bài 40 :

YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

(Giờ Thánh dành cho Gia Trưởng)

I.             Khai MẠc :

§     Đặt Mình Thánh Chúa.

§     Hát : “ Con quỳ gối”

§     Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con vui sướng được kề cận và chiêm ngưỡng Chúa qua Bí tích thật diệu kỳ. Trong đó Chúa đã ban cho chúng con chính Mình làm của ăn thức uống, như nguồn mạch để chúng con được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Chúng con, những người chủ của gia đình, muốn quây quần bên Thánh Thể để học với Chúa bài học yêu thương và phục vụ, đặc biệt khi Chúa bẻ bánh và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Được đồng bàn với Chúa trong bữa tiệc Thánh Thể sẽ giúp chúng con biến đổi bữa ăn gia đình của mình thành tổ ấm yêu thương, biến đổi con người mình thành những tôi tớ hữu dụng cho Chúa và cho mọi người.

II.          Công bỐ LỜi Chúa và suy niỆm

1. Thánh Thể - trường học của gia trưởng

§     Hát : “Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con …”

§     Lời Chúa : 1 Cr 11,23-26

§     Suy niệm 1 :

Thánh Phaolô đã học bài học xây dựng và phục vụ cộng đoàn từ bàn tiệc Thánh Thể, như lời ngài vừa nói : “Tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và nói : Anh em hãy cầm lấy mà ăn...”. Bài học rút ra từ Thánh Thể là chấp nhận bị trao nộp và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Vì thế, mỗi lần cử hành Thánh Thể, đón nhận Mình và Máu Chúa là mỗi lần “loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”. Thánh Thể và Tử Nạn - Phục Sinh  là hai mầu nhiệm gắn bó mật thiết với nhau, như lời Thánh Phaolô xác nhận ở một đoạn khác : “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15,3-4). Như thế, cả hai bài học này, yêu thương phục vụ và rao giảng Tin Mừng, Thánh Phaolô rõ ràng đã học từ cộng đoàn Thánh Thể, như kiểu nói nhấn mạnh của ngài : “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi lãnh nhận”.

Thánh Thể chính là trường học dạy tất cả chúng ta, những người chủ gia đình, bài học cơ bản là “cùng chết với Chúa Kitô để cùng được sống lại với Ngài trong vinh quang”. Vì thế, gia trưởng không thể là người lạm dụng quyền lực trấn áp gia đình hay các thành viên trong gia đình, song là người biết từ bỏ ý thích quyền lực của mình để sống theo gương Chúa Giêsu.

Một thực trạng đáng buồn thường xảy ra trong đời sống gia đình, đó là người cha, người chồng thích ra oai gia trưởng, nhưng lại thiếu tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, không còn biết tôn trọng những người thân yêu nhất của mình, thậm chí dùng bạo lực và những lời lẽ thô tục để đối xử với vợ con.

Đó hoàn toàn không phải cung cách làm chủ theo gương Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, hi sinh tất cả vì đàn chiên. Trước khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể như một cử chỉ báo trước việc Ngài hiến ban thân mình vì những người mà Ngài yêu thương nhất. Và chúng ta không thể quên trình thuật của Thánh Gioan về việc Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chỉ có cách đó mới chứng tỏ được tình yêu đích thực và mãnh liệt nhất.

(thinh lặng mấy phút để suy nghĩ lại về cung cách sống của mình trong gia đình)

§     Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là những người lèo lái con thuyền gia đình, chúng con chỉ thực sự đem lại hạnh phúc cho những người mà chúng con chịu trách nhiệm, nghĩa là những người trong gia đình mình, khi chúng con biết nương tựa vào Chúa là vị Tôn Sư dạy tinh thần phục vụ. Đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể chúng con còn lãnh nhận được sức sống cho chính mình và cho những người mình dẫn dắt. Được Chúa dạy bảo là được Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn, uốn nắn để người môn đệ nên giống Thầy mình hơn.

Làm gia trưởng trong một gia đình, nhưng chúng con cũng chỉ là một môn sinh của Chúa trong gia đình Giáo Hội. Vì thế, chúng con vừa là người chỉ đường, vừa là người đi đường. Là người chỉ đường, xin cho chúng con đừng chỉ vào mình, đừng lấy mình làm mẫu mực, song hãy chỉ cho mọi người trong gia đình đến học với Chúa là Thầy dạy chân lýù cứu độ. Là người đi đường, xin cho chúng con ý thức mình cũng chỉ là kẻ đồng hành với mọi người trong gia đình, nên đừng bắt mọi người phải quy về mình, cung phụng theo sở thích của mình, song tất cả quy hướng về Cha trên trời.

§     Hát : “Chúa là con đường cho con bước đi …”

2. Chúa Giêsu : Thầy dạy của gia trưởng.

§     Lời Chúa : Ga 13,1-5 :

§     Suy niệm 2 :

Một đoàn tàu không thể thiếu đầu máy. Bất cứ một tổ chức nào, dù chỉ là một nhóm nhỏ, cũng cần có người đứng đầu. Lẽ tất nhiên, trong một gia đình thì không thể thiếu người đứng mũi chịu sào, người đó là gia trưởng, hay nói chung, là các bậc làm cha mẹ. Nhưng cha mẹ phải sống như thế nào để hướng dẫn con cái đến bến bình an ? Về điều này, chúng ta có thể học nơi Chúa Giêsu khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể, và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Thánh sử Gioan không tường thuật về việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể nhưng ngài lại nói rất rõ : “Trong bữa ăn tối” “trước lễ Vượt Qua”, tức là bữa ăn mà Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Chúa, Ngài, dù là Thầy và là Chúa, đã làm một cử chỉ đầy yêu thương và phục vụ của một người tôi tớ. Đó là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây mới là cung cách lãnh đạo của Chúa Giêsu, cung cách của người gia trưởng sẵn sàng cúi mình xuống vì hạnh phúc của gia đình, không ngại phục vụ mọi người trong khiêm hạ. Hành động này của Chúa Giêsu mang hai ý nghĩa biểu trưng : Một là Ngài đi đến sự tự hiến triệt để, huỷ mình ra không, theo cách nói của Thánh Phaolô, để nhân loại lãnh nhận được sự Sống trào tuôn từ cạnh sườn bị đâm thâu. Hai là Ngài muốn làm gương cho các môn đệ phải phục vụ những người dưới quyền mình một cách khiêm nhường và đầy tình bác ái.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải mang lấy thân phận của người tôi tớ, của kẻ được sai đi, để nên giống Thầy Giêsu. Gia trưởng có nghĩa là người chỉ đạo, chịu trách nhiệm hướng dẫn con thuyền gia đình vượt qua mọi giông tố đến bến bình an, đưa mọi người lên bờ hạnh phúc. Theo luật quốc tế, thuyền trưởng không được rời tàu trước khi người hành khách cuối cùng rời thuyền. Cũng vậy, trong gia đình, người gia trưởng không được phép ngã tay chèo trong bất cứ tình huống nào. Đó mới là người chồng, người cha có trách nhiệm. Chúa Giêsu chính là vị Thầy dạy sự kiên tâm bền chí đến cùng trong mọi cơn gian nan thử thách, kể cả cái chết, như lời khẳng định của Thánh sử Gioan mà chúng ta vừa nghe đọc : “Ngài đã yêu thương họ đến cùng”.

§     Hát : “Người ta cứ dấu này…”

§     Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi lần chúng con lên rước lễ là chính Chúa đến ở với chúng con, nhưng nhiều khi chúng con lại không để Chúa đồng hành với chúng con trong cuộc sống. Vì thế, rời bàn tiệc Thánh Thể, rời nhà thờ, là chúng con lại đi một mình và chỉ làm theo ý mình. Chúng con xin lỗi Chúa vì đã không sống theo gương phục vụ của Chúa, không yêu thương vợ con như Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con. Yêu như Chúa đã yêu là yêu đến quên mình, như Chúa đã chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Yêu như Chúa đã yêu là đi bước trước và không chờ đáp trả. Phục vụ như Chúa là yêu bằng hành động, là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, vì Chúa không đến để kẻ hầu người hạ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình.

(Thinh lặng ít phút để tiếp tục cầu nguyện).

§     Kinh Gia Trưởng :

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, và là nguồn mạch mọi tình phụ tử, chỉ có Chúa là Cha sinh thành vạn vật và an bài mọi sự. Ngoài Chúa ra / không ai xứng đáng được gọi là Cha. Chúng con thật bất xứng, trong nhiệm vụ làm chủ gia đình và làm chủ đất trời. Xin thương hướng dẫn và giúp đỡ, để chúng con luôn sống, sao cho mọi người nhận biết / chủ quyền thật trong gia đình thuộc về Chúa. Và chúng con chỉ mong / được là những người quản lý trung thành. Xin Chúa mở tay, để gia đình chúng con có của ăn hăøng ngày. Xin Chúa dạy bảo, để gia đạo chúng con được Lời Chúa kiện toàn. Xin Chúa ở gần, để gia đình chúng con được sống trong bình an của Chúa, và xã hội chúng con nhận biết tình Chúa yêu thương.

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Giuse đứng đầu Thánh Gia Thất, xin dạy chúng con biết theo gương Người, gìn giữ gia đình trong tinh thần yêu mến, kính sợ Chúa, và khiêm nhường phục vụ ơn cứu rỗi loài người. Amen.

III.      Phép lành Mình Thánh Chúa.

§     Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.

§     Hát : “Đây nhiệm tích…”

§     Lời nguyện.

§     Phép lành Mình Thánh Chúa.

IV.     KẾt thúc

§     Hát : “Kinh hoà bình”

 


Trở về trang Mục Lục