NGẨNG  ÐẦU LÊN !

(Lc 21:25-28.34-36)

 

Hôm nay mở đầu mùa vọng, nhân loại mong chờ Chúa đến.  Niềm hy vọng Giáng sinh đã theo gió lạnh từ miền Bắc Mỹ tràn về.  Trời đất bắt đầu chuyển động, báo hiệu niềm vui lớn lao khi Con Chúa giáng trần. 

Người sẽ đến trần gian lần thứ hai.  Trước đó, những cơn biến động lớn sẽ xảy ra. Những biến động hôm nay chẳng thấm thía gì !  Tất cả sẽ vượt tầm kiểm soát của con người.  Nhưng liệu con người có thể chuẩn bị cho những biến cố lớn trong tương lai không ?  Chuẩn bị bằng cách nào ?

Giả sử vài chục năm nữa, một hành tinh trong vũ trụ xẹt ngang qua trái đất, liệu loài người còn sống sót không ?   Có thể loài người sẽ biến khỏi trái đất.  Nếu thế, những tính toán hôm nay có ý nghĩa và giá trị gì ?  Giữa cơn xáo trộn cùng cực đó, làm sao chúng ta có thể “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”[1]?

Hôm nay, nhiều người đang oằn lưng vì những gánh nặng cuộc đời.  Ðầu cúi gầm vì những mặc cảm tội lỗi hay trong thân phận nô lệ.  Nỗi buồn mênh mông vì những bế tắc.  Nhìn quanh không thấy lối thoát. 

Tình trạng ấy cũng giống hệt như thời kỳ Con Thiên Chúa chưa xuống thế làm người.  Những xáo trộn về mọi mặt thiên nhiên, xã hội, tôn giáo v.v. đã gây bao nhiêu đau thương.  Nhưng trong đau thương, dân Chúa càng hướng về niềm hy vọng Thiên Sai.  Những ai có niềm tin thực sự sẽ đọc được những dấu chỉ cứu độ khi Con Chúa đến trần gian.  Những người không tin sẽ bị chao đảo và không tìm được lối thoát.

Giữa thời kỳ Chúa đến lần thứ nhất và thứ hai, nhân loại cũng trải qua những xáo trộn tương tự.  Niềm hy vọng cũng được hâm nóng lại.  Bởi đó, Tin Mừng hôm nay chiếu lên niềm hy vọng lớn lao giữa những đổ vỡ trong thiên nhiên vào thời cùng tận của vũ trụ.  Niềm hy vọng ấy dành cho những người tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Giêsu Kitô.

Niềm tin đó có một chiều kích cắm sâu vào hiện tại nơi những con người luôn “tỉnh thức và cầu nguyện,”[2]  với trái tim đầy tình yêu, lối sống thánh thiện “đẹp lòng Thiên Chúa.”[3]  Ðó là dấu chỉ và lối sống có thể tìm thấy nơi những người sẽ được cứu độ.  Trước mọi biến cố, nhất là vào thời cánh chung, họ sẽ là những người đứng thẳng và ngẩng đầu để nhìn rõ niềm hy vọng thành sự thật nơi “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”[4] với họ.  Chắc chắn không còn quyền năng nào lớn hơn.  Chính nhờ quyền năng tuyệt đối đó, họ sẽ lướt thắng mọi cơn lo lắng hoang mang và sợ hãi cùng cực trước những biến động trời đất. 

Nghe theo Lời Chúa, lòng họ không bao giờ “nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”[5]  Trái lại, họ luôn tỉnh thức trước giờ Chúa đến.  Vì Lời Chúa đem lại thần khí và sự sống, nên kéo họ ra khỏi những đam mê quyền lực, của cải, danh vọng v.v.  Có thể thấy những mẫu điển hình đó nơi hang đá Bêlem : các mục đồng, các nhà hiền triết Ðông Phương, nhất là Ðức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse.  Họ là những người nghèo  Giavê, nên lúc nào cũng đầy ắp niềm hy vọng Thiên Sai.  

Suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Ðức Giêsu đã gặp biết bao người sẵn sàng đón nhận Nước Trời, như bà góa trước cửa Ðền Thờ, người mù thành Giêrikhô, ông Giakêu v.v.  Còn những người Pharisêu, dù đọc Lời Chúa hàng ngày, cũng không thể nhận ra niềm hy vọng Thiên Sai xuất hiện nơi Ðức Giêsu Kitô.  Trái lại, họ còn đối kháng, từ chối và giết chết Người.  Vì quá say sưa với quyền lực và tiền bạc, họ đã không tỉnh thức và nhận ra giờ Chúa đến viếng thăm dân Người, mặc dù bao ngôn sứ đã loan báo và dân Chúa đã mong đợi hàng bao thế kỷ.  Cuối cùng, họ đã không tìm được lối thoát cho mình và dân tộc.  Họ gặp bế tắc về mọi mặt tôn giáo, chính trị, xã hội, v.v.  Chỉ biết cắm đầu thỏa mãn những tham vọng nhất thời, họ không thể phóng tầm nhìn về tương lai.   

Ðến nay, nhân loại vẫn chưa thoát vòng luẩn quẩn đó.  Bằng chứng, tại Nhật bản, một nước phát triển vào bậc nhất nhì thế giới, giới trẻ đang gặp bế tắc.  Một số tìm lối thoát trong những cuộc tự tử tập thể.  Những tiến bộ vượt bực về kỹ thuật  cũng không thể giúp giới trẻ tìm được câu giải đáp cho những vấn đề mới mẻ hôm nay.  Giới trẻ khao khát lý tưởng tự do, hòa bình, đối thoại v.v. nhưng xã hội vẫn tràn ngập những khối người đóng kín.  Hàng trăm kiểu ăn chơi cũng không làm họ thỏa mãn.  Những thành công về mọi mặt văn hóa và chính trị không bảo đảm cuộc sống hạnh phúc.  Những tính toán trong thương mại, kinh tế, tài chánh v.v. càng làm cho lòng người ra nặng nề.  Xã hội đầy bất công, hận thù, chiến tranh . . .

Chìm sâu trong cảnh sống như thế, làm sao con người có thể tỉnh thức trước lời hứa đầy hy vọng của Thiên Chúa ?   Muốn tìm lối thoát cho cuộc sống hôm nay, thiết tưởng phải mở lại lịch sử dân Chúa.  Thời ngôn sứ Giêrêmia, Giêrusalem mới bị dân ngoại xâm lăng.  Qua ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa hứa cho dân Israel “một Ðấng Công Chính để nối nghiệp Ðavít ; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.”[6]   Họ rất vui khi bắt gặp niềm hy vọng lớn lao đó.  Chỉ cần Người hiện diện, mọi sự sẽ biến đổi tận gốc.  Từ tên thành đến đời sống đều rực lên niềm hy vọng.  Giêrusalem sẽ không còn là đất bỏ hoang, nhưng tràn đầy sự sống và của cải.  Dân Chúa đã tìm được lối thoát nơi Hậu Duệ Ðavít là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng sẽ đem lại công lý và bình an cho muôn dân.

Quả thực, Ðức Giêsu là lối thoát duy nhất cho mọi bế tắc hôm nay.  Người sẽ phục hồi tất cả những gì đổ vỡ.  Người sẽ củng cố bàn chân chúng ta giữa những phong ba bão táp, những xáo trộn, thử thách và cám dỗ cuộc đời.  Người xuất hiện để tái lập trật tự và phục hồi bản chất con người chúng ta.  Vì Người là Ðức Chúa,[7] sự khôn ngoan của Thiên Chúa,[8] Con Người,[9] Con Thiên Chúa đến trong quyền lực,[10] Ngôi Lời Thiên Chúa làm người[11] để cứu độ muôn dân.

Hôm nay, Người vẫn hiện diện như niềm hy vọng lớn lao.  Giữa những đổ vỡ hiện tại, vẫn có những dấu chỉ niềm hy vọng.  Xin đừng than trách đức tin khủng hoảng, những giá trị mất mát, giới trẻ bỏ nhà thờ và không giữ luật lệ nữa.  Tin Mừng không bao giờ ngưng bước.  Niềm tin vẫn chưa chết. Hàng triệu bạn trẻ tụ hội đầy ắp công trường Phêrô để cầu nguyện, khóc thương và dự tang lễ ÐGH Gioan Phaolô II là một bằng chứng hùng hồn.  Các tín hữu tuốn đế Lộ Ðức bên Pháp càng củng cố bằng chứng niềm hy vọng đó.  Các bạn trẻ tuốn về Taizé làm gì, nếu không phải tìm lối thoát nơi Ðức Giêsu Kitô ? Biết bao cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội của Giáo hội có mặt khắp thế giới chắc chắn đã gieo niềm hy vọng và khai thông nhiều bế tắc trong cuộc sống con người. 

Nếu có thiện chí, con người sẽ tìm được những giải đáp thỏa đáng trong Lời hứa của Thiên Chúa.  Lời hứa ấy đã thành sự thật nơi Tin Mừng Phục Sinh của Ðức Giêsu Kitô.  Sự phong phú khôn lường của Ðức Kitô không thể đóng khung trong một hình thức cứng ngắc của một nền văn hóa đặc biệt nào. Tuy thế, văn hóa Âu Mỹ đã khá thành công trong việc diễn tả và hội nhập Tin Mừng.  Ví dụ những ý niệm công lý, hòa bình, bác ái đều phát xuất từ Tin Mừng.  Nhưng những giá trị ấy đã trở thành gia sản rất tự nhiên của nền văn hóa Âu Mỹ và ăn sâu vào nếp sống xã hội.  Nhưng chính những hoa trái tốt đẹp ấy lại thui chột trong xã hội Việt nam.  Xã hội Việt nam vẫn bế tắc vì thiếu những giá trị cao quý đó.   Sau gần 500 năm được rao giảng ở Việt nam, Tin Mừng vẫn chưa biến thành sức mạnh khai thông những bế tắc trong văn hóa và xã hội hôm nay.  Tại sao ?

Tới đây, mới thấy Mùa Vọng không phải chỉ là một thời gian phụng vụ.  Mùa Vọng còn là thời gian bắt đầu lại việc dấn thân, lời hứa, niềm hy vọng đầy tin yêu.  Ðường phục hồi quê hương còn dài và đầy chông gai.  Nhưng, cùng với niềm hy vọng mong chờ Chúa đến, chúng ta tiến bước đến một tương lai đầy hứa hẹn cho quê hương.  Những bông hoa Tin Mừng như công lý, tự do, nhân quyền, hòa bình v.v. sẽ nở rộ trên khắp nẻo đường Việt nam, nếu chúng ta bắt đầu sống tinh thần Mùa Vọng từ hôm nay

. 

Lạy Chúa, xin làm cho dân tộc Việt nam chúng con biết đặt tất cả  niềm hy vọng nơi Ðức Giêsu Kitô, nguồn ơn cứu độ duy nhất của chúng con.  Amen.

 

đỗ lực,

dzuize@gmail.com

 



[1] Lc 21:28.

[2] Lc 21:36.

[3] Tx 4:1.

[4] Lc 21:27.

[5] Lc 21:34.

[6] Gr 33:15.

[7] Rm 10:9; x. 1 Cr 12:3; 8:6; Cv 2:36; Pl 2:11.

[8] 1 Cr 1:24; Cl 1:15-16; Dt 1:3.

[9] Mc 2:28; 8:31; 13:26.

[10] Rm 1:3-4.

[11] Kh 19:13; 1 Ga 1:1; Ga 1:1, 14.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà