Sinh Động Giờ Chầu Thánh Thể Cho Giới Trẻ.

I. Dẫn  nhập:

Trong buổi cầu nguyện với giới trẻ tại Copacabana ngày 25 tháng 7 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô mở đầu bài giảng của mình như sau: “Các bạn thân mến, “Chúng ta ở đây thì tốt lắm!”. Đây cũng là lời mà Thánh Phêrô thốt lên như vậy sau khi được thấy Chúa Giêsu hiển dung trong vinh quang. Chúng ta có muốn lặp lại lời này với thánh nhân không? Tôi nghĩ câu trả lời là có, bởi vì, thật là tốt đẹp cho chúng ta khi cùng nhau tụ họp quanh Chúa Giêsu tại đây hôm nay !....”. Ngày đại hội giới trẻ đã kết thúc, các bạn trẻ sẽ trở với cuộc sống đời thường của mình, tiếp tục sứ vụ công cuộc loan báo Tin Mừng đến cho những bạn trẻ sống gần mình, những người cùng trang lứa, cùng độ tuổi của mình. Và để có thêm tinh thần, lòng nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh dấn thân mình cho mọi người, có lẽ không có nguồn sức mạnh nào ngoài Bí tích Tình Yêu. Nơi mà Đức Giê-su luôn chờ đợi và mời gọi mọi bạn trẻ hãy đến để kín múc cho mình, và ra đi mang niềm vui đến cho mọi người. Vì vậy Sinh Động Giờ Chầu Thánh Thể sẽ là nơi giúp bạn trẻ “Cảm mến Nguồn Ơn” thắp lên lòng nhiệt huyết cho mỗi người trẻ đến với Bí Tích Tình Yêu !

II. Nội Dung

Cử hành Sinh Động giờ chầu Thánh Thể cho giới trẻ trong thế giới ngày hôm nay quả là một điều thật khó. Câu hỏi đặt ra, giữa một thế giới ồn ào và bất ổn như ngày nay, làm sao để thu hút Giới trẻ công giáo đến với giờ Chầu Thánh Thể đều đặn và thường xuyên ? Cách cử hành, hướng dẫn cho giới trẻ cảm nhận được Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự nơi bàn thờ, đang chờ đợi các bạn đến với Ngài. Một Kinh nghiệm của Cha Thánh Eymard khi chầu Thánh Thể cách sinh động và tìm được thánh ý Chúa nơi Bí Tích Tình Yêu nhiệm mầu: “Trước Thánh Thể, bạn hãy khát mong sao để được nuôi dưỡng bằng chính Thiên Chúa hơn là thanh tẩy, hãy tự hạ. Để thực hiện điều đó, hãy nuôi dưỡng tâm hồn con bằng chân lý được nhân cách hóa nơi lòng nhân hậu thần linh của Thiên Chúa đối với con, bằng sự dịu dàng và tình yêu của Ngài. Bí quyết của việc Chấu Thánh Thể là chân thực là khám phá những hành động và chương trình của Thiên Chúa nơi tình yêu Ngài đối với bạn. Nhờ vậy mà tâm hồn bạn sẽ cảm thấy kinh ngạc, thanh thản và kêu lên: ‘Lạy Chúa Trời con, Chúa tốt lành dường bao! Con có thể làm được gì cho Chúa? Con có thể làm được gì làm vui lòng Chúa? Đó là ngọn lửa bốc lên từ chính lò lửa’”[1]. Để đạt được trình độ cầu nguyện sinh động như thế trước Thánh Thể, mỗi bạn trẻ hãy quên mình đi và năng tìm đến với Thánh Thể nguồn tình yêu của đời Tôi.

1. Từ ngữ:

- Sinh động[2]:   đầy sức sống, với nhiều vẻ khác nhau.

                 ‚ Có khả năng gợi ra những hình ảnh hợp với hiện thực của đời sống.

- Giờ chầu[3]: Trong tiếng Hán-Việt, tiếng “chầu” có thể dùng như danh từ hay động từ. Dùng như danh từ, “chầu” ám chỉ một khoảng thời gian (một “buổi”, một “phiên”, một “hồi”), tựa như một chầu hát, một chầu xinê, và đôi khi còn là bữa ăn (thí dụ: đãi một chầu bia). Dùng như động từ, chầu được dùng cách trịnh trọng trong ngôn ngữ cung đình, để ám chỉ cuộc viếng thăm của người dưới đối với người trên (chẳng hạn như: đi chầu vua).

- Thánh Thể[4]:

+ Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Giê-su Kitô hiện diện dưới hình bánh rượu sau khi truyền phép trong Thánh Lễ.

2. Tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể bằng hình thức nào ?

Phải theo giáo huấn của Hội Thánh. Các hình thức tôn thờ Thánh Thể có những đặc điểm sau đây: “Mọi hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ phải phát nguồn và qui về chính cuộc cử hành Lễ Tế Tạ Ơn: Thánh Thể không những phải được quan niệm trong tương quan với sự hiện diện thực, mà còn trong mọi lĩnh vực khác nữa, nghĩa là trong cuộc cử hành Thánh Lễ, cũng như trong các hình thức tôn thờ Thánh Thể được lưu trữ lại sau Thánh Lễ để nới rộng ân huệ của Lễ Hy Sinh.”[5]

Ngoài ra, những hình thức tôn thờ Thánh Thể không được nhắm vào nguyên một lãnh vực riêng tư mà thôi, nhưng còn phải mang tính cách xã hội nữa, hay theo từ ngữ của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, thì phải hướng tới “tình yêu xã hội” nữa, nghĩa là một tình yêu không được đóng khung vào những phần tử của một cộng đoàn nhỏ bé và hạn hẹp, mà còn phải nới rộng tới toàn thể Hội Thánh và thế giới nữa: “Mục đích chính yếu của việc tôn thờ Thánh Thể không phải chỉ để biểu lộ lòng tôn sùng cá nhân, mà là để phát triển tình yêu xã hội, nhờ đó ta sẽ đặt lợi ích chung trên quyền lợi cá nhân, biến quyền lợi của cộng đoàn họ đạo cũng như của toàn Hội Thánh thành mối quan tâm riêng của ta, nới rộng tình bác ái tới toàn thể thế giới, vì biết rằng các chi thể của Chúa Ki-tô hiện diện khắp nơi”[6].

3. Hiện Diện Vinh Hiển Và Sống Động.

a. Sự hiện diện sống động[7]

Theo quan niệm Do Thái, khi nói đến “thịt” là nói đến “thịt có sự sống”; Trong Tin Mừng thánh Gioan chương 6 kể lại việc lập phép Thánh Thể đều chứng minh rằng đó là “thịt có sự sống”. Thật vậy, Đức Giêsu ban thịt này làm của nuôi, và trước đây Ngài đã loan báo đấy là một thứ của nuôi ban sự sống đời đời: “Kẻ ăn bánh này sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban là Thịt Ta cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Một thứ thịt làm cho sống và chuyển được sự sống của Thầy Chí Thánh sang cho các kitô hữu thì chính nó cũng phải có đầy sự sống.

Khi nói đến hiện diện trong Thánh Thể như lễ vật hy sinh, người ta có thể nghĩ rằng: Đức Giêsu hiện diện ở đó trong tình trạng tử nạn của Ngài, như là vật hy sinh được sát tế. Và như vậy bầu khí cử hành Thánh Thể cũng phải là bầu khí một cuộc an táng, và tâm hướng nó gợi ra cho những người tham dự là nỗi đau buồn trước cái chết của người thân yêu.

Tuy nhiên Đức Kitô trong Thánh lễ là Đức Kitô đã hoàn tất cuộc khổ nạn. Ngài đến với tư cách là hy lễ, nhưng là một hy lễ trong đó sự sống đã toàn thắng sự chết, sự phục sinh sẽ thắng được ách nô lệ sự chết: một hy lễ vinh hiển. Chúng ta cần ghi nhận rằng: thân xác Đức Kitô chỉ có thể hiện diện cách bí tích trong tình trạng hiện thời của Ngài trên trời, nghĩa là trong tình trạng vinh hiển Ngài đã được do sự phục sinh và thăng thiên. Đấy là tình trạng trường tồn và dứt khoát, không có gì giảm bớt hay phí bỏ.

Thân xác phục sinh của Đức Kitô là một thân xác có đầy sự sống Thiên Chúa, hoàn toàn được sự sống ấy thâm nhập. Khi nói “thân xác sống động”, là muốn nói đến một xác thịt có sự sống phần xác, nhưng trong Thánh Thể “xác thịt sống động” này còn có một sự sống cao hơn; vì sau khi phục sinh, thân xác Đức Kitô đã mang một sự sống thiêng liêng là chính sự sống của Thiên Chúa. Vì thế sự hiện diện của thân xác Đức Kitô do việc truyền phép gây nên, là một sự xâm nhập mới của sự sống Thiên Chúa tràn vào thế giới chúng ta. Như vậy Thánh lễ là một công cuộc ban sự sống; nó chỉ tưởng nhớ sự chết của Đức Kitô, và chỉ tái diễn hy tế của Ngài để làm tràn ra sự sống của Đấng phục sinh: sự hiện diện của Đức Kitô chỉ có thể là sự hiện diện ban sự sống.

b. Hiện Diện Vinh Hiển[8].

Mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể dựa trên mầu nhiệm tình trạng vinh hiển Ngài có được sau phục sinh: là tình trạng trong đó thân xác Ngài được phú cho những đặc ân thần linh, quyền năng Thần linh và sự sống Thần linh. Chính bản tính vinh hiển của thân xác Đức Kitô mới giải nghĩa được: làm sao Ngài có thể thật sự hiện diện dưới “hình sắc” bánh bất cứ nơi nào trên mặt đất, khi có linh mục đọc lời truyền phép. Trong tình trạng vinh hiển, thân xác Đức Kitô được hưởng những đặc ân nâng hữu thể có thân xác của Ngài lên mức thần linh, nhất là khả năng ở khắp mọi nơi; nhờ đó Ngài không cần đổi chỗ mà vẫn có thể cùng một lúc hiện diện tại chỗ ở nhiều nơi.

Chính Đức Giêsu cũng đã đem lại cho bạn chìa khóa để mở mầu nhiệm Thánh Thể khi Ngài nói: “Điều đó các ngươi lấy làm chướng tai ư? Thế khi các ngươi trông thấy con người lên nơi Ngài ở trước thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt thì được ích gì. Những lời Ta nói với các ngươi là Thần khí và sự sống” (Ga 6, 61-63)

Việc thăng thiên vinh hiển sẽ cho Ngài khả năng ban thịt mình làm của ăn. Nếu chỉ ăn thịt con người Giêsu mà họ đang trông thấy thì chẳng được ích gì. Nó có thể có sự sống thể lý và lưu chuyển sự sống ấy sang người khác được; nhưng đây không phải là vấn đề sự sống thể lý của thân xác. Sự sống Thầy Chí Thánh muốn ban nhờ phép Thánh Thể là sự sống thiêng liêng, sự sống của Thiên Chúa. Ngài nói: “Thần khí mới làm cho sống”: trong thịt Ngài ban làm của ăn, nguyên lý sự sống không phải chính là thịt ấy, nhưng là Thần khí đang làm cho nó sống và đang có trong đó. Tuy nhiên chỉ từ lúc Đức Kitô được vinh hiển, tức từ khi phục sinh và thăng thiên, thịt Ngài mới có đầy Thần khí.

Như vậy tại bữa tiệc ly, Đức Kitô hiện diện theo hai cách cùng một lúc: vừa hiện diện với xác thịt sắp bị đóng đinh vào thập giá, vừa hiện diện với xác thịt đã sống lại và lên trời. Nhờ sự hiện diện thứ hai này, Đức Kitô đã vượt sang bên kia tấn bi kịch trước khi bước vào đó; Ngài ở đó trong một sự sống dứt khoát trước khi bước vào trong sự chết. Và trong bí tích Thánh Thể, thịt sẽ được ban làm của ăn cho các kitô hữu là Thịt của Con Người trong tình trạng sau khi đã phục sinh và thăng thiên. Được ngự bên hữu Chúa Cha, Đức Kitô có thể chia sẻ trọn vẹn năng lực Thần linh trong linh hồn và trong thân xác Ngài; thịt nhân loại của Ngài bấy giờ có đầy sự sống thiêng liêng của Chúa Thánh Thần và có thể trở thành nguyên lý làm cho người ta được sống.

4. Chầu Thánh Thể trước nhan thánh Đức Ki-tô[9]

Chầu Thánh Thể sinh động là cách cầu nguyện giúp cho các bạn trẻ cầu nguyện sốt sáng, dễ gần gũi, tiếp cận được với Đức Ki-tô. Vì Thánh Thể là bí tích lớn lao nhất của sự cầu nguyện. Đức Ki-tô vượt qua chính là nhà cầu nguyện của Tân Ước: Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2, 19). Thánh Thể chính là sự hiện diện của Đức Ki-tô trong thế giới. Xuyên suốt dòng lịch sử, Thánh Thể đã là men cầu nguyện phi thường trong dân ki - tô giáo. Vì lẽ đó, hiền thê lưu giữ thân mình của lang quân để kéo dài sự hiện diện có sức hiệp thông.

Khi bạn đến quì trước Thánh Thể, người ta gọi là “viếng Thánh Thể”, nhưng thật ra, chính Đức Ki-tô, từ nhà Chúa Cha đến hiện diện với bạn với cộng đoàn của Ngài tại thế. Là người trẻ, bạn hãy đón nhận sự hiện diện viếng thăm của Chúa.

III. KẾT LUẬN

Sinh Động Giờ Chầu Thánh Thể giúp cho những người trẻ hiểu rằng : Thánh Thể là biểu trưng hiện thực của Đức Kitô Vượt Qua, là nơi hội họp, chia sẻ tình huynh đệ. Vì thế Thánh Thể là sự hiệp thông. Đức Kitô hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể trở nên chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và những người trẻ, giữa cõi vĩnh hằng và thế giới thụ tạo. Tham dự Sinh Động Giờ Chầu Thánh Thể đưa các bạn trẻ vào trong tương quan hiệp thông với Ba Ngôi vĩnh cửu. Trong giờ Chầu Thánh Thể, các bạn trẻ được dìm sâu trong tình yêu của Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu hiện diện thật sự trong Thánh Thể đã trở nên của ăn cho nhân loại. Và như thế khi chiêm ngắm Chầu Thánh Thể sinh động các bạn trẻ đương nhiên được hiệp thông vào Mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô, được trở nên một với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô (1Cr 10,17). Bí tích Thánh Thể biến đổi người trẻ trở nên điều họ đã lãnh nhận, là Bánh sự sống, là lương thực mang lại ơn cứu độ cho tha nhân. Từ sự hiệp thông với Chúa Kitô, nảy sinh sự tự hiến cho nhau giữa những người hiệp thông (Cv 2, 42-47).

Tu sĩ Giuse Vũ Văn Dũng



[1] Catherine Marie Caron, Bản Việt ngữ Linh Đạo Phòng Tiệc Ly, Nguyễn Phúc Thuần dịch, 2007, tr. 31.

[2] Trung Tâm Điển Ngữ, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2009, tr. 1064.

[3] Phan Tấn Thành, Hiểu Để Sống Đức Tin, Học Viện Đa Minh, 2009, tr. 56.

[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 310.

[5] Thư của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI gửi cha Roland Huot, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể, viết ngày 10 tháng 01 năm 1969.

[6] Mysterium Fedei, 6

[7] Jean Galot, Bản Việt ngữ Thánh Thể Sinh Động, Ngô Đức Thắng dịch, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 65-67.

[8] Jean Galot, ibid., tr. 69 - 71.

[9] Bùi Văn Đọc và Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba Ngôi Bí Tích Thánh Thể, NXB Tôn Giáo, 1999, tr. 412-413.