Ngày 04.06.2006

 

THẦN KHÍ VÀ CON NGƯỜI

Ga 20:19-23

 

Lần nào sang California hay gặp người từ đó qua Houston, tôi đều được chia sẻ một giấc mơ không bao giờ thành sự thật.  Họ mơ ước có được những xứ đạo Việt Nam thuần túy như Houston !  Thấy cảnh sinh hoạt vui nhộn và thuần túy Việt Nam ở đây, họ rất “thèm thuồng.”   Từ một kinh nghiệm đau đớn về sự chia rẽ tại một giáo hội địa phương, các giám mục California đã quyết định không cho phép thành lập xứ đạo Việt Nam ở California.  Thực trạng phải lệ thuộc vào xứ đạo Mỹ là kết quả của những quyết định đó.  Có những xứ đạo gồm trên 15,000 người Công giáo Việt Nam, nhưng vẫn không được phép thành lập xứ đạo riêng.  Suốt đời phải ăn đậu ở nhờ như thế, làm sao phát triển ?!

Giám mục Hoa kỳ tại California đã muốn tạo một sự hiệp nhất giữa các dân tộc theo kiểu đồng hóa như thế.  Họ lập luận rằng mấy chục năm nữa sắc dân Việt Nam cũng phải hòa nhập vào các xứ Mỹ, nên bắt buộc họ phải sinh hoạt chung với Mỹ.  Các giám mục đã coi thường vai trò văn hóa và ngôn ngữ trong việc rao giảng Tin Mừng.  Họ “phớt lờ” yếu tố thời gian của con người và đặc tính “hôm nay” của Tin Mừng.  Họ đã quên biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên Giáo hội hôm nay. 

Mở lại Công vụ Tông Ðồ, chúng ta thấy đám đông hôm đó thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau.  Nhưng họ đều nghe chung một sứ điệp Tin Mừng.  Tuy Tin Mừng  vượt qua mọi biên giới chủng tộc, văn hóa, chính trị, nhưng Thánh Linh vẫn tôn trọng đặc tính của từng đặc thù mỗi dân tộc.  Sở dĩ Tin Mừng đã thành công chỉ vì khi nghe các tông đồ, “các dân thiên hạ” đều “nghe họ nói tiếng mẹ đẻ” (Cv 2:8) của mình.  Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng.  Thánh Linh đã không phá đổ hàng rào ngôn ngữ và văn hóa để đem Tin Mừng đến muôn dân.  Trái lại, ngôn ngữ đã làm phong phú, chứ không làm nghèo nàn hay hủy diệt, sự hiệp nhất của Giáo hội.  Ðó là sự hiệp nhất trong đa dạng. 

Các tông đồ đã không dùng ngôn ngữ Do thái như một phương tiện áp đảo hay hủy diệt các ngôn ngữ khác.  Trái lại, chính vì tôn trọng sự khác biệt của các ngôn ngữ và văn hóa, nên Thánh Linh mới giúp các tông đồ có khả năng “nói các thứ tiếng khác.” (Cv 2:4)  Chính những người nghe cũng làm chứng : “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.” (Cv 2:11)  Giả sử hôm đó, các tông đồ, xuất thân từ Galilê (x. Cv 2:7), cứ khăng khăng dùng tiếng địa phương của mình, bất chấp đám đông, liệu Tin Mừng có được đón nhận như vậy không ?   Liệu có quy tụ và hiệp nhất muôn dân trong Ðức Giêsu Kitô không ?

          Ngay từ đầu, Giáo hội đã là một kiệt tác của Chúa Thánh Thần.  Nét vĩ đại nhất không phải là các tông đồ nói được nhiều ngôn ngữ hay được trao nhiều quyền bính.  Quyền bính có thể tạo sự đồng nhất và thống nhất dễ dàng.  Nhưng thống nhất cũng chưa phải là hiệp nhất.  Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện cuộc hiệp nhất mà thôi. Quyền bính phải phát xuất từ Thánh Thần và có mục đích giải thoát con người.  Quyền bính trong Giáo hội không được lập nên để áp dụng hay bảo vệ chế độ “xin cho.” 

Tin mừng giải thoát không tạo nên một Giáo hội độc tài như thế được !  “Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta.” (Gl 5:1)  GHVN hôm nay đã thấy rất rõ mình bị hạn chế chừng nào trong chế độ “xin cho.”   Nhưng GHVN lại không thấy mình đã bị ảnh hưởng nặng nề vì chế độ “xin cho” đó.  Cũng như lề luật, quyền bính được lập nên vì con người, chứ không phải con người được sinh ra  cho quyền bính.  Mặc dù “Con Người làm chủ ngày Sabbát,” (Mt 12:8) nhưng Người “muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế,” (Mt 12:7) do những quy định của quyền bính. 

