Bài 36 :

LẠy ThẦy, xin Ở lẠi vỚi chúng con,
vì trỜi đã xẾ chiỀu

(Giờ thánh dành cho các linh mục)

I.             Khai MẠc :

§     Đặt Mình Thánh

§     Hát : “Giêsu con không đáng…”

Lạy Chúa, giờ phút này, tất cả chúng con, những linh mục của Chúa, có thể sống một kinh nghiệm thật đặc biệt, không như những giây phút khác trong sứ vụ linh mục của chúng con. Thật vậy, giờ đây tất cả chúng con được quì bên Chúa, không phải trong tư cách của người chủ sự, hành động nhân danh Chúa cho cộng đoàn, nhưng trong tư thế của mọi Kitô hữu, quì gối, chắp tay, lặng lẽ nhìn lên Mặt Nhật, ở một góc nào đó của ngôi nhà nguyện…

Bất giác chúng con nhớ tới câu chuyện mà chính Chúa đã kể về hai người lên đền thờ :

“Người Pharisiêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng : Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác… Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi…”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chắc Chúa hiểu rõ chúng con giờ đây muốn mang lấy tâm tình của ai để đến với Chúa. Chúng con thực chỉ muốn nhắc đi nhẩm lại lời hát : Giêsu, con không đáng Chúa ngự đến thăm lòng, nhưng con trông cậy vào tình Chúa thương bao la, vì lượng Chúa thứ tha, vì ơn Chúa hải hà…

Lạy Chúa là Thầy Chí Thánh, là Người Bạn đường tri âm, và là Thần Lương cho tất cả chúng con trên quãng đường dài. Nhờ lượng Chúa thứ tha,  bởi ơn Chúa hải hà, chúng con thờ lạy, cảm tạ và tôn vinh Chúa.

II.          LỜi Chúa, suy niỆm và cẦu nguyỆn

§     Hát : “Xin cho con biết lắng nghe”

§     Công bố Tin Mừng : Lc 24, 28-32

§     Suy niệm :

- Lưu lại với Đức Kitô Thánh Thể : “Lạy Thầy xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều…”

Tông huấn mới nhất của Đức Gioan Phaolô II “Mane nobiscum Domine” đưa tất cả Giáo Hội bước vào Năm Thánh Thể, như một thời gian mới, thời gian thuận tiện của ơn cứu độ, trong đó mọi Kitô hữu được mời gọi trở về với cội nguồn và cùng đích của tất cả đời mình, đó là Bí tích Thánh Thể. Và tất nhiên, một cách hết sức đặc biệt đối với chúng ta, những người từ bỏ tất cả để đi theo Đức Kitô, để kề cận và nhất là nên một với Ngài mỗi ngày trong cử hành Thánh Thể cũng như trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Đây quả là thời gian thuận tiện để một lần nữa, mỗi người chúng ta có thể xác định lại đâu là điều tuyệt đối chính yếu, đâu là nguồn suối cho tất cả đời sống và ơn gọi của mình. Một cơ hội quí giá để nhìn lại, sống lại ơn gọi dưới ánh sáng luôn mới mẻ của Bí tích Thánh Thể.

Qua trình thuật về hai môn đệ Emmau mà chúng ta vừa nghe, quả thật Đức Kitô nơi Bí tích Thánh Thể cũng chính là Đức Kitô không ngừng “đi ngang qua” cuộc đời chúng ta. Vậy chớ gì, ít nhất trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta đừng để lỡ cơ hội, đừng để Ngài đi qua mà không van xin : “Lạy Thầy, xin ở lại với con vì trời đã xế chiều…” và để lòng chúng ta được sưởi ấm lại, được bừng cháy lên nhờ hiện diện đầy yêu thương của Ngài.

- Lưu lại với Đức Kitô : khởi thuỷ và cùng đích của ơn gọi làm môn đệ.

Đọc lại Tin Mừng Luca về hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta nhận thấy có một sự trùng hợp khá kỳ lạ với một bản văn khác, xét về cấu trúc cũng như  nội dung chính, đó là đoạn văn nói về hai môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan : “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), thầy ở đâu ?”. Người bảo họ đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ người ở, và ở lại với người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1, 35-39).

Cả hai câu chuyện đều diễn ra trên đường đi, gần như là tình cờ, nhưng cuối cùng thì đã có sự gặp gỡ đích thực, và họ đã quyết định lưu lại (rester, demeurer) với Đức Giêsu, khi trời đã về chiều.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đồng thời thấy ngay nhiều nét tương phản giữa hai  câu chuyện :

- Trong Tin Mừng Gioan, cuộc gặp gỡ diễn ra vào lúc khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu cũng như của ơn gọi môn đệ : Đức Giêsu đi ngang qua, và hai môn đệ đã tới gặp rồi đi theo Ngài. Còn câu chuyện trong Tin Mừng Luca, có thể nói là đã ở vào giai đoạn cuối của sứ vụ Đức Giêsu, trong khi các môn đệ cũng đã trải qua không những là một thời gian dài, mà còn ở cao điểm của quyết định đi theo Đức Giêsu, họ thực ra không biết đi đâu về đâu, hoàn toàn bị giằng co giữa quá khứ và tương lai. Thật vậy, một đàng họ biết rất rõ những gì đã xảy ra, ngay cả việc họ biết có những dấu hiệu cho thấy Thầy của họ đã sống lại. Nhưng lòng họ đầy hoài nghi…

- Trong trình thuật Gioan, hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu như là vị Thầy mà mình có thể bỏ tất cả để đi theo, và chính họ đã đến gặp Ngài và xin được lưu lại với Ngài. Thế nhưng câu chuyện của Luca thì hoàn toàn ngược lại. Hai môn đệ cảm thấy lý tưởng của mình hầu như sụp đổ, họ chỉ còn nghĩ đến chuyện trở về và không muốn tìm kiếm gì nữa. Nhưng chính đó lại là lúc Đức Giêsu, Thầy của họ, đến bên, an ủi, giải thích, đem lại ánh sáng cho họ, một thứ ánh sáng không những chiếu soi, mà còn sưởi ấm cả tâm hồn.

- Tuy nhiên, chi tiết có lẽ mang tính chất quyết định nhất của tất cả câu chuyện, như gút thắt của một tấn kịch, vừa thâu tóm những gì xảy ra vừa mở ra điều hoàn toàn bất ngờ, mới mẻ đó là chi tiết mang tính song đối :

Đức Giêsu làm như thể “ngài còn phải đi xa hơn” / nhưng hai môn đệ đã nài ép ngài “lưu lại” (Lc 24,28-29).

Chúng ta thật không bao giờ hiểu được việc “Đức Giêsu làm như thể” cuối cùng có ý nghĩa gì, một sự giả vờ thuần tuý, hay một mong mỏi được ngỏ lời mời… Nhưng, có điều chắc chắn, đó là cơ may cuối cùng để hai môn đệ có thể nhận ra Ngài là ai, và đồng thời khám phá lại ơn gọi hầu như phai tàn trong tâm hồn họ : “Xảy ra là, khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra, và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau : Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã cháy bừng lên sao ?” (Lc 24, 31-32).

 Ơn gọi là một con đường

Cả hai trình thuật Gioan và Luca đều đồng nhất ở một điểm quan trọng : ơn gọi là cả một con đường để đi và để sống. Chúng ta không xa lạ gì với hình ảnh con đường : nó có khởi điểm, một khoảng cách phải trải qua, và một đích đến. Ơn gọi vì thế không phải chỉ là chuyện ý thức hay quyết định trong chốc lát, trước tiên nó phải là mong muốn “ra đi”, “cất bước”. Và không chỉ có thế, mọi con đường đều có những đoạn lên xuống, qua những đỉnh cao và hố sâu, vì thế kẻ ở trên đỉnh cao đừng quên là còn những hố sâu và ngược lại, kẻ đang lầm lủi, nhọc mệt, thậm chí là thất vọng, trên con đường đi xuống đừng quên là còn có thể đi lên… Bài học của con đường bao giờ cũng như thế. Có lẽ vì vậy mà Tin Mừng đã nhấn mạnh hết sức đến sự “bền lòng, bền chí” (persévérance), hơn là lòng đạo đức, nhiệt thành trong khoảnh khắc.

§     Hát : “Chúa vẫn trung thành mãi”

“Họ ở lại với Ngài” (Ga 1,39) – “Ngài ở lại với họ” (Lc 24,29)

Đức Kitô, trong cả hai trình thuật, đều được giới thiệu như là người “đi ngang qua” : có lẽ cả hai câu chuyện đều muốn nhấn mạnh đến việc, đi theo Đức Kitô là một cuộc gặp gỡ đích thực, sống động, ngay trong lòng cuộc sống. Không có gặp gỡ đích thực nếu không có người đến thăm, và đàng khác, nếu không có sự kiên trì trong lòng mến, thì chúng ta có thể đi bên Ngài bao nhiêu lâu mà có thể vẫn không hề nhận ra Ngài là Ai đối với cuộc đời mình.

Hơn nữa, như hai trình thuật cho thấy, con đường ơn gọi thực ra là con đường hai chiều : kẻ muốn làm môn đệ phải không ngừng lên đường tìm gặp Thầy của mình, nhưng đàng khác chúng ta không thể quên khía cạnh căn bản hơn nữa, không những trong ơn gọi, mà còn trong tất cả linh đạo Kitô giáo, điều mà Thánh Augustinô đã từng thốt lên : sở dĩ con tìm kiếm Ngài chính là vì Ngài đã tìm gặp con trước. Không phải chỉ chúng ta mới lên đường tìm kiếm Đức Kitô, chính Đức Kitô cũng lên đường đi theo và đồng hành với chúng ta, cả lúc chúng ta không ngờ tới. Thật vậy, bất ngờ lớn nhất đối với hai môn đệ Emmau là gì nếu không phải là khám phá hoàn toàn đảo ngược đó : Chính Đức Kitô lặng lẽ đi theo họ, vào lúc họ tưởng là Ngài đã bỏ họ. Ngài muốn lưu lại với họ, trong khi họ nghĩ không còn lý do gì để lưu lại với Ngài. Ngài đã chết trong lòng họ.

Ơn gọi Linh mục không phải chỉ để rao giảng một số giáo huấn hoặc những điều được kể lại trong Kinh Thánh, mà là rao giảng chính Đức Kitô, và hành động trong chính Đức Kitô (in Persona Christi). Như thế có nghĩa là, dù sống hay bất cứ làm điều gì, ơn gọi của chúng ta nói cho cùng vẫn là lưu lại trong Đức Kitô. Cũng vì lẽ này mà mối liên hệ với Đức Kitô phải là mối liên hệ bằng tất cả con người và cuộc sống của mình với Ngài và cho Ngài, chứ không chỉ là liên hệ chức năng mà thôi. Đó là nội dung của điều mà Thánh Gioan cũng như Thánh Luca đã cô đọng lại trong động từ : ở lại, lưu lại (rester, demeurer).

“Họ đến xem chỗ người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1, 39)

“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ” (Lc 24, 29)

Hai môn đệ Emmau chỉ thực sự nhận ra Đức Kitô khi Ngài bẻ bánh. Vì thế nơi quan trọng nhất, quyết định nhất cho ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô, không gì khác hơn là Bí tích Thánh Thể. Chính trong Cử hành Thánh Thể mà chúng ta có được cuộc gặp gỡ đích thân, mật thiết, trọn vẹn với Đức Kitô, Đấng kêu gọi chúng ta. Không điều gì có thể thay thế kinh nghiệm đặc biệt này : lưu lại với Đức Kitô Thánh Thể.

Hãy ở bên với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, hãy lưu lại với Ngài thường xuyên, nhất là vì chúng ta là những lữ khách trên con đường dài của ơn gọi. Và như câu chuyện hai môn đệ Emmau nhắc nhở, có lẽ không phải chúng ta lúc nào cũng có thể tự mình tìm ra hứng khởi đi theo Đức Kitô, ngược lại chính Đức Kitô mới kiên nhẫn, kiên trì soi sáng, sưởi ấm lại tình yêu và ơn gọi nơi chúng ta.

Trở lại với tông huấn “Mane nobiscum Domine”, Đức Gioan Phaolô II đã có những lời khuyên hết sức tha thiết, đặc biệt đối với chúng ta, những người đang sống ơn gọi linh mục, thiết tưởng trong buổi cấm phòng hôm nay, chúng ta nên một lần chăm chú nghe và gẫm suy :

“Các con, hỡi các linh mục, mà mỗi ngày đọc lại những lời truyền phép, là những chứng nhân và là những người loan báo phép lạ tình yêu vĩ đại xảy đến từ bàn tay các con, hãy để cho mình bị cầm giữ bởi ân phúc của Năm đặc biệt này, với việc cử hành thánh lễ mỗi ngày với niềm vui và lòng sốt sắng như thuở ban đầu và sẵn sàng cầu nguyện trước Nhà Tạm”.

Cảm nếm sự dịu ngọt của thánh lễ mỗi ngày, nán lại lâu giờ để chuyện trò với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thiết tưởng không có lời khuyên nào cụ thể, thiết thực hơn đối với linh mục chúng ta hôm nay.

Và như hai môn đệ Emmau, mỗi ngày chúng ta hãy biểu lộ ít nhất chút lòng hiếu khách đối với Chúa, như thể hé mở một cánh cửa cho Chúa bước vào :

“Lạy Thầy, xin ở lại với con, vì trời đã tối mà đường lại còn rất xa…”

§     Hát : “Chúa ở lại thôi…”

§     Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã biết lòng chúng con đối với Chúa và đối với đoàn chiên mà Chúa giao phó cho chúng con chăm sóc. Chúa cũng biết cả những yếu hèn và bất xứng của chúng con, giờ đây chúng con vững tin hơn bao giờ hết, người Chăn Chiên Lành đích thực chính là Chúa, và chúng con cũng chỉ có thể là chủ chăn đích thực khi lưu lại trong Chúa. Xin Chúa tiếp tục lưu lại và cùng đi với tất cả chúng con trên đường về nhà Cha, Đấng hằng sống hằng trị hằng trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

III.      KẾt thúc

§     Đây Nhiệm Tích

§     Phép lành Thánh Thể

§     Hát : “Chúa ơi từ đây…”

 

 


Trở về trang Mục Lục