TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

Từ 18 đến 25-01-2009

 

 

Kính thưa Đức Hồng Y, Quý Đức Cha

 

Như thường lệ, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ được tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Ước mong cho mọi tín hữu nên một, đó là trọng tâm lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã thưa với Chúa Cha, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Đó cũng chính là ước nguyện của Giáo Hội trải qua mọi thời đại, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều xung đột và nguy cơ chia rẽ như hiện nay. Hiệp nhất là yếu tố căn bản, đồng thời là điều kiện không thể thiếu cho công cuộc Phúc âm hóa của hết thảy những ai đặt niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

 

Khởi đi từ sáng kiến từ năm 1740, và chính thức được cử hành trong Giáo Hội Công giáo từ năm 1908, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất đã được tổ chức với hình thức và nội dung ngày càng phong phú hơn. Cùng với lời cầu nguyện, các Giáo Hội Kitô đã có nhiều cố gắng đối thoại đại kết, nhằm xây dựng tình hiệp nhất trong lãnh vực thần học cũng như mục vụ.

 

Đề tài được chọn cho tuần cầu nguyện đại kết năm 2009 được trích dẫn trong sách Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chúng sẽ được nên một trong tay ngươi” (Ed 37,17). Đây là lời Chúa phán với Ê-dê-ki-en, khi Ngài truyền lệnh cho ông khắc chữ trên hai miếng gỗ, một miếng tượng trưng cho liên minh giữa nhà Giuđa và con cái Israel, miếng kia tượng trưng cho liên minh giữa nhà Giuse và toàn thể người Israel còn lại. Đức Chúa truyền cho ông ráp hai miếng gỗ lại với nhau cho thành một miếng duy nhất, và “chúng sẽ được nên một trong tay ngươi”.

 

Đề tài được chọn là kết quả từ những suy tư của một nhóm chuyên viên, gồm Giám mục, Linh mục và Tu sĩ, được Hội Đồng Giám mục Hàn Quốc uỷ nhiệm. Như chúng ta biết, đất nước này vẫn còn bị chia cắt hai miền. Đã có nhiều cố gắng đối thoại giữa hai miền Nam – Bắc Hàn; đã có nhiều người Hàn Quốc sống tại Bắc Hàn từ 50 năm nay được phép trở về thăm thân nhân quê quán. Tuy vậy, con đường tiến tới thống nhất hai miền còn dài và còn nhiều khó khăn do khác biệt về ý thức hệ chính trị và nền kinh tế. Những tín hữu Kitô chiếm một tỷ lệ khá đông tại đây, gồm những anh em Tin Lành và Công Giáo. Lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu cũng mang ước nguyện cho dân tộc Triều Tiên được hòa bình, cho hai miền được nên một. Lời Chúa trong Ngôn sứ Ê-dê-ki-en mở ra cho dân tộc này niềm hy vọng sẽ có ngày Thiên Chúa quy tụ dân Ngài và làm cho họ nên một, hy vọng Ngài sẽ chúc lành cho họ và làm cho họ thành một dân hùng mạnh. Cũng như thời Ngôn sứ Ê-dê-ki-en, nhân loại hôm nay khẩn cầu Thiên Chúa canh tân đổi mới thế giới, vì thế giới này luôn lo sợ trước nguy cơ chia rẽ, khủng bố và biết bao thảm kịch khác trong mọi lãnh vực. Cũng vậy, sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là nguyên nhân của những vấp phạm và là những cản trở cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

 

Trong tình hiệp thông với Giáo Hội Công giáo hoàn vũ và với tất cả những Anh Chị Em cùng tin vào Đức Giêsu Kitô, con xin gửi tới Đức Hồng Y và Quý Đức Cha tài liệu nhỏ này, gồm các gợi ý suy niệm cho các buổi cử hành cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất. Tài liệu này do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu phát hành, cùng với thư giới thiệu của Đức Ông Brian Farell, Tổng thơ ký Hội Đồng, đề ngày 22-06-2008. Xin Đức Hồng Y và Quý Đức Cha tuỳ nghi sử dụng và phổ biến trong các Giáo phận.

 

Xin cám ơn Đức Hồng Y, Quý Đức Cha đã vui lòng đón nhận tài liệu này. Kính chúc Đức Hồng Y và Quý Đức Cha luôn mạnh khoẻ, bình an trong Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến.

 

 

 

+Giuse Vũ Văn Thiên

 Giám mục Hải Phòng

 

 

 

 

TÀI LIỆU SỬ DỤNG

TRONG TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU

(do Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu phát hành)

 

1- Lời giới thiệu

 

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2009 này mang những nét đặc biệt: 

 

-Trước hết, ngày 25-01-2009 sẽ là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chính thức loan báo sẽ triệu tập Công đồng chung Vatican II. Đây là biến cố quan trọng đã góp phần hướng Giáo Hội Công giáo về đối thoại đại kết, đặc biệt là qua Sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redingtegratio. 

 

-Ngày 25-01-2009 là Lễ Thánh Phaolô trở lại. Trong năm kính Thánh Phaolô, ngày lễ này phải được cử hành cách đặc biệt. Vì hôm đó trùng vào chúa nhật, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã công bố phép rộng cho việc dâng lễ kính Thánh Phaolô vào ngày này (Prot. N. 268/08/01)

 

Khi đọc bản văn Lời Chúa được đề nghị trích trong Ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 37,15-28), các Kitô hữu được mời gọi suy niệm và áp dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể của mình. Chúng ta mỗi người đều hiểu rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thiết lập sự hiệp nhất, giao hòa con người và thiết lập một trật tự mới. Đất nước Israel thống nhất, được tha thứ và thanh tẩy trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng của cả thế giới.

 

Khởi đi từ bản văn chủ đạo này, những bài suy niệm trong Tuần cầu nguyện cho chúng ta thấy sự hiệp nhất của Giáo Hội góp phần quan trọng như thế nào cho việc canh tân toàn thể nhân loại. Điều này cũng giúp chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng, đó là tất cả những ai tuyên xưng Đức Kitô là Chúa đều phải cố gắng thực hiện lời nguyện ước của Người: “Xin cho họ nên một…để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

 

Vì lẽ đó, Tuần cầu nguyện khởi đầu bằng một suy niệm về sự hiệp nhất các Kitô hữu. Chúng ta cầu xin Chúa, Đấng đã sai Thánh Thần sự sống đến trong những mảnh xương khô và là Đấng tạo nên sự hiệp nhất giữa những khác biệt, xin Ngài thổi làn gió mới của sự sống và hòa giải nơi những trái tim chai đá và những chia rẽ của chúng ta. Trong ngày khởi đầu của tuần bát nhật này, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những hoàn cảnh khác nhau trên thế giới, nơi mà sự hòa giải rất cần thiết và cấp bách, đồng thời chúng ta chú ý cách đặc biệt đến vai trò của sự hiệp nhất các Kitô hữu trong tình thế chung hiện nay.

 

Ngày thứ hai, Giáo Hội sẽ cầu nguyện để hòa bình thắng chiến tranh và bạo lực, ngõ hầu với tư cách là môn đệ của Hoàng Tử Hòa Bình, các Kitô hữu có thể loan báo sự hòa giải được ăn rễ sâu trong niềm hy vọng, mặc cho những xung đột hiện nay.

