GIỜ CHẦU THÁNH THỂ

NGÀY CẦU CHO CÁC GIA TRƯỞNG

15.03.2008

 

I . KHAI MẠC

§         Đặt Mình Thánh Chúa

§         Hát : Con thờ lạy.

§         Lời mở :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hôm nay chúng con mừng lễ thánh Giuse Bổn Mạng và gương mẫu của các người lao động và các gia trưởng . Ngài đã sống cuộc đời lao động để nuôi sống gia đình. Chính Chúa, dù là “Con duy nhất của Thiên Chúa, cũng muốn được gọi là “Con bác thợ mộc là thánh Giuse”. Xin Chúa phái Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn tình yêu, đổ tràn đầy tâm hồn chúng con ngọn lửa yêu mến và khôn ngoan, xin Chúa dẫn chúng con vào trong chính nguồn tình yêu, khôn ngoan và chính trực bao la vô tận của Thiên Chúa ; nhất là cho chúng con được chiêm ngắm và cảm nếm chiều kích sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu và sức thiêng, giúp cho chúng con biết sống hy sinh quảng đại cho mọi thành phần trong gia đình mà Chúa trao trách nhiệm coi sóc và giữ gìn. Xin cho chúng con biết theo gương Chúa là Mục tử tốt lành và theo gương thánh Giuse người gia trưởng tốt lành và người thợ mộc gương mẫu. Lạy Chúa, cùng với Đức Mẹ, Chúa đã sống trong cảnh đời nghèo khổ lầm than vất vả bên cạnh thánh Giuse. Bởi vậy Chúa rất cảm thông với những khó khăn mệt nhọc của con người lãnh trách nhiệm đứng đầu gia đình. Do đó, Chúa mời gọi họ : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28) ; Vâng lời Chúa, mỗi người chúng con, các gia trưởng đến với Chúa mang theo những gáng nặng đang làm chúng con lao đao, đó là cơm áo gạo tiền, việc giáo dục con cái và những người chúng con có trách nhiệm coi sóc, những gian nan thử thách, những yếu đuối, tội lỗi, những đau khổ, bệnh hoạn tật nguyền của người thân cũng như nơi bản thân mỗi người chúng con, nhiều lúc đã làm chúng con muốn quỵ ngã buông xuôi. Nhất là hiện nay chúng con phải đứng trước những gì tiêu cực và nhiều thách đố trong nền giáo dục các con cái của chúng con và chăm sóc những người có liên hệ với chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết chạy đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng và kín múc sức sống nơi Chúa là nguồn tình yêu, nguồn khôn ngoan sung mãn. Chúng con tin tưởng phó thác tất cả trong tình yêu quan phòng chở che của Chúa.

II . ĐỌC TIN MỪNG : Mt 2,13-15-23

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng : "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !" Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa”.

Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng : Người sẽ được gọi là người Na- da-rét.

§         Hát :

§         (Mời cộng đoàn ngồi)

Suy niệm 1 :

Từ khi theo lệnh Chúa đón nhận Đức Maria về nhà,Thánh Giuse đã hết sức chu toàn bổn phận của người gia trưởng cách tận tâm như thế nào, mặc dù phải gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Bài Tin Mừng trên cho biết vừa nghe Sứ Thần Chúa báo mộng cho biết phải đem Con trẻ đi trốn sang Ai Cập và ở đó cho tới khi được báo lại, thì Thánh Giuse liền thi hành mệnh lệnh cách mau mắn.

Sau khi vua Hêrođê băng hà, Sứ Thần Chúa lại hiện ra với thánh Giuse, báo mộng cho ông rằng : “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”Một lần nữa, Thánh nhân lại im lặng tuân thủ không chậm trễ dù lúc đó là ban đêm. Nhưng ngài không vâng lời một cách máy móc mà có sự khôn ngoan cân nhắc. Tin Mừng kể rằng : “Vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. “Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét”. Một khi đã rõ thánh ý Chúa , Thánh Giuse liền hoàn thành cách trọn vẹn. Qua cách ứng xử của Thánh nhân, người ta nhận ra rằng cuộc đời của thánh Giuse là cuộc đời luôn thuận theo Thánh Ý Chúa.

Thánh kinh cho việc vâng theo và thực hành Lời Chúa là đón nhận hạnh phúc, là xây nhà trên đá. Dù mưa sa bão táp có ập tới, căn nhà đó cũng không sụp đổ (x.Lc 8,21 ; 11,28)

Như vậy thánh Giuse là một mẫu gương tuyệt vời để cho các vị gia trưởng noi theo bắt chước hầu Thánh Ý của Thiên Chúa được thực hiện đồng thời cũng phục vụ mọi thành phần của gia đình vượt qua những khó khăn đầy dẫy trên đời.

§         Thinh lặng vài phút

§         Hát :

Suy niệm 2 :

Thư Chung năm nay lấy Giáo dục Kitô Giáo làm chủ đề. Điều đó thật đúng lúc khi mà khắp nơi trên thế giới, giáo dục đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng và đặc biệt hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải cương quyết nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục.

Trong đó Hội đồng Giám Mục Việt nam đã đề cập đến mấy vấn quan trọng như sau :

Trước tiên thư chung nói đến mục đích của Giáo dục như sau : “Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành Công dân Nước Trời”.

