bài 27 :

tHÁNH THỂ, Bí tích HIỆP THÔNG

 

Khai mẠc

§     Đặt Mình Thánh Chúa

§     Hát kính Thánh Thể.

§     Lời nguyện mở đầu của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ phút này, chúng con thờ lạy Chúa đang hiện diện thực sự với chúng con một cách thật thân thiết. Chúng con yêu mến Chúa, đáp lại lòng Chúa yêu thương chúng con.

Trước Tôn nhan Chúa, chúng con khẩn cầu Chúa lôi kéo chúng con đến với Chúa và quy tụ chúng con trong tình Chúa yêu thương. Hai môn đệ trên đường về làng Emmau ngày xưa đã xin Chúa ở lại với các ngài, và Chúa đã đáp ứng bằng một ân huệ lớn lao hơn nhiều. Xin Chúa cũng đáp lời chúng con, cho chúng con được hiệp thông sâu xa với Chúa, như lời Chúa phán : “Hãy ở lại trong Thầy, như  Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4). Được kết hiệp sâu xa với Chúa, chúng con như được nếm trước hạnh phúc Thiên đàng mà chúng con hằng khao khát.

Chúa đã đặt trong lòng mỗi con người nỗi “đói khát Chúa” (Am 8,11), một sự đói khát chỉ được thỏa mãn trong sự hiệp nhất hoàn toàn với Chúa. Chúa đã ban mình cho chúng con trong Bí tích Thánh Thể, hầu chúng con “được no say Chúa trên dương thế này”, trong khi chờ đợi được hoàn toàn no thỏa trong Nước Trời.

Được hiệp nhất với Chúa, chúng con mới có thể hiệp nhất với nhau trong Giáo Hội duy nhất của Chúa, hầu thực hiện điều Chúa cầu xin với Chúa Cha : “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian tin rằng Cha đã sai  Con”. (Ga 17,20-21)

LẮng nghe LỜi Chúa - suy niỆm và cẦu nguyỆn

§     Hát “Lắng nghe Lời Chúa”

§     Bài đọc I :  1Cr 16 -17

§     Suy niệm 1 :

Trong Tông thư “Bánh Chúa ban” (Mane Nobiscum Domine), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo Hội sống hiệp thông. Ngài viết :

Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh như sự hiệp thông một cách cao cả được gợi lên trong lời nguyện tế hiến : “Như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta, như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”. (Ga 17,21).

Nếu Thánh Thể là nguồn mạch sự hiệp nhất Giáo Hội, thì Thánh Thể cũng là sự biểu lộ cao cả nhất của sự hiệp nhất đó. Vì Thánh Thể là Bí tích hiệp thông nên Giáo Hội đặt những điều kiện để có thể thông phần đầy đủ vào việc cử hành Thánh Thể. Những hạn chế khác nhau phải thúc đẩy chúng ta luôn ý thức hơn, về tất cả những gì mà sự hiệp thông Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta tham dự đòi buộc phải có. Trước hết đó là sự hiệp thông phẩm trật, xây dựng trên sự hiểu biết về những vai trò và những thừa tác vụ khác biệt, và liên tục được củng cố trong Kinh nguyện Thánh Thể, khi nhắc tới Đức Giáo Hoàng và Đức Giám mục giáo phận. Sau đó là sự hiệp thông huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi một “linh đạo hiệp thông”, thúc đẩy chúng ta đến những tâm tình cởi mở hỗ tương, yêu thương, thông cảm và tha thứ cho nhau.

Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được kêu gọi đến sự hiệp thông mà sách Công Vụ Tông Đồ nêu lên làm gương mẫu cho Giáo Hội trong mọi thời đại. Đó là Giáo Hội tập hợp chung quanh các tông đồ, được triệu tập để nghe Lời Chúa, có khả năng thực hiện sự chia sẻ trọn vẹn cuộc sống, chia sẻ không những về của cải thiêng liêng, mà còn cả của cải vật chất nữa (x. Cv 2,42-47 ; 4,32-35). ( MND số 20, 21, 22 )

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đáp lại lời Chúa tha thiết kêu mời cũng như lắng nghe lời kêu gọi của Hội Thánh, chúng con sẽ cố gắng sống hiệp thông với nhau trong tình bác ái yêu thương. Chắc chắn chúng con sẽ có thể thực hiện được điều này, khi chúng con năng đón rước Chúa, hiệp nhất với Chúa và được Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con.

