TÌM VỀ Tổ ẤM

(Lc 2:41-52)

 

Ngày nay có nhiều cha mẹ rất lo lắng về con cái.  Lo vì không biết con cái có an toàn khi ra khỏi nhà hay không ?  Không biết con có học hành đàng hoàng hay chạy theo bè bạn sống buông thả ?  Không biết tương lai con ra sao ?  Không biết con có làm bác sỹ, kỹ sư hay phải làm phu khuân vác ?  Lo lắng quá, nhiều cha mẹ mất ăn mất ngủ.  Thêm vào đó, những lo toan về cuộc sống vật chất, những tương quan gia đình và xã hội v.v. càng chất những gánh rất nặng nề trên vai họ.

Muốn tìm một lối thoát và sống hạnh phúc, cần nhìn vào Thánh Gia Thất hôm nay.  Nơi đây có một bài học rất giá trị và lớn lao về đời sống gia đình.  Bài học trước tiên là sự thinh lặng.  Ðây là một điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tinh thần.  Còn ai thinh lặng bằng Thánh Giuse, trưởng gia đình ?  Còn Mẹ Maria, trước mọi biến cố, Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.”[1]  Phải có một sự thinh lặng nội tâm mới có thể giúp Mẹ suy gẫm và khắc sâu những sự kiện trong cuộc đời Chúa Cứu Thế.  Sống trong vùng thôn quê, Mẹ càng dễ có điều kiện thinh lặng mà đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Ý Thiên Chúa. Cần phải biết quý trọng sự thinh lặng, mới có thể thấy những giá trị lớn lao đang chìm sâu hay bị che khuất trong khung cảnh gia đình.  Từ đó, cần có một nỗ lực tập thể mới có thể khai phá những giá trị cao quý đó. 

Nỗ lực đó bắt đầu bằng một sự chiêm niệm mầu nhiệm sự sống trong Thánh Gia Thất.  Thánh Gia dạy chúng ta biết sự sống gia đình là gì.  Ðó là một cuộc hiệp thông tình yêu, một vẻ đẹp chân phương và đơn sơ, một tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm.  Sống giữa những tương giao thân thiết và ấm cúng, toàn thể thành phần trong căn nhà nhỏ Nadarét đã bước vào cuộc hiệp thông tình yêu sâu đậm và nồng nàn, vì Ðức Kitô  hiện diện ở đó như “Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”[2]  Người là hiện thân tình yêu, một tình yêu khả giác giữa thế giới hữu hình.  Qua Người, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse đi vào cuộc hiệp thông sâu xa với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Ðức Kitô trở thành chìa khóa mở vào kho tàng tình yêu Thiên Chúa và nền tảng cho mọi niềm hy vọng.  Nhờ đó, Thánh Gia đứng vững trước những cơn phong ba bão táp.

 Trong Thánh Gia Thất, một chiều kích vô cùng thánh thiêng được tìm thấy trong tương quan giữa các phần tử, vì Ðức Kitô là tột đỉnh mạc khải tình yêu Thiên Chúa làm người.  Người hiện diện như tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa giữa nhân loại.  Vì thế, tuy là con, Người vẫn được tôn trọng.  Nhưng không phải vì thế Người đánh mất lòng hiếu kính đối với cha mẹ.  Suốt thời gian sống dưới mái Thánh Gia Thất, Người “hằng vâng phục các ngài,”[3] vì Người biết Ðức Mẹ và Thánh Giuse là những vị đại diện Chúa Cha.  Chính nhờ tinh thần hiếu thảo đó, Ðức Giêsu đã trưởng thành về mọi mặt.[4]  Nếu không, Người không thể nào đứng vững trước bao cơn thử thách và chấp nhận cái chết để cứu độ toàn thể nhân loại.

Nhiều gia đình hôm nay đổ vỡ vì đánh mất chiều kích thánh thiêng.  Chỉ còn những nhu cầu vật chất.  Những tương giao hoàn toàn nhân loại.  Các thành phần gia đình không còn biết tôn trọng lẫn nhau và lo cho nhau. Tuy sống trong một môi trường nhỏ bé và dễ thẩm thấu, nhưng các thành phần gia đình vẫn là những thực tại bất khả xâm phạm, vì mỗi người mang một chiều kích thánh thiêng độc đáo.

