GIỜ THÁNH

CẦU CHO ANH CHỊ EM DÂN TỘC

25.10.2009

 

I. MỞ ĐẦU

1.     Đặt Mình Thánh Chúa

2.     Hát Lòng Chúa Ái Tuất

3.     Thinh lặng giây lát.

II. SUY NIỆM

1.     Đọc Tin Mừng (Mt 10,1-7)

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông ; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philipphê và ông Batôlômêô ; ông Tôma và ông Matthêu, người thu thuế ; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô ; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng :

“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã gần đến.

2.     Suy niệm I : KÊU GỌI MÔN ĐỆ

Chúa Giêsu khi bắt đầu sứ vụ công khai. Ngài cũng như các thầy khác cần có các môn sinh, môn đệ, những người thừa kế để tiếp tục sứ mạng và sự nghiệp của mình. Đọc lại lịch sử chúng ta hiểu rõ thế nào là những môn sinh, những đệ tử, những môn đệ. Các vị lãnh đạo trong Cựu Ước và các ngôn sứ đều có các mộn đệ, thánh Gioan Tẩy Giả cũng có nhiều môn đệ. Chúa Giêsu trong ba năm đi giảng, loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, Ngài đã kêu mời nhiều môn đệ đi theo Ngài, trong số đó Ngài lựa chọn mười hai người làm tông đồ, để họ tiếp tục công trình cứu rỗi mà Ngài đã khởi đầu.

Chính Chúa đã thân hành đi chọn từng tông đồ, người này sau người kia. Ngài đã kêu mời tất cả mười hai tông đồ. Những người này có người đang ở ngoài đồng, có người đang ở trên thuyền, kẻ cặm cụi vá lưới, kẻ đang miệt mài thu thuế, người ở Bắc, người ở miền Nam. Tất cả mười hai tông đồ đều là những người dân quê chất phác, những người ít học, những người không có địa vị trong xã hội lúc ấy. Chúa đã chọn họ bởi vì Chúa thường làm những chuyện kỳ lạ bằng những con người nghèo hèn, khiêm tốn, vô danh tiểu tốt.

Mười hai tông đồ này khi Chúa còn sống, còn ở bên cạnh bằng xương bằng thịt với các ông, các ông vẫn tỏ ra là những con người tầm thường, yếu kém, hay ham danh vọng, quyền uy, sợ sệt, và khi Chúa bị bắt, bị án tử hình, bị treo trên thập giá, các ông đã nhát đảm bỏ trốn vì sợ bị liên lụy. Nhưng khi được lãnh nhận Thánh Thần, tất cả các ông đều đã làm đảo lộn đế quốc Rôma và cả thế giới. Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ làm cho các ông trở nên những người thật can đảm, khôn ngoan, tài trí đấu lý với mọi hạng người, vào tù ra khám vì danh Chúa. Các tông đồ đã xây dựng nước Chúa ngay tại đế quốc đã tiêu diệt Thầy mình và tiêu diệt cả các ông nữa.

Từ đó cho tới nay, có biết bao người đã quảng đại dấn thân cho Chúa, tiếp tục sự nghiệp cứu thế của Chúa, mở mang nước Chúa trên khắp thế giới này và Giáo Hội của Chúa luôn phát triển không ngừng dù có biết bao thử thách chông gai giăng mắc trên đường loan báo Tin Mừng. Ngày hôm nay, ngày Giáo phận dành riêng đặc biệt cầu nguyện cho anh chị em Dân tộc đang rải rác trong các giáo xứ, giáo họ, giáo sở của năm Hạt : Đàlạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lộc. Chúa vẫn kêu mời các linh mục, các nam nữ tu sĩ, các Kitô hữu đi vào mảng truyền giáo cho anh chị em Dân tộc và sai tất cả ra đi loan báo nước trời, rao giảng Thiên Chúa Tình Yêu. Chúng ta hãy khiêm tốn phục vụ anh chị em Dân tộc trong yêu thương và lo lắng, chăm sóc họ với tất cả con tim của mình vì họ là những người nghèo của Chúa, họ đang đói cơm bánh và nhất là đói Lời Chúa, đói Bánh hằng sống.

Lời cầu nguyện : Lạy Chúa chúng con cảm nghiệm lòng xót thương sâu xa của Chúa khi chúng con được làm con Chúa qua Bí tích Rửa Tội và từ đó chúng con được lớn lên trong ân sủng của Chúa, chúng con ý thức trách nhiệm của mỗi người chúng con là phải loan báo Tình Thương của Chúa và mau mắn chia sẻ Tin Mừng cho những người khác, đặc biệt cho anh chị em Dân tộc mà chúng con được mời gọi cầu nguyện và phục vụ họ. Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

3.     Hát : Đâu có tình yêu thương.

4.     Đọc Tin Mừng (Lc 4,16-22)

Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

5.     Suy niệm II : LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Chúa Giêsu đã sinh ra trong nghèo khó, đã sống khó nghèo và đã chia sẻ kiếp sống nghèo khó với những con người nghèo khó.Chúng ta cứ xem lời sứ thần nói với các mục đồng để thấy Chúa khó nghèo thế nào : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người, anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12) hoặc “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ” (Lc 2,7). Chúa nghèo túng, cô đơn và bị bỏ rơi. Sau ba mươi năm ở với cha mẹ tại làng quê Nadarét, Chúa sống khó nghèo, làm nghề thợ mộc để kiếm sống.Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Ngài sống khó nghèo : “chồn có hang, chim có tổ, con người không đá tựa đầu”. Chúa đã chấp nhận kiếp nghèo như thế để cho chúng ta thấy đường lối huyền diệu của Thiên Chúa về các thực tại trong lịch sử nhân loại. Rồi hôm nay, trở về quê nhà Nadarét, Ngài cho thấy Ngài rao giảng bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Việc Đức Giêsu đọc lại đoạn ngôn sứ Isaia tại hội đường quê nhà và đoạn này áp dụng cho chính Ngài nói lên sức mạnh, sự soi sáng, biến đổi và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, trong ngày cầu nguyện cho anh chị em Dân tộc, chúng ta càng lúc càng thấm thía hơn lời ngôn sứ Isaia. Chúng ta không thể làm gì được nếu không có Chúa phù trợ và Chúa Thánh Thần tác động soi sáng. Chúng ta được mời đến với anh chị em Dân tộc để loan báo cho họ về Tình Thương của Chúa, về Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng giầu lòng thương xót, nhưng Đấng Cứu Thế lại là Đấng sống khó nghèo. Do đó, chúng ta phải nhờ cậy Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta : “Thánh Thần đến giúp đỡ chúng ta vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, hay chúng ta có thể hiểu chúng ta không biết giúp đỡ họ, cầu nguyện cho họ thế nào cho phải”. Chúng ta cảm nghiệm sâu xa lời thánh Phaolô : “Kho tàng ấy chúng ta lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng ta” (2Cr 4,7)

Với hơn một trăm ngàn anh chị em Dân tộc tại Giáo phận Đàlạt đã được rửa tội kể từ ngày bà Maria K’Trut, người Dân tộc đầu tiên được chính Cha Gioan Cassaigne sau này là Giám mục rửa tội, anh chị em Dân tộc đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng Hội Thánh, đặc biệt tại Giáo phận Đàlạt. Hiện nay, các anh em Dân tộc người Kơho tộc Mạ, Cil, Srê, M’Nông, Lạch, và anh em Churu đang chung sống yêu thương trong các giáo xứ, giáo họ, giáo sở, giáo điểm của các hạt trong Giáo phận Đàlạt. Mảng truyền giáo cho người Dân tộc có một ý nghĩa thật lớn lao trong sự nghiệp cứu thế của Đức Giêsu Kitô.

Ngày 05.6.2009, Đức Cha Phêrô, Giám Mục Giáo phận Đàlạt đã khánh thành và cung hiến Nhà Thờ Đạ Tông – Đam Rông, một trung tâm truyền giáo cho người Dân tộc, với sự hiện diện của gần 20.000 người, đa số là người Dân tộc, nói lên niềm tin và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi anh chị em Dân tộc và Giáo phận Đàlạt.

Ngày 12.8.2009, Đức Cha Phêrô làm phép diện tích và đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đàlạt với sự có mặt đông đảo của Linh mục đoàn Đàlạt và bà con giáo dân trong Giáo phận, đã chứng minh cho anh chị em Dân tộc : “họ cũng có chỗ xứng đáng nơi Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận và đặc biệt trong lòng Hội Thánh Đàlạt”. Anh chị em Dân tộc Đàlạt cũng đã có nhiều nhà thờ để qui tụ, lãnh nhận các Bí tích, dâng lễ cầu kinh và sinh hoạt tôn giáo. Nhiều gia đình của người Dân tộc cũng đã hy sinh quảng đại dâng con cho Chúa trong đời thánh hiến, làm linh mục và tu sĩ nam nữ trong các dòng tu… Cầu nguyện cho anh chị em Dân tộc luôn sốt sắng, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa, sống niềm tin và tỏa sáng đức tin là điều cần thiết và là bổn phận của tất cả Giáo phận chúng ta.

6.     Lời nguyện chung.

Chủ sự : Giờ chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và những lời cầu xin tha thiết, xin Thiên Chúa thương chấp nhận để danh Ngài được tôn vinh, cả sáng :

-          Chúng ta hãy cầu xin cho Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Đức Giám Mục Phêrô, các linh mục và các tu sĩ nam nữ, được Chúa Thánh Thần tác động hăng say trong việc loan báo Tin Mừng.

Đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con.

-          Chúng ta hãy cầu xin cho anh chị em Dân tộc luôn sống đức tin và thắp sáng đức tin để nhiều anh chị em Dân tộc chưa nhận biết Chúa được nhận phép rửa tội.

-          Chúng ta hãy cầu nguyện cho đời sống vật chất, văn hóa của anh chị em Dân tộc được nâng cao để anh chị em Dân tộc biết Chúa là Đấng đang dẫn dắt họ.

-          Chúng ta hãy cầu xin cho có nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân phục anh chị em Dân tộc trong các vùng truyền giáo.

Chủ sự : Lạy Chúa, chúng con vừa tha thiết dâng lên Chúa những lời cầu nguyện phát xuất từ cõi lòng của chúng con, xin Chúa thương chấp nhận và xin cho ý Chúa được thực hiện nơi mọi gia đình, mọi người Dân tộc của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

III. KẾT THÚC

1.     Hát cầu cho Đức Thánh Cha – Lời cầu

2.     Hát Đây Nhiệm Tích – Lời nguyện

3.     Phép lành Mình Thánh Chúa

4.     Hát Kết thúc : Kinh Hòa Bình.

 

Giáo Phận Đalạt

ngày 10-10-2009


Trở về trang Mục Lục