GIỜ THÁNH

NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

(21.10.2007)

 

1.            Đặt Mình Thánh.

2.            Hát : Trước Thánh Thể

3.            Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây trước nhan thánh Chúa, chúng con lắng nghe lời Chúa mời gọi : “Hãy xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến. Hãy ra đi” (x. Lc 10,2-3). Và chúng con nhận biết rằng, kết hợp với Thiên Chúa làm cho phẩm giá con người được thăng tiến và tôn vinh, nhận biết đó dẫn người Kitô hữu đến chỗ cầu nguyện : “Xin làm cho Danh Cha hiển thánh”, nghĩa là “Xin cho chúng con được soi sáng nhờ sự nhận biết Cha, để chúng con biết được chiều rộng của ân ban, sự bao la của lời hứa, bản chất tối thượng của uy quyền Cha, và chiều sâu của sự khôn ngoan nơi Cha” (T. Phanxicô Fonti, 268). Chúng con nhớ lại ngày 07.12.1927, vào lúc 5 giờ chiều, Đức Cha Gioan Cassaigne đã ban Bí tích Rửa Tội cho một nữ bệnh nhân người Dân tộc mắc bệnh phong đang trong tình trạng hấp hối. Năm nay Giáo Phận Đàlạt chúng con Kỷ Niệm 80 Năm Truyền Giáo Cho Anh Em Dân Tộc, lấy mốc điểm từ sự kiện này. Về lòng xót thương của Chúa đã rộng ban ơn đức tin cho hết lòng cảm tạ tri ân những ai thành tâm, thiện chí, cách riêng cho các anh em Dân Tộc. Xin Chúa biến đổi chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.

4.            Đọc Phúc Âm (Mt 28,16-20)

Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Matthêu

Khi ấy mười một môn đệ đi về Galilê, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại, nói với các ông rằng : “Mọi quyền năng trên Trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha  và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Đó là Lời Chúa.

5.            Hát : Lạy Chúa xin hãy sai đi

6.            Suy Niệm : (Ngồi)

Truyền giáo bằng sống chứng nhân

“Lệnh truyền : hãy đi giảng dạy muôn dân” gợi lên trong tâm trí chúng ta rất nhiều việc chúng ta có thể làm. Nhưng giờ đây chúng ta chỉ suy nghĩ đến hai việc: thứ nhất, rao giảng và làm chứng về Chúa (nói cách khác là sống chứng nhân), và rao giảng là phó thác.

Không ai có thể kêu cầu Chúa Giêsu, tin vào Chúa Giêsu, nếu trước đó người ấy đã không được nghe nói đến Ngài; nghĩa là nếu người ta đã không làm cho họ biết danh Ngài trước (x. Rm 10,14-15). Bởi vậy mà Thầy Chí Thánh, trước khi về cùng Cha, đã ra lệnh truyền tối cao cho nhưng người thân của mình rằng : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19)…. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được Cứu độ (Mc 16,16). Bởi đó mà Thầy Chí Thánh đã trao lệnh cho Giáo Hội, sai phái Giáo Hội tiếp tục công cuộc của Ngài trong thời gian, như “Bí Tích Phổ Quát của ơn Cứu rỗi” (GH. 48) và “máng chuyển ân sủng” cho toàn thể nhân loại (T.H Loan Báo Tin Mừng, 14).

Từ đó phát sinh “đặc ân” và cũng là “nghĩa vụ” rất nặng nề đối với hết thảy những ai đã được tháp nhập vào Giáo Hội do việc mình đã lãnh nhận đức tin. Đứng trước những kẻ luôn được Chúa Cha yêu thương, dù họ chưa đón nhận Tin Mừng Cứu độ, người Kitô hữu không thể nào không cảm thấy trong tâm khảm mình nỗi run sợ xưa đã dầy vò Tông Đồ Phaolô, khiến Ngài phải kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Thật vậy trong một mức độ nào đó, cá nhân mỗi người đều có trách nhiệm trước mặt Chúa về sự “thiếu niềm tin” nơi hàng triệu người khác. Việc trực tiếp loan báo Tin Mừng bằng lời nói luôn là đòi hỏi của bản chất Tin Mừng, như các Tông Đồ đã tuyên bố : “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể nào không nói ra” (Cv 4,20).

Tuy nhiên, bởi vì rao giảng và làm chứng nhất thiết gắn bó với nhau, nên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã viết : “Rõ ràng là không thể có sự công bố Tin Mừng thực sự nếu các Kitô hữu không đồng thời lấy đời sống mình làm lời chứng, đi đôi với sứ điệp mình rao giảng”. Làm chứng làm nên căn tính của nhà truyến giáo : “Hình thức làm chứng đầu tiên chính là cuộc sông của người truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của Cộng Đồng Giáo Hội, một cuộc sống giới thiệu cung cách sống mới …”. Mọi người trong Giáo Hội, khi nỗ lực noi gương Thầy Chí Thánh thì có thể và phải nêu lên chứng tá này; trong rất nhiều trường hợp, đó là cách thế duy nhất để là nhà truyền giáo.

Ngoài ra, đời sống chứng nhân làm cho sứ điệp Tin Mừng trở nên dễ tin và dễ hiểu hơn đối với con người thời đại : “Ngày nay, người ta đang cần đặc biệt hình thức chứng ta đích thực của Kitô Giáo ấy, vì con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy” (x. Phaolô VI, En 41), tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Con người hôm nay muốn thấy những chứng nhân hơn là nghe rao giảng Tin Mừng.

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu năm 1998, các nghị phụ chủ trương rằng, việc rao giảng Tin Mừng Đức Kitô tại Á Châu phải đặt trọng tâm trước hết vào việc sống trọn vẹn chứng tá yêu thương và nghèo khó của Tin Mừng hơn là diễn giảng những chân lý trìu tượng. Đức Cha Daniel Acharuparampil đã khẳng định : “Các tôn giáo Á Châu muốn các vị đại diện Tôn giáo phải thực là những chứng nhân với cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa. Kinh nghiệm này được truyền tải qua con đường suy tư, chiêm niệm, yên lặng trong đời sống đơn sơ, khó nghèo và hòa mình. Kiểu mẩu chứng tá này sẽ tác động hữu hiệu vào công cuộc truyền giáo trong mối quan hệ và đối thoại với các Tôn giáo lớn tại lục địa này”.

Một câu chuyện có thực về sức mạnh truyền giáo của đời sống yêu mến của Đức Giám Mục Cassaigne : Một ngày năm 1973, các tờ báo ở Sàigòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Đức Cha Cassaigne, lại qua đời ở một trại phong Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sàigòn đi Đàlạt.

Có một người, tên là anh Viết Chung đọc tiểu sử của vị Cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu mà anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Thật kỳ lạ vì gia đình và bản thân anh đều là người Phật tử ngoan đạo. Anh chẳng biết gì về đạo Công Giáo và chưa hề tiếp xúc với người Công giáo bao giờ, thế mà Đức Cha Cassaigne lại trở thành thần tượng của anh. Sau khi trở thành bác sĩ anh đã tìm đến phục vụ tại trại phong Di Linh, rồi trại phong Bến Sắn.

Hai mươi năm sau, ngày 28.8.1993, bác sĩ Chung, 38 tuổi, đến gặp cha Hoàng Văn Đạt, Dòng Tên để xin theo đạo Công Giáo. Ngày 15.3.1994, tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn, bác sĩ Chung được cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thuận, cha sở Bến Sắn làm lễ Rửa Tội cho anh.

Ngày 15.9.1994, bác sĩ Augustino Nguyễn Viết Chung vào nhà tập dòng Vinh Sơn. Ngày Lễ Đức Mẹ Truyền Tin 25.3.2003, Giáo Hội nhân danh Chúa Giêsu gọi anh lên bàn thờ để trao cho anh chức Linh mục đời đời của Chúa Giêsu tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Sàigòn.

Câu chuyện đã minh họa về hiệu quả của đời sống chứng nhân.

7.            Im lặng để hồi tâm và cầu nguyện (Ngồi)

8.            Hát lại : Lạy Chúa xin hãy sai đi

9.            Đọc Phúc Âm : (Ga 7,37-39)

Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Gioan

Hôm ấy là ngày bế mạc Lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giêsu đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng : “Ai khát, hãy đến với Tôi, ai tin vào Tôi hãy đến mà uống !” như lời Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.

Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật vậy bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh.

Đó là Lời Chúa.

10.       Suy niệm 2 :

Truyền giáo bằng phó thác cho Chúa Thánh Thần

“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần”

Lời hứa ấy đã được thực hiện cách rõ ràng, dứt khoát. Không những trong biến cố Ngũ Tuần mà còn trong đời sống Giáo Hội sơ khai, như sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật. Sự hiện diện của Thánh Thần đã đổi mới tất cả.

Thánh Thần đổi mới tận bên trong, nơi con người của Simon để trở thành Phêrô, của Saolê để trở thành Phaolô, và nơi bất cứ người Kitô hữu nào mà ta gặp thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ. Sự đổi mới của Thánh Thánh Thần có sức lan tỏa tới mọi người, mọi vùng đất, mọi biên cương. Phêrô đã mạnh dạn đứng lên rao giảng trước Công hội và rồi một đám đông người đã đấm ngực ăn năn. (Cv 2,40-41). Têphanô bị ném đá trong lời cầu xin tha thứ (Cv 7,59-60), và Phaolô quay trở lại sau lần ngã ngựa trên đường đi Đamas, để lên đường đến với dân ngoại (Cv 9,15-16). Các Kitô hữu bị bách hại họ đã tản mát ra đi, đến tận miền Phênixi, đảo Síp và thành Antiokia giảng Tin Mừng cho tất cả người Hy Lạp (Cv 8,14). Và cho đến ngày nay, cho dù có những đám mây mù che lấp, những bóng tối hoài nghi, nhưng với ánh mắt của niềm tin và ân sủng, chúng ta nhận ra những con người của sách Tông Đồ Công Vụ hãy còn đó, trên khắp nẻo đường.

Nhưng con người đem tình yêu rong ruổi như mẹ Têrêsa đem tình thương chữa lành, như Đức Cha Cassaigne, hay biết bao cuộc đời thánh thiện âm thầm khác…

Thánh Thần hoạt động cách thầm lặng, nhưng rất hữu hiệu, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi, đến nơi đâu có người trung thành với niềm tin, nơi đâu còn một người kiên trì với niềm hy vọng, với việc phục vụ trong âm thầm, nơi đâu còn có tình thương, có sự chăm sóc, có lời hỏi han… ở đó chắc chắn có tác động của Thánh Thần.

Tóm lại, dù chúng ta có được niềm an ủi, đặc biệt trong những lúc đen tối và đầy thử thách; dù cho những nỗ lực của con người là rất cần thiết và rất đáng biểu dương, thì cần phải hiểu rằng công việc truyền giáo trước hết và cơ bản vẫn là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi, Đấng rõ ràng là “tác nhân chính yếu” (x. Thông Điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc. Số 21). Việc truyền giáo được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, việc sai đi trong Chúa Thánh Thần(x. nt. Số 22). Thật vậy, chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà Tin Mừng được hình thành trong lương dân và trong tâm hồn con người, và được lan truyền trong lịch sử (Thông Điệp về Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban Sự Sống, 42).