Thư chung cho biết “hiện tình giáo dục Kitô giáo tại Việt nam” với “những dấu hiệu lạc quan” và “những mối quan ngại” được diễn tả như sau :

“Trước hết phải kể đến những lệch lạc trong quan niệm về giáo dục, đó là : “Chủ nghĩa khoa bảng đang gây ra nguy cơ đưa gia đình vào thái độ háo danh. Bậc phụ huynh và ngay cả con cái, muốn có bằng cấp chủ yếu là để được nở mày nở mặt, để có công ăn việc làm tốt, mà quên đi rằng mục đích cao đẹp nhất của giáo dục 1à “ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.

Điều cũng đáng quan ngại 1à bất cập trong phương cách giáo dục. Hình như người ta chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người. Học sinh đến trường nghĩ đến đối phó với thi cử nhiều hơn là học làm người. Nhà trường quan tâm đến chỉ tiêu và thành tích nhiều hơn 1à đến sứ vụ xây dựng thực lực cho học sinh.

Chủ nghĩa giáo điều trong giảng dạy vẫn còn là một hiện tượng khá phổ biến. Thầy cô thường dạy cho học sinh cách sao chép nguyên mẫu kiến thức, ấn định những bài văn mẫu, làm bài theo đáp án mẫu nhiều hơn là huấn luyện họ biết sáng tạo, tìm tòi bàng chính nỗ lực riêng của mình.

Mặt trái của phương tiện truyền thông cũng là một trong những yếu tố tác hại giáo dục. Tuy góp phần thắp lên nhiều điểm sáng về những giá trị nhân bản, truyền thông cũng tạo cơ hội cho nhiều lạm dụng đáng tiếc. Vì thiếu ý thức, người sử dụng - phần lớn là giới trẻ - thay vì thận trọng gạn lọc để tiếp thu tinh hoa, lại sa vào cạm bẫy của những loại hình văn hóa phi đạo đức”.

“Những bất cập trên đây đòi chúng ta phải điều chỉnh lại cung cách giáo dục đức tin cho đúng tinh thần Tin Mừng.

Trước những vấn đề nêu ra ở trên, thư chung đưa ra nhiều đề nghị cụ thể để hướng dẫn những người có trách vụ giáo dục kẻ khác.Trong đó, vai trò giáo dục của gia đình được lưu ý bằng những lời nầy :

“Gia đình 1à Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô Giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (GHGH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội.

Trong nền giáo dục Kitô giáo, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ. Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế. Tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu được nuôi dưỡng và củng cố.”

Hội Đồng Giám Mục cũng nhắn nhủ trước khi kết thúc bức thư qua nhận định như sau :

“Giáo dục là cả một công trình lâu dài không thể hoàn thành ngay. Tuy nhiên từng bước một, cần phải đưa ra những mục tiêu mũi nhọn cho từng giai đoạn. Đại Hội năm nay đề ra phương hướng chấn chỉnh lại nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam, có nghĩa là phương hướng đó sẽ được thể hiện trong những năm tới. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi mọi thành phân Dân Chúa hãy thực hiện ba bước sau đây :

- chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình Công Giáo.

- chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên.

- chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ.

Đây là những lời kết của bức thư :

Anh chị em thân mến,

“Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử 1à một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là : “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”

§         Hát

§         Thinh lặng vài phút

III. LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, thánh Giuse là gương mẫu của những người lao động cũng như của các gia trưởng Công Giáo, Ngài hết lòng mến Chúa, lao động cần cù và bình tĩnh điều khiển gia đình theo thánh ý Chúa. Với trọn tâm tình tha thiết, chúng con cùng dâng lên Chúa những lời cầu xin :

1. Cầu cho Hội Thánh : Chúng con xin Chúa cho Hội Thánh luôn được bình an và hoàn thành sứ mạng rao giảng Tin Mừng nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse.

X. Chúng con cầu xin Chúa

Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con

2. Cầu cho các vị mục tử : Chúng con xin Chúa cho các vị mục tử được khôn ngoan và lòng nhiệt thành chu toàn sứ mạng mà Chúa đã tín cẩn trao phó cho các ngài.

4. Cầu cho người lao động : Chúng con xin Chúa cho những người lao động chân tay hoặc trí óc luôn tích cực đóng góp trí tuệ và sức lực của mình vào việc thăng tiến nhân loại và làm cho trái đất ngày càng hữu ích hơn.

5. Cầu cho các gia trưởng : Chúng con xin Chúa cho các gia trưỏng trong các giáo xứ biết luôn noi gương thánh Giuse lắng nghe tiếng Chúa trong việc điều khiển gia đình.

6. Cầu cho những người lo việc giáo dục : Chúng con xin Chúa ban cho những ai lãnh nhận trách vụ giáo dục được khôn ngoan, niềm vui, sức mạnh, sự thánh thiện để như thế họ mới chu toàn sứ vụ cao quí của mình.

7. Cầu cho các gia đình : Chúng con xin mọi người có công ăn việc làm ổn định, được bình an và khoẻ mạnh hầu cấu tạo hạnh phúc trong gia đình.

IV. KẾT THÚC :

§         Hát : Đây nhiệm tích

§         Lời nguyện và phép lành Mình Thánh Chúa

§         Hát : Tạ ơn Chúa với Mẹ.

 

Ban Giáo Lý GP Đàlạt

ngày 9-2-2008

              

 

 

 


Trở về trang Mục Lục