 

Ngày thứ ba mời gọi chúng ta suy niệm về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Cách sử dụng tiền bạc, cách đối xử với người nghèo là tiêu chuẩn thẩm định ơn gọi của chúng ta làm môn đệ Đức Giêsu, Đấng đã đến giữa chúng ta để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ, trả tự do cho người nô lệ và đem lại công bằng cho mọi người.

 

Ngày thứ bốn, chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu hiểu rằng chỉ khi liên kết với nhau họ mới có thể bảo vệ những kỳ công mà Thiên Chúa đã sáng tạo và trao phó cho chúng ta, như không khí chúng ta hít thở, trái đất tặng cho chúng ta biết bao hoa trái. Qua vẻ đẹp huy hoàng, công trình sáng tạo đang tôn vinh chính Tác giả của mình.

 

Ngày thứ năm, chúng ta cầu nguyện để xoá đi những thành kiến và phân biệt trong xã hội hôm nay. Khi nhận ra phẩm tính của con người là từ nơi Chúa mà đến, sự hiệp nhất của chúng ta với tư cách là Kitô hữu sẽ làm chứng cho sự hiệp nhất của Đấng đã dùng tình yêu của Ngài mà làm cho mỗi người chúng ta thành một hữu thể duy nhất. Như vậy, chúng ta được mời gọi xây dựng một vương quốc công chính và tình yêu, trong đó sự khác biệt được tôn trọng vì chúng ta đã trở nên một trong Đức Kitô.

 

Ngày thứ sáu, chúng ta cầu nguyện cho những người đang đau khổ và thân nhân của họ. Những Thánh vịnh giúp chúng ta hiểu rằng tiếng kêu đau khổ hay giận dữ mà con người làm vang lên trước nhan Chúa có thể tạo thành mối liên hệ sâu sắc và trung tín với Ngài. Lòng thương cảm của các Kitô hữu trước nỗi thất vọng của những người đau khổ chính là dấu chỉ của Nước Trời. Khi cùng hiệp nhất nên một, các Giáo Hội Kitô có thể làm thay đổi mọi sự và đem lại cho những người bệnh tật sự trợ giúp về vật chất cũng như thiêng liêng mà họ đang cần.

 

Ngày thứ bảy hướng về những Kitô hữu đang đối diện với trào lưu đa tôn giáo, đồng thời cầu nguyện cho họ được hiệp nhất trong Thiên Chúa. Thiếu sự hiệp nhất này, chúng ta rất khó mà xây dựng một vương quốc hòa bình với tất cả mọi người thiện chí.

 

Những ý nguyện được đề nghị cho ngày thứ tám đưa chúng ta trở về với suy niệm của ngày khởi đầu, vì chúng ta cầu nguyện cho tinh thần của tám mối phúc thật thấm nhuần nơi mọi người trong thế giới hôm nay. Các Kitô hữu mang trong mình niềm hy vọng vào sự canh tân mọi sự trong một trật tự mới do Đức Kitô thiết lập. Chính vì vậy mà họ có thể trở nên những người gieo niềm hy vọng và thực hành hòa giải đối lại với chiến tranh, nghèo đói, sự phân biệt chủng tộc và trong tất cả những hoàn cảnh khác, nơi mà những nhân sinh đang quằn quại và mọi tạo vật đang rên rỉ đau thương.

 


2- Nghi thức

 

CHƯƠNG TRÌNH CẦU NGUYỆN

 

Mở đầu   (Đánh 3 tiếng chiêng (cồng) để bắt đầu)

 

CS: Chủ sự

NĐ: Người đọc

CĐ: Cộng Đoàn

 

Lời chào

 

CS: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

 

CĐ: Và ở cùng cha

 

Đọc Thánh Vịnh 146 (có thể hát một bài thánh ca hoặc Thánh vịnh khác)

 

Cuộc rước của đoàn đồng tế cùng với cộng đoàn mang theo cuốn Kinh Thánh và những chiếc gậy/thanh gỗ buộc lại với nhau nói lên biểu tượng của sự hiệp nhất theo gợi hứng của lời Ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Những người mang thanh gỗ đứng lên phía trước Thánh giá hoặc ngay tại nơi cử hành phụng vụ trong cung thánh.

 

(Giữ thinh lặng trong giây lát)

 

CS: Anh chị em chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa, hãy đến gần Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, là nguồn hy vọng của chúng ta.

 

(Có thể xướng lên lời mời gọi này bằng tiếng Hàn Quốc để nhấn mạnh rằng năm nay Cộng đoàn Kitô hữu Hàn Quốc gợi ý hướng dẫn chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo: Kadjia Heemang-e dju-nim-kke).

 

Nghi thức sám hối

 

CS: Chương trình cầu nguyện năm nay do các Kitô hữu Hàn Quốc đề nghị. Hàn Quốc là một quốc gia đang bị chia cắt làm hai. Chúng ta sẽ được nghe lời của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, người đã có thị kiến về việc Thiên Chúa liên kết hai mảnh gỗ tách rời lại với nhau. Chúng ta cùng quy tụ về đây như những cộng đoàn Kitô hữu đang bị chia rẽ, để cùng cầu nguyện xin ơn tha thứ vì những vấp phạm do sự bất hòa và sự thiếu sót của chúng ta trong vai trò sứ giả của ơn hoà giải. Vậy thì đâu là những đường hướng hối cải, cá nhân cũng như toàn thể Giáo Hội, mà chúng ta phải thực thi để đạt đến một sự hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô?

 

(Giữ thinh lặng)

Trong suốt thời gian thinh lặng, những người mang thanh gỗ,đang ngồi ở phía trước của cộng đoàn hoặc ngồi cùng với các vị chủ tế, cùng phân tán và ngồi xen kẽ giữa cộng đoàn, như dấu hiệu của sự chia rẽ và lỗi phạm chống lại sự hiệp nhất trong Chúa Kitô.

 

CS: Từ vực thẳm, con kêu van lên Ngài, lạy Chúa

Lạy Chúa, xin Chúa thương nhận lời.

CĐ: Lạy Chúa, chúng con thường cầu nguyện với Chúa, nhưng không cùng một lời cầu xin duy nhất.

CS: Xin Chúa lắng tai nghe lời con cầu nguyện.

CĐ: Chúng con cầu mong sự hiệp nhất nhưng chúng con thường không chấp nhận hy sinh để hòa giải.

CS: Vì nếu như Ngài chấp tội, lạy Chúa, chúng con nào ai đứng vững được chăng.

CĐ: Ai có thể đứng vững? Chúng con đến với Ngài trong sự yếu đuối của bản thân, trước một thế giới đang bị chia rẽ.

CS: Nhưng trong Chúa có ơn tha tội, để Chúa được tôn thờ phụng sự.

CĐ: Kyrie eleison, Christe eleison, Kyrie eleison.

CS: Con trông đợi Chúa với cả tâm hồn và con khát khao nghe lời Ngài.

CĐ: Tâm hồn con trông đợi Chúa, tha thiết hơn lính canh mong đợi hừng đông.

CS: Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã công bố lời của Chúa: Ta sẽ cứu thoát chúng khỏi mọi nỗi bất trung và thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Chúng sẽ được nên một trong vòng tay yêu thương của Ta. Lạy Chúa, Chúa chính là nguồn hy vọng duy nhất của chúng con.