          Nói thế, Chúa không có ý phủ nhận quyền bính.  Quyền bính cần thiết cho con người và phát xuất từ Thiên Chúa.  Nhưng thứ gì rớt vào tay con người đều có thể bị lạm dụng.  Quyền bính đích thực bao giờ cũng nhằm phục vụ con người.  Chính vì thế, sau khi thổi hơi và ban Thần Khí cho các môn đệ, Chúa nói ngay đến quyền tha tội (x. Ga  20:23).  Quyền tha tội và cầm giữ không biến Giáo hội thành  ông chủ ban ơn : nếu xin thì cho.  Chẳng lẽ Giáo hội chễm chệ đóng vai ông chủ để bắt Ðức Kitô quỳ xuống rửa chân cho mình ?  Nghe lời Thày Chí thánh, chúng ta hãy quỳ xuống rửa chân cho nhau.  Giáo hội phải là người đầy tớ phục vụ con người.  Chỉ có phục vụ, Giáo hội mới có thể giải thoát con người.  Nếu chỉ lo thống trị, Giáo hội sẽ đánh mất bản chất và sứ mạng của mình.  

          Sở dĩ Giáo hội đánh mất bản chất và lạc hướng vì con người lãnh đạo đã vong thân.  Khi người lãnh đạo đánh mất chính mình, quyền bính cũng mất tính người và cũng không phải của con người nữa.  Quyền bính trở thành một bộ máy khổng lồ đàn áp con người.  Ðã đến lúc cần phải bỏ cái nhìn cơ chế về quyền bính.  Muốn đạt mục đích và lấy lại bản chất quyền bính, cần phải có cái nhìn như thánh Phaolô.  Nghĩa là, phải thay thế cái nhìn cơ chế bằng cái nhìn nhân bản và thần học về quyền bính như thánh Phaolô.   Nói cho cùng, chỉ có một cái nhìn duy nhất về Giáo hội.  Sở dĩ Giáo Hội Sơ Khai đã thành công ngay khi mới sự rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, vì “tất cả chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.  Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 12:13)  Rửa trong Thần Khí hay được dìm mình trong cái chết của Chúa Kitô cũng giống nhau. 

Tại sao GHVN lâm vào tình trạng bế tắc hiện nay ?   Có lẽ vì chúng ta đã “phớt lờ” sự hướng dẫn của Thần Khí.  Chẳng hạn, trong lãnh vực phụng vụ, muốn tôn vinh Thiên Chúa, con người phải xóa bỏ mình hoàn toàn.  Nhưng cả hơn bốn chục năm qua, một thời gian dài bằng một đời người hoạt động, GHVN vẫn không làm nổi một bản dịch phụng vụ vì ai cũng tìm cách xác định cái tôi của mình quá kỹ.  Có người còn cho chỉ có bản dịch của mình mới là “tinh hoa,” là kết quả làm việc của “mọi người.”  Giữa một rừng “cái tôi” dầy đặc như vậy, Thần Khí hoạt động chỗ nào ?  Ai cũng là ông tướng quát tháo giữa ba quân, làm sao nghe tiếng Thần Khí để nhắm tới “ích chung” ?   Tại sao lại quên thực tế “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12:11)  Biết bao nhân lực và vật lực đã bị phí phạm !  Các chi thể Ðức Kitô vung vãi tứ tung.

Nhưng như một thân thể, Giáo hội “có nhiều bộ phận,” “nhiều đặc sủng,” “nhiều việc phục vụ,” “nhiều hoạt động.” (1 Cr 12:4.5.6.)  Nhưng vì không để Thần Khí ghép những chi thể thành một thân thể duy nhất, nên có nhiều lộn xộn .  Có những thứ tay chân lại làm đầu.  Có những thứ đầu lại làm tay chân.  Phân công không hợp lý.  Bởi thế, Giáo hội mới lâm vào tình trạng vô hiệu năng như hiện nay.  Cứ đà này, một trăm năm nữa GHVN cũng chẳng có bản dịch phụng vụ nào ra hồn.  Thực tế, chẳng cần đợi tới trăm năm, chỉ cần mười năm nữa, những người có khả năng trí thức và nhiệt huyết hôm nay cũng sẽ chẳng còn khả năng thể lực để hoàn thành mộng ước của bao thế hệ Công giáo Việt nam. 

Mẹ Việt nam ơi, khóc lên đi !

Lạy Chúa, xin sai Thần Khí xuống để GHVN trở thành một thân thể Ðức Kitô ! Có thế, chúng con mới có thể hoạt động vì lợi ích chung của toàn thể Dân Chúa.  Xin cho mọi người biết dẹp bỏ cái tôi để Thần Khí hoạt động và Ðức Kitô lớn lên trong GHVN ! 

lm. đỗ lực, op

         

 

         


Mục Lục