bài 11 :

THÁNH THỂ TRUNG TÂM VÀ CHÓP ĐỈNH
CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

 

I.             Khai mẠc

§     Đặt Mình Thánh Chúa.

§     Hát : “Thờ lạy Thánh Thể”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước khi Chúa về trời. Chúa đã trao cho chúng con nhiệm vụ đi rao giảng Tin Mừng. Chúa cũng biết đây là công việc khó khăn cần nhiều ơn trợ giúp. Đặc biệt là phải có sự hiện diện của Chúa. Chính vì thế nên Chúa đã hứa là sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Và quả thật Chúa đã thực hiện lời hứa đó khi Chúa ở với chúng con qua Bí tích Thánh Thể. Chúng con trông cậy vào sự phù trợ của Chúa và chúng con yêu mến Chúa.

II.          LỜi Chúa và suy niỆm :

§     Hát : “Lắng nghe lời Chúa”.

§     Công bố Lời Chúa : Mt 28, 16-20.

§     Gợi ý 1 :

Trong Thông điệp Thánh Thể và Truyền giáo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết : “Mục đích của Thánh Thể chính là hiệp nhất nhân loại với Chúa Kitô và trong Người hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Khi tham dự hy tế Thánh Thể, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tính phổ quát của ơn cứu chuộc, và do đó sự cấp bách của sứ vụ truyền giáo tập trung vào chính Chúa Kitô, là Đấng ta phải yêu mến và noi theo. Để trong Người ta sống sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và với Người ta biến đổi lịch sử cho đến khi lịch sử hoàn thành trong Giêrusalem trên trời.”

Như thế Thánh Thể phải trở thành động lực đồng thời là trung tâm của hoạt động truyền giáo. Việc truyền giáo phải đưa đến kết quả là cho con người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã ban Con Một Chí Ái của Ngài cho nhân loại, và như thế, truyền giáo cũng có nghĩa là đem con người đến với Thánh Thể. Chỉ như thế thì việc truyền giáo mới thực sự làm thăng tiến lịch sử này.

§     Thinh lặng giây lát.

§     Hát một bài về truyền giáo.

§     Gợi ý 2 :

Đức Thánh Cha viết tiếp : “Chung quanh Chúa Kitô Thánh Thể, Giáo Hội tăng trưởng như dân tộc, đền thờ và gia đình của Thiên Chúa : Duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền. Đồng thời Giáo Hội hiểu rõ hơn đặc tính của mình là Bí tích phổ quát của ơn cứu độ, là thực tại hữu hình có cơ cấu phẩm trật. Hẳn nhiên không một cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng nếu không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Thánh Thể chí thánh.”

Như thế cuộc đời của chúng ta chỉ thực sự có giá trị khi sống chung quanh Thánh Thể mà thôi. Mọi nỗ lực truyền giáo cũng chỉ thực sự có ý nghĩa khi quy hướng về đây. Hay nói cách khác : truyền giáo là dẫn anh em đến với Thánh Thể.

§     Thinh lặng trong giây lát.

§     Hát một bài về truyền giáo.

III.      CẦu NguyỆn :

§     Cầu nguyện riêng.

§     Cầu nguyện chung :

Anh chị em thân mến !

Hướng tới một tinh thần truyền giáo quân bình và bền bỉ phát xuất từ Bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện :

1. Chúng ta hãy xin cho mọi thành phần trong Giáo Hội ý thức Thánh Thể là nguồn mạch truyền giáo, để mọi người biết rao giảng tin mừng bằng chính nỗ lực sống Thánh Thể trong đời mình.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta hãy cầu xin cho những người đang dấn thân trong hoạt động truyền giáo luôn được nâng đỡ bởi nguồn mạch Thánh Thể.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ biết kết hợp cuộc đời của mình với Thánh Thể, để cầu nguyện và góp phần làm cho việc truyền giáo sinh hoa kết quả.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Lạy Cha là Đấng muốn cho hết mọi người được cứu độ, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu nguyện, cho chúng con biết chạy đến Bí tích Thánh Thể để múc nơi đây sức mạnh truyền giáo cho sứ mạng của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

§     Đọc kinh Lạy Cha.

§     Đọc kinh Truyền giáo.

IV.     Phép lành Mình Thánh Chúa :

§     Hát cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

§     Hát : “Đây nhiệm tích”.

§     Phép lành Mình Thánh Chúa.

V.        BẾ mẠc.

§     Hát kết thúc

 

 


Trở về trang Mục Lục