CĐ:Xin làm cho chúng con trở thành những khí cụ ơn hòa giải của Ngài.

 

Công bố Lời Chúa

 

Bài đọc 1: Ed 37, 15-19.22-24a

Hát: Let us be One (Xin cho chúng con nên một - Tiếng Hàn)

Bài đọc 2: Rm 8,18-25

Alleluia

Tin Mừng: Ga 17, 8-11

 

Bài suy niệm

(sau đó giữ một vài phút thinh lặng)

 

Lời cầu nguyện chung

 

CS: Chúng ta hãy mang hết cả niềm tin mà tha thiết cầu xin cùng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 

CĐ:Xin Chúa nhận lời chúng con (có thể hát).

 

Người xướng thứ nhất: Chúng con cầu xin Chúa cho các cộng đoàn Kitô hữu địa phương, cho các Giáo Hội và các nhóm đại kết; cho tất cả những ai đang hiện diện nơi đây cũng như những người vắng mặt. Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì chúng con dửng dưng với tha nhân, xin chữa lành những thương tích và mối chia rẽ bất hoà khiến chúng con sống xa cách nhau.

 

Người xướng thứ hai: Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con biết quý trọng ơn Bí tích Thanh tẩy mà chúng con cùng được lãnh nhận nhân danh Chúa Ba Ngôi. Xin hãy nâng đỡ mỗi người và cả cộng đoàn chúng con trên con đường xây dựng hiệp nhất mà Chúa đã ước mong cho hết thảy môn đệ của Người.

 

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Người xướng thứ nhất: Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị lãnh đạo tinh thần và các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. Xin Chúa Thánh Thần chiếu sáng trên họ và giúp họ làm việc chung với nhau trong sự hòa thuận, trong niềm vui và tình yêu mến.

 

Người xướng thứ hai: Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các vị lãnh đạo dân sự. Nguyện xin Chúa giúp họ luôn biết ra sức xây dựng công lý và hoà bình. Xin Chúa thương ban cho họ ơn khôn ngoan để họ biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ.

 

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Người xướng thứ nhất: Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các quốc gia và cộng đoàn đang bị chia rẽ nặng nề và còn những xung đột nội bộ. Lạy Chúa, chúng con cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho dân tộc Hàn Quốc, cả Miền Bắc và Miền Nam, đang mong mỏi tình hiệp nhất cho dù phải đối diện với biết bao chia rẽ và ly khai về chính trị. Xin cho nỗ lực của họ mang lại nhiều thành quả và trở nên dấu chứng của niềm hy vọng cho tất cả những ai thao thức tìm kiếm sự hoà giải trong một thế giới đang chia bị rẽ bất đồng.

 

Người xướng thứ hai: Chúng con cùng dâng lời cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho tất cả những người, nhờ ơn Chúa thúc đẩy, đang nâng đỡ đời sống đức tin của chúng con. Chúng con cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân làm chứng cho ơn giao hoà và lòng thương xót vô bờ của Chúa. Ước mong đời sống chứng tá và tinh thần quảng đại của họ khơi lên trong chúng con khát vọng dấn thân phục vụ mọi người.

 

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Người xướng thứ nhất: Chúng con cầu nguyện cho tất cả những ai đang loan truyền Tin Mừng của Chúa tại những nơi gặp đầy thử thách gian nan trong thời đại hôm nay. Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết góp phần mình làm giảm nhẹ những thảm họa về sinh học trên toàn cầu đang phá huỷ công trình tạo dựng của Ngài và gây hậu quả khôn lường cho nhân loại.

 

Người xướng thứ hai: Chúng con cùng cầu xin Chúa cho tất cả các Giáo Hội Kitô trên thế giới. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để hy vọng một ngày nào đó tất cả mọi Kitô hữu đều được quy tụ quanh bàn tiệc thánh và chia sẻ cùng một Bánh Thánh.

 

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Kinh Lạy Cha

 

CS: Hết thảy mọi người theo ngôn ngữ riêng của mình cùng nhau đọc lời kinh mà chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

CĐ: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

CS: Để nói lên quyết tâm cùng nhau tìm kiếm sự hoà giải, chúng ta hãy chúc bình an cho nhau.

(Trong khi mọi người chúc bình an, cộng đoàn hát bài Come now, O God of peace (O-So-So))

Những người mang các thanh gỗ bây giờ ghép chúng lại với nhau, cứ hai thanh làm một, để nói lên dấu chỉ của sự hoà giải mà Thiên Chúa đã khởi xướng và thực hiện. Chính Chúa sẽ liên kết chúng ta lại với nhau trong vòng tay yêu thương của Ngài. Trong khi đọc kinh Tin kính, có thể giơ Thánh giá lên và ghép các thanh gỗ vào cùng với Thánh giá tạo nên biểu tượng của sự hiệp nhất. Trong những nhà thờ có nơi rửa tội ở chính giữa thì có thể tiến hành nghi thức tuyên xưng đức tin tại đó, với mục đích nhắc nhớ lại Bí tích rửa tội là nguồn cội liên kết chúng ta “hiệp nhất trong bàn tay của Thiên Chúa”.

 

Đọc Kinh Tin Kính của Công đồng Nicêa

 

CS: Chúng ta cùng hiệp nhất với nhau đọc Kinh Tin Kính

CĐ: Tôi tin kính…

 

Lời nguyện kết thúc

 

NĐ: (nên dành cho một người trẻ): Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiên tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loại thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 38).

 

CS: Xin cho chúng ta lên đường với một đức tin mạnh mẽ và đức cậy vững vàng, vì Thiên Chúa là Cha sẽ ban cho chúng ta ơn canh tân mọi sự trong Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu sai chúng ta đi như những nhân chứng cho tình yêu Người và trở nên những người cộng tác thực hiện công trình sáng tạo mới. Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi niềm vui, nỗi buồn và sự giận dữ trong ta, luôn luôn hướng dẫn chúng ta. Xin cho chúng ta ơn can đảm, trung thành sống một đời sống xứng đáng với niềm tin Kitô của mình.

 

CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.

 

Hát: Có thể hát một bài ca tụng Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta nhờ Thánh giá. Trong khi hát, những người mang thanh gỗ giơ các thanh gỗ lên và trao lại cho các thành viên đến từ các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, để nói lên tinh thần hiệp thông.

 

Phép lành

 

CS: Thưa anh chị em, chúng ta là những Kitô hữu cùng quy tụ về đây hôm nay trong đức tin, để nói lên khát vọng hiệp nhất của chúng ta nhờ sức mạnh của cây Thập giá.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em

Xin Thiên Chúa chiếu toả dung nhan Ngài trên anh chị em và ban cho anh chị em dồi dào ân sủng.

Xin Người ban cho anh chị em ơn bình an.

