GIỜ THÁNH

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

24.03.2005

 

THÁNH THỂ, BÍ TÍCH TÌNH YÊU.

 

I. KHAI MẠC

1.     Hát kính Thánh Thể.

2.     Lời nguyện mở đầu của người hướng dẫn :

“Sao anh em lại ngủ ? Dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,46).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là nỗi khát khao của Chúa tại vườn Cây Dầu, Chúa khao khát một tình bạn nơi các môn đệ, Chúa khao khát các môn đệ chia sẻ “Giờ” của Chúa. Chúa chờ đợi các môn đệ hãy cùng cầu nguyện với Chúa trong giờ phút thử thách của mầu nhiệm thập giá.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong hình bánh thánh, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để chúng con hiểu được Lời Chúa nói với chúng con trong giờ cầu nguyện này.

Hôm nay, ngày kỷ niệm việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt cho các linh mục là những thừa tác viên của Mầu nhiệm Thánh Thể, để trong năm Thánh Thể này, các gia đình, cộng đoàn và mỗi người yêu mến và làm toả chiếu Mầu nhiệm Thánh Thể trong cuộc sống hàng ngày.

Xin cho chúng con cảm nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, thất bại và thành công, âu lo và hy vọng, bóng tối và ánh sáng, mồ hôi nước mắt và niềm vui, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh. Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể, xin Chúa biến đổi chúng con thành những chứng nhân hy vọng cho tất cả anh chị em chúng con. Amen.

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA

    SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

1.     Hát : “Lắng nghe Lời Chúa”

2.     Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa :

Chúng ta quy tụ nơi đây để cầu nguyện bên Thánh Thể Chúa. Để cho giờ cầu nguyện và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu, chúng ta sẽ cùng nhau đọc lại trình thuật về Bữa Tiệc Ly đúng như thánh Luca ghi lại.

3.     Bài đọc I : Luca 22,7-13

Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên vượt qua, Đức Giêsu sai ông Phêrô với ông Gioan đi và dặn : “các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua”. Hai ông hỏi : “Thầy muốn chúng con dọn ở đâu ?” Người bảo họ : “Này, khi vào thành, các anh sẽ gặp một người mang vò nước, cứ đi theo người đó, người đó vào nhà nào thì các anh vào thưa với chủ nhà : Thầy nhắn ông : căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu ? và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được trang bị ; các anh hãy dọn ở đó. Các ông ra đi, thấy mọi sự y như Người đã nói, và các ông dọn tiệc Vượt Qua” (Lc 22,7-13)

4.     Suy niệm 1 : “Hãy đặt Thánh Thể vào vị trí trung tâm của đời sống Kitô hữu”.

Đây là lời mời gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Thư “Xin Chúa hãy ở lại với chúng con” (số 17) khi Hội Thánh bước vào năm Thánh Thể.

Những ai đã đọc trình thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong các Tin Mừng Nhất Lãm đều ngỡ ngàng vì, vào buổi chiều của Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích cao cả này với vẻ vừa đơn giản vừa trang trọng.

Trước hết, ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều đề cập đến khung cảnh bữa Tiệc Ly là bữa ăn Vượt Qua “Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên vượt qua”. Đối với các ngài, chính trong bữa ăn Vượt Qua này, Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập, và như thế, Lễ Vượt Qua cũ được chuyển sang Lễ Vượt Qua mới.

Thứ đến, các Tin Mừng Nhất Lãm đều rất chú ý tới việc chuẩn bị kỹ lưỡng bữa ăn Vượt Qua sau cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, bằng cách lưu ý tới lệnh truyền của Chúa Giêsu nói với các môn đệ “chuẩn bị một căn phòng rộng rãi” cần thiết cho bữa ăn Vượt Qua (Mt 14,15 ; Lc 22,12).

Với hướng nhìn này, Bữa Tiệc Ly rất quan trọng đối với Chúa Giêsu và cũng rất quan trọng đối với các môn đệ. Đây là bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đây cũng là Bữa Tiệc Vượt Qua Mới, trong đó Chúa Giêsu trở thành chính Chiên Vượt Qua chịu sát tế để đem lại sự sống cho muôn người.

Thánh Thể là bí tích trọng đại ! Ước gì Bí tích Thánh Thể trở nên trung tâm điểm trong đời sống chúng ta. Ước gì chúng ta biết quý trọng việc cử hành Thánh Lễ và tôn thờ Thánh Thể. Thánh Lễ là mầu nhiệm thánh thiêng. Sự thánh thiêng này bắt nguồn từ Chúa,

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quý chuộng phẩm giá cao trọng của bí tích tình yêu này và luôn cử hành với một sự chuẩn bị xứng đáng : chuẩn bị tâm hồn, nơi thánh, bàn thờ và cả những đồ dùng phụng vụ xứng đáng với mầu nhiệm cực thánh này.

5.     Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng đễ chiêm ngắm Tình Yêu Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)

6.     Chúc tụng và tung hô :

X/ Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ tình Chúa yêu thương chúng con.