11.       Im lặng để hồi tâm và cầu nguyện (Ngồi)

12.       Hát lại : Lạy Chúa xin hãy sai đi (Đứng)

13.       Lời nguyện tín hữu

Chủ sự dẫn nhập :  Trong Sứ Điệp nhân ngày Thế giới truyền giáo năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã nói : “Đức Giêsu Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, nhà truyền giáo đầu tiên, là Đấng duy nhất cứu độ trần gian. Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống: Cũng cùng một cách thức như Người đã hiện hữu hôm qua, cũng như hôm nay, cũng như ngày mai, mãi mãi cho đến ngày tận thế, lúc mà muôn loài vinh hiển được quy tụ trong Ngài. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã mang lại, thấm nhập vào trong nơi sâu thẳm của con người, giải phóng con người khỏi ách thống trị của ác thần, của tội lỗi và cái chết đời đời. Một cách cụ thể, ơn cứu độ là TRIỀU ĐẠI CỦA SỰ SỐNG MỚI, trong Đức Kitô. Đây là ơn nhưng không của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi con người tự do gắn bó với Người. Thật vậy, phải đạt được sự gắn bó ngày này qua ngày khác bằng cái giá của một nỗ lực lớn lao” (x. Đức Phaolo VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng).

Ý thức được công việc truyền giáo thực lớn lao và khó khăn, giờ đây với tâm tình thảo hiếu, phó thác và đầy quyết tâm, chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :

X1 : “Đức Giêsu Kitô là nhà truyền giáo đầu tiên”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, đặc biệt Đức Cha Phêrô Giáo Phận chúng ta, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con.

X2 : Đức Thánh Cha trong Sứ Điệp cho ngày Thế giới Truyền Giáo lần thứ 81 đã khẳng định “việc loan báo Tin Mừng vẫn cấp bách và hợp thời”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ ơn Thánh Thần thúc đẩy, tinh thần truyền giáo được khơi dậy, miệt mài và hăng say. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

X3 : Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng đã khẳng định : “Lòng nhiệt thành truyền giáo vẫn còn là việc ưu tiên phục vụ mà Giáo Hội mắc nợ hôm nay”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cho mọi thành phần dân Chúa ý thức được vai trò “tôi tớ” của mình và quyền lợi được nhận biết Tin Mừng nơi những anh chị em lương dân. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

X4 : Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI còn khẳng định : “Mệnh lệnh truyền giáo mà Chúa Kitô ủy thác cho các Tông Đồ thật sự liên quan đến tất cả chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng : sự đóng góp ưu tiên và tuyệt hảo mà chúng ta được kêu gọi để góp phần vào việc Truyền Giáo của Giáo Hội là lời cầu nguyện”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, làm nảy sinh trong Hội Thánh được nhiều người thiết tha với việc cầu nguyện cho việc Truyền Giáo.  Chúng ta hãy cầu xin Chúa.

Chủ sự và Cộng đoàn cùng đọc :  

Lạy Cha nhân ái - Cha đã yêu thương đón nhận chúng con – trong Con yêu dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con – Cha đã ban Thánh Thần thánh hóa và ban sự sống – cho chúng con được xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng con xin dâng lời chúc tụng và tôn vinh – như Chúa Giêsu đã dạy chúng con – vì Cha đã đặc biệt yêu thương những người phận nhỏ - ban ơn đức tin cho anh chị em nghèo khó chúng con – và tuôn đổ niềm vui – để Gia đình Giáo Phận thân yêu này – được hân hoan cử hành Năm Thánh – Mừng Kỷ Niệm 80 Năm Truyền Giáo.

Xin Cha thương ban cho mọi thành phần dân Chúa – nhờ Năm Hồng Phúc đặc biệt này – được lớn lên trong niềm tin vững mạnh – kiên trì cậy trông – và hăng say thực hành đức ái – để hạt giống Tin Mừng trổ sinh hoa trái dồi dào – trên mảnh đất thân yêu này – làm vinh danh Cha – và đem lại lợi ích thiêng liêng cho muôn người. Amen.

14.       Hát : “Này con là đá”

15.       Lời cầu cho Đức Giáo Hoàng

16.       Hát : “Đây nhiệm tích”

17.       Lời nguyện –  Phép lành Mình Thánh Chúa

18.       Hát : “Đường con đi”

 

Ban Giáo Lý

Giáo Phận Đàlạt


Trở về trang Mục Lục