 

3- Những gợi ý suy niệm trong Tuần cầu nguyện

 

NGÀY THỨ NHẤT

 

Các cộng đoàn Kitô giáo đối diện với những chia rẽ trong quá khứ và hiện tại

 

Ed 37, 15-19.22-24a         Trở nên một trong tay ngươi

Tv 103, 8-13 hoặc 18        Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hậu và trung tín…

1 Cor 3, 3-7.21-23   Giữa anh em còn có sự ghen tương và cãi cọ…

Ga 17,17-21            Xin cho họ nên một… để cho thế gian tin

 

Suy niệm

 

Các Kitô hữu được mời gọi trở nên những chứng tá cho tình yêu hoà giải của Thiên Chúa trong một thế giới đầy những chia rẽ và bất hoà. Được thanh tẩy nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và được tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, chúng ta trở thành một dân thuộc về Đức Kitô, một dân được mời gọi trở thành thân thể Đức Kitô trongcho thế giới. Chính Đức Kitô đã cầu nguyện cho các môn đệ của Người: Xin cho họ nên một để cho thế gian tin.

 

Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu liên quan đến những vấn đề chính yếu là đức tin và tổ chức Giáo Hội, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sống đời chứng tá của chúng ta trong thế giới này. Tại Hàn Quốc cũng như tại nhiều quốc gia khác, Tin Mừng của Đức Kitô đôi khi được loan báo với những ngôn ngữ và phương pháp đối nghịch nhau gây nên những hậu quả trái với nội dung của Tin Mừng đích thực. Có một thứ cám dỗ khiến người ta xem xét những chia rẽ hiện tại là vấn đề tự nhiên của lịch sử Kitô giáo, chứ không phải là một sự đối nghịch nội tại với sứ điệp cần loan báo rằng Thiên Chúa đã hoà giải thế giới trong Chúa Kitô.

 

Thị kiến của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về hai thanh gỗ - được khắc tên hai vương quốc Israel thời xưa bị chia rẽ nhưng đã thống nhất nên một trong Chúa - là hình ảnh minh chứng mạnh mẽ cho quyền năng Chúa trong việc mang lại ơn hoà giải và cứu giúp dân tộc Israel đang chìm sâu trong chia rẽ bất hoà, và họ không thể tự mình thực hiện được điều này. Hình ảnh này phản ánh rõ nét những chia rẽ giữa các Kitô hữu và cho thấy sự hòa giải phải được đề cao như trung tâm của việc loan báo Tin Mừng. Trên hai thanh gỗ tạo nên cây thập giá, Chúa của lịch sử đã mang vào thân mình mọi thương tích và chia rẽ của nhân loại. Với sự hy sinh toàn vẹn, Đức Giêsu đã liên kết tội lỗi của con người với tình yêu trung tín và cứu độ của Thiên Chúa. Trở thành một Kitô hữu cũng đồng nghĩa với việc phải được dìm vào sự chết của Đức Giêsu. Qua cái chết này, Thiên Chúa lấy tình thương vô bờ của Ngài mà khắc tên của một nhân loại mang thương tích đau khổ vào thân gỗ của cây Thập giá, đồng thời liên kết chúng ta với Ngài và phục hồi mối tương quan của ta với Thiên Chúa và với tha nhân.

 

Sự hiệp nhất Kitô giáo dựa trên xác tín chúng ta thuộc về Đức Kitô và thuộc về Thiên Chúa. Càng cố gắng tiến xa hơn trong sự hoán cải trở về với Đức Kitô, chúng ta càng cảm thấy mình được hoà giải nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo chính là ý thức về lòng tín thác của ta vào Thiên Chúa và là thiện chí mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Thánh Thần. Cùng với những nỗ lực cố gắng khác mà chúng ta đang thực hiện để cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu – như đối thoại, chứng từ chung và truyền giáo – cầu nguyện cho sự hiệp nhất là một thực hành ưu tiên qua đó Chúa Thánh Thần chứng tỏ cho trần gian ơn hòa giải trong Đức Kitô, trong thế giới mà Người đã đến để ban ơn cứu độ.

 

Lời nguyện

 

Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương, Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng con trong Đức Kitô, và đã tìm mọi cách để hoà giải toàn thể nhân loại trong tình yêu cứu độ của Chúa. Xin đoái thương nhìn đến chúng con là những người đang nỗ lực xây dựng và cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các cộng đoàn Kitô đang bị chia rẽ. Xin cho chúng con nhận ra mọi người cùng là anh chị em trong tình yêu Chúa. Xin cho chúng con nên một, nên một trong tay Chúa. Amen.

 

 

NGÀY THỨ HAI

 

Các Kitô hữu đối diện với chiến tranh và bạo lực

 

Is 2, 1-4                   Thiên hạ thôi học nghề chinh chiến

Tv 74, 18-23  Lạy Chúa, xin đừng mãi mãi quên đi mạng sống dân nghèo khổ

1 Pr 2, 21-25  Những vết thương của Người đã chữa lành anh chị em

Mt 5, 38-48    Hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em

 

Suy niệm

 

Chiến tranh và bạo lực luôn là những trở ngại nghiêm trọng cho sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn cho nhân loại. Mặt khác, chiến tranh và bạo lực là hậu quả của những chia rẽ đang tồn tại và chưa được chữa trị trong chính con người chúng ta. Chúng cũng là hậu quả của thói kiêu căng ích kỷ, ngăn cản không cho phép ta khôi phục lại nền tảng đích thực của cuộc đời mình.

 

Các Kitô hữu Hàn Quốc từ hơn 50 năm nay hằng ao ước chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa hai miền Nam Bắc và họ cũng mong muốn thấy hoà bình được thiết lập ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Sự bất ổn diễn ra thường xuyên trên bán đảo Triều Tiên không chỉ nói lên nỗi đau của một dân tộc đang bị chia rẽ; nhưng đồng thời nó còn chỉ cho thấy những mối chia rẽ, xung đột và thù nghịch đang gây tai họa cho cả nhân loại.

 

Vậy điều gì có thể làm chấm dứt vòng luẩn quẩn của chiến tranh và bạo lực?

 

 Đức Giêsu đã chỉ cho ta sức mạnh có thể chấm dứt bạo lực và bất công ngay trong những tình huống ghê rợn nhất. Đối với những môn đệ phản ứng theo tinh thần thế gian trước bạo lực, Đức Giêsu đã dạy một bài học xem ra có vẻ nghịch lý là hãy từ bỏ bạo lực (Mt 26, 51-52).

 

Đức Giêsu cũng đã là nạn nhân của bạo lực. Trung thành với Chúa Cha, Ngài chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi. Thập giá là bằng chứng nói lên sự mâu thuẫn và đối nghịch vốn cố hữu trong bản chất của con người. Cái chết đau thương của Chúa Giêsu, hậu quả của bạo lực, đánh dấu khởi điểm của công trình tạo dựng mới; và công trình ấy đã đóng đinh tội lỗi, sự bạo tàn của nhân loại và chiến tranh vào chính cây thập giá của Người.

 

Đức Giêsu Kitô không chỉ dạy chúng ta một thái độ bất bạo động dựa trên tinh thần nhân đạo. Ngài còn dạy ta về sự canh tân công trình tạo dựng của Thiên Chúa, về niềm tin yêu hy vọng Trời Mới Đất Mới sẽ đến. Niềm hy vọng này, khởi đi từ vinh quang cao cả vượt qua sự chết trên thập giá, thúc đẩy chúng ta không ngừng tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo và chiến đấu chống lại mọi hình thức của chiến tranh và bạo lực.

 

Lời nguyện

 

Lạy Chúa, Chúa trao hiến chính mình trên thập giá để quy tụ toàn thể nhân loại, chúng con xin dâng lên Chúa bản tính nhân loại của chúng con đang bị những thói kiêu căng, ích kỷ và giận hờn làm hư hoại. Xin Chúa đừng bỏ rơi những người đang bị áp bức và phải chịu đựng mọi hình thức của bạo lực, giận hờn và thù ghét, đôi khi do quan niệm  của một đức tin sai lệch và của ý thức hệ đối lập.

 

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con và đoái nhìn đến dân Người, để nhờ đó chúng con được hưởng sự bình an và niềm vui trọn vẹn trong trật tự tốt đẹp của công trình sáng tạo Người đã trao ban.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con, những Kitô hữu, luôn biết cùng nhau làm việc để xây dựng nền công lý theo ý Chúa chứ không phải theo ý chúng con.

 

Xin ban cho chúng con ơn can đảm biết giúp đỡ anh chị em mình vác thập giá của họ thay vì tạo ra thập giá cho tha nhân.

 

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khôn ngoan đối xử với những người đối nghịch với mình theo tinh thần yêu thương thay vì  ghen ghét oán thù. Amen.

 

NGÀY THỨ BA

 

Các Kitô hữu đang phải đối diện với sự chênh lệch về kinh tế và nghèo đói

 

Lv 25, 8-14     Năm toàn xá như một cuộc giải phóng

Tv 146            Thiên Chúa bênh vực quyền lợi cho người bị áp bức

1Tm 6, 9-10   Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc

Lc 4, 16-21     Đức Giêsu và năm hồng ân của Thiên Chúa chính là ơn giải phóng

 

Suy niệm

 

Chúng ta vẫn luôn cầu nguyện cho triều đại của Thiên Chúa ngự đến. Chúng ta khao khát có một thế giới mà ở nơi đó con người, đặc biệt những người nghèo khổ nhất, không phải chết vì đói khát. Tuy vậy, nền kinh tế trên thế giới hiện nay đang nhấn chìm người nghèo, làm cho hố ngăn cách và bất bình đẳng trong xã hội càng ngày càng nghiêm trọng.

 

 Cộng đồng nhân loại đang phải đối diện với tình trạng bấp bênh của việc làm và những hậu quả do thất nghiệp gây ra. Chủ nghĩa vị lợi nhuận, cũng giống như lòng ham muốn tiền bạc, như được đề cập trong Thư gửi Ti-mô-thê, chính là “cội rễ của mọi điều ác”.

 

 Các Giáo Hội Kitô có thể và phải làm gì trong bối cảnh này? Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về một chủ đề trong Thánh Kinh nói về năm hồng ân của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã nhắc tới để khẳng định sứ mệnh của Người.

 

Theo sách Lêvi, trong suốt năm toàn xá, ơn giải phóng được loan báo. Những người di dân đi làm ăn kinh tế có thể về đoàn tụ cùng gia đình và sở hữu đất đai. Đối với những ai đã mất hết tài sản thì có thể ở lại và sống giữa dân Do Thái như ngoại kiều. Luật cấm việc cho những người này vay mượn tiền bạc để kiếm lời.

 

 Năm toàn xá nhằm thiết lập tình huynh đệ mang tính cộng đoàn, phóng thích các nô lệ và cho họ về nhà, trao lại quyền sử dụng đất đai và xoá bỏ nợ nần. Đối với những nạn nhân của cơ cấu xã hội thời đó, điều này có nghĩa là khôi phục những quyền lợi cá nhân và phương tiện bảo đảm cuộc sống.

 

Nhiều người thời nay coi việc phấn đấu để “có thật nhiều tiền” như giá trị và mục đích tối thượng của cuộc sống. Thực ra những người này đang tự huỷ diệt chính mình. Trái lại, trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta được mời gọi sống tinh thần của năm Toàn xá, cùng hăng say loan báo Tin Mừng noi gương Đức Giêsu. Được trang bị bằng kinh nghiệm chữa lành từ những vết thương chia rẽ, các Kitô hữu trở nên nhạy cảm hơn đối với những chia rẽ trong các lãnh vực khác đang làm tổn thương nhân loại và công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

 

Lời nguyện

 

Lạy Thiên Chúa là Đấng công bằng,

Thế giới này có nhiều nơi dư thừa của ăn thức uống,

Nhưng cũng có nhiều nơi nghèo đói và bệnh tật hoành hành.

 

Lạy Thiên Chúa của hoà bình,

Trong thế giới hôm nay có những người trục lợi từ chiến tranh và bạo lực,

Nhưng cũng có nhiều người phải bỏ quê hương để tìm nơi nương náu, do bạo lực và chiến tranh.

 

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương,

Xin giúp chúng con hiểu rằng chúng con không thể sống chỉ nhờ tiền bạc nhưng còn phải nhờ Lời Chúa nữa.

 

Xin giúp chúng con hiểu rằng, chỉ có thể xây dựng và làm cho phát triển cuộc sống khi chúng con yêu mến Chúa, thực thi thánh ý và giáo huấn của Ngài.

 

Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

 

 NGÀY THỨ BỐN

 

Các Kitô hữu trước cuộc khủng hoảng môi trường sinh thái

 

St 1, 31-2, 3   Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã dựng nên đều tốt đẹp

Tv 148. 1-5    Theo lệnh Ngài, hết thảy được tạo thành

Rm 8, 18-23   Công trình tạo dựng bị phó cho quyền lực của hư vô.

Mt 13, 31-32  Hạt nhỏ nhất trong số các loại hạt

 

Suy niệm

 

Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới này với sự khôn ngoan và trong tình yêu thương. Khi đã kết thúc công việc tạo dựng, Ngài thấy mọi sự đều tốt đẹp.

 

Tuy vậy, thế giới ngày nay đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về môi trường sinh thái. Địa cầu này đang phải chịu đựng tình trạng nóng dần lên do hậu quả tiêu thụ nhiên liệu quá mức. Diện tích các khu rừng trên trái đất đã bị mất đi khoảng 50% trong vòng hơn 40 năm qua và hậu quả là diện tích đất sa mạc đang gia tăng nhanh chóng. Ba phần tư sự sống của các loài sinh vật biển đã biến mất. Mỗi ngày trôi qua mang theo sự diệt chủng của hàng trăm loại sinh vật. Sự tàn phá đa dạng như vậy về mặt sinh học đang là mối đe doạ cho chính nhân loại. Cùng với thánh Phaolô chúng ta xác quyết rằng: muôn loài thọ tạo đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

 

Phải thừa nhận rằng chính loài người chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc huỷ hoại môi trường. Chính lòng tham vô đáy của con người đã gây ra cảnh tang tóc cho toàn thể mọi loài thọ tạo.

 

Các Kitô hữu hãy cùng nhau nỗ lực hết sức để bảo vệ công trình tạo dựng. Trước sứ mạng mênh mông này, những người đã lĩnh nhận Bí tích Thanh tẩy không thể hành động riêng rẽ, nhưng phải đồng tâm hiệp lực với nhau. Chỉ có bằng cách cộng tác với nhau họ mới có thể bảo vệ được công trình của Đấng Tạo Dựng.