Đ/ Chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa

X/ Lạy Chúa Giêsu, chúng con tri ân Chúa, vì Chúa hiện diện với chúng con mãi mãi nơi bí tích tình yêu này.

Đ/ Chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa

X/ Lạy Chúa Giêsu, chúng con ngợi khen Chúa, vì Chúa biểu lộ tình yêu Chúa cách tuyệt vời nơi mầu nhiệm Thánh Thể.

Đ/ Chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa

X/ Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra Chúa là nguồn sự sống, để chúng con biết quý trọng bí tích cực thánh này.

Đ/ Chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa

7.     Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.

8.     Bài đọc 2 : Luca 22,14-18

Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các tông đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông : “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”

Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói : “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến”

9.     Suy niệm 2 : Lòng khao khát mong mỏi của Chúa Giêsu

Thánh Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại diễn tiến Bữa Tiệc Vượt Qua theo đúng nghi thức của người Do Thái. Vào ngày lễ bánh không men, khi chiều về, Đức Giêsu và các môn đệ đi vào bàn tiệc. Đức Giêsu nằm ở vị trí người chủ nhà và nói với các môn đệ :

“Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,15-16)

Sau những lời này, Ngài cầm chén rượu thứ nhất. Theo tập tục, Ngài đọc lời chúc tụng : “Chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con, Người là Vua vũ trụ, là Đấng ban cho chúng con sản phẩm từ cội nho”. Các môn đệ cùng thưa : Amen. Ngài uống và trao chén rượu cho các môn đệ. Đang khi mọi người cùng uống, Đức Giêsu nói : “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến”

(Lc 22,17-18).

Trong trình thuật này, một phần nào chúng ta có thể gặp gỡ được nỗi lòng của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, đó là lòng khao khát mong mỏi. Ngài khao khát ăn lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ trước khi chịu khổ nạn. Lòng khao khát này cho thấy Ngài rất yêu thương các môn đệ. Ngài không thể thiếu các môn đệ. Vì biết rằng đây là Bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng trong đời của mình, nên các môn đệ thật quan trọng đối với Ngài, một sự quan trọng phát xuất từ tình bạn. Lòng khao khát mong mỏi này cũng bộc lộ tấm lòng của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha. Ngài hướng nhìn về thập giá, dấu chỉ của tình yêu trao ban đến cùng, dấu chỉ của lòng vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, như sự hoàn tất cuộc đời của Ngài. Ngài thấy trước giờ đau thương đang đến với Ngài, nhưng đồng thời hướng nhìn về Yến tiệc Nước Trời, tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha của Ngài.

Chúng ta có thể nói rằng trong Tin Mừng Luca, bữa Tiệc Ly đã báo trước và hàm chứa biến cố hiến tế vượt qua của Chúa Giêsu. Hiểu theo chiều hướng trên, việc Chúa Giêsu bẻ bánh và thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly là một hành vi mang tính biểu trưng và tiên tri cao vời nhất trong lịch sử cứu độ. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã tiên báo, và một cách mầu nhiệm, Ngài đã mong đợi những điều sắp sửa xảy đến, đó là cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.

10.   Cầu nguyện bằng một bài hát thích hợp

11.   Bài đọc 3 :  Luca 22,19-20

Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Đây là mình Thầy hiến tế vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”.

12.   Suy niệm 3 : Thánh Thể, bí tích tình yêu, cội nguồn và hướng đi của đời sống linh mục.

Đoạn văn này là trình thuật về việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã đọc lời tuyên bố trên bánh “Này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” trong bữa ăn và đọc lời tuyên bố trên rượu “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” sau bữa ăn, tức là trên chén thứ ba hay được gọi là “chén chúc tụng”. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu nghĩ tới cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Do đó, biến cố làm nên Mầu nhiệm Thánh Thể chính là biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, những điều này không phải đơn thuần là những “sự kiện” suông ; có thể nói được có một lý do, một nguyên nhân đưa đến sự kiện này, đó chính là tình yêu. Thánh Thể phát xuất từ tình yêu (x. Ep 5,2). Thánh Thể đến với chúng ta như một tuyệt tác và tặng phẩm của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi đều có mặt trong việc thiết lập này : Chúa Con tự hiến mình, Chúa Cha là Đấng đón nhận hiến lễ, và nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Con hiến tế cho Chúa Cha (x. Dt 9,14).

Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn ý nghĩa những lời tuyên bố trên bánh và rượu của Chúa Giêsu được kết hợp với lời mời gọi : “Hãy cầm lấy mà ăn - Hãy cầm lấy mà uống”. Chúa Giêsu cầm bánh trong tay và đang có chiên tế lễ vượt qua trước mặt Ngài. Ngài nói : “Này là Mình Thầy”  ; sau bữa ăn, tức là đã ăn chiên tế lễ Vượt Qua, bữa ăn tạ ơn vì máu chiên đã đổ ra nhắc lại máu giải thoát năm xưa, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu trong tay. Ngài nói : “Này là Máu Thầy”, ý nghĩa việc đó thật rõ ràng : chính Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua thật, chiên đã được hiến tế vì chúng ta và cho chúng ta.

