Nghi Thức
Gia đình cầu nguyện

Chào đón giao thừa

 

Trong giờ phút giao thừa, gia đình nên quy tụ lại để cầu nguyện, tạ ơn Chúa vì một năm đã qua với những ơn lành nhận được từ nơi Chúa và nài xin phúc lành cho Năm Mới.

 

Mở đầu

 

1.  Khi các thành viên trong gia đình đã quy tụ đông đủ, mọi người cùng hát bài "Hồng ân Thiên Chúa".

Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người.

1.     Qua bao nhiêu dòng thời gian dưới thế, qua bao nhiêu thế dương gian : tung hô chân lý cao quang, miệng con theo với cung đàn hoan ca.

2.   Vinh danh Cha và Ngôi Con Chúa, với Thánh Linh muôn thuở trước sau : Ba Ngôi nguyên lý cao sâu, thời gian không chút phai màu vinh hoa.

 

2.  Xong gia trưởng bắt đầu giờ cầu nguyện bằng dấu Thánh Giá cùng làm với mọi người :

Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Tiếp đến, gia trưởng dùng những lời sau đây để mời gọi mọi người :

Chúng ta hãy chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương và gìn giữ chúng ta !

Trong giờ phút giao thừa linh thiêng này, mọi người trong gia đình chúng ta quy tụ lại đây, để cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa vì Người đã yêu thương gìn giữ cả gia đình và mỗi người trong sự quan phòng diệu kỳ của Người. Biết bao điều tốt lành chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Chúa, chúng ta hãy tạ ơn Người !

Bước vào một Năm Mới, với niềm tin tưởng, vui mừng và hy vọng, chúng ta phó dâng mỗi con người và các gia đình trong tay Chúa là Ðấng giầu lòng thương xót, xin Người che chở giữ gìn chúng ta, để chúng ta luôn sống đẹp lòng Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

Và giờ đây, trước hết chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa :

 

Ðọc Lời Chúa

 

3.  Một người trong gia đình, hay chính gia trưởng đọc bài Kinh Thánh

Trích thư thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Phi-líp-phê (2,5-11)

Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Ki-tô Giê-su.

Ðức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : "Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa".

 

4.  Rồi mọi người cùng hát bài "Vinh phúc"

đk Vinh phúc thay người kính sợ Chúa và hằng đi trên đường quang minh Thiên Chúa : người hưởng huê lợi tay người tạo nên, và hạnh phúc Chúa thưởng ban muôn đời.

1/ Hiền thê người tựa gốc nho sai trái trong nội thất nhà người, con cái người như đám cây ô liu xum xuê quanh mâm bàn người.

2/ Ngàn ân lộc của Chúa ban chan chứa trên kẻ kính sợ Ngài, xin Chúa từ trên núi Si- on chúc phúc suốt cả đời người.

3/ Nguyện cho người được sống cao niên tuế trong hạnh phúc tuyệt vời, con cháu người đông đúc như sao sa, an vui đến muôn ngàn đời.

 

5.  Suy niệm

 

Trong Tông huấn hậu Thượng-hội-đồng giám mục về Gia Ðình, ngày 21/11/1981, Ðức thánh cha Gioan-Phaolô II đã lấy lại một hình ảnh về gia đình được Công Ðồng Vaticanô II diễn tả : Gia đình là "Hội Thánh tại gia", là hình ảnh sống động và biểu hiện lịch sử của chính mầu nhiệm Hội Thánh. Ngài kêu mời các gia đình quy chiếu vào Chúa Giêsu-Kitô trong ba sứ mạng là tiên tri, tư tế và là vua, để gia đình kitô-hữu trở thành một "cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng", "cộng đồng cầu nguyện" và "phục vụ con người". Chúng ta cùng lắng nghe vài đoạn được Ðức thánh cha nhắc nhở :