 

Cần nhắc lại là các yếu tố thiên nhiên có một vai trò quan trọng trong các dụ ngôn và những lời giáo huấn của Đức Giêsu. Người đã rất trân trọng đối với một thứ hạt cho dù là nhỏ nhất trong các loại hạt. Dựa vào cái nhìn của Kinh Thánh về mọi loài thụ tạo, các Kitô hữu có thể cộng tác để cùng có một tiếng nói chung nhắm tới tương lai của hành tinh chúng ta.

 

Lời nguyện

 

Lạy Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa đã dùng Lời Chúa mà sáng tạo muôn loài và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp.

 

Nhưng ngày hôm nay chúng con đang gây ra sự chết chóc và huỷ hoại cho môi trường chúng con đang sinh sống.

 

Xin ban ơn để chúng con biết ăn năn sám hối về tính tham lam ích kỷ. Xin giúp chúng con biết quan tâm săn sóc tất cả mọi loài Chúa đã dựng nên.

 

Trong tình hiệp nhất, chúng con mong ước bảo vệ công trình tạo dựng của Ngài. Amen.

 

 

NGÀY THỨ NĂM

 

Các Kitô hữu trước những phân biệt đối xử và thành kiến xã hội

 

Is 58, 6-12     Đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục

Tv 133            Anh em thuận hoà thì tốât đẹp biết bao

Gl 3, 26-29     Tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô

Lc 18, 9-14     Đối với những ai tự cho mình là công chính

 

Suy niệm

 

Từ thuở tạo thiên lập địa, con người đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và nên một trong bàn tay của Ngài.

 

 Nhưng tội lỗi đã xâm nhập vào lòng con người và kể từ đó mọi thành kiến đã xuất hiện. Người ta thường dựa trên chủng tộc và màu da để phân biệt đối xử. Nơi khác, những thành kiến lại dựa trên khác biệt về giới tính. Ngoài ra, người ta còn phân biệt và loại trừ nhau vì lý do bệnh tật hay tôn giáo. Tất cả những yếu tố ấy đang làm suy thoái nhân phẩm và là nguồn gây nên mọi xung đột và đau khổ lớn lao.

 

Trong đời sống dương thế, Đức Giêsu đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với mọi người, bất luận họ là nam hay nữ. Người không ngừng lên án thái độ phân biệt đối xử và kiêu ngạo của những người đương thời. Thái độ khinh miệt không bao giờ có chỗ đứng trong tâm hồn của những người tin Chúa.

 

Thánh vịnh 133 ca ngợi hạnh phúc của tình huynh đệ được chia sẻ. Niềm hạnh phúc này được sánh ví như chất dầu quý và như sương sa từ đỉnh núi Khéc-môn. Chính khi quây quần bên nhau trong tình huynh đệ mà chúng ta được nếm hưởng niềm vui, trong những cuộc gặp gỡ đại kết và khi cùng cộng tác loại trừ những chia rẽ trong việc tuyên xưng đức tin.

 

Khôi phục tình hiệp nhất của gia đình nhân loại, đó là sứ mạng chung của mọi Kitô hữu. Họ phải cùng nhau hành động chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. Đó cũng là niềm hy vọng chung của mọi người vì tất cả đều được mời gọi trở nên một trong Đức Kitô, nơi Người không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, người nam hay người nữ.

 

Lời nguyện

 

Lạy Chúa xin giúp chúng con nhận ra những phân biệt đối xử và thái độ loại trừ trong xã hội chúng con đang sống.

 

Xin hãy hướng dẫn tầm nhìn của chúng con và giúp nhận ra những định kiến trong mỗi chúng con.

 

 Xin dạy chúng con biết loại trừ mọi thái độ khinh miệt người khác và cho chúng con được nếm hưởng niềm vui khi sống trong tình hiệp nhất. Amen.

 

 

NGÀY THỨ SÁU

 

Các Kitô hữu đối diện với bệnh tật và đau khổ

 

2 V 20,1-6:     Ôi lạy Chúa, xin nhớ đến con !

Tv 22 (21) 1-11: Tại sao Ngài bỏ con ?

Gc 5,13-15:    Lời cầu nguyện do đức tin cứu chữa các bệnh nhân

Mc 10,46-52: Anh muốn tôi làm gì cho anh ?

 

Suy niệm

 

Không có bệnh nhân nào đến gặp gỡ Đức Giêsu mà không được Người chữa lành.  Mặc dù các Giáo Hội Kitô của chúng ta còn chia rẽ, nhưng chắc chắn chúng ta đều ghi nhận lòng thương xót của Chúa đối với những người đang đau khổ. Các tín hữu vẫn luôn noi gương Người để chăm sóc những người bệnh tật, bằng việc xây cất bệnh viện, phòng khám bệnh, tổ chức những hoạt động y khoa và chăm lo cho họ, không chỉ những nhu cầu thiêng liêng nhưng còn nhu cầu thể xác của các con cái Thiên Chúa nữa.

 

Tuy vậy, những điều trên đây không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những người khỏe mạnh có khuynh hướng cho rằng sức khoẻ là tự họ mà có, và họ thường quên lãng những người không thể tham dự những sinh hoạt cộng đoàn vì lý do ốm đau hay tàn tật. Còn những người bệnh, họ luôn cảm thấy bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, khỏi sự hiện diện của Ngài cũng như khỏi mọi ân sủng và quyền năng cứu rỗi từ nơi Ngài.

 

Đức tin sâu sắc của E-dê-ki-át đã nâng đỡ ông trong cơn bệnh nạn. Trong giây phút đau đớn, ông đã thốt lên những lời cầu nguyện, đồng thời nhắc lại những lời nhân từ Thiên Chúa đã hứa. Cũng vậy, đôi khi có những người đau khổ đã thốt lên những lời trong Kinh Thánh để giãi bày nỗi đau và phàn nàn chính Chúa: “Tại sao Ngài bỏ con?”. Nếu chúng ta có mối liên hệ chân thành với Chúa, được thể hiện qua đức tin mạnh mẽ và lòng biết ơn, thì đồng thời cũng vẫn còn trong ta những lời cầu nguyện diễn tả sự khốn khổ, đau đớn hay giận hờn vào những lúc cấp thiết.

Những người ốm đau bệnh tật không phải chỉ là những đối tượng đón nhận sự chăm sóc; mà họ còn là những chủ thể đức tin sống động, như các môn đệ đã khám phá ra trong trình thuật của Tin Mừng Mác-cô. Các ông muốn tiếp tục thẳng tiến trên con đường theo Thầy mình, mà lại lãng quyên người mù ở bên lề của đám đông. Khi anh ta kêu lớn tiếng thì tiếng kêu ấy đã làm chuyển hướng chú ý của họ. Chúng ta thường hay quen với việc chăm sóc người ốm đau, chứ không quen với tiếng kêu rên của những con người này, vì những tiếng kêu rên này quấy rầy chúng ta. Những tiếng kêu la của họ ngày nay có thể là sự cầu viện thuốc men cho những nước nghèo hay lời mời gọi chia sẻ với họ vật chất. Các môn đệ là những người đã muốn ngăn cản người đàn ông mù đến gần Đức Giêsu thì sau đó lại được mời gọi mang cho anh ta sứ điệp của Chúa, là sứ điệp tình yêu nay đã trở nên mới mẻ: Hãy đến, Người gọi anh đấy.

