GIỜ CHẦU

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

NĂM 2005

 

I. KHAI MẠC (Quỳ)

1.     Đặt Mình Thánh

2.     Hát kính Mình Thánh Chúa : “Đây Lòng Chúa Ái Tuất”

3.     Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây quỳ trước Nhan Thánh Chúa, chúng con lắng nghe lời Chúa mời gọi “Các con hãy xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến. Hãy ra đi” (Lc 10,2-3). Cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng có nghĩa là phải trở nên người truyền giáo.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sai các Tông Đồ và truyền cho các Ngài phải lên đường đến với muôn dân để rao giảng Tin Mừng và qui tụ cho Chúa một dân thánh. Mệnh lệnh đó ngày hôm nay vẫn là lời mời gọi cấp thiết. Những bước đường truyền giáo vẫn mở rộng. Giáo Hội lữ hành qua Công Đồng Vaticanô II với Sắc Lệnh Truyền Giáo đã xác nhận bản chất truyền giáo của mình. Giáo phận chúng con đã có nhiều cố gắng dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng bằng những việc làm cụ thể. Chúng con tạ ơn Chúa vì những hồng ân lớn lao và những hoa trái của mùa gặt phong phú.

Trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, chúng con xin Chúa khơi lại nhiệt tình tông đồ nơi mỗi người chúng con. Xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo còn bát ngát trên lục địa Á Châu này. Amen.

II. SUY NIỆM I : LOAN BÁO TIN MỪNG

1. Lời Chúa (Đứng)

Bài trích Tin Mừng theo thánh Marcô

Khi Chúa Giêsu xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người, nhưng Người không cho mà rằng : “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã ban cho con và đã thương con”. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục. (Mc 5,18-20)

2. Suy niệm 1 :

Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2000 đã viết như sau : “Tin Mừng là quà Thiên Chúa tặng cho mọi người (x Lc 2,10 ), nên ai nhận được Tin Mừng cũng có nghĩa vụ loan truyền cho người khác. Công Đồng Vaticano II khẳng định : “Tự bản tính, Hội Thánh lữ hành phải loan báo Tin Mừng, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha (TG 2). Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu cũng quả quyết : “Không thể nào có công bố Tin Mừng thực sự, nếu các Kitô hữu không đồng thời lấy đời sống mình làm chứng, đi đôi với sứ điệp mình rao giảng ……” (số 3).

Làm chứng là cách thế đầu tiên, cũng có thể là cách duy nhất để loan báo Tin Mừng (x. Sứ Vụ Đấng Cứu Độ số 31), song việc trực tiếp loan báo Tin Mừng bằng lời nói vẫn là đòi hỏi của bản chất Tin Mừng. “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã ban cho con và đã thương con” (Mc 5,19). Các Tông Đồ cũng đã tuyên bố : “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe mắt đã thấy, chúng tôi không thể nào không nói ra” (Cv 4,20).

(Thinh lặng trong giây lát, đoạn hát ĐK bài : “Lạy Chúa xin hãy sai đi”.)

3. Suy niệm 2  (Ngồi)

Thế nhưng thường thì nhiều người trong chúng ta không còn cảm thấy nỗi thúc bách phải nói, phải loan báo Tin Mừng. Tại sao ?

Thứ nhất : Có khi chúng ta chưa thực sự cảm nghiệm Chúa Kitô là lẽ sống của chúng ta, nên chúng ta thờ ơ. Vậy chúng ta phải cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa để cảm nghiệm được Chúa Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Thứ hai : Có khi chúng ta nhát đảm không dám nói với người khác về Chúa Kitô. Hãy nhớ lời Chúa căn dặn : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 10,32-33).

Thứ ba : Có khi chúng ta không thấy nghĩa vụ phải loan báo Tin Mừng, vì chưa có được tinh thần của Thánh Phaolô : “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm” (1Cr 9,16), hơn nữa vì lãng quên lệnh Chúa truyền : “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Thứ tư : Có khi chúng ta không biết phải nói như thế nào. Đó là vì chúng ta chưa dám trả lời câu Chúa Giêsu hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” (Lc 9,20). Vậy hãy để cho Chúa Giêsu thật sự sống trong cuộc đời của chúng ta.

(Thinh lặng giây lát, đoạn hát lại bài hát trên. Hát xong tiếp tục thinh lặng trong giây lát).

III. SUY NIỆM II : LOAN BÁO ĐỨC KITÔ

1. Lời Chúa (Đứng)

Bài trích Tin Mừng theo thánh Matthêô

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philipphê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” Các ông thưa : “Kẻ thì nói là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-lia, có người lại cho rằng ông Giê-rê-mia, hay một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giêsu lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13-16).


2. Suy niệm (Ngồi)

Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ trước khi loan báo cho người khác, thật sự phải am tường, và hơn nữa phải cảm nghiệm về Ngài. Vì không ai cho cái mình không có.

Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhân ngày thế giới truyền giáo năm 1997 đã nói : Đức Giêsu Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, Nhà Truyền Giáo đầu tiên, là Đấng duy nhất cứu độ trần gian. Ngài là đường, là sự thật, là sự sống : Cũng cùng một cách thức như Ngài đã hiện hữu hôm qua, cũng như hôm nay cũng như ngày mai mãi mãi cho đến ngày tận thế lúc mà muôn loài vĩnh viễn được qui tụ trong Ngài. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã mang lại thấm nhập vào trong nơi thẳm sâu của con người, giải phóng con người khỏi ách thống trị của Ác Thần, của tội lỗi và cái chết đời đời. Một cách cụ thể, ơn Cứu độ là triều đại của “sự sống mới” trong Đức Kitô. Đây là ơn nhưng khong của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi con người tự do gắn bó với Người. Thật vậy, phải đạt được sự gắn bó đó ngày này qua ngày khác bằng cái giá của “một nỗ lực lớn lao” (x Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, 10). Vì vậy, cần phải có sự cộng tác không biết mệt mỏi của cá nhân mỗi người bằng một quyết tâm ngoan ngoãn thuận theo chươngtrình của Thiên Chúa. Chính nhờ vậy, mà người ta đạt đến mục đích chắc chắn và trường cửu mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta nhờ Thánh Giá của Ngài. Chẳng có một sự giải phóng nào khác có thể giúp chúng ta đạt được sự bình an đích thực và niềm vui mà không phát xuất từ sự gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là sự thật : “Anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em”. (Ga 8,32).

(Thinh lặng giây lát, đoạn hát lại bài hát trên đây. Hát xong, tiếp tục thinh lặng trong giây lát).

v      Lời Nguyện Kết Thúc Phần Suy Niệm

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa không chỉ muốn chúng con đi chinh phục ở những miền xa xôi, nơi có những người chưa biết Chúa, nhưng Chúa còn muốn chúng con đi đến với những tâm hồn có lẽ rất kề cận chúng con, nhưng lại thật xa Chúa.

Chính vì số đông những tâm hồn này, vốn chưa nhận ra Chúa hoặc yêu Chúa quá ít, mà Chúa đã sinh ra trong lạnh giá, để làm việc trong âm thầm, đã sống trong gian khổ, rồi chết trên Thánh Giá.

Và bây giờ, để cho việc Chúa đến trần gian không trở thành vô ích, thì Chúa đã đặt tin tưởng nơi chúng con.

Lạy Chúa, này con đây, Chúa đã tin tưởng nơi con, xin Chúa ban cho con một tâm hồn truyền giáo, cho trái tim quảng đại để yêu thương hết mọi người bằng cùng một tình yêu, những người đã yêu Chúa, và những người chưa biết rằng cũng chính họ mà Chúa đã đến trần gian.

Xin cho con biết chê ghét những sự dễ dãi, những việc đã làm sẵn ; và trước những khó khăn trên đường đời, xin giữ gìn con can đảm, quảng đại và bình tĩnh, không chịu thoái lui.

Xin cho con một trái tim liêm khiết, để không bối rối trước sự vô ơn, vô tri và thành kiến của người khác.

Xin giữ niềm tin con tinh tuyền, niềm tin vào quyền năng của Chúa, và niềm tin vào những tâm hồn còn mê ngủ mà Chúa muốn con thức tỉnh, để rồi trở về với tình yêu và đời sống của Ngài. Trước sự mê ngủ của các tâm hồn này, lạy Chúa xin dạy con lòng kiên nhẫn của Chúa…

Và khi trên cánh đồng truyền giáo, con đã không ngừng gieo vãi, thế mà không thấy gì mọc lên, thì xin Chúa cho con giữ trọn niềm vui, xác tín rằng một ngày nào đó, vào giờ của Chúa, nhờ lời nói và những cố gắng của con, rốt cuộc thì Chúa sẽ thống trị trên vũ hoàn. (Ludovic Giraud).

(Thinh lặng giây lát, đoạn hát lại bài hát trên đây. Hát xong tiếp tục thinh lặng trong giây lát).

 

IV. KẾT THÚC

1.     Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng : “Này con là đá”

2.     Hát tôn thờ Thánh Thể : “Đây nhiệm tích”

3.     Phép lành Mình Thánh Chúa

4.     Hát kết thúc : “Đường con đi”


Trở về trang Mục Lục