KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA trong “NĂM THÁNH THỂ”

“LẠY CHÚA, XIN Ở LẠI VỚI CHÚNG CON” (Luca 24,29).

 

 

Ghi chú :

1.      Việc Rước kiệu Mình Thánh Chúa được xem là một trong những cao điểm đặc biệt trong “Năm Thánh Thể” ;

2.      Khi có điều kiện, nên tổ chức Kiệu Mình Thánh Chúa trong khuôn viên Nhà thờ ; cũng có thể kiệu Mình Thánh Chúa trong nhà thờ ;

3.      Nên kết hợp cuộc Rước kiệu Mình Thánh Chúa với việc cử hành Bí tích Thánh Thể (như mô hình chiều thứ năm lễ Tiệc Ly) ;

4.      Nếu Rước kiệu trọng thể trong khuôn viên nhà thờ, nên chọn một địa điểm thích hợp để đặt một trạm kính Mình Thánh Chúa trên lộ trình Rước kiệu. (có thể làm một cái phông và ghi dòng chữ theo chủ đề của “Năm Thánh Thể” : “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”).

* * * * *

 

I. Khai mạc cuộc Rước Kiệu Mình Thánh Chúa.

Sau lời nguyện hiệp lễ, chủ tế đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ .

- Xông hương Mình Thánh Chúa.

- Hát : “Thờ lạy Chúa” hoặc một bài thích hợp.

- Chủ sự cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã lập phép Thánh Thể là bí tích của tình yêu cứu chuộc, để ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế ; Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng chính của ăn thần linh là Mình và Máu thánh Chúa ; Chúa cho chúng con được kết hiệp mật thiết với Chúa để làm nên Thân thể nhiệm mầu, thông dự vào chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa vì hồng ân và vinh dự cao vời này, mặc dầu chúng con là những kẻ tội lỗi bất xứng. Xin cho chúng con hằng ý thức phẩm giá cao quý nầy mà yêu mến và tôn sùng Mầu nhiệm Thánh thể ; nhất là siêng năng tham dự Thánh lễ, lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, đồng thời yêu mến các giờ chầu Thánh Thể ; để được kết hợp với Chúa mật thiết hơn và hiệp nhất với anh em trong đại gia đình Hội Thánh ngày càng bền chặt hơn. Amen.

II. Công bố và suy niệm Lời Chúa .

 - Lời Chúa : Mátthêô 14,12-16.22-26.

 - Suy niệm : “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy”.

Đây là lời truyền phép đầu tiên. Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu thánh Ngài. Đêm hôm ấy, ở giữa các Tông đồ, Chúa Giêsu cầm bánh trong tay. Trước mặt đang có Chiên Vượt qua theo lễ nghi phụng vụ. Ngài nói : “Này là Mình Thầy”. Rồi, sau bữa ăn, tức là sau khi mọi người hiện diện đã ăn Chiên Vượt qua ; Chúa Giêsu cầm chén rượu trong tay, Ngài nói : “Này là Máu Thầy”.

Biến cố nầy thật là kỳ diệu ! Điều đem lại ý nghĩa cho các Tông đồ và đánh động họ, không phải là việc Chúa Giêsu bẻ bánh hay rót rượu vào chén ; nhưng là khi Chúa Giêsu thêm vào mỗi lời chúc tụng, tạ ơn của Nghi lễ Vượt qua lời tuyên bố giải thích của chính Ngài. Ngài đã đồng hóa mình với Chiên Vượt qua. Ngài minh nhiên cho các Tông đồ biết : bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Ngài. Chính Ngài là Chiên Vượt qua mà các Tông đồ được phép ăn trong bữa tiệc Vượt qua. Như vậy, Chiên Vượt qua, chính là Mình và Máu Ngài ; từ nay, không phải chỉ là lương thực, mà còn là phương thế đem lại ơn tha tội cho mọi người. Bằng hành động ấy, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của ơn tha tội ; dấu chỉ của sự sống đời đời.

- Thinh lặng giây lát, rồi hát : “Nguồn yêu thương” hoặc…

III. Rước kiệu Mình Thánh Chúa.

(đoàn rước kiệu : hương lửa, thánh giá, nến cao... Phương du hoặc lọng che Mình Thánh Chúa…). Trong lộ trình kiệu, có thể hát các bài kính Mình Thánh Chúa tùy nghi ; xin gợi ý một vài bài sau đây :

“Ta là Bánh hằng sống” ; “Hỡi ai người” ; “Suối trong” ; “Phút than thở” ; “Chúa ở lại thôi” ; “Chúa ở với tôi” ; “Bằng tất cả tình yêu” ; “Thánh Tâm Giêsu” ; “Lạy Chúa bao ngày tháng …”; …

IV. Mình Thánh Chúa dừng lại ở trạm.

- Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa ở nơi thích hợp tại trạm .

- Xông hương Mình Thánh Chúa.

- Hát : “Con thờ lạy” hoặc “Con quỳ gối” ; hoặc…

- Công bố Lời Chúa : 1 Côrintô 10,16-17

- Suy niệm :

“Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”.

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là nhớ đến Chúa Giêsu, hướng về Chúa Giêsu, hướng về ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Thánh Phaolô đã viết : “Ăn bánh và uống rượu này là nhớ đến Chúa Giêsu, là loan báo Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh vinh hiển của Chúa, cho đến ngày Ngài lại đến”. Đây là lúc Chúa lập chức Linh mục trong Hội Thánh ; để mỗi khi Hội thánh cử hành Bí tích Thánh Thể, là cử hành Bữa tiệc, trong đó, Chúa Giêsu tự ban chính mình Ngài cho các môn đệ, cho đến khi Ngài trở lại. Nhờ phép Thánh Thể mà Linh mục cử hành, Hội Thánh trở nên hiệp nhất và phong phú hơn : vì Hội Thánh được nối kết với cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa và nhờ sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa ở giữa trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể dấu yêu, chính trong mầu nhiệm cực thánh này, Chúa dạy chúng con giới luật bác ái yêu thương ; xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng con, để chúng con không những tôn kính phép Thánh Thể nhiệm mầu ; mà còn biết quảng đại cộng tác với hàng Linh mục, là những chủ chăn của chúng con ; nhờ đó, tất cả chúng con sống chan hòa giới luật yêu thương mà Chúa để lại, hầu trở nên những chứng nhân đích thực và tông đồ mở mang Nước Chúa. Amen.

- Thinh lặng giây lát rồi hát : “Thầy yêu chúng con” ; hoặc “người ta cứ dấu này”

- Xông hương Mình Thánh Chúa ; sau đó, đoàn kiệu tiếp tục tiến vào Nhà thờ. (trên lộ trình, vẫn hát kính Mình Thánh Chúa).

V. Phép lành Mình Thánh Chúa.

- Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa ở bàn thờ. Xông hương Mình Thánh Chúa.

- Hát : “Kính lạy Mình Thánh Chúa” (tùy nghi)

- Hát : “Này con là đá” - “Ta hãy cầu xin...”.

- Lời nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

- Hát : “Đây nhiệm tích”.

- Chủ sự đọc lời nguyện.

- Phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể.

VI. Kết thúc.

-          Hát kính Đức Maria, “Người nữ Thánh Thể” : “Xin vâng” hoặc …

 

Ban Giáo Lý Giáo Phận Đàlạt


Trở về trang Mục Lục