bài 34 :

GIỜ THÁNH CẦU CHO HOÀ BÌNH THẾ GIỚI

 

Khai mẠc

§     Đặt Mình Thánh

§     Hát kính Thánh Thể

§     Lời nguyện trước Thánh Thể :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con họp nhau đây để cùng dâng lên Chúa lời tung hô chúc tụng, bầy tỏ niềm tri ân cảm mến vì những hồng ân Chúa đã ban cho chúng con, cho cộng đoàn giáo xứ cũng như cho từng cá nhân, những ơn cần thiết cho phần xác cũng như phần hồn.  Chúng con biết rằng tất cả những gì chúng con có là do Chúa đã thương ban, mặc dầu chúng con không có công trạng gì. Chúng con chỉ biết thành tâm thưa với Chúa như lời Thánh Phaolô : “Tất cả là hồng ân”.

Lạy Chúa, hôm nay chúng con tha thiết xin Chúa ban cho thế giới được một nền hòa bình thực sự và dài lâu, ban cho mọi tâm hồn được sự bình an của Chúa, như Chúa đã phán : “Thầy để lại sự bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14,27). Hiện nay trên thế giới, hoà bình luôn bị đe dọa. Nhiều người sống trong lo sợ vì những cuộc khủng bố xẩy ra quá thường xuyên, còn chiến tranh thì chẳng khi nào vắng bóng trên địa cầu mà Chúa đã ban để cho chúng con chung sống với nhau. Lạy Chúa, Chúa là nguồn bình an, và chỉ có Chúa mới có thể đem hòa bình đích thực cho nhân loại. Xin đem lại cho chúng con sự bình an mà các thiên thần đã ca hát mừng Chúa trong ngày giáng sinh :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

LẮng nghe LỜi Chúa và suy niỆm

§     Lời Chúa : Ga 14,27-31

§     Suy niệm :

Mọi người khao khát tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn và hòa bình ngoài xã hội. Nhưng phải tìm bình an ở đâu ? Khi nguyên tổ loài người còn được nghĩa cùng Chúa, được sống gần Chúa, thì tâm hồn bình an, trong tình thương yêu của Chúa. Nhưng khi phạm tội chống lại Chúa, và trở nên như kẻ thù nghịch với Chúa, thì lòng con người khắc khoải xao xuyến.

Chúa Giêsu, vì yêu thương nhân loại sống trong cảnh lầm than u tối của tội lỗi,  đã hy sinh đổ máu đào ra chuộc tội cho con người, đem con người lại gần Thiên Chúa là Cha, như lời Thánh Phaolô đã viết : “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô, anh em đã trở nên con người ở gần” (Ep 2,13). Chính nhờ cái chết trên thập giá, Đức Kitô đã hòa giải loài người với Thiên Chúa, đã phá đổ bức tường ngăn cách, đem con người lại gần Thiên Chúa, để con người được sống trong ân tình của Ngài ; nhờ đó, con người dám mạnh dạn gọi Thiên Chúa là Cha : Abba, Cha ơi !

Đức Kitô không những đem bình an đến cho chúng ta mà Người còn chính là sự bình an. Khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta chống lại Chúa, xa dần Chúa là nguồn bình an và sẽ phải sống trong dằn vặt, lo âu. Kinh nghiệm của Cain thật đáng gẫm suy : Sau khi giết em là Abel, Cain mất hết bình an trong tâm hồn và lúc nào cũng cảm thấy như có đôi mắt Thiên Chúa dõi theo mình với câu hỏi trách móc : Cain, em ngươi đâu ? Tội lỗi đẩy con người xa Chúa, đồng thời cũng gây đổ vỡ trong chính mình.  Nỗi khắc khoải, hối hận vì tội lỗi, sự thất vọng vì yếu đuối của bản thân khiến con người nhiều lúc không thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình.

Bao lâu còn sống xa Chúa, bấy lâu lòng chúng ta còn cảm thấy bất an. Bí quyết để được sống bình an không gì khác hơn là hãy trở về bên Chúa, sống trong ân tình của Người. Nhưng nỗi khắc khoải lo âu của con người không chỉ do hối hận và dằn vặt vì tội lỗi đã qua. Sâu xa hơn, lòng con người khắc khoải, mất bình an chính vì chỉ có Chúa mới là bến bờ hạnh phúc duy nhất cho con người, mà tội lỗi lại đẩy con người lạc xa Ngài. Trong cuộc tìm kiếm Chúa rất lâu dài của mình, Thánh Augustinô đã tự thú : “Lạy Chúa, Chúa dựïng nên con cho Chúa, và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Theo đó,  khi còn sống cho riêng mình và còn bị ràng buộc bởi tội lỗi, Augustinô luôn cảm thấy tâm hồn bất an, khắc khoải, và ngài chỉ tìm thấy bình an khi đã trở về với Chúa và sống trong tình thân của Ngài.

Trong thư gởi tín hữu Ephêsô, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, chính “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,13). Ngài là sự bình an của chúng ta vì Ngài xóa bỏ tội lỗi chúng ta và vì Ngài chính là con đường đưa chúng ta về cùng Thiên Chúa Cha, Đấng là quê hương, là hạnh phúc đích thực của chúng ta. Chúa đã tạo dựng chúng ta “cho” Chúa và lòng chúng ta khắc khoải lo âu tìm kiếm Chúa, thế mà chỉ mình Đức Giêsu mới đưa chúng ta đến được với Cha. Lời cầu xin mà chúng ta thưa với Chúa Giêsu : ‘Lạy Chúa xin ban bình an cho chúng con’ vừa là lời xin ơn tha thứ, vừa là lời cầu xin được dẫn tới bến bờ hạnh phúc là cung lòng Thiên Chúa, Cha chúng ta.

§     Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin Chúa đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin Chúa ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa.

§     Yên lặng cầu nguyện giây lát

§     Hát : “Kinh Hoà bình”

§     Lời Chúa : Ep  2, 13-18

§     Suy niệm :

Chúa Giêsu là bình an của chúng ta không chỉ vì Chúa thứ tha tội lỗi chúng ta, cho chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta về với Cha, để chúng ta được thỏa lòng khao khát. Chúa còn là vua bình an, là hoàng tử thái bình vì, như lời Thánh Phaolô nói, Chúa là đấng phá đổ bức tường ngăn cách và thù hận để con người được chung sống trong thanh bình. Trước khi xa lìa các môn đệ, trong bữa ăn tối sau hết, Người đã hứa với những tâm hồn đang ngập trong xao xuyến : “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em sự bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Con người khát khao hòa bình, nhưng hòa bình con người kiến tạo được thật mong manh và ngắn ngủi. Như René Pache, tác giả cuốn “Đức Giêsu Kitô trở lại”  (Le retour de Jésus Christ) cho biết : kể từ năm 1496 trước Chúa giáng sinh cho đến năm 1861 của thời đại chúng ta, tức trong khoảng 3400 năm, tính được tất cả 3130 năm chiến tranh, và thế giới chỉ được hưởng 268 năm hòa bình. Như thế trung bình cứ 13 năm chiến tranh mới được hưởng một năm hòa bình. Hơn nữa rất thường khi, hòa bình mà con người có được chỉ là sự vắng bóng chiến tranh, hoặc vì sợ nhau mà chưa gây chiến. Hay có khi hòa bình chỉ là sự áp đặt trật tự của kẻ mạnh, còn người yếu thì đành cam chịu vì không đủ sức phản kháng ! Hòa bình không kèm theo công lý mà chỉ là sự lấn lướt của bất công. Vì thế, cho đến tận hôm nay, hòa bình vẫn chỉ là ước mơ vì công lý chưa ngự trị và lòng người ta vẫn còn mang nặng hận thù, chia rẽ nhau.

Hòa bình Chúa ban cho ta khác với hòa bình mà thế gian ban tặng. Hòa bình đích thật và trường cửu mà Chúa hứa ban phát xuất từ chính tâm hồn con người, khi con người làm hòa, không chỉ với Chúa mà với cả tha nhân. Hòa bình chân thực mà nhân lọai khát khao là thứ hòa bình đi liền với công lý. Chúa Giêsu không muốn chúng ta khoanh tay hưởng thái bình, ngài muốn mỗi người chúng ta phải góp phần vào việc xây dựng nền công lý và hòa bình mà tất cả đều khao khát. Thế giới sẽ không thể có hòa bình, nếu mỗi người chúng ta không thực sự nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi chính đáng của tha nhân. Để có hòa bình trên thế giới, cần có hòa bình trong tâm hồn. Để đổi thay thế giới, cần thay đổi lòng người, bắt đầu từ chính mình.

§     Cầu Nguyện :

Lạy Chúa, Chúa đã mạc khải cho nhân loại rằng những ai xây dựng hòa bình sẽ được phúc gọi là con cái Chúa. Xin giúp chúng con luôn tìm kiếm chân lý Chúa đã dạy vì chỉ có thế, chúng con mới được hưởng một nền hòa bình đích thực và trường tồn. Chúa là Đấng…

KẾt thúc

§     Hát : “Này con là đá”.

§     Lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

§     Hát “Đây nhiệm tích”.

§     Lời nguyện và Phép Lành Mình Thánh Chúa.

§     Hát kết thúc.

 

 


Trở về trang Mục Lục