trở nên một chi thể của Đức Giêsu, chúng ta cũng phải là DẤU CHỈ. Chính vì thế thư chung Hội Đồng Giám Mục mới mời gọi “các tín hữu Việt Nam phải vượt qua lối sống đạo “vụ hình thức”, đồng thời cần hiểu đúng ý nghĩa “đạo tại tâm”.

Trong những ngày vừa qua, trong bầu khí dọn mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta gặp nhiều ý kiến trái nghịch, đôi khi khá gay gắt : nhiều người chỉ quan tâm đến tính hoành tráng, nhiều người khác không làm gì cả với một khẳng định “Đạo tại tâm”. Nhưng đạo là “đường” trong ý nghĩa chân thực của nó. Con đường hay là đạo công giáo là gì, câu trả lời do chính Chúa Giêsu đã khẳng định : “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Đây là một con người, một cuộc sống mà thánh Gioan nói “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” Thánh Gioan Tông Đồ đã làm chứng rằng “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” Những khẳng định như thế cho thấy ĐẠO không phải là vô hình, nó có hình hài , là những điều mắt có thể thấy, tai có thể nghe, và tay có thể đụng chạm đến được, nhưng chúng phải biểu lộ LỜI SỰ SỐNG, một thực tại VÔ HÌNH ẩn dấu trong những thực tại HỮU HÌNH. Trong ý nghĩa đó mà Hội Thánh được gọi là BÍ TÍCH CỨU ĐỘ.

 

Hát : ĐỂ CHÚA ĐẾN

 

  1. Ga 1,9-14

9 Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.

 

Suy nghĩ và cầu nguyện :

Lời Tin Mừng công bố Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa thế gian, đến ở trong nhà của Người. Người Việt Nam chúng ta có câu nói “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc” để nói đến quy luật của cuộc sống là phải hội nhập vào nền văn hóa và tính bản địa. Khi theo Đức Giêsu từ biến cố truyền tin cho đến biến cố tử nạn trong các Tin Mừng, chúng ta nghiệm ra được cuộc sống của Người đích thực là một người Israel chính trực mà truyền thống lề luật và các ngôn sứ đòi hỏi. Người thuộc thành phần “những người nghèo của Giavê” : hiền lành và khiêm nhường, hoàn toàn tin tưởng và phó thác cho lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa.

Đối với làng xóm người ta gọi Người là người “Nazarêô”, người con đích thực của quê nghèo nhỏ bé, lao động với đôi tay cần mẫn trong nghề thợ mộc. Trong gia đình, Người được nhìn nhận là người con hằng “vâng phục hai ông bà”.

Khi Người vào đời, Người luôn có tâm tình cởi mở với mọi giai tầng xã hội đạo cũng như đời : luôn được nhìn nhận là người có lòng thương xót, nhân hậu, giúp đỡ cách riêng những người gặp hoàn cảnh khó khăn về tinh thần cũng như thể xác. Người không ngần ngại chia vui và làm cho niềm vui của mọi người được trọn vẹn, Người chia sẻ những đau khổ của những ai sầu khổ và khi có thể, Người giúp họ thoát khỏi cảnh khổ đau : như trả lại cho người mẹ đứa con duy nhất sự sống…

Người không ngần ngại đến với những người ngoại bang giúp họ nhận ra SỰ THẬT là Thiên Chúa yêu thương hết mọi người bằng tình yêu hiến dâng. Bằng cách đó, người uốn nắn những tâm tư, những định kiến sai lạc nơi đồng bào mình, để giúp họ trở về với ơn gọi và sứ vụ là HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA giữa chư dân. Và thánh Gioan nhận ra cuộc sống của Người đích thật là ÁNH SÁNG chiếu soi trần gian đang sống trong miền thâm u sự chết được thấy ĐẠO LÀM NGƯỜI VÀ LÀM CON THIÊN CHÚA. Cuộc sống của Người cho thấy con người chỉ có thể LÀ NGƯỜI CHÂN CHÍNH khi đồng thời có cuộc sống LÀ CON THIÊN CHÚA. Nơi Người NHÂN TÍNH chỉ đạt tới tầm vóc cao cả của mình khi nó được THÂU NHẬN VÀO THIÊN TÍNH.

Hội Thánh được sinh ra từ Nước và Máu chảy ra từ TRÁI TIM Đức Giêsu, Hội Thánh cũng phải làm cho “cái Nhân Tính” của mình được thâu nhận vào “Thiên Tính” để như lời Chúa dạy “Các con là ánh sáng, là muối cho trần gian”. Theo đó thư chung HĐGMVN viết “Giáo Hội rất quan tâm đến sự thăng tiến nhân bản của các tín hữu và đồng bào của mình, xem đó là thành phần thiết yếu trong việc phát triển con người toàn diện và phát triển vững bền của xã hội.” Để hoàn thành được sứ vụ này, Hội Thánh phải dấn thân hội nhập vào trong từng gia đình, từng cộng đồng dân tộc để trở nên “Muối và Ánh Sáng”, có nghĩa là phải ý thức sứ mạng đồng hành và cư ngụ giữa anh chị em đồng loại trong mọi cảnh vực bằng một cuộc sống ĐẦY TÍNH NHÂN BẢN CỦA CHÍNH CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay khi mà những giá trị làm người bị giản lược vào LỢI NHUẬN, vào mức độ HƯỞNG THỤ theo điều bài Tin Mừng vừa nói là  do ước muốn của nhục thể” thì để thực hiện được ƠN GỌI VÀ SỨ VỤ, Hội Thánh cũng phải nỗ lực đi vào con đường của MẦU NHIỆM GIÁNG SINH, con đường mà Tin Mừng viết là “do bởi Thiên Chúa” mà Đức Giêsu đã đến và đã đi.

 

3.  Lời cầu

Ðức Ki-tô là Ðấng cứu độ chúng ta, sẽ ngự đến cho ta được chiêm ngưỡng trong ngày sau hết. Giờ đây ta hãy cùng hoan hỷ kêu cầu Người:

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Chúa là Ðấng Cứu Ðộ chúng con tôn thờ, đã giáng sinh làm người để giải thoát chúng con khỏi ách nặng nề đạo cũ, - xin hoàn tất những công trình yêu thương Chúa làm cho chúng con.

Chúa đã chấp nhận thân phận làm người của chúng con, ngoại trừ tội lỗi, - xin cũng cho chúng con tham dự vào thiên tính của Chúa.

Xin Chúa thương hiện diện để thỏa lòng mong ước của chúng con, - và đốt lòng chúng con cháy lửa yêu mến Chúa mãi mãi.

Dưới thế này, chúng con vẫn một lòng tin tưởng Chúa, - xin cũng cho chúng con được hưởng phúc trên trời.

Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến.

Hát kết thúc : HÃY ĐỔ SƯƠNG MAI

 

 


Muc Luc