"Các cha mẹ kitô-hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Người". . "Chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố đời sống sẽ không xóa nhòa được. Chúng ta hãy nghe lại lời kêu gọi mà đức Phaolô VI đã ngỏ với các cha mẹ : "Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người kitô-hữu ? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu : xưng tội, rước lễ, thêm sức ? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Ðức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Ðức Mẹ đồng trinh và các thánh ? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình ? Còn anh em, những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cả cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng ? Gương sáng của anh em, kèm với sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động của anh em, được nâng đỡ bằng một số kinh nguyện chung, quả đúng là một bài học sống. Ðó là một hành vi thờ phượng đặc biệt có công nghiệp. Như thế là anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em. "Bình an cho nhà này". Ðừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Hội Thánh" (FC 60)

 

Cầu nguyện

 

6.  Mọi người cùng đọc chung kinh Gia Ðình

 

Lạy Chúa Giê-su, chúng con xác tín rằng : - hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, - công trình của yêu thương, khôn ngoan và thánh thiện ; - chúng con tin rằng Chúa muốn và Chúa luôn ban ơn - để hôn nhân được hạnh phúc trong sự duy nhất và bền bỉ, - trong việc truyền sinh và phát huy sự sống.

 

Lạy Chúa, - Chúa đã yêu thương và nâng hôn nhân lên hàng bí tích : - xin Chúa giúp cho các đôi vợ chồng sống trung thành với nhau, - cho cha mẹ biết ý thức trách nhiệm giáo dục con cái, - cho con cái biết vâng phục và yêu mến cha mẹ ; - xin Chúa làm cho các thế hệ trẻ tìm được nơi gia đình - sự nâng đỡ chắc chắn cho giá trị làm người của họ - và được trưởng thành trong chân lý và tình thương.

 

Lạy Thánh Gia Na-da-rét - là gương mẫu của đời sống thánh thiện, - công bình và yêu thương, - xin cho gia đình chúng con trở nên nơiđào tạo nhân đức - trong hiền hòa, phục vụ và cầu nguyện ; - xin cho chúng con biết xây dựng gia đình - thành mối an ủi cho cuộc đời đầy thử thách ; - xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình - đều được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội - và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội. - Xin Ba Ðấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, - khi vui cũng như lúc buồn, - khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, - khi lo âu cũng như lúc hy vọng, - khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, - để khi trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống - chúng con luôn luôn chúc tụng Chúa - cho đến ngày được sum họp với Ba Ðấng trong Nước Trời. Amen

 

7.  Rồi gia trưởng mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha :

Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo lời Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng :

 

Lạy Cha chúng con ở trên trời .

 

8.  Tiếp đến, gia trưởng chắp tay đọc Lời nguyện :

Lạy Chúa là Ðấng tạo thành dân Chúa và là Ðấng Cứu Chuộc rất nhân hậu,

Chúa đã muốn gia đình được thiết lập trong khế ước hôn nhân, trở nên Bí Tích giữa Ðức Kitô và Hội Thánh ; xin Chúa đổ phúc lành dồi dào xuống cho gia đình đang tụ họp nhân danh Chúa đây, để những người đã gắn bó với nhau bằng tình yêu duy nhất,

biết sốt sắng và kiên tâm cầu nguyện, ân cần săn sóc nhau, thông cảm các nhu cầu của nhau, và biết dùng lời nói và gương lành mà rao giảng đức tin. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen

 

Kết thúc

 

9.  Gia trưởng đọc lời kết thúc như sau :

Xin Chúa Giêsu là Ðấng đã sống trong gia đình Nadarét luôn ở trong gia đình chúng ta, gìn giữ gia đình chúng ta khỏi mọi sự dữ và ban cho chúng ta được ý hợp tâm đầu. đ/ Amen

 

10.    Hát bài "Xin vâng" để kết thúc giờ cầu nguyện :

Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hay tiếng "xin vâng". Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin Mẹ dạy con hai tiếng "xin vâng".

Xin vâng ! Mẹ dạy con hai tiếng "xin vâng", hôm qua hôm nay và ngày mai. Xin vâng ! Mẹ dạy con hai tiếng "Xin vâng", hôm nay tương lai và suốt đời.

  

Sau giờ cầu nguyện giao thừa, tùy nghi, con cái trong gia đình chúc tuổi ông bà, cha mẹ .

 

(Giáo phận Ðà Lạt)

 

 


Trở về trang Mục Lục Giáo Dục | Về Trang Nhà