Chỉ cho đến khi các môn đệ dẫn đưa người mù đến với Đức Giêsu thì bản thân họ mới nhận ra điều Đức Giêsu muốn: đó là hãy dành thời gian gặp gỡ và trò chuyện với anh và hỏi xem anh ta cần gì. Một cộng đoàn hòa giải chỉ có thể tồn tại và đứng vững khi những người bệnh tật cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa qua mối tương quan của họ với anh chị em mình trong Đức Kitô.

Lời nguyện

Lạy Chúa, xin lắng nghe lời dân Chúa kêu xin khi họ đau đớn bệnh tật.

Ước gì những người khoẻ mạnh luôn biết tạ ơn Ngài vì những điều tốt lành họ đã lãnh nhận.

Và ước chi họ biết phục vụ những người đau yếu với cả trái tim yêu thương và đôi tay rộng mở.

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết sống trong ân sủng và sự quan phòng của Ngài, để trở nên một cộng đoàn đã được hòa giải hoàn toàn và cùng nhau ca tụng Chúa. Amen.

NGÀY THỨ BẢY

Các Kitô hữu đối diện với tình trạng đa tôn giáo

Is 25, 6-9                 Đây là Thiên Chúa Đấng chúng ta hằng trông đợi

Tv 117, 1-2    Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa       

Rm 2, 12-16   Những ai thi hành Lề luật sẽ được công chính hóa.

Mc 7, 24-30    Vì bà nói thế, nên bà cứ về, quỷ đã xuất khỏi con bà

Suy niệm

Chúng ta thường xuyên nghe nói về bạo lực giữa những tín đồ của các tôn giáo khác nhau, tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy Hàn Quốc là một đất nước đa tôn giáo như Phật giáo, Kitô giáo, Khổng giáo, nhưng các tôn giáo lại cùng hiện hữu trong hoà bình.

Trong bài thánh ca ngợi khen, ngôn sứ I-sai-a đã nói đến việc Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ, và sẽ thiết đãi tất cả mọi dân một bữa tiệc thật ngon. Ngôn sứ I-sai-a quả quyết thêm: sẽ đến ngày muôn dân trên trái đất sẽ ngợi khen Thiên Chúa và hoan hỷ vui mừng bởi ơn Ngài cứu độ. Chính Thiên Chúa, Đấng chúng ta trông đợi, là chủ của bữa tiệc vĩnh cửu được nhắc tới trong bài thánh thi ngợi khen trên đây.

Khi gặp một người phụ nữ dân ngoại đến xin chữa lành cho con gái bà, thoạt tiên Chúa Giêsu khước từ theo một cách thức đáng ngạc nhiên. Phần bà, bà cũng van xin theo cách đó: “nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Đức Giêsu khẳng định bà đã hiểu rõ sứ mạng của Người đối với cả người Do-thái cũng như dân ngoại. Người khen lòng tin kiên vững của bà, đồng thời hứa sẽ chữa lành như lời bà xin.

Các Giáo Hội Kitô đã cam kết đối thoại để xây dựng tình hiệp nhất. Trong những năm gần đây, những cuộc đối thoại đã được thiết lập giữa những tín đồ thuộc nhiều niềm tin khác nhau, đặc biệt những tín hữu có cùng chung di sản là cuốn Kinh Thánh (Do thái và Hồi giáo). Các cuộc đối thoại không chỉ giúp soi sáng cho nhau nhưng còn góp phần cổ võ sự tôn trọng và thúc đẩy mối tương quan tốt đẹp giữa họ với nhau và xây dựng hòa bình tại những nơi diễn ra xung đột.

Nếu chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta liên kết với nhau trong đời sống chứng tá để chống lại những thành kiến và bạo lực, thì những hoạt động đó sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Việc chăm chú lắng nghe và đối thoại với những anh chị em có niềm tin khác đang sống quanh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tính phổ quát của tình thương Thiên Chúa và của Vương quốc Ngài.

Đối thoại với các Kitô hữu khác không có nghĩa đánh mất căn tính Kitô giáo, nhưng trái lại, chúng ta phải vui mừng thực hành lời cầu nguyện của Đức Giêsu, là cho chúng ta nên một, như Người nên một với Chúa Cha. Dĩ nhiên, sự hiệp nhất chưa đạt được ngay hôm nay hay ngày mai, mà đó là một cuộc lữ hành chúng ta đang thực hiện cùng với các tín hữu khác. Cuộc lữ hành này dẫn đưa chúng ta về một cùng đích chung, đó là tình yêu và ơn cứu độ

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa của chúng con, chúng con tạ ơn Ngài vì sự khôn ngoan chúng con lãnh nhận được qua Kinh Thánh.

Xin ban cho chúng con ơn can đảm biết mở rộng tâm hồn và khối óc trước những anh chị em xung quanh, dù họ thuộc về niềm tin Kitô hay các niềm tin khác; xin ban cho chúng con ân sủng để vượt qua những rào cản của sự dửng dưng, thành kiến hay thù ghét. Xin củng cố niềm tin của chúng con vào ngày cánh chung, ngày mà các Kitô hữu sẽ cùng đồng hành tiến về bữa tiệc vĩnh cửu, nơi niềm vui sẽ thắng u buồn và yêu thương sẽ thắng thù hận. Amen.

 

NGÀY THỨ TÁM

Các Kitô hữu loan báo niềm hy vọng trong một thế giới bị chia rẽ

Ed 37, 1-14    Chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi

Tv 104, 24-34 Ngài đổi mới bộ mặt của trái đất này

Kh 21, 1-5a    Này đây ta đổi mới mọi sự

Mt 5, 1-12      Phúc cho anh em…

Suy niệm

Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Đức tin theo Kinh Thánh đặt nền trên xác tín căn bản rằng lời phán quyết cuối cùng sẽ thuộc về Thiên Chúa, và lời cuối cùng của Thiên Chúa không phải là lời phán xét nhưng là Lời Sự Sống nhằm thiết lập một tạo thành mới. Như chúng ta đã đề cập trong phần suy niệm của những ngày trước đây trong Tuần cầu nguyện, các Kitô hữu đang sống giữa một thế giới đầy ly tán và bất hoà. Tuy vậy, Giáo Hội vẫn giữ vững niềm hy vọng, được ăn rễ sâu không phải nơi những gì con người có thể làm được, nhưng nơi quyền năng của Thiên Chúa, với ước mong Ngài sẽ biến đổi những rạn nứt và mảnh vụn thành một khối trọn vẹn duy nhất; biến lòng thù ghét huỷ diệt thành tình yêu mang lại sự sống. Người dân Hàn Quốc vẫn tiếp tục chịu đựng những hậu quả bi thương do đất nước và dân tộc của họ bị phân chia, nhưng ngay chính trong tình trạng này, niềm hy vọng Kitô giáo vẫn đang lan tỏa tràn trề.

Niềm hy vọng Kitô giáo vẫn tiếp tục tồn tại ngay giữa vực thẳm của đau khổ. Bởi đây là niềm hy vọng phát xuất từ chính tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa và được mặc khải cho chúng ta nhờ thập giá Đức Kitô. Niềm hy vọng này chỗi dậy cùng với Đức Giêsu từ trong mồ, khi mà sự chết và sức mạnh của tử thần bị tiêu diệt. Niềm hy vọng này còn lan toả trong ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần hiện xuống để đổi mới bộ mặt trái đất. Đức Kitô phục sinh là khởi đầu của một cuộc sống mới. Sự phục sinh của Ngài chấm dứt trật tự cũ và gieo mầm cuộc sáng tạo mới, là khởi đầu cho vương quốc vĩnh cửu, nơi mà tất cả sẽ được giao hoà trong Người, và Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người.

Này đây ta đổi mới mọi sự”. Niềm hy vọng Kitô giáo khởi đầu với cuộc canh tân của công trình sáng tạo, làm cho ý định ban đầu của Thiên Chúa được thực hiện. Trong sách Khải huyền chương 21, Thiên Chúa không nói: “Ta làm ra những tạo vật mới”, nhưng Ngài phán: “Ta đổi mới mọi sự”. Niềm hy vọng Kitô giáo không đặt chúng ta trong sự chờ đợi thụ động cho đến ngày tận thế, nhưng là sự canh tân khởi đi từ biến cố Phục sinh và ngày Lễ Ngũ Tuần. Đó không phải là niềm hy vọng nơi một cuộc cánh chung mang tính huyền thoại, ví dụ như sẽ làm cho vũ trụ này tan chảy, nhưng là niềm hy vọng vào cuộc biến đổi tận căn của thế giới mà chúng ta đang sống. Cuộc canh tân do Thiên Chúa thực hiện sẽ chấm dứt mọi tội lỗi, mọi chia rẽ bất toàn của trần gian, đồng thời biến đổi công trình tạo dựng để nó có thể tham dự vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài.

Khi các Kitô hữu hội nhau lại để cầu nguyện cho sự hiệp nhất, chính niềm hy vọng trên đây thúc đẩy và nâng đỡ họ. Lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất có một sức mạnh lớn lao. Đó là sức mạnh vọt lên từ sự canh tân do chính Thiên Chúa thực hiện đối với công trình sáng tạo của Ngài. Lời cầu nguyện này được thúc đầy và soi sáng nhờ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi sinh khí mới trên những mảnh xương khô và ban lại cho chúng sự sống. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta luôn sẵn sàng tuân phục thánh ý của Thiên Chúa và để Ngài biến đổi chúng ta thành khí cụ của tình hiệp nhất mà Đức Kitô đã mong ước cho các môn đệ của Người.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Ngài luôn ở gần chúng con, giữa những đau khổ và lận đận của cuộc đời, và Chúa sẽ hiện diện như thế cho đến tận cùng thời gian. Xin giúp chúng con trở thành một dân tràn đầy niềm hy vọng, một dân sống các mối Phúc thật và thiện chí xây dựng sự hiệp nhất mà Chúa mong ước. Amen.

 

 

4- Phụ thêm:

 

a- Kinh cầu cho hiệp nhất (do Đức Phaolo VI biên soạn)

 

Lạy Chúa Giêsu, trước ngày chịu chết vì chúng con, Chúa đã nguyện cầu cho các Tông đồ và tất cả mọi người được liên kết với nhau nên một, như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.

 

Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận, và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm, lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con. Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

 

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo, xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục, đến Yêu Thương và Sự Thật. Amen

 

b- Một số biến cố quan trọng liên quan đến lịch sử của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu:

 

1740: Tại Ecosse, khai sinh nhóm “Ngũ Tuần” có liên hệ với Bắc Mỹ. Một sứ điệp được công bố mời gọi canh tân đức tin và cầu nguyện cho và với các Giáo Hội.

 

1820: Mục sư James Haldane Stewart công bố một “Hội đồng liên hiệp chung các Kitô hữu, nhằm mục đích thông ban Thánh Thần.”

 

1840: Mục sư Ignatius Spencer, sau này đã trở lại Công giáo Rôma, gợi ý nên có một “Liên hiệp cầu nguyện cho sự hiệp nhất”.

 

1867: Công nghị đầu tiên của các Giám mục Anh giáo ở Lambeth, nhấn mạnh đến cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

 

1894: Đức Giáo Hoàng Lêô XIII khuyến khích tổ chức tuần bát nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, trong khuôn khổ phong trào Ngũ Tuần.

 

1908: Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành với sáng kiến của Linh mục Công giáo Paul Wattson.

 

1926: Uỷ Ban “Đức tin và Hiến pháp” (của Anh Em Tin Lành) bắt đầu phát hành những “gợi ý cho Tuần bát nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu”

 

1935: Tại Pháp, Linh mục Paul Couturier bênh vực và cổ võ “Tuần thế giới cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, dựa trên nền tảng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất mà chính Đức Giêsu đã muốn, bằng những phương tiện mà Người muốn”

 

1958: Trung tâm “Hiệp nhất Kitô” tại Lyon (Pháp) bắt đầu soạn thảo đề tài cho tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, cộng tác với Uỷ ban “đức tin và hiếp pháp” của Hội đồng đại kết các Giáo Hội.

 

1964: Tại Giê-ru-sa-lem, Đức Phaolô VI và Thượng phụ Athénagoras đệ nhất cùng đọc chung lời cầu nguyện của Đức Giêsu: “Xin cho họ nên một” (Ga 17).

 

1964: Sắc lệnh về Hiệp nhất của Công đồng Vatican II (Unitatis Redingtegratio), nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện chính là linh hồn của phong trào Đại kết, đồng thời cổ võ và khích lệ tổ chức Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu ( x. UR, số 7).

 

1966: Uỷ Ban “Đức tin và Hiến pháp” và Văn phòng hiệp nhất các Kitô hữu (nay là Hội Đồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu) của Giáo Hội Công giáo quyết định cùng soạn thảo bản văn cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu hằng năm.

 

1968: Lần đầu tiên, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành dựa trên bản văn được soạn thảo chung giữa Uỷ ban “Đức tin và Hiến pháp” và Văn Phòng hiệp nhất các Kitô hữu.

 

1975: Cử hành lần đầu tiên Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu dựa trên bản văn được soạn thảo do một nhóm đại kết của một địa phương. Cách thức mới mẻ này được khởi đầu do nhóm đại kết từ Australia.

 

1988: Các bản văn của Tuần cầu nguyện được sử dụng trong cử hành khai mạc của Liên đoàn Kitô giáo tại Malasie, lần đầu tiên quy tụ các nhóm Kitô chính yếu trong nước này.

 

1994: Nhóm quốc tế chuẩn bị các bản văn cho năm 1996 gồm đại diện của YMCA và YWCA và nhiều đại diện khác.

 

2004: Đồng thuận giữa “Đức Tin và Hiến pháp” (Hội Đồng Đại kết các Giáo Hội) và Hội Đồng Giáo Hoàng cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu (thuộc Giáo Hội Công giáo) trong việc giới thiệu và phát hành hằng năm một tài liệu dành cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, với cùng một khuôn khổ như nhau.

 

2008: Kỷ niệm 100 năm, từ khi Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được cử hành lần đầu tiên (1908).

 

 

 

+Giuse Vũ Văn Thiên

Giám mục Hải Phòng

(Chuyển ngữ và tóm lược)

 


Mục Lục Giờ Thánh