THỰC TẬP NHÂN BẢN

THỰC TẬP NHẬN LỖI

ĐỂ SỐNG HÒA THUẬN VỚI ANH EM

 

1.LỜI CHÚA: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

2.CÂU CHUYỆN:

Có một vị giáo sư nọ kiến thức uyên bác thường được các học viện thỉnh giảng. Một hôm sau khi giảng xong đề tài: “Thực tập nhận lỗi và sống hòa thuận với anh em”, ông đã tự lái xe hơi về nhà. Khi xe vừa ra ngòai cổng trường thì gặp một chiếc taxi từ xa phóng tới thắng thật gấp vì súyt chút nữa đụng phải xe của ông. Rõ ràng tài xế taxi có lỗi đã phóng nhanh giữa đường phố đông người. Nhưng thay vì nhận lỗi, anh tài xế này lại lớn tiếng la mắng viên giáo sư: “Bộ ông bị đui hay sao mà lái xe bất cẩn như vậy hả ?”. Nghe lời mắng chửi như vậy, viên giáo sư tức giận đỏ mặt, vì theo luật giao thông: tài xế này đã phóng nhanh trên đường phố đông người đi lại là sự vi phạm nghiêm trọng bộ luật giao thông đường bộ. Viên giáo sư liền to tiếng cãi lại : “Chính anh mới là kẻ đui khi lái xe bạt mạng như vậy”. Gã tài xế taxi liền xuống xe thách thức: “Ông có giỏi thì ra đây nói chuyện phải quấy với tôi!”. Viên giáo sư cũng không vừa: “Ra thì ra chứ ta sợ gì anh”. Nhưng khi vừa ra khỏi xe, viên giáo sư thấy một đám học viên đang từ học viện ra về gần tới chỗ ông. Viên giáo sư nghĩ tới đề tài mới thuyết trình “Thực tập nhận lỗi và sống hòa thuận với tha nhân”, nên thay vì tranh cãi hơn thua với gã kia, ông tiến đến gần bắt tay anh ta và ôn tồn nói : “Đúng là tôi có lỗi. Anh cho tôi xin lỗi nhé”. Gã tài xế đang trong tư thế sẵn sàng đối phó ngạc nhiên trước thái độ hòa hõan của đối phương nên cũng hạ giọng nắm tay viên giáo sư và nói: “Thực ra đây là lỗi của cháu đã lái xe quá nhanh, chứ không phải hòan tòan lỗi của bác dâu. Bác cho cháu xin lỗi nhé”. Sau cái bắt tay xin lỗi làm hòa, cả hai lại vui vẻ lên xe đi về nhà.

3. SUY NIỆM: 

1) Ích lợi của việc nhận lỗi:

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cuộc chiến tưởng chừng sắp bùng nổ, nhưng nhờ viên giáo sư kịp tháo ngòi nổ bằng thái độ khiêm tốn nhận lỗi trước, nên cuối cùng tranh cãi đã được giải quyết ổn thỏa. Giả như hai bên đều cho mình là đúng và hòan tòan đổ lỗi cho đối phương thì sự việc chằc đã có kết cục tai hại rồi.

Lời nhận lỗi có khả năng giúp giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên được phân nửa. Chỉ cần một lời xin lỗi chân thành mà thôi là đã có thể biến họa thành phúc. Thế thì tại sao chúng ta lại không sẵn sàng nhận lỗi để sự việc được giải quyết ổn thỏa, tránh phiền não, tốn hao tiền bạc, sức khỏe và thời gian theo đuổi việc tranh cãi kiện tụng? Rào cản khiến chúng ta không muốn nhận lỗi và không muốn nói ra lời xin lỗi là sự tự ái, là cái tôi ích kỷ và tự mãn của mình. Khi can đảm nhận lỗi là chúng ta đã chiến thắng được “cái tôi” của mình rồi vậy.

2) Phải thực tập nói lời xin lỗi:

a- Tại sao phải thực tập?: Bởi vì có nhiều điều mới nghe qua thấy dễ làm, nhưng lại rất khó thực hiện, nên chúng ta cần kiên trì tập luyện từng việc nhỏ thành thói quen tốt. Khi nói ra một lời xin lỗi, chúng ta đã tạo được sự cảm thông với tha nhân và dẹp được tính tự mãn của mình. Khi lỡ va chạm với ai hoặc làm phiền lòng ai, chúng ta hãy nói: “Cho tôi xin lỗi” hoặc: “Xin lỗi đã làm cho anh buồn”. Nhờ đó bầu khí căng thẳng sẽ biến mất nhường chỗ cho sự an vui hòa hợp. Nên nhớ rằng: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như người xưa dạy.

b- Cần nói ra lời xin lỗi càng sớm càng tốt: Chúng ta nên xin lỗi “diện đối diện” vì sẽ hiệu quả hơn cách khác. Tuy nhiên khi cần cũng có thể thay bằng việc nói qua điện thoại, email, gửi thiệp hay tặng hoa… Khi nhận được lời xin lỗi chân thành của chúng ta, người bị tổn thương sẽ giảm bớt đi nỗi đau rất nhiều. Cũng cần phải nói lời xin lỗi càng sớm càng tốt. Đừng đợi đến khi thuận tiện mới xin lỗi thì sự việc có thể đã diễn biến phức tạp, hoặc chúng ta sẽ dễ bỏ qua không xin lỗi nữa do không bị thúc bách.

c- Cần chân thành lắng nghe: Chúng ta đã lỡ xúc phạn đến "đối phương", nay nếu có hạ mình nhận lỗi mà phải nghe những lời la rầy của người bị hại thì cũng hợp lẽ công bình và đúng theo quy luật tâm lý tự nhiên. Hãy cứ để "đối phương" xả hết những suy nghĩ, bực bội, oán hờn chất chứa trong lòng bấy lâu và rồi “sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”. Không nên tỏ thái độ thiếu kiên nhẫn khi ngắt lời đối phương.

d- Dục tốc bất đạt: Thật khó để bắt "đối phương" tha lỗi ngay, vì sự tha thứ có dễ thực hiện hay không còn tùy thuộc vào thiệt hại nhiều hay ít. Cần có liều thuốc thời gian để vết thương kịp lành và giúp họ quên đi phần nào sự xúc phạm thì mới có thể dễ dàng tha ỗi cho ta. Câu chuyện trong sách Sáng Thế Ký về xung đột giữa hai anh em sinh đôi là E-sau và Gia-cóp cho thấy: Nhờ biết ứng xử khôn ngoan phù hợp với quy luật tâm lý tự nhiên mà tổ phụ Gia-cóp đã có thể làm hòa được với anh mình là E-sau (x Stk 33,1-20).

e- Cần khắc phục hậu quả: Nhận lỗi mà thôi chưa đủ: Điều quan trọng là còn phải khắc phục hậu quả, bằng việc đền bù cân xứng các thiệt hại đã gây ra cho tha nhân, cả về danh dự tinh thần lẫn tài sản vật chất. Mỗu người chúng ta nên suy gẫm và thực hành lời cầu trong kinh ăn năn tội như sau: “Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen”.

g- Thất bại là mẹ thành công: Tuy vậy, sai lỗi cũng có mặt tích cực là kinh nghiệm sống cho chúng ta. Kinh nghiệm này mang lại bài học giá trị cao với chi phí thấp. Không thất bại nào giống như thất bại nào. Điều cần là chúng ta phải can đảm tự nhận lỗi, rồi noi gương Đức Ma-ri-a “suy đi nghĩ lại trong lòng”, để từ đó rút ra bài học kinh ngiệm cho mình. Nếu biết chấp nhận giới hạn bản thân và ứng xử thích hợp trước các tình huống gặp phải, chúng ta sẽ “được” nhiều hơn “mất”. Như vậy thất bại sẽ là mẹ thành công sau này.

4. THẢO LUẬN: 1) Nói lời xin lỗi dễ hay khó ? Tại sao ? Ich lợi của việc xin lỗi thế nào ? 2) Hiện nay bạn có làm ai buồn giận không ? Bạn sẽ làm gì để nhận lỗi và làm hòa với họ theo lời Chúa dạy (Mt 5,23-24) ?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn tự hạ để can đảm nhận phần trách nhiệm của mình khi có sự cố không hay xảy ra. Xin cho chúng con biết chân thành nói lời xin lỗi những ai bị xúc phạm do lời nói hay hành động bất cẩn của chúng con. Nhờ đó chúng con hy vọng sẽ sống an vui chan hòa với tha nhân, đồng thời gây được thiện cảm với mọi người, là điều kiện để chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng.- AMEN.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục