Ngày Thứ Ba

Bước đi hướng tới tự do

Lời Chúa:

Xh 1, 15-22: Các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên không làm như vua Ai-cập đã truyền.

Tv 17, 1- 6: Lời cầu nguyện đầy tin tưởng của người hướng lòng lên Chúa.

2 Cr 3, 17-18: Sự tự do đầy vinh quang của những con cái Chúa trong Đức Ki-tô.

Ga 4, 4-26: Cuộc đối thoại với Đức Ki-tô đã dẫn người phụ nữ Samari tới một cuộc sống tự do hơn.

Suy niệm

Khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa có nghĩa là luôn hướng tới sự tự do mà Ngài ban tặng cho tất cả mọi người và đón nhận nó. Chính trong tâm tình này mà chúng ta cử hành nghi thức hôm nay. Chúng ta cử hành mầu nhiệm tranh đấu cho tự do kể cả ở những nơi mà chúng ta gặp thấy con người đang bị đè nặng bởi áp bức, thành kiến và nghèo đói. Sự dứt khoát từ chối những lệnh truyền hay những điều kiện sống phi nhân- như những điều mà Pha-ra-ô đã truyền cho các bà đỡ người Do thái đang bị bắt làm nô lệ bên Ai cập phải làm- có thể được biểu hiện bằng một hành vi rất nhỏ. Thật may, chúng ta vẫn gặp thấy cách thức tranh đấu cho tự do này trong các xã hội của chúng ta. Do vậy chúng ta hãy vui mừng về thiện chí tự do này- như đón nhận mọi người như phẩm giá của họ và tham gia vào một cách đúng mực vào tất cả những gì tốt đẹp - mà  chúng ta sẽ thấy trong các cộng đoàn Dalit. Sự  tìm kiếm một sự sống viên mãn rất quyết liệt này là hồng ân của đức cậy mà Tin Mừng trao ban cho hết mọi người đang bị các thể chế bất công trên khắp thế giới giam hãm.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và thiếu phụ Samari bên bờ giếng giúp chúng ta chuyển dần từ cái nhìn phân biệt bất công và thành kiến đến cái nhìn tự do. Trước hết, người phụ nữ này đặt vấn về những thành kiến mà chị phải gánh chịu và chị tìm cách giảm nhẹ những gánh nặng ấy trong cuộc sống của chị. Cuộc trò chuyện giữa chị với Đức Giê-su xuất phát từ những mối bận tâm này. Đức Giê-su bắt đầu trò chuyện với chị vì Ngài đang cần sự giúp đỡ của chị (Ngài đang khát) nhưng còn vì cả chị và Ngài đều đang đặt vấn đề về các thành kiến xã hội. Do đó, việc Đức Giê-su xin giúp đỡ mới gây ra những thắc mắc. Những lời nói Đức Giê-su càng soi sáng cuộc đời phức tạp của chị thì nó càng mở ra cho chị một con đường hướng tới một cuộc sống tự do hơn. Sau cùng, những lời soi sáng của Đức Giê-su đã giúp cuộc đối thoại vượt qua một điểm gây chia rẽ giữa hai nhóm người này- cầu nguyện ở đâu? “Cầu nguyện trong thần khí và sự thật” đó là điều Chúa đòi hỏi. Như vậy chỉ có chúng ta mới có thể cứu chúng ta khỏi tất cả những gì làm cho chúng ta mất đi cuộc sống hiệp thông và viên mãn.

Chúng ta cần phải hiệp thông với nhau sâu xa hơn nữa bởi vì tất cả chúng ta được kêu gọi đến một tự do lớn hơn trong Đức Ki-tô. Những gì gây cho chúng ta chia rẽ- với tư cách người Ki-tô hữu khi chúng ta  kiếm tìm sự hiệp nhất và với tư cách là con người khi chúng ta bị chia rẽ vì những truyền thống bất công và những bất bình đẳng- nó cũng làm cho chúng ta giam hãm lẫn nhau và không nhận ra nhau. Ngược lại, sự tự do trong Chúa Ki-tô ban cho chúng sự sống mới trong Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta cùng nhau nhận ra vinh quang Thiên Chúa với “khuôn mặt không che màn”. Trong ánh sáng vinh quang này, chúng ta học biết nhìn nhau trong sự thật và càng ngày càng trở nên giống Đức Ki-tô hầu cho sự hiệp nhất Ki-tô giáo đạt tới viên mãn.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng con, chúng con cảm tạ Chúa về những anh chị em, được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng, đã trung kiên và vững vàng tranh đấu cho nhân phẩm và sự sống viên mãn. Chúng con biết Chúa nâng dậy những người gục ngã và Chúa giải thoát những người bị giam cầm. Con Một Chúa là Đức Giê-su vẫn đồng hành với chúng con và chỉ cho chúng con thấy con đường tới tự do đích thực. Xin cho chúng con biết phát huy những gì chúng con đã nhận được và xin tăng cường sức mạnh cho chúng con để chúng con vượt lên tất cả những gì nô lệ hóa chúng con, nơi bản thân chúng con. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để chúng con được tự do nhờ chân lý và để chúng con có thể đồng thanh tuyên xưng tình yêu Chúa trong thế giới hôm nay. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.   

Gợi ý suy tư

1. Có những thời điểm nào trong các cộng đoàn của chúng ta, thậm chí ngay trong cộng đoàn Ki-tô hữu mà chúng ta đang sống, bị những thành kiến và định kiến ngăn cản, làm cho chúng ta, dù mặt không che mạng, mà không thể nhận ra nhau trong ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa ?

2.  Là những người Ki-tô hữu, đâu là những sáng kiến chúng ta có thể cùng nhau thực hiện hầu thúc đẩy các con cái Chúa trong Giáo hội và rộng lớn hơn trong toàn bộ xã hội, hướng tới tự do (Rm 8,21).