Thánh Thể là bí tích tình yêu, một tình yêu trao ban, một tình yêu tự hiến, nhưng cũng là tình yêu vượt qua. Thánh Thể là cuộc tưởng niệm mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu vì chúng ta và cho chúng ta.

Qua việc tự hiến, Chúa Kitô đã dậy chúng ta biết cho đi cuộc sống của mình như thế nào. Qua việc đổ máu mình ra, Ngài cũng mời gọi chúng ta “đổ máu” mình ra. Mầu nhiệm Thánh Thể không chỉ để ngắm nhìn từ xa, nhưng là một mầu nhiệm mời gọi chúng ta tham dự và sống lấy dấu chỉ bí tích này trong cuộc sống hàng ngày.

13.   Cầu nguyện (một người đọc lời cầu nguyện sau đây :)

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết sống chia sẻ với nhau như hình ảnh tấm bánh được bẻ ra. Xin dạy chúng con biết trao ban cuộc sống như hình ảnh chén rượu thánh. Qua tình yêu đối với anh chị em, chúng con biểu lộ tình yêu Chúa, lúc đó người ta sẽ thấy rằng Chúa không chết, nhưng Chúa vẫn sống và đang đến với con người ngày hôm nay.

14.   Tiếp tục suy niệm

Trong hồng ân Thánh Thể, Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh nhiệm vụ “tưởng nhớ đến Ngài” nghĩa là hiện tại hoá không ngừng mầu nhiệm Vượt Qua. Mệnh lệnh “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” được Chúa nói ngay sau lời truyền phép, và được các linh mục đọc lại mỗi lần cử hành Hy Tế Thánh Lễ

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chia sẻ với các linh mục về mối liên hệ thâm sâu giữa Thánh Thể và chức linh mục trong Tông thư “Bữa Tối của Chúa”, bức thư mà ngài gửi cho hàng giám mục thế giới vào năm 1980 như sau :

“Bí tích Thánh Thể là nguyên nhân chính và trọng yếu của bí tích truyền chức linh mục, vì bí tích này thực sự được phát sinh trong lúc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể và hiện hữu cùng với bí tích Thánh Thể. Do chức thánh, chúng ta được kết hiệp một cách cá nhân và đặc biệt với Thánh Thể. Theo cách nào đó, chúng ta hiện diện “do bí tích Thánh Thể” và “cho bí tích Thánh Thể”. Và một cách đặc biệt, chúng ta cũng có trách nhiệm “do bí tích Thánh Thể” : mỗi linh mục trong cộng đoàn của mình, cũng như mỗi Giám mục phải chăm nom các cộng đoàn đã được trao phó cho mình, như “mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” theo lối diễn tả của thánh Phaolô. Như vậy, chúng ta, các Giám mục và linh mục, là những người được Chúa trao phó “mầu nhiệm đức tin”. Mầu nhiệm này cũng được ban tặng cho toàn thể Dân Chúa, cho tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, nhưng riêng chúng ta là những người cũng được Chúa trao bí tích Thánh Thể để “phục vụ” người khác là những kẻ mong đợi nơi chúng ta một chứng tá đặc biệt về lòng sùng kính và mến yêu đối với bí tích này, để họ được củng cố và trở nên sống động, “dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người” (Gioan Phaolô II, Tông thư Bữa tối của Chúa, số 2)

Nghĩ đến điều này, làm sao chúng ta lại không mang nặng trong tâm khảm mình những tâm tình ngưỡng mộ cao cả và đầy lòng biết ơn đối với Ba Ngôi Thiên

Chúa ? Ước gì tâm tình ngưỡng mộ này phải luôn thấm nhập vào từng cộng đoàn Thánh Thể ! Nhưng trên hết, tâm tình này phải tràn ngập tâm hồn thừa tác viên Thánh Thể, tức là các linh mục.

Chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện cho bản thân chúng ta và đặc biệt cho các linh mục.

(Để ra ít phút thinh lặng)

15.   Hát một bài thích hợp để cầu nguyện cho các linh mục.

 

III. KẾT THÚC

Lời nguyện kết (người hướng dẫn) :

Lạy Cha, chúng con dâng lên Cha tâm tình cảm tạ tri ân. Cha đã ban cho nhân loại Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô làm bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con. Xin Cha cho chúng con đói khát bánh rượu Thánh Thể. Xin cho mầu nhiệm này toả sáng và hướng dẫn cuộc đời chúng con.

Chúa Kitô đã phó nộp mình vì chúng con, xin cho chúng con cũng biết sống vì anh em, để cuộc sống chúng con trở thành của lễ ngợi khen chúc tụng vinh quang Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.


Trở về trang Mục Lục