§     Cầu nguyện

§     Hát : “Bài ca hiệp nhất”

§     Bài đọc II : Ga 7,52-58

§     Suy niệm 2 :

Trong Thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khai triển rõ ràng và sâu xa, giúp toàn thể Giáo Hội sống hiệp thông với Chúa. Ngài viết :

“Vì vậy Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các Bí tích, vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng cách đồng hóa với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Với một đức tin sâu sắc, một văn sĩ nổi tiếng của truyền thống Byzantin đã thốt lên sự thật này : Trong Thánh Thể, không giống như các Bí tích khác, mầu nhiệm (hiệp thông) quá hoàn hảo đến nỗi Bí tích này đưa chúng ta đến những đỉnh cao của mọi điều thiện hảo : đó là mục tiêu tối hậu của mọi khát vọng nhân loại, vì ở nơi đó, chúng ta đến được với Thiên Chúa và Thiên Chúa kết hiệp với chúng ta trong sự kết hiệp hoàn hảo nhất”.

Vì vậy, quả là tốt đẹp khi chúng ta nuôi dưỡng trong lòng mình nỗi khao khát liên lỉ lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Đây chính là nguồn gốc của thực hành “rước lễ thiêng liêng”, mà may mắn thay đã được phổ biến qua nhiều thế kỷ trong Hội Thánh, và được khuyến khích bởi các thánh là những bậc thầy về đời sống thiêng liêng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã viết : “Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự thánh lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành đem lại nhiều ơn ích ; qua đó tình yêu của Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên bạn”.

Để sự hiệp thông được lớn lên, cần có đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở nên “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), cũng như cần đến sự thực hành các nhân đức tin, cậy, mến. Chỉ có như thế, chúng ta mới được sống trong sự hiệp thông thực sự với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ nguyên đức tin mà thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải kiên trì trong ơn thánh hóa và trong đức ái. Nói cách khác, cần ở lại trong Hội Thánh bằng “thân xác” cũng như bằng “tâm hồn”. Theo như lời của Thánh Phaolô, để có sự hiệp thông sâu xa, điều đòi buộc là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6).

Giữ cho nguyên vẹn những mối liên kết vô hình này là một bổn phận luân lý, ràng buộc các Kitô hữu muốn tham dự trọn vẹn vào Bí tích Thánh Thể qua việc nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh  Phaolô nhắc đến bổn phận này khi ngài cảnh cáo : “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1Cr 11,28). Thánh Gioan Kim Khẩu, với tài hùng biện của mình, đã thúc giục các tín hữu : “Tôi cũng lên tiếng, kêu van, nài xin, khẩn khoản rằng đừng ai đến gần bàn thánh này với một lương tâm ô uế và đồi bại. Quả vậy, một hành động như thế không thể gọi là ‘hiệp thông’, dù chúng ta rước Mình Thánh Chúa ngàn lần, nhưng phải gọi là ‘án phạt’, ‘nỗi dày vò’ và ‘sự gia tăng hình phạt’”.

Hiệp thông trong Giáo Hội, hiệp thông giữa các tín hữu với nhau, được khơi nguồn, triển nở và đạt được trọn vẹn trong hiệp thông với Chúa. Đức Thánh Cha viết :

“…Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành tại một cộng đoàn cụ thể, không bao giờ là việc cử hành của một mình cộng đoàn đó mà thôi. Quả vậy, khi nhận lãnh sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng nhận lãnh toàn bộ hồng ân cứu độ và tỏ lộ rằng, dù trong một dạng thức tồn tại hữu hình nhất định, nó là hình ảnh và là sự hiện diện thật sự của Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Từ đó dẫn đến hệ quả là, một cộng đoàn Thánh Thể thực sự không thể khép kín vào chính mình, như thể tự mình là đủ, trái lại cộng đoàn ấy cần hòa hợp với các cộng đoàn Công Giáo khác”.

Sự hiệp thông Giáo Hội của một cộng đoàn Thánh Thể là sự hiệp thông với Giám mục của mình và với Đức Thánh Cha. Quả thế, Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương. Do đó, sẽ là hoàn toàn nghịch lý nếu Bí tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất Hội Thánh được cử hành mà không có sự hiệp nhất thực sự với Giám mục. Như thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết : “Thánh Thể nào do Giám mục cử hành, hay do một vị nào đó được ngài ủy thác, mới có thể được xem là hợp pháp”. Cũng vậy, vì “Giáo hoàng Rôma”, trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu, sự hiệp thông với ngài là một đòi hỏi nội tại của việc cử hành Hy tế Thánh Thể. Do đó, sự thật lớn lao này đã diễn tả điều mà Phụng Vụ thể hiện qua nhiều cách khác nhau : “Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp nhất không chỉ với Giám mục sở tại, nhưng còn với Giáo Hoàng, với Giám mục đoàn, với tất cả các giáo sĩ và với toàn dân Thiên Chúa. Mọi cuộc cử hành thành sự Bí tích Thánh Thể đều diễn tả sự hiệp thông phổ quát này với Thánh Phêrô và với toàn thể Hội Thánh…”

“Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và cổ võ sự hiệp thông”. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Côrintô, chỉ cho họ thấy rằng, những chia rẽ xảy ra nơi các cộng đoàn Thánh Thể thì trái ngược biết bao với điều mà họ đang cử hành, Bữa Tiệc Ly của Chúa. Vì thế thánh Tông Đồ đã mời gọi họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Thánh Thể, để giúp họ quay về với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x 1Cr 11,17-34). Thánh Augustinô đã làm vọng lại lời kêu gọi này cách đầy hiệu quả, khi nhắc lại những lời của thánh Tông Đồ : “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27), ngài tiếp tục : “Nếu anh em là thân thể Đức Kitô, là chi thể của Người, anh em sẽ thấy đặt trên bàn của Chúa mầu nhiệm của anh em. Vâng, anh em sẽ nhận lãnh mầu nhiệm của chính mình”. Và từ nhận xét đó, ngài kết luận : “Chúa Kitô… đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm bình an và hiệp nhất của chúng ta. Bất cứ ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không duy trì những mối giây hòa bình thì không nhận lãnh mầu nhiệm của Người để được cứu độ, nhưng nhận lãnh một bằng chứng chống lại chính mình”. (EDE 34…)

§     Hát : “Lời nguyện hiệp nhất”

§     Cầu nguyện :

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót, thương đến Hội Thánh đang trên đường lữ thứ trần gian. Xin Cho Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng của mình là bày tỏ tấm lòng yêu thương của  Thiên Chúa dành cho loài người. Chúng ta hãy tin tưởng mà thưa lên :

Lạy Chúa, xin ban cho Hội Thánh Chúa được hiệp nhất và bình an.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu hay thương xót, Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, trong con yêu dấu của Chúa là Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh Người – chúng con tạ ơn Chúa đã hết lòng yêu thương nhân loại.

Chúa đã sai Đức Giêsu-Kitô rao giảng Tin Mừng, qui tụ mọi con cái từ khắp muôn phương về một đoàn chiên duy nhất, – xin gìn giữ  Giáo Hội Chúa được luôn  nhận biết và nghe theo tiếng Chúa Chiên.

Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô chiến thắng tử thần, và đặt Người là Thủ Lãnh mọi loài trên trời dưới đất, qui tụ muôn loài về  cho Chúa. – Xin làm cho  vũ trụ này và loài người chúng con thấm nhuần những giá trị Tin Mừng.

Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế, để không ngừng yêu thương chúng con. – Xin cho chúng con hằng biết đón nhận tình yêu thương lớn lao này, đặc biệt khi chúng con cử hành Bí tích Thánh Thể.

Xin ban cho chúng con một tâm hồn ngay thẳng và chân thành để nghe Lời Chúa, – và cho hoa trái dồi dào của sự thánh thiện tỏ bày nơi chúng con và trên thế giới.

KẾt thúc

§     Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng.

§     Hát : “Đây nhiệm tích”.

§     Lời nguyện và phép lành Mình Thánh Chúa.

§     Hát : “Kinh hòa bình”  để kết thúc.

 

 


Trở về trang Mục Lục