Ngày 16.07.2006

ÐỜI CÒN CÓ NHAU

Mc 6:7-13

 

Tin Mừng hôm nay vẽ ra một cảnh tượng vô cùng hoành tráng.  Nhưng phải đọc ngược từ dưới lên trên, chúng ta mới thấy tất cả sự thật.  Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, trần gian đúng là nơi quỷ dữ tung hoành.  Thần ô uế cũng ăn chia với bọn quỷ dữ đó.  Khắp nơi đủ thứ dấu hiệu quỷ dữ quấy phá như bệnh tật tinh thần và thân xác, những đố kỵ ghen ghét, không chấp nhận và lắng nghe nhau.  Những cảnh hất hủi các môn đệ và chối bỏ Tin Mừng.  Những cảnh chém giết, bắt bớ, tù đầy, khủng bố v.v.

Gia đình tôi  bây giờ cũng nhuốm mầu trần gian một trăm phần trăm rồi.  Không biết nó đã biến thành  hỏa ngục từ bao giờ.  Dĩ nhiên hỏa ngục nào cũng đầy quỷ sứ.  Quỷ kiêu ngạo, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, đố kỵ . . .  Quỷ nào cũng dữ cả !   Cuộc sống chung thật nặng nề.  Không chịu đựng nổi nhau.  Không thể tha thứ cho nhau ! 

Ðứng trước thực tế đó, Chúa Giêsu có bi quan không ?  Người đưa ra những kế hoạch và giải pháp nào ?   Là môn đệ Chúa Giêsu, tôi có nghe thấy tiếng gọi và nhận rõ sứ mệnh của mình không ?  Nếu cứ tiếp tục theo nếp sống hưởng thụ và xây dựng cuộc đời hiện tại và tương lai trên những của cải vật chất và tiền bạc, tôi có thể giải quyết những vấn đề lớn lao trong gia đình tôi hôm nay không ?

Trước cảnh trần gian đầy dẫy những vấn đề tiêu cực lớn lao như thế, “Ðức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai từng hai người một đi ... rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.” (Mc 6:7.12)  Thật là can đảm !  Với một số lượng nhân sự quá ít ỏi, Người có thể làm được gì cho trần gian ?  Ðã thế, nhóm người nhỏ bé đó lại bị tước đoạt tất cả những phương tiện vật chất (x. Mc 6:8-9).  Làm sao họ có thể chinh phục được trần gian ?  Thật mạo hiểm !  Không phải ai cũng đón tiếp những hạng người “khố rách áo ôm” như các ngài (x. Mc 6:11)!  Mời các ngài vào trọ trong nhà vừa tốn kém, vừa phải nghe những “sự thật mất lòng” nữa.  Dại gì đón tiếp và lắng nghe những con người gây xáo trộn cuộc sống đang yên ổn này !

Tiếp theo bước chân của “Nhóm Mười Hai,” Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tông du Tây Ban Nha từ 1/7 đến 9/7/2006.  Tông du vào một miền đang có rất nhiều vấn đề liên quan tới gia đình như hôn nhân đồng tính, ly dị, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc v.v. không phải dễ.   Vậy mà tối thứ bảy có hơn một triệu người tham dự đêm canh thức.  Sáng chủ nhật khỏang 2, 2 triệu người (Zenit.org 12. 7.2006) đã quây quần xung quanh Đức Thánh Cha cử hành long trọng Thánh lễ bế mạc ngoài trời.  Như thế, người đã thành công trong việc hướng dẫn Ðại Hội Thế Giới Về Gia Ðình Lần Thứ Năm ở Valencia với chủ đề: “Tiếp Tục Lưu Truyền Đức Tin Trong Gia Ðình.”   

Chủ điểm của cuộc tông du đó vẫn là rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối (x. Mc 6:12), nghĩa là từ bỏ lối sống trần tục, phù du, phóng đãng, hời hợt mà trở về nếp sống biết tôn trọng nhân vị và phục vụ những quyền lợi và bổn phận bất khả nhượng của mỗi người (x. National Catholic Reporter 09/07/2006).  ÐTC “đã ở lại đó cho đến lúc ra đi” (Mc 6: 10) với nhiều ấn tượng sâu xa về “sự tiếp đón tuyệt vời, tính hiếu khách đáng mến và sự quan tâm chu đáo” (Zenit.org 12. 7.2006) của dân chúng Tây Ban Nha.

Tôi không phải là Giáo Hoàng.  Tôi không có dịp “tông du” các nước để rao giảng Tin Mừng và kêu gọi quần chúng ăn năn sám hối như ÐTC.  Tôi chỉ là “bố đời,” với một vợ và năm con.  Nhưng tôi cũng là môn đệ của Chúa Giêsu.   Như “Nhóm Mười Hai” được sai đi từng hai người một, hai đứa chúng tôi cũng được tiền định sống chung một nhà và “ở lại đó cho đến lúc ra đi” (Mc 6:10) khỏi trần gian này.  Gia đình tôi thật nhỏ bé.  Nhưng vấn đề lại quá lớn đến nỗi tôi không thể giải quyết nổi.  Làm sao tôi có thể tha thứ người vợ tôi bây giờ ?  Làm sao tôi có thể chấp nhận nổi những lối sống quá mới của những đứa con tôi ?

Suy đi nghĩ lại, tôi thấy mình chưa thuộc bài học Chúa dạy các môn đệ hôm nay.  Tôi mới chỉ là môn đệ trên sổ sách và trong những nghi thức.  Thực tế, tinh thần hưởng thụ của tôi còn rất cao độ.  Hai vợ chồng tôi “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ.”  Vậy mà cũng không đủ tiền trả bill, bảo hiểm, sắm sửa, tậu nhà cửa và xe hơi mới v.v.   Tôi hoàn toàn tin tưởng của cải vật chất sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình tôi. Nhưng sao cuộc sống chúng tôi vẫn không hạnh phúc ?  Tương lai vẫn không sáng sủa ?

Nhìn vào “Nhóm Mười Hai,” tôi thấy mình không giống ai.  Cuộc sống họ khác hẳn.  Không có tương lai.  Hiện tại cũng không.  Không phải Chúa không tiên liệu hay lo lắng cho cuộc sống của họ.  Nhưng Người muốn họ siêu thoát.  Có thế, họ mới thấy được tất cả sức mạnh và hạnh phúc của họ ở chỗ nào.  Không những phải tước lột những thứ bên ngoài, nhưng cả mạng sống nữa.  Bởi vậy, họ luôn sống phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Vào nhà nào, họ không mong được hưởng thụ, nhưng luôn phục vụ.  Họ tìm mọi cách rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Nhìn vào lối sống và nghe lời kêu gọi sám hối, chắc chắn mọi người biết phải làm gì để được hạnh phúc và bình an.

Càng suy nghĩ tôi càng xấu hổ.  Ðược sai đến gia đình này, tôi đã nói năng và hành động như thế nào ?  Tôi có tiếp nhận vợ con tôi không ?  Tôi có lắng nghe những nỗi khổ tâm của họ không ?  Tôi có sẵn sàng cởi mở để đối thoại không ?  Tôi có đại lượng đủ để tha thứ không ?  Tôi có khiêm tốn đủ để nói một lời xin lỗi bao giờ không ?  Câu trả lời cho mấy chục năm chung sống là : KHÔNG !

Rõ ràng tinh thần hưởng thụ đã ăn quá sâu vào nếp sống của tôi.  Không phải chỉ có một xe hơi, nhưng tôi còn có đủ kiểu xe cho những nhu cầu làm ăn và đua đòi nữa.  Có đếm cả ngày, vợ con tôi cũng không thể liệt kê những quần áo, giầy dép, đầu máy, tivi, đĩa nhạc v.v. của tôi.  Chiều về tới nhà, tôi đã lao nhanh vào bộ ghế salon, tay cầm chiếc remote control, bật hết đài này sang đài khác, mặc kệ người vợ một mình loay hoay trong bếp.  Ðợi nàng nấu xong, tôi lao ngay ra bàn ăn, xúc vội chén cơm chạy ra salon tiếp tục coi nốt trận banh túc cầu thế giới hay bộ phim chưởng.  Một mình chẳng nói chẳng rằng.   Ngày nay tiếp ngày kia, tôi sống như bóng ma trong gia đình.  Nhà tôi toàn ma với quỷ !

Cuộc đời cứ trôi đi.  Tôi không còn thời giờ nghĩ đến người khác nữa.  Thực sự, chúng tôi chăng bao giờ gặp gỡ nhau.  Chính vì không gặp gỡ nhau, nên chúng tôi cũng chẳng gặp được Thiên Chúa.  Còn gì thiệt hại hơn nữa không ?!  Tiếc quá !   Phải làm gì bây giờ ? 

Phải có Chúa, tình yêu chúng tôi mới được thanh tẩy và trưởng thành.  Từ đó, tình yêu mới hoàn toàn là của con người và trở thành nguyên ủy sinh ra niềm vui đích thực và lâu dài.   Nếu biết mình được kêu gọi để “loan báo sức mạnh tình yêu chân thực,” chúng tôi đã biến gia đình thành trung tâm truyền giáo rồi.  Mấy chục năm sống trong nhà này, nếu vợ chồng tôi luôn nói lời bình an và sống Tin Mừng, chắc chắn gia đình tôi đã trở thành nơi mọi người gặp gỡ Thiên Chúa.  Chắc chắn chúng tôi đã gần hoàn thành sứ mệnh thông truyền đức tin cho con cái rồi. 

Phải làm lại cuộc đời thôi !  Phải biến gia đình thành một lớp để mọi người học cách “cho đi và đón nhận tình yêu.” Thái độ của ÐTC tại Tây Ban Nha làm cho tôi suy nghĩ vô cùng.  Người luôn giữ thái độ tích cực và lạc quan về tương lai các gia đình và nhân loại.  Người lên tiếng với các gia đình : “Hãy sống hạnh phúc.”  “Gia đình nào yêu nhau sẽ sống hạnh phúc !”  Thật là đơn giản những lời khuyên nhủ chí tình của ÐTC cho các gia đình khi viếng thăm Valencia, Tây Ban Nha. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ đến lời Chúa gọi và sứ mệnh Chúa đã trao cho gia đình con !   Xin Chúa hãy hiện diện trong gia đình con, để nước lã có thể biến thành rượu ngon.  Nếu không nước lã vẫn là nước lã.  Tệ hơn nữa, rượu ngon có thể biến thành nước lã.  Lạy Chúa, ngày nào tình yêu chúng con còn thơm ngon như rượu nồng ngày cưới.  Thế mà rượu đã biến thành nước lã từ bao giờ.  Chán quá, Chúa ơi !  Con biết không những Chúa đã gọi và sai chúng con vào căn nhà này, nhưng còn ban cho chúng con quyền trên các thần ô uế và trừ quỷ nữa (x. Mc 6:7:13).  Chúa biết rõ trong nhà con đang có những quỷ dữ nào hoành hành.  Bao giờ con mới có thể trừ được chúng đây ?  Lạy Chúa,  xin đừng xa con !  Amen.

 

Lm. Giuse Đỗ vân Lực, OP

dzuize@gmail.com

 


Mục Lục