Nhưng chiều kích thánh thiêng không làm cho tương giao giữa các phần tử gia đình nên phức tạp.  Quả thế, càng thánh thiêng, Thánh Gia Thất bộc lộ rõ nét vẻ đẹp chân phương và đơn sơ, một đức tính ngày càng hiếm hoi trong các gia đình ngày nay.  Càng nhiều nhu cầu, cuộc sống càng phức tạp và con người càng dễ đụng chạm và đòi hỏi.  Gia đình càng dễ bất ổn và mất bình an.  Muốn tìm lại được sự bình an, gia đình phải tìm lại hình ảnh đích thực của mình.  Gia đình là phản ánh gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.  Thánh Gia Thất là hình ảnh tuyệt vời về Ba Ngôi.  Quả thực, trong Thánh Gia Thất, Chúa Cha được tôn kính như suối nguồn sự sống và tình yêu tuyệt vời.  Chúa Con là hiện thân thực sự của tình yêu này.  Nhờ kinh nghiệm sống, các ngài cảm thấy Chúa Thánh Thần như một Tặng Phẩm tình yêu.[5]  Sống trong tương quan Ba Ngôi, Thánh Gia cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn.  Tất cả trần gian chỉ còn là phương tiện để phục vụ cho một mục đích cao cả là tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.  Không còn gì đơn giản và phong phú hơn ! 

Ngôi Lời đã làm người và ở giữa Ðức Mẹ và Thánh Cả Giuse.  Sống dưới mái ấm Nadarét, Ðức Giêsu luôn làm việc không những để nên giống Chúa Cha,[6] mà còn noi gương Ðức Mẹ và Thánh Giuse nữa.  Nhờ lao động, Thánh Gia Thất mới tồn tại và phát triển.  Cũng nhờ lao động, con người Ðức Giêsu mới quen nếp sống tự lập và trưởng thành.  Ðây là bài học rất lớn của Con Bác Thợ Mộc Nadarét để lại cho chúng ta.   Muốn thấu hiểu luật lao động cao cả và mang lại ơn cứu độ cho con người, cần phải nhìn kỹ vào Thánh Gia Thất.  Lao động có một chiều kích siêu việt, chứ không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất.  Nếu nhắm đúng ý hướng Thiên Chúa, lao động có thể trở thành một phương tiện đem lại phúc trường sinh[7]  và công bố ơn cứu độ cho muôn dân.  Chính khi đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm kế sinh nhai, Ðức Giêsu đã học một bài học hy sinh rất lớn.

Thánh Gia minh họa cho ta thấy rõ bản chất cụ thể của đời sống gia đình là gì. Ðó là một trường dạy nhân đức cho cả cha mẹ và con cái.  Nơi đó, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, và học cách liên kết với Thiên Chúa và tha nhân.  Gia đình là nơi tình yêu được trao ban hoàn toàn nhưng không.  Ðó là nơi chúng ta học cách yêu thương, cầu nguyện và thực hành bác ái.  Theo ÐGH Gioan Phaolô II, hơn bất cứ thực tại trần thế nào, gia đình là nơi con người được yêu thương chân thành và học cách thực sự hy sinh chính mình.  Nói khác, nơi gia đình, con người học cách trở nên giống Thiên Chúa tình yêu.  Càng sống trong gia đình, họ càng có nhiều cơ hội chịu đựng, tha thứ và bao dung.  Trong khung cảnh nhỏ bé đó, không thiếu những thách đố cho những con người muốn làm chứng cho Chúa.  Sống với nhau, không thể tránh những tiêu cực.  Làm sao có thể thoát khỏi những tiêu cực đó, nếu không biết tha thứ cho nhau ?  

Trong môi trường gia đình, con cái được dạy cách nhìn, cách sống và thực hành niềm tin.  Từ đó, con người có thể dễ dàng chia sẻ cuộc sống trong cộng đoàn.  Những đức tính như bác ái, quảng đại, anh hùng, bao dung đều được hun đúc trong môi trường đó.   Những đức tính đó cũng là nền tảng cần thiết cho công cuộc cứu độ và là sức mạnh trấn át những lực phá hủy sự sống.   Muốn thế, cần phải mở lòng lắng nghe tiếng nói từ Thiên Chúa như Thánh Giuse, Ðấng đã để lại một gương mẫu cho các bậc làm cha mẹ. Ðời sống Người được chúc phúc vì đã biết chăm lo đến Ðức Giêsu và Mẹ Maria.  Mỗi khi Người gặp những nguy hiểm trong cuộc sống, thiên thần đều đến báo cho Người trong giấc mộng.  Ðây là hình ảnh tuyệt vời của một con người lắng nghe và hành động theo tiếng nói nằm sâu tận tầng vô thức và được mạc khải trong giấc mơ.  Người đã đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria tới nơi tiếng đó mời gọi.  Bởi vậy, Người đã trở thành bổn mạng cho Giáo hội toàn cầu, không phải chỉ vì đã coi sóc Thánh Gia Thất, nhưg còn vì cách coi sóc của Người.  Muốn chu toàn bổn phận làm cha mẹ, chúng ta cần noi gương Người lắng nghe sứ điệp và các giáo huấn của Chúa qua Giáo hội.  Nhờ đó, chúng ta mới được đầy tràn ân sủng để có thể hy sinh cho gia đình.

Nhìn vào nguồn ân sủng tràn ngập trong Thánh Gia Thất, chúng ta không khỏi băn khoăn về tình trạng gia đình hôm nay.  Nhiều người thất bại trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, chỉ vì thiếu ân sủng cần thiết.  Họ không được hướng dẫn theo ý hướng Thiên Chúa như Thánh Gia Thất.  Quá tự do hay quá lệ thuộc không phải là đường lối Thiên Chúa muốn cho cuộc sống gia đình.  Quá tự do như trong nếp sống Tây Phương cũng dễ đưa con người rơi vào tình trạng cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ vật chất.  Quá lệ thuộc như lối giáo dục Việt nam, con người cũng khó trưởng thành thực sự.  Nhìn vào Thánh Gia Thất, mới thấy đường lối giáo dục rất khôn ngoan.

Khi làm người con sống dưới mái ấm Nadarét, Ðức Giêsu cũng lớn lên theo những định luật tâm, sinh, thể lý.  Chắc chắn nhiều lần Người cũng được Ðức Mẹ và Thánh Giuse tập đi những bước đầu tiên.  Khi tập tễnh bước theo cha mẹ, Người cũng đã có lúc ngã té.  Sau mấy lần thất bại, Người đã có thể đi một mình.  Từ lúc xa rời cánh tay cha mẹ, Người đã có những bước đi riêng.  Bằng chứng suốt ba ngày ở lại trong Ðền thờ, Người đã làm cho các ngài lo lắng.  Lúc gặp lại, Mẹ Người đã phải than lên : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ?  Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !”[8]  Thắc mắc đó ghi sâu vào cõi lòng Mẹ một nỗi đau vì sự chia cách trong thời gian ngắn, nhưng đồng thời cho thấy một hướng đi mới trong cuộc lữ hành trần thế.  Người Con không còn bước theo cha mẹ nữa.  Hướng đi mới đó có thể làm cho cha mẹ ngạc nhiên vì không thể hiểu thấu mọi góc cạnh, nhưng vẫn không làm cho Người Con xa lìa sự quan phòng của Thiên Chúa Cha.  Tuy không hiểu những toan tính của Con, ông bà cũng vui mừng khi thấy Người Con “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.”[9] 

Ngày tháng cứ dần trôi.  Ðức Giêsu ngày càng tỏ ra “khó hiểu.”   “Bổn phận ở nhà của Cha”[10] ngày càng thúc bách Người. Người hướng về Giêrusalem, lúc mười hai tuổi cùng với cha mẹ, nhưng lúc trên ba mươi tuổi Người leo lên khổ giá một mình.  Ðó là hướng đi không bao giờ nằm trong tầm nhìn của Mẹ Maria và Thánh Giuse.  Nhưng cả hai Ðấng đều đã chuẩn bị rất kỹ cho Người Con trong Thánh Gia Thất.

Hôm nay, nhìn lại gia đình, chúng ta có bao giờ thấy những bế tắc trong việc giáo dục con cái  không ?  Tại sao chúng ta cứ để cho con cái bám mãi vào tay chúng ta ?  Tập cho con đi là để con có thể đi một mình.  Tại sao chúng ta không dám cho con tự chọn lấy hướng sống ?  Lối giáo dục con theo chế độ bảo hộ có bảo đảm một tương lai tốt đẹp cho con không ?   Có một sự bất ổn trong lối giáo dục gia đình Việt nam hôm nay, vì cha mẹ không hoàn toàn tin tưởng tương lai con cái nằm trong bàn tay Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa, xin cho con biết noi theo gương Thánh Gia Thất để biết sống tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng đầy tình thương và khôn ngoan của Chúa.  Con xin phó thác tất cả gia đình và con cái con trong tay Chúa.  Xin Chúa thương che chở và giữ gìn gia đình chúng con.  Amen.

 

 

đỗ lực, 31.12.2006

dzuize@gmail.com

 

 

 

 



[1] Lc 2:51

[2] Mt 1:23.

[3] Lc 2:51.

[4] x. Lc 2:52.

[5] x. Rm 5:5.

[6] x. Ga 5:17.

[7] x. Ga 6:27.

[8] Lc 2:48.

[9] Lc 2:52.

[10] Lc 